Biệt dược từ… con rết

Thứ Bảy, 15/08/2015, 10:00
Cùng với rắn, rết là loài gieo rắc sự sợ hãi cho con người. Căn nguyên bởi nó có hình hài gớm ghiếc và một số loại nọc độc của nó có thể giết chết người nếu không được chữa trị kịp thời. Vậy nhưng tại một số nơi, rết được mua bán ầm ĩ vì thiên hạ tin nó có nhiều tác dụng dược liệu.

Dễ thấy hình ảnh mua bán rết phổ biến nhất tại chợ côn trùng Tịnh Biên có vị trí giáp nước bạn Campuchia. Khi đến nơi này mới biết có người mua rết để ngâm rượu làm thuốc chống nhức mỏi, người khác săn rết để làm thuốc chữa ung thư cho người thân? Có người ví rết là “thần dược trăm chân” và hết lời ca tụng khi có ai đó hỏi thăm về tác dụng trị bệnh của nó…

Chợ biên giới Tịnh Biên thuộc địa phận xã  Xuân Tô (huyện Tịnh Biên, An Giang) chỉ cách cửa khẩu nước bạn Campuchia chưa đầy 1km. Khu vực mặt tiền chợ có đông người bán côn trùng và các loại cây thuốc nam được quảng cáo chữa các bệnh về đau nhức xương khớp rất tài, mà trị ung thư này nọ cũng rất hữu hiệu?

Danh mục thảo dược được quảng cáo như thế có dứa dại, muồng trâu, ô rô, xáo tam phân có nguồn gốc Campuchia…. Ở cái thời mà thiên hạ ám ảnh chuyện bệnh tật, nhất là bệnh nan y thì những "ki-ốt" thảo dược cao sơn này rất thu hút sự quan tâm của khách du lịch, bất kể nam nữ, già trẻ.

Tại chợ biên giới Tịnh Biên, bên cạnh các loại thảo dược, người ta còn bán nhiều loài côn trùng như bọ cạp, mối chúa, bổ củi… và rết. Mỗi loài côn trùng được người bán tiết lộ với khách có công dụng khác nhau. Mối chúa thì "tăng lực". Con bổ củi thì được quảng cáo "ngâm rượu uống "bổ" không biết mệt". Bọ cạp thì "cạp lung tung"…

Nói chung, các loài côn trùng kể trên đều được người bán quảng cáo và những người mua dùng tin có tác dụng tăng cường bản lĩnh đàn ông. Chỉ riêng loài rết thì có sự khác biệt!

Rết là loài có độc với nọc độc gây tê liệt con mồi và gây hoại tử trên vết cắn, nên người bệnh khi dùng trị liệu phải hết sức thận trọng.

Rết hay rít, được dân bản địa gọi bằng tên gọi địa phương là "ngô công". Ở đây, rết con nào con nấy to đùng, bằng ngón tay trỏ người lớn và dài gấp đôi… Vì rết "dữ và độc như rắn" nên để tránh những "hung thần" trăm chân cắn người, các "tiểu thương" kinh doanh côn trùng để chúng vào những chai nhựa đục lỗ "cho nó thở".

Tùy lớn nhỏ mà mỗi con rết như thế được bán với giá từ 50 -100.000 đồng. Khách mua rết đều là người ở các tỉnh khác đến du lịch tại An Giang. Người ta mua rết để làm thuốc chữa đau nhức xương khớp dưới hình thức ngâm rượu. Có người mua cả chục con. Nhìn mấy con rết khủng lổn ngổn trong các chai nhựa với cái đầu ngắc ngứ khoe cặp càng kếch xù mà hãi!

Tâm sự của người trong cuộc

"Bây giờ, bệnh ung thư nhiều quá, nhiều đến loạn. Bất kể giàu nghèo, bất kể thường dân hay quan chức, ai cũng có thể bị ung thư. Khi phát bệnh, tùy điều kiện, trình độ, quan điểm mà mỗi người có hướng trị liệu khác nhau. Có người gửi đời mình cho các bệnh viện chuyên về ung thư trong nước như Bệnh viện K (Hà Nội), Bệnh viện Ung Bướu (TP HCM). Người giàu có thì sang Singapore, Pháp, Trung Quốc, Mỹ… Nhưng cũng có người nuôi hy vọng vào các loại cỏ cây hay các vị thuốc, bài thuốc dân gian.

Cụ thân sinh nhà tôi nay gần 80 tuổi, cụ bị ung thư gan giai đoạn cuối nhưng sức khỏe còn tốt. Có người bảo nên trị liệu ở Bệnh viện Ung Bướu, người khác khuyên sang Sing (Singapore) nhưng cụ nhất quyết không chịu. Cụ bảo tìm mua con rết còn sống về làm thuốc cho cụ vì cụ biết rết là thành phần chủ trong bài thuốc quý trị ung thư gan của người Trung Hoa rất hiệu nghiệm.

Cụ nói với con cháu rằng, khi dùng con rết làm thuốc, nếu không hợp thuốc dẫn đến không hết bệnh, nếu có chết cụ cũng cam tâm… Chứ vô hóa chất thì mệt mỏi, đớn đau, sự sống chỉ là lay lắt. Sống như thế, khổ thân mình, khổ con cháu mà lại hao tốn đủ đường".

Đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe những người có thân nhân bị mắc bệnh ung thư bộc bạch suy nghĩ của mình về chuyện "ung thư không chừa một ai". Và đây cũng không phải lần đầu tiên tôi được nghe người có thân nhân bị K (thuật ngữ y khoa nói về ung thư) kể chuyện người thân chẳng màng đến việc chữa trị theo các liệu pháp của Tây y, mà chỉ nuôi hy vọng vào vị thuốc được dân gian đồn thổi. Nhiều năm qua, tôi đã tiếp cận với vô số người bị K hay người có thân nhân bị K như thế và được biết nhiều người để chữa ung thư đã tìm đến đông trùng hạ thảo, sâm Ngọc Linh, nấm linh chi, sừng con dinh, sừng tê giác…

Lao vào "cơn lốc" ấy, nhiều người kêu trời vì bị những kẻ kinh doanh dược liệu thất đức lừa đảo đến thê thảm khi bán cho những thứ trời ơi. Nhưng rết chữa ung thư theo như tâm tình ở trên của chị Trương Mỹ Dung, 42 tuổi, ngụ phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP HCM lúc tôi gặp tại Tịnh Biên, thì đây là lần đầu tiên tôi được biết.

Chị Dung cho biết, ba chị là người Việt gốc Hoa. Hơn 10 năm trước cụ về thăm quê ở Quảng Đông (Trung Quốc) và biết được bài thuốc chữa ung thư từ con rết. Chị Dung, cho chúng tôi xem tờ giấy chi chít chữ Tàu bảo đó là nội dung bài thuốc dùng rết chữa ung thư gan. Chị chỉ cho xem chứ không cho chụp ảnh. Chị giải thích theo ghi chép này, rết dùng làm thuốc không kể lớn nhỏ, sắc màu, dùng làm thuốc ở nhiều dạng, ngâm rượu hay chế thành bột. "Con rết có đặc tính tiêu khối u, tán ứ. Nhờ vậy nó mới có tác dụng chữa ung thư gan hiệu nghiệm" - chị Dung, khẳng định.

Một “ki-ốt” côn trùng tại chợ Tịnh Biên có bán rượu rết ngâm sẵn.

Khắc tinh của căn bệnh… cúm gà!

Rết có nhiều giống loài, từ loài be bé cỡ que tăm đến to cỡ đốt ngón tay người lớn, dài như chiếc đũa, có con dài đến 25cm. Với đôi hàm có móc độc hướng thẳng về phía trước, khi xông trận (tấn công con mồi hoặc kẻ thù), rết dùng đôi hàm có móc độc cập vào thân rồi tiết ra chất độc khiến đối phương tê liệt.

Vài ngày sau khi tiếp xúc với chị Mỹ Dung, người viết đã có trải nghiệm khủng khiếp về nọc độc của loài rết khi chứng kiến một người Khơmer ở bên kia cửa khẩu Xà Xía (nay là cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) bị rết cắn trong lúc leo cây thốt nốt. Do chủ quan không chịu chữa trị nên chỉ sau 4 ngày bị cắn, vết thương trên mu bàn tay anh nọ bị hoại tử, lở loét.

Biết người viết tìm hiểu về tác dụng trị bệnh của loài rết, nhất là tác dụng trị ung thư gan, ông Bùi Văn Cứ (Hội Hóa học TP HCM), đã có chia sẻ thú vị. Theo ông Cứ, nọc rết có các axít amin và có tính tán huyết: "Lâu nay, ở quê tôi  (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) rết được dùng trong lĩnh vực thú y, chữa chứng gà rù (bệnh Ni-cat-xơn ở gà).

Kinh nghiệm của dân địa phương để phòng bệnh cho gia cầm cho uống dung dịch rượu rết (1 phần rượu và 1 phần nước, gà con uống 3ml trong 1 tháng, gà lớn 5ml, uống 2 lần trong tháng). Khi gà bị bệnh thì cho uống 2 lần rượu rết, uống đến khi nào khỏi thì ngưng".

Theo ông Cứ, rết dùng ngâm rượu phải rửa sạch, cho từ 5-20 con rồi đổ từ 100-200ml cồn, đậy kín, sau khoảng 20 ngày có thể dùng được. Rết ngâm rượu phải là rết chân vàng, thân dẹt, dài từ 8cm trở lên: "Trước đây Viện Thú y Hà Nội qua nghiên cứu đã kết luận có trên 80% trường hợp gà khi chớm bệnh nhờ dùng rượu rết đã khỏe mạnh. Và có đến 100% gà bị như thế nhờ được phối hợp tiêm dưới da vitamin B1 đã được chữa khỏi".

Chia sẻ trên của ông Bùi Văn Cứ rõ là rất thú vị. Khi được hỏi về tác dụng chữa trị bệnh cho người, ông Cứ và nhiều bậc cao niên ở khu vực thị xã Dĩ An đều có chung câu trả lời "không biết". Tra cứu dược điển “Động vật và khoáng vật làm thuốc” (TS Võ Văn Chi), người viết thấy có đề cập đến tác dụng chữa bệnh cúm gà của loài rết như ông Cứ thông tin.

Ngoài ra còn có một số liệu pháp chữa bệnh ngoài da của rết. Nhưng chữa bệnh nan y, điển hình là ung thư gan thì… không thấy đề cập.

Y sinh Tuệ Lâm (Trường Y học cổ truyền Lê Hữu Trác tại TP HCM) cho biết, cách đây hơn 3 tháng, anh được một người tên Minh Hưng, ngụ tỉnh Hậu Giang, chủ động chia sẻ thông tin rằng người thân của anh này bị ung thư gan nhờ uống con rết qua chế biến dưới dạng bột đã hồi phục tích cực: "Anh Hưng đề nghị tôi chia sẻ thông tin này để những người bị K gan không có điều kiện chữa trị Tây y, hay trong tình trạng giai đoạn cuối có được cơ hội… áp dụng. Tôi đề nghị anh Hưng cho biết đích danh người thân của anh dùng con rết chữa ung thư gan là ai, bao nhiêu tuổi, ở đâu… thì anh đưa ra lý do "thông tin tế nhị không muốn đưa danh tánh người thân". Tôi đề nghị anh cho xem bệnh án để chứng thực nhưng anh cũng khước từ".

Rết khô bán tại một của hàng đông dược tại quận 5.

Bất ngờ ở phút 89

Theo y học cổ truyền, loài rết có vị cay, tính ấm, có độc. Trong “Nam dược thần hiệu”, danh y Hải Thượng Lãn Ông ghi tác dụng của loài này "chủ trị trúng phong ứ huyết, lở ghẻ, suyễn, khi dùng bỏ đầu đuôi chân, lấy lá bạc hà bọc nướng". Một số y văn khác của các y sư đời sau mà người viết tiếp cận ghi thêm một số tác dụng chữa bệnh của rết như trĩ, rắn cắn, tê thấp, trẻ em cấm khẩu, kinh phong co giật, tê liệt thần kinh mặt. Không thấy nhắc gì đến công dụng chữa ung thư của loài rết…

Câu chuyện dùng rết chữa ung thư gan tưởng sẽ khép lại nhưng thật bất ngờ, sáng 3/8, khi ghé khu đông dược Hải Thượng Lãn Ông tìm hiểu về cây xáo tam phân được bán ở nơi này có người mua về chữa các bệnh về gan đã gặp triệu chứng nhiễm độc toàn thân, nổi mề đay, người sưng phù (sẽ đề cập chi tiết ở bài viết khác-PV), người viết được dược sĩ Trần (chủ một quầy đông dược ở quận 5), khẳng định thông tin "rết chữa ung thư gan" là chuẩn xác, có cơ sở khoa học. Theo dược sĩ Trần, không chỉ chữa ung thư gan, rết còn chữa ung thư dạ dày, thực quản.

Nói có sách, mách có chứng, dược sĩ Trần cho người viết tiếp cận với tài liệu y văn có đề cập đến tác dụng chữa ung thư của loài rết. Tài liệu này do GS-BS Trần Văn Kỳ (nguyên Viện phó Viện y học dân tộc TP HCM) viết trong Dược học cổ truyền. Xin được ghi nguyên văn như sau: "(1) Ngô công tán bột, mỗi lần uống 1,5-3g với trứng gà,  trị ung thư gan sưng đau. (2). Ngô công 20 con, hồng hoa 6g, rượu trắng 6 độ 500ml, ngâm 26 ngày uống với nước sôi để nguội (tỷ lệ 6:4), hòa loãng, trị ung thư dạ dày, thực quản".

Vậy đã thêm phần nào về thông tin rết chữa bệnh ung thư? Về tính thuyết phục của bài thuốc trên, một số thầy thuốc cho rằng, ung thư là căn bệnh nan y chữa trị vô cùng tốn kém, không phải ai cũng có điều kiện về tiền bạc để theo các đợt trị liệu của Tây y. Trong tình cảnh đó, các bài thuốc chữa ung thư được đúc kết từ kinh nghiệm của các thầy thuốc giàu y đức, kinh nghiệm và được phổ biến qua các y văn thì đó là cơ hội cho người bệnh nghèo. Vấn đề ở chỗ khi dùng phải có sự hướng dẫn, theo dõi từ các thầy thuốc chuyên môn để gia giảm tùy tình trạng sức khỏe người bệnh, tuyệt nhiên không được tự ý dùng.

Cần nói rõ rằng, trong nghiên cứu về loài rết, GS-BS Trần Văn Kỳ có khuyến cáo, vị thuốc từ loài rết chống chỉ định với người đang mang thai, người cơ thể suy nhược, trẻ em thiếu máu. Lý do bởi thuốc từ loài rết "có độc", khi dùng quá liều sẽ dẫn đến nguy cơ liệt cơ tim, ức chế trung khu hô hấp…

Tác dụng chữa bệnh của loài rết đã được biết đến và áp dụng

1). Chữa sang trĩ đau nhức: Ngô công đã chế biến thành bột, hòa ít long não, thêm ít nước hay rượu bôi lên.

2). Kinh nghiệm của đơn vị quân y: Rượu rết (cả con, cho vào rượu 900) bôi lên mụn nhọt.

3). Bắt con rết cho vào lọ, đổ dầu vừng vào ngâm vài tháng, lấy bông thấm thuốc này bôi lên các mụn nhọt, chỗ bị sâu, trùng độc cắn sẽ hết đau.

4). Ngô công đã chế biến, trộn với lượng tương đương bột cam thảo và thêm nước hồ làm thành viên. Ngày uống 0,5g viên chia làm 3 lần uống, dùng chữa tê liệt thần kinh mặt, đau nhức, tê thấp, trẻ em cấm khẩu, không bú được.

(Cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” - Đỗ Tất Lợi)

Bích Kiều
.
.