Biến nơi tín ngưỡng tâm linh thành nơi trần tục

Thứ Tư, 24/02/2016, 14:30
Đầu năm, kẻ đi xa, người đi gần nô nức kéo đến các lễ hội. Lễ hội vừa là nơi trở về nguồn cội của tâm linh tín ngưỡng của người Việt, vừa nhớ về phong tục tập quán hội làng đã có tự bao đời.

Đáng tiếc ở nhiều địa danh, hiện tượng phản văn hóa vẫn đang diễn ra tại các lễ hội: Tranh nhau giẫm dạp để lấy lộc thánh, dùng gậy gộc đánh nhau để lấy một quả cầu, xả rác thải tràn ngập, lãng phí tiền của đốt hàng tấn vàng mã khiến không gian bị ô nhiễm, thi nhau để tiền lên tượng thờ, mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh, biến nơi tín ngưỡng tâm linh thành nơi trần tục…

Chả hiểu tự lúc nào, người đi lễ có quan niệm đầu năm đi vay, cuối năm đi trả, nên dân làm ăn cũng nhất tâm tìm đến bằng được với ngôi đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại khu Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Người ta rỉ tai nhau rằng, những ai làm ăn thì phải cầu cúng Bà, để Bà hiển linh hiển thánh, phù hộ độ trì thì mới buôn may bán đắt. Chưa được đến cửa Bà thì coi như là chưa biết được Bà, chưa có duyên với Bà thì Bà sẽ không độ cho.

Dâng tiền vàng trong Đền Bà Chúa Kho.

Ngay tên đền "Bà chúa Kho" là khách thập phương đã nghĩ ngay đến kho để trữ tiền, của cải, lương thực. Người ta mong cầu đầu năm đến để Bà đoái hoài thương xót cho ít lộc rơi, lộc vãi, trong năm làm ăn được sẽ hanh thông thịnh đạt, để  cuối năm  đến đền bà mà hoan hỷ lễ tạ. Vậy là thiện nam tín nữ, dập dìu nườm nượp ngay từ những ngày đầu của tháng Giêng đã đến đền Bà để mong cầu sở nguyện như ý.

Tại nơi cúng lễ của đền Bà Chúa Kho ê hề mâm cao cỗ đầy, khói hương mù mịt, ở ngay ngoài cửa đền nhiều dịch vụ được mở ra từ hàng chục năm nay. Nhưng kinh tế khi xưa khó khăn, người ta chỉ làm ít tiền vàng giấy sớ, quần áo đôi hài cho bà, con bây giờ phú quý sinh lễ nghĩa, dâng Bà là nhà cao cửa rộng, vila biệt thự, ôtô, xe ngựa kiệu rước…

Đốt vàng mã trong Đền Bà Chúa Kho.

Khách thập phương hỏi người bán hàng ở gần trước đền Bà Chúa: "Có kiệu hoa cho bà không?". Chị bán hàng đon đả trả lời: "Có chứ sao không? Trần sao âm vậy, nhà chị không thiếu một thứ gì? Đốt càng nhiều thì càng được thêm nhiều lộc”. Rồi chị ấy bảo nhiều người mong cầu có nhà lầu, ôtô, đốt nhà lầu, ôtô cho Bà thì y như rằng trong năm đấy mua được thế nên họ đến cảm ơn Bà, họ đốt hàng chục nhà lầu, ôtô bằng giấy gửi xuống cho Bà. Như vậy là không phải "một vốn bốn lời" mà là hàng nghìn, hàng tỉ lời.

Chị bảo: "Thế nên đền Bà lúc nào cũng đông. Bà mà không linh thiêng thì làm sao mà đông đến thế?". Chị bán hàng chỉ tay vào đền nói: "Dân làm ăn, dân kinh doanh bất động sản, dân cổ phiếu, dân bán hàng, dân ngân hàng… cứ là dân làm ăn thì càng thành tín với Bà hơn cả, đốt vàng mã cả triệu, chục triệu, thậm chí những lễ lớn cho Bà cả trăm triệu là chuyện bình thường. Dân làm ăn bất động sản thì đốt nhà, có người đốt cho Bà cả chục cái nhà. Dân kinh doanh cổ phiếu thì đốt cho Bà hàng bao tải tiền âm.

Một chị trung niên bước ở trên xe ôtô xuống mang vào đền hai bịch to dễ đến hơn chục cân tiền giấy. Chị đặt một mâm tiền lễ và một mâm đồ mặn mang lên cúng bà. Sau khi thành kính đặt mâm lễ ở trước điện của Bà, chị khấn to xin cầu Bà đủ thứ, át hết cả người lễ xung quanh. Chị khấn: "Con trăm lạy Bà, con ngàn lạy Bà, đầu xuân năm mới nhà con ngụ ở… con đến trước cửa bà xin Bà ban lộc ban tài, ban cho con tiền vào như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin. Bà ban cho con da trắng, tóc dài, tiền bạc đầy nhà, lúa gạo đầy kho. Kinh doanh 1 vốn 10 lời, cuối năm con sẽ đến lễ tạ Bà hậu hĩnh…".

Cúng bàn đèn thuốc phiện cho Quan Hoàng Bẩy.

Một trung niên khác cũng chen lấn xô đẩy bằng được để đặt lên mâm lễ chính điện nhà lầu vàng mã để dâng Bà, xin Bà chứng cho. Ngoài sân dàn ngựa đỏ rực xếp hàng chờ hóa. Khu hóa vàng lúc nào cũng rừng rực lửa đỏ, khói hương mù mịt. Người ta thì thầm to nhỏ nhắc nhở nhau: "Đầu năm đi xin cuối năm đi trả. Có vay Bà thì phải có đốt để trả cho Bà, không Bà quở, Bà trách, Bà đòi lại lộc".

Đền Bà Chúa Kho có liên quan đến sự kiện Lý Thường Kiệt chỉ huy cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1076. Vào thời đó ở làng Cổ Mễ, núi Kho, Cầu Gạo… vốn là  những nơi đặt kho lương thực của quân ta ở bờ nam chiến tuyến sông Như Nguyệt (ngày nay là sông Cầu). Núi Kho, núi Dinh, Thị Cầu cũng vốn là một vị trí chiến lược có thể kiểm soát con đường từ Lạng Sơn qua sông Cầu về đất Thăng Long. Đền Cổ Mễ thờ Bà Chúa Kho   là nơi tưởng niệm một người phụ nữ Việt Nam đã tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia tại núi Kho, tỉnh Bắc Ninh trong thời kỳ trước và sau chiến thắng trên sông Như Nguyệt. 

Bà thác trong cuộc kháng chiến chống quân Tống vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch năm 1077. Nhà vua thương tiếc phong cho Bà làm Phúc Thần. Người dân khi xưa thương nhớ Bà đã lập đền thờ Bà ngay tại chính kho lương thực mà bà cai quản trên núi Kho và gọi đền Bà là Bà Chúa Kho. Một nơi tâm linh thờ tự có ý nghĩa tốt đẹp như vậy, lại biến thành nơi của những thương vụ vay mượn mua bán, có vay có trả, xin cho trần tục.

Nếu như đền Bà Chúa Kho được cho là kho ngân khố trữ lương thực, tiền của, kim vàng ngân xuyến là nơi khách thập phương đến để xin lộc rơi, lộc vãi của Bà, thì một ngôi đền nức tiếng khác được dân cờ bạc đỏ đen lô đề tín cẩn hơn cả, Đền Bảo Hà, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai 60 km về phía nam. Đền Bảo Hà thờ quan Hoàng Bảy, một trong hàng quan, quan trọng bậc nhất của giá hầu đồng trong thờ Tứ phủ.

Theo truyền thuyết, vào cuối đời nhà Lê niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) khắp vùng Quy Hóa  (thuộc Lào Cai bây giờ) luôn bị giặc vùng phương Bắc tràn sang cướp phá, giết hại dân lành. Trước cảnh đau thương tang tóc, vị tướng tài Nguyễn Hoàng Bảy được triều đình giao trọng trách khởi binh dẹp loạn vùng biên ải, đội quân của ông tiến dọc sông Hồng đánh đuổi quân giặc, giải phóng một vùng trên đất Lào Cai và xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn. Trong một trận chiến không cân sức với giặc ông đã hy sinh, thân thể ông men theo dòng sông Hồng về đến Bảo Hà thì dạt vào bờ. Nhân dân trong vùng đã vớt xác ông để an táng và để ghi nhớ ơn đức của ông, người dân đã lập đền thờ ngay tại mảnh đất này.

Đền Bảo Hà khác với những ngôi đền khác trong cả nước, đây là ngôi đền duy nhất mở cửa 24/24 giờ vì lượng khách đến đây chiêm bái cầu cúng rất đông. Ngay cả 12 giờ đêm, 1 giờ sáng khách thập phương vào đền vẫn cứ đông nghịt trong những ngày đầu tháng Giêng. Tiếng trống chầu, tiếng hát văn, người hầu bóng rộn ràng trước điện. Ghi nhớ ân đức của vị tướng tài người dân đến để cầu cúng, chiêm bái, nhưng không biết tự khi nào người ta lại cho rằng dân đỏ đen, cờ bạc là phải đến lễ ông Hoàng Bẩy, ông linh thiêng đi mây về gió mà chứng giám, chứng tâm cho thì sẽ được bài bạc ở đâu thì sẽ được thắng ở đấy. Vậy là ngoài du khách bình thường còn có cả dân anh chị, dân xã hội, dân cờ bạc đến để hầu ông.

Hoàng Long (biệt hiệu Long Cả), một dân cờ bạc lô đề khét tiếng tại xới bạc bật mí: Lễ ông Hoàng Bảy không chỉ tiền vàng giấy sớ, ngựa xe kiệu cáng mà cần có cả bàn đèn thuốc phiện. Nếu châm thuốc phiện để ông ngửi được mùi thơm thì ông về sẽ phù hộ độ trì cho gia chủ cả năm đấy làm ăn phát tài, phát lộc, xin đề trúng đề, xin lô trúng lô. Nhưng phải làm sao để những người trông nom ngôi đền không biết được, chứ quy định ở đền không cho đốt thuốc phiện. Hoặc nếu không thì chỉ được dâng biếu ông bàn đèn thuốc phiện nhưng không đốt. Có những năm Hoàng Long đốt chui được nhưng vài ba năm nay việc này nghiêm ngặt hơn nên Hoàng Long về mộ ông ở Thái Nguyên để đốt bàn đèn thuốc phiện.

Một người đàn ông trung tuổi sau khi dâng lễ đầy đủ kim ngân đẳng vật thì ông ta khấn rõ to: "Con lạy bốn phương trời, mười phương chư phật, con lậy thánh mớ bái,… con lạy quan Hoàng Bảy xin Hoàng thương cho con người trần mắt thịt ngu dại, ngài đi mây về gió, quyền ngài phép ngài, ngài ban lộc ban tài, ban phúc ban đức, ban cho con số con đề, con lô để con trúng quả con sẽ đền ơn đáp nghĩa ngài hậu hĩnh…".

Tại đền Bảo Hà, hàng chục, hàng trăm con ngựa giấy cùng với kim ngân đẳng vật, dâng ông. Tại nơi hóa vàng trong những ngày này lúc nào cũng lửa đỏ rừng rực, những con ngựa xếp hàng dài được chờ vào hóa. Tại các cung Công đồng, cung Mẫu, cung chúa Thượng Ngàn, người hầu đông chật kín mấy cung. Vàng tiền, hình nhân, ngựa xe kiệu hoa chật kín khiến cho lối đi lại chật hẹp người vào lễ khó khăn, phải đứng ở bên ngoài mà bái vọng. Hầu đồng là một tín ngưỡng văn hóa tâm linh của người Việt đang được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch làm hồ sơ để trình UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại. Nhiều người lạm dụng, biến tướng nơi hầu đồng thành nơi phô trương sự giàu có dư dả bạc tiền, cho đốt hàng chục con ngựa, hàng vài gánh quan tiền… Việc đốt vàng mã không tiếc tay, không chỉ tiêu tốn tiền của mà còn gây ô nhiễm không khí môi trường nặng nề, xâm hại đến di tích lịch sử trang nghiêm cần được trân trọng giữ gìn.

Hiện tượng này có từ nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn xảy ra ở khắp các đền to, phủ lớn mà người ta vẫn chưa có cách gì để dẹp được. Hiểu sai lệch về những di tích lịch sử có ý nghĩa lâu đời thành nơi mua thần bán thánh, biến nơi trang nghiêm thờ tự tôn quý thành trần tục tầm thường. Phải chăng người ta đang lấy dạ tiểu nhân để đo lòng quân tử, lấy cái trần tục tham lam biển lận gá vào thần thánh để mong cầu, mưu lợi.

Nhà nghiên cứu di sản, giáo sư Trần Lâm Biền (Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch): 

Một đặc điểm quan trọng trong những lễ hội là văn hóa cộng đồng, ngoài việc phát huy, bảo tồn ý nghĩa truyền thống tốt đẹp của các tập tục, tập quán còn là sự giao lưu, giao thoa văn hóa giữa các vùng miền, các thế hệ. Qua di tích lịch sử người ta biết từng bước đi của lịch sử dân tộc, nhớ về nguồn cội của tổ tiên. Ý nghĩa của các lễ hội còn hướng đến giáo dục tâm linh, tín ngưỡng. Nhưng, tiếc thay, hiện nay người ta đi cầu cúng lễ bái thì nhiều nhưng ít người chịu tìm hiểu về di tích lịch sử văn hóa lâu đời mà chỉ mang tính áp đặt trần tục, xin xỏ.

Người ta không hiểu về nơi mình đến chiêm bái mà bị biến tướng thành mê tín dị đoan, ngay cả những người quản lý tín ngưỡng bị rơi vào vòng xoáy của đồng tiền lợi lộc. Bản chất của tâm linh là giáo dục chúng sinh, nhưng họ đã để cho đồng tiền mờ mắt, họ để chúng sinh càng mù mờ bao nhiêu thì càng làm lợi cho những kẻ buôn thần bán thánh.

Mỹ Trân
.
.