Biến tưóng thi nhan sắc, tôn vinh phụ nữ Việt: Gió lành thành gió độc

Thứ Sáu, 07/11/2014, 12:30

Hoa hậu tất nhiên phải là người đẹp. Và cũng đương nhiên, về mặt hình thức, hoa hậu phải đáp ứng những tiêu chí cơ bản như những chỉ số nhất định của chiều cao, cân nặng cho đến số đo 3 vòng. Bên trong vẻ đẹp hình thức, hoa hậu nhất thiết phải có vẻ đẹp tâm hồn, dù rằng có thể không là tâm hồn thánh thiện. Tôn vinh người phụ nữ đẹp, tôn vinh cái đẹp là để góp phần làm cho cuộc sống đẹp hơn, tốt hơn.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của ngày càng nhiều những cuộc thi mang danh nghĩa tôn vinh người phụ Việt Nam nhưng liên tiếp bị tố cáo thực chất chỉ là những thương vụ làm ăn của nhà tổ chức, sự tận dụng triệt để danh hiệu chỉ phục vụ mục đích nổi tiếng và kiếm tiền của thí sinh khiến cuộc tôn vinh phụ nữ Việt có khi làm méo mó chính hình ảnh đẹp về người phụ nữ Việt.

Từ gió lạ mang hơi độc...

Cách đây đúng một tuần, showbit Việt bị một phen sóng gió khi danh hài Việt Hương lên tiếng Ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam thế giới 2014 đối xử tệ hại với nghệ sĩ Việt sang Nhật biểu diễn theo yêu cầu của ban tổ chức. Cuộc thi nhan sắc được quảng cáo là tôn vinh phụ nữ Việt mang tầm thế giới lộ nguyên hình chỉ là chiếc bánh vẽ mà thực chất chứa trong nó chỉ là những thương vụ làm ăn khi các đơn vị chung tay tổ chức đồng loạt tố cáo nhau... bán giải.

Lý do biện minh cho hành động thì nhiều nhưng chung quy lại, bên nào cũng khẳng định, sở dĩ chương trình không thành là do đối tác (nay thành đối thủ) bất mãn vì không thao túng được kết quả trao giải như ý muốn. Khi các bằng chứng tố cáo nhau được bung ra cũng là lúc mọi chuyện càng bung bét.

Nhà quản lý Việt Nam lên tiếng khẳng định: Ban tổ chức họp báo "chui". Chương trình được giới thiệu là tổ chức hoành tráng tại Nhà hát Hòa Bình, TP HCM ngay sau đó chưa hề được cấp phép.

Lùi lại khoảng thời gian xa hơn một chút để so sánh, không khó để thấy "Hoa hậu Việt Nam thế giới 2014" thực ra chỉ là những chiêu bài thuộc dạng "bổn cũ soạn lại" của khá nhiều cuộc thi khác. Cũng quảng bá rầm rộ, ồn ào với những lời hoa mỹ: tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam và có quy mô của... thế giới. Hàng loạt cuộc thi nhan sắc từ hải ngoại có chung kết cục giống Hoa hậu Việt Nam thế giới liên tục dội về: Hoa hậu người Việt toàn cầu, Hoa hậu phu nhân người Việt thế giới...

Nhiều chủ nhân của chiếc vương miện từ những cuộc thi này được miệt thị và ví von là hoa hậu "ao làng". Nhưng, ví von với "ao làng", e rằng còn quá bất công với các thiếu nữ thôn quê, dù rằng họ có thể mang bề ngoài xù xì, không có cơ thể cân đối như những người mang danh hiệu hoa hậu nọ.

Hơn thế, ao làng vốn gắn bó với những dấu ấn đẹp trong tiềm thức của người Việt, càng đẹp hơn trong tâm tưởng người xa quê. Ao làng dù nhỏ bé nhưng không phải để người ta ví von như là nơi trút những cặn bã phát sinh bởi những kẻ trục lợi bằng mọi giá trên giá trị đẹp được mặc định của người phụ nữ.

...đến lập lờ đánh lận con đen

Có một thực tế khác là sau khi các cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam bị hạn chế, danh hiệu hoa hậu mang danh tôn vinh phụ nữ Việt tại hải ngoại và các danh hiệu hoa khôi, người đẹp vẫn đang được sử dụng vô tội vạ. Như đã khẳng định ngay từ đầu, hoa hậu đương nhiên là phải đẹp cả về thể xác lẫn tâm hồn. Nhưng, chính những cuộc thi nhan sắc mang danh nghĩa vinh danh người phụ nữ Việt Nam kể trên lại chưa đáp ứng được điều đó, có khi, việc tôn vinh ấy còn dẫn đến hình ảnh méo mó, thảm hại về hoa hậu Việt, phụ nữ đẹp Việt Nam.

Còn nhớ, mùa thi  Hoa hậu Phu nhân thế giới người Việt 2012, nhiều người quen nhìn nhận nghiêm túc về danh hiệu hoa hậu chưng hửng khi danh hài Thúy Nga tham dự và lập tức giành giải Á hậu 2. Chưng hửng không phải vì Thúy Nga về hình thể rõ ràng thấp bé hơn hình mẫu người đẹp nói chung, tự thân vị trí Á hậu 2 của cuộc thi dành cho chị tố cáo nhiều điều. Bản thân chị cũng từng thừa nhận trên phương tiện thông tin đại chúng, chị tham gia cuộc thi vì được mời và đoán chừng thông tin có thể tạo hiệu ứng "gây sốc".

Quả thực, mục đích của chị đã thành sự thật. Cùng với những tố cáo mua bán giải thưởng, việc Thúy Nga giành ngôi Á hậu 2 có lẽ là dấu ấn đậm nhất trong lòng những người quan tâm đến cuộc thi năm ấy.

Hàng loạt cuộc thi nhan sắc Việt ở hải ngoại được quảng bá rầm rộ.

Những thông tin về mua bán giải thưởng chứng tỏ người tổ chức chỉ nhằm mục đích trục lợi hơn là tìm ra những gương mặt xứng đáng để tôn vinh. Người tham gia, dù tố cáo cuộc thi có mua bán giải thưởng hay thừa nhận thẳng thắn như Thúy Nga nói trên cũng đều chứng thực một điều: Họ đến với cuộc thi không vì tôn vinh người phụ nữ Việt mà chỉ có lý do duy nhất là trục lợi từ chiếc vương miện.

Người ta bức xúc trước hiện tượng những mẫu người đầy tai tiếng như nữ hoàng đồ lót Ngọc Trinh, Julia Hồ... được vinh danh hoa hậu, chắc chắn không phải bởi những hư danh từ danh hiệu mang lại. Bức xúc bởi chính những phát ngôn, hành động gây sốc của những gương mặt được khoác chiếc áo trên danh nghĩa là mang vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam không khác gì họ đang "ngồi xổm" trên những giá trị ấy.

Có thể ai đó biện minh rằng những phát ngôn kiểu như: Yêu không tiền thì cạp đất mà ăn à, nói đến Ngọc Trinh là phải nghĩ ngay đến sex... là một thực tế của cuộc sống phải được thừa nhận. Và rằng, đó là những chia sẻ rất... thật thà, thẳng thắn, rất thực dụng và phù hợp với thực tế cuộc sống. Nhưng thực tế ấy là thực tế quan niệm sống của ai. Tôi đoán chắc, phần lớn phụ nữ Việt Nam xưa nay đều không chấp nhận lấy thân xác mình để làm công cụ kiếm tiền một cách trơ trẽn như thế. Họ càng không thể chấp nhận những gương mặt đại diện cho hình ảnh đẹp của người phụ nữ Việt lại nhan nhản những điều tiếng, hình ảnh ăn chơi, thác loạn bị tung hê trên các phương tiện truyền thông.

Không đến mức chà đạp thẳng lên những giá trị truyền thống như các "gái hư" được vinh danh hoa hậu để nổi tiếng và kiếm tiền nhưng rất nhiều những danh hiệu hoa hậu, người đẹp xuất phát từ những cuộc thi đầy tai tiếng cùng vô số tố cáo, nghi án mua bán giải thưởng vẫn điềm nhiên tồn tại cùng các danh hiệu. Không những thế, các danh hiệu ấy còn trở thành chiếc áo choàng sang trọng làm lóa mắt số đông và trở thành bệ phóng hữu hiệu cho chính các cá nhân ấy. Lý do đơn giản bởi trong hầu hết các sự kiện, các cuộc tiếp xúc lâu nay, hầu như người ta chỉ giới thiệu cô ấy, chị ấy, bà ấy là hoa hậu.

Hiếm khi  nào người ta nhắc rõ ràng cô ấy là hoa hậu cấp quốc gia, là người đẹp cấp khu vực hay đơn giản chỉ là danh hiệu phụ của một cuộc thi nhan sắc nhỏ lẻ nào đấy. Người ta hầu như không đủ thời gian và không đủ mức độ quan tâm xem cá nhân hiện diện trước mắt mình là người đẹp nào, xứng đáng là hoa hậu thật hay chỉ hư danh. Và cũng rất rõ ràng, khi các cuộc thi nhan sắc nở rộ, đặc biệt là nhan sắc dành cho các phụ nữ có chồng và thành đạt, gọi bằng ngôn ngữ sang hơn là các quý bà thì mật độ các cuộc thi bị tố cáo mua bán giải thưởng cũng càng ngày càng dày thêm. Bởi có một thực tế, quanh những chiếc vương miện lấp lánh ấy không chỉ có hư danh suông.

Hư danh của chiếc vương miện có gốc tích không lấy gì làm tự hào ấy đang hỗ trợ tích cực cho chủ nhân của nó trong công việc, giúp họ thành đạt và kiếm tiền ở nhiều cấp độ, tùy vào sự linh hoạt trong tận dụng của các chủ nhân chiếc vương miện để đánh bóng tên tuổi, thương hiệu. Dù sao, các danh hiệu, hoa hậu, hoa khôi, người đẹp cũng mang lại vẻ sang trọng hơn, dễ gây chú ý hơn, thậm chí giữ khoảng cách một trời một vực với các giới thiệu như bà chủ nhà hàng, chủ khách sạn, chủ hệ thống spa nào đó... Danh hiệu, dù chỉ là danh hiệu ảo nhưng tiền tài thu về lại là thật…

Thay lời kết

Không thể phủ nhận, tiền bạc, vật chất là công cụ không thể thiếu trong sự vận hành của xã hội, trực tiếp tác động lên cuộc sống của từng cá nhân và mỗi người mỗi quan điểm sống. Tiền giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống mỗi người là thực tế không thể phủ nhận. Với số đông hiện nay, không ai muốn con em mình chỉ nhìn cuộc sống với một màu hồng tươi đẹp. Chắc chắn, cũng không ai muốn thế giới quanh mình và thế hệ tương lai chỉ xám ngoét một màu xám lạnh của tiền.

Nếu tính toán một chút, suy nghĩ thêm một chút rằng làm như thế này hay thế khác, ủng hộ quan điểm sống này có lợi hay có hại cho môi trường sống của con em mình, phần lớn con người có lương tâm không mong muốn làm điều gì khiến mình phải hối tiếc. Tùy từng cá nhân có thể phản đối hoặc không phản đối cách sống thực dụng nhưng dửng dưng trước sự chà đạp lên những giá trị sống tốt đẹp của cộng đồng cũng là cách mở đường cho cái xấu, cái ác dù rằng hệ quả không hẳn thấy tức thời.

Với cơ quan quản lý nhà nước, để những hiện tượng nói trên xảy ra liên tục, kéo dài thì dù với lý do nào cũng khó có thể chấp nhận được. Đã khá muộn để nói rằng cần một cách ứng xử sòng phẳng, rạch ròi hơn nữa về mặt trách nhiệm trước các sự cố đầy tai tiếng nói trên

Ng.H.
.
.