Biến hàng ảo - kiếm tiền thật

Thứ Ba, 25/03/2014, 21:30

Khi mà tựa game Flappy Bird (chim vỗ cánh) của lập trình viên Nguyễn Hà Đông vẫn tiếp tục là đề tài "hot" trong lĩnh vực game trên toàn thế giới, và đã đem về cho chủ sở hữu hàng tỉ đồng mỗi ngày, thì dường như nó cũng khiến cho cơn sốt kiếm tiền "trên mạng" của giới trẻ Việt trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Từ chỗ chỉ làm "cho vui", thì hiện đã có những bạn trẻ ấp ủ ý tưởng bán hàng ảo để kiếm tiền thật.

I. Có thể nói, chưa bao giờ cơn lốc sử dụng những thứ mà người ta nghĩ đơn giản là "làm cho vui", thậm chí "vô giá trị" để biến thành tiền thật lại trở nên phổ biến như hiện nay. Trên thế giới, phong trào này đã quá phổ biến, còn ở Việt Nam thì cũng bắt đầu có mặt.

Buổi gặp gỡ đầu xuân của tôi với Tuấn, sinh viên Trường đại học Bách khoa và Khánh "ai ti", một nhân viên phụ trách IT (công nghệ thông tin) cho một công ty nước ngoài ở Việt Nam sau một vài câu hỏi thăm Tết nhất cũng lại quay về chuyện game "chim vỗ cánh" và "kiếm tiền trên mạng".

Là một fan của game Clash of Clans (một game chiến thuật do Supercell phát hành), Tuấn hào hứng chia sẻ về cách kiếm tiền mới của cậu ta. Đó là "cày" gems (một loại vật phẩm đặc trưng trong game) để bán. Tuấn cho biết, hiện tại trên thế giới có cả triệu người chơi Clash of Clans, và ở Việt Nam cũng có hàng trăm ngàn người.

Mua bán gems trong game Clash of Clans là một trong số những kênh mua hàng ảo sôi động nhất hiện nay.

Cũng xin được nói qua về tựa game nổi tiếng này. Đây là một game chiến thuật, ban đầu được phát triển cho các máy chạy hệ điều hành iOS (như Ipad, Iphone và Ipod touch), sau đó được mở rộng sang các máy có hệ điều hành android. Đây là một game cực kỳ dễ "gây nghiện" và miễn phí đối với người chơi. Tuy nhiên, như hầu hết các game khác, người chơi muốn nhanh chóng nâng cấp thành trì, bảo vệ đất đai và nâng cao hiệu quả tấn công một cách nhanh chóng thì không có cách nào khác phải bỏ thời gian ra "cày", hoặc bỏ tiền mua gems. Thời giá hiện tại là 5 đôla mua được 500 gems. Tuấn ước tính một con nghiện game hạng "xoàng" mỗi ngày cũng tiêu tốn từ 200 ngàn đến cả triệu đồng tiền gems.

Là sinh viên nên dĩ nhiên Tuấn không có tiền để mua gems, song cậu lại là "Tỉ phú thời gian". Bởi vậy, sau khi được bạn bè chỉ cách kiếm itunes gift card (thẻ quà tặng từ cửa hàng trực tuyến của Apple, thẻ này dùng để mua apps, các vật phẩm trong game…) thì Tuấn cày ngày cày đêm để kiếm gift card. Cứ 1-2 tuần là Tuấn có thể cày được 10 đôla gift card. Chính vì thế mà Tuấn dự định sẽ tiến hành… kinh doanh gift card.

Nghe Tuấn trình bày xong, Khánh IT bụm miệng cười ngất. Bởi tuy cách làm của Tuấn có vẻ "ra tiền" được, song bất cứ ai miễn là có thời gian và một chiếc máy điện thoại cũng có thể làm. Và đó cũng chỉ là cách kiếm tiền theo kiểu "cò con", chỉ làm cho vui chứ không phải thể gọi là kinh doanh được.

Hiện tại, theo Khánh để kiếm được nhiều, và nhanh thì có hai cách. Thứ nhất là kiếm tiền "sạch" bằng cách viết games, apps (ứng dụng) để bán cho các cửa hàng chuyên mua bán games, apps trực tuyến như App Store của Apple và Google Play của Google.

Hiện tại Việt Nam có cả vạn lập trình viên ngày đêm ấp ủ viết games, apps để đẩy lên các chợ ứng dụng nhằm thực hiện ước mơ bán "đồ ảo" thành tiền mặt. Nhưng nhiều năm qua những người bán được hàng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi.

Khánh IT phân tích thêm, lập trình viên muốn kiếm tiền từ các chợ ứng dụng bằng việc viết game, apps thường theo hai hướng. Cách thứ nhất là viết game, apps theo kiểu trả phí. Tức là người dùng sẽ phải bỏ tiền mua ứng dụng, game thì mới được sử dụng. Điển hình cho các game, apps này như "my maps" hay "Lạc Việt từ điển". Tỷ lệ ăn chia thường là 30-70 (nghĩa là người viết game,apps sẽ được 7 phần, chủ hệ thống sẽ được 3 phần khi mà có người mua).

Bên cạnh đó, nhiều games, apps được đẩy lên các gian hàng theo dạng "miễn phí". Nghĩa là người dùng tha hồ tải về sử dụng mà không mất bất kỳ một chi phí nào, đổi lại lập trình viên sẽ gắn kèm quảng cáo lên games, apps đó. Lợi nhuận thu được sẽ do công ty quảng cáo trả. Ngoài ra, cũng có thêm dạng games, apps "bán thu phí". Nghĩa là người dùng sau khi đã tải games, apps về cài đặt thì phần mềm vẫn chạy, song chỉ sử dụng được những tính năng cơ bản. Còn nếu muốn sử dụng tính năng nâng cao thì sẽ phải mua.

Cách kiếm tiền từ "vốn ảo" như trên (thực ra là lao động thực sự, bằng chất xám) trên thế giới họ đã làm hàng chục năm nay, và ở Việt Nam cũng đã hình thành một cộng đồng chuyên viết games, apps. Tuy nhiên, hiện trong giới ăn theo games, apps  ở Việt Nam đã xuất hiện một số "buôn hàng không vốn". Đó là việc kiếm tiền thông qua việc bán In App Purchase (AP). Đây là một tính năng được tích hợp sẵn trong hầu như những tựa game miễn phí. Tính năng này giúp người chơi có thể bỏ tiền mua vật phẩm trong game sau khi đã nạp thẻ tín dụng (hay thẻ thanh toán quốc tế).

Lợi dụng tính năng này, nhiều "nhà buôn không vốn" (đa số là các hacker) đã dùng các tài khoản "chùa", được ăn cắp từ hàng trăm, hàng ngàn tài khoản khác nhau để nạp vào Itunes (tài khoản trực tuyến để mua bán trên App Store) rồi bán cho những ai có nhu cầu.

Với vai là những người đi mua gems để nạp trong game Clash of Clans, chúng tôi liên hệ với nickname Tung… và được hẹn tại một quán café trên phố Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội). Đây là một trong số "nhà buôn" ở Hà Nội có số lượng lớn gems rao bán trên mạng Internet. Tùng cho biết mỗi ngày cửa hàng giao dịch lên tới hàng chục triệu đồng tiền mua gems.

Nhưng ngay sau đó, với vẻ khá lạnh lùng Tùng hỏi tôi mua bao nhiêu gems, và dùng hệ điều hành iOS hay android. Sau khi nghe yêu cầu, Tùng rút con Iphone 5s cáu cạnh ra lướt nhoay nhoáy trên màn hình. Cậu ta yêu cầu tôi nhập tài khoản và pass của game. Chưa đầy 5 phút sau, cả ngàn gems đã được đẩy vào tài khoản của tôi. Thấy tôi hỏi về nguồn gốc số gems (hay chính xác hơn là của tài khoản Itunes, Tùng ra vẻ cảnh giác và bảo là mua từ thẻ… Visa). Rồi cậu ta leo lên con SH, chuồn mất dạng.

Theo người thanh niên này, gems của anh ta bán là mua "xịn" từ thẻ Visa card, song những chuyên gia về IT tỏ ra ngờ vực.

Chứng kiến cuộc mua bán của tôi, Khánh IT phân tích. Trên Itunes hiện đang bán 5 đôla một Pile (500 gems), tương đương với 105 ngàn đồng, trong khi đó Tùng bán với giá 150 ngàn. Thoạt nhìn thì có vẻ lãi, song nếu tính chi ly thuế phí các kiểu, rồi tiền đi lại, giao dịch thì cũng chẳng lời lãi được là bao. Khánh đặt nghi vấn, rất có thể là tài khoản Itunes của Tùng được xuất phát từ những tài khoản bị đánh cắp (!?).--PageBreak--

Hiện tại, trên mạng Internet cũng đã có rất nhiều cảnh báo "Đừng mất tiền oan khi mua gift card (thẻ quà tặng) giá rẻ". Hiện nay trên thị trường phổ biến là Gift Card 50$ được rao bán với giá 500 ngàn đồng, thực tế nếu quen biết hay mua số lượng nhiều thì người bán sẵn sàng bán cho bạn giá rẻ hơn, chỉ tầm 200 ngàn (vì đều là tiền chùa). Tuy vậy, người mua sẽ phải chịu rủi ro lớn nếu như Apple phát hiện ra và "treo" tài khoản của người chủ.

Thành viên trung_police trên diễn đàn chuyên về công nghệ Tinh…vn đã phải lên tiếng cảnh báo về hành vi lừa đảo mua gift card của đối tượng Phạm Đức H. (Đống Đa, Hà Nội). H. quảng cáo thẻ của mình là thẻ "xịn", tuy nhiên sau khi người mua phát hiện đây là thẻ mua từ tài khoản bị hack thì H. đã… cao chạy xa bay.

II. Bên cạnh việc kiếm tiền từ việc kinh doanh vật phẩm trong games, hoặc mua bán gift card trên các gian hàng trực tuyến, giới trẻ hiện nay còn có thể "đào vàng" từ trang chia sẻ video trực tuyến lớn nhất thế giới là Youtube.

Xin được kể ra câu câu chuyện của Lala_hn…, một học sinh THPT ở Hà Nội. Vốn là một người chỉ biết học, tương đối mù về công nghệ nên dù đã học lớp 11 song hầu như Lala cũng chỉ sử dụng lên mạng Internet để… chơi cho vui, chứ không vì một mục đích gì khác. Một lần, Lala nảy ra ý định làm một clip ca nhạc để thỏa mãn niềm yêu thích nhạc Pháp của mình, rồi up lên mạng Youtube cũng chỉ để chia sẻ với bạn bè cho vui.

Không ngờ, clip của cô lại nhanh chóng được lan truyền, và số view lên tới cả trăm ngàn. Và lập tức có nhiều lời chào mời từ các công ty quảng cáo đã bay tới địa chỉ email của Lala, đề nghị được cộng tác, được đăng quảng cáo lên các clip tiếp theo, dĩ nhiên là lợi nhuận sẽ được chia sẻ.

Con đường để kiếm tiền của Lala vẫn đang trong quá trình trở thành hiện thực, nhưng với một số bạn trẻ có năng khiếu trong việc thu hút người xem clip của mình, thì youtube partner (cộng sự với youtube) đang trở thành một kênh kiếm tiền ra tấm ra món.

Theo tiết lộ của một youtube partner, chương trình trên được youtube đưa vào hệ thống từ năm 2009, với một số tiêu chuẩn khá khắt khe như: video phải do chính user (chủ tài khoản) tạo ra, thường xuyên hoạt động với lượng truy cập và người đăng ký theo dõi (subscriber) nhất định, và đặc biệt video không sử dụng hình ảnh, âm thanh vi phạm bản quyền. Ban đầu, việc đăng kí trở thành youtube partner khá là khắt khe, song hiện tại, chuyện đăng kí khá dễ dàng và chỉ mất từ 1 đến 2 ngày.

Sau khi trở thành cộng sự, các video của teen sẽ có thêm tính năng kiếm tiền qua quảng cáo. Lượng thu nhập này phụ thuộc vào lượng người xem và theo dõi của tài khoản youtube. Theo ước tính thông thường, 1.000 views (lượt truy cập) sẽ được trả 1 đôla; song nếu như clip nào có lượng người theo dõi "khủng", chủ nhân của nó có thể kiếm được gấp 5, 7 lần cũng với lượng view tương tự, và một video thông thường có thể kiếm đến hàng nghìn đô.

Một số partner người nước ngoài như Ray William Johnson kiếm đến 9 ngàn đô mỗi ngày, còn Niga Higa "cá kiếm" hơn 2 triệu đô chỉ trong một năm. Natalie Tran, "nữ hoàng youtube" người Úc gốc Việt, thu về 200 nghìn đô mỗi năm. Cô gái gốc Việt Michelle Phan cũng thu được ước chừng 130 ngàn đô mỗi năm nhờ những video hướng dẫn trang điểm của mình.

Còn JVevermind (một partner người Việt) đang sở hữu một lượng video có số lượt view lên đến hàng triệu, mỗi tháng cũng có thể bỏ túi đến hàng nghìn đô.

Một clip phản cảm trên Youtube.

III. Có thể nói, với sự bùng nổ của smartphone (điện thoại thông minh) và tablet (máy tính bảng) cùng với sóng wifi, 3G có ở khắp mọi nơi, người dùng có thể dễ dàng online xem clip hay tải games, apps về sử dụng miễn phí. Đồng thời số người sử dụng các sản phẩm di động và mạng xã hội đang tăng đột biến, và cùng với nó, ngành công nghệ lập trình ứng dụng cho điện thoại và mạng xã hội cũng bùng nổ, trở thành một bộ phận có tốc độ phát triển nhanh nhất trong ngành công nghiệp lập trình nói chung.

Cũng từ đó nảy sinh những dịch vụ "ăn theo" các games, apps - đặc biệt là việc mua bán trao đổi tiền ảo, vật phẩm trong game và thậm chí cả account do game thủ tự "cày". Giới trẻ Việt dường như đã rất nhanh chóng nắm bắt thị trường mới mẻ và có phần béo bở này. Tuy nhiên, đi cùng với những doanh nhân sạch là một số bạn trẻ có tâm lý "buôn không cần vốn". Họ lê la trên các diễn đàn để kiếm tài khoản "chùa" rồi mang để mua gems, token, vàng… trong game, thậm chí cả gift card rồi rao bán.

Và cũng vì muốn nổi tiếng để nhanh chóng trở thành youtube partner, một số bạn trẻ cũng bất chấp danh dự để tung lên các clip sexy, với những bộ đồ phản cảm. Tuy nhiên, lợi nhuận đâu chưa thấy mà chỉ thấy cộng đồng lên tiếng phản ứng và nhà quản lý gỡ bỏ

Minh Tiến
.
.