Bịn rịn Tết xưa

Thứ Hai, 04/02/2019, 09:33
Khi cành đào khoe sắc phai trên phố, chậu mai vàng rực rỡ rung rinh, quất Quảng Bá, Tứ Liên trĩu trịt lệch cành, lan kiêu sa trổ bông ngào ngạt… Khi hàng hóa ngày Tết bây giờ chất chồng ê hề, thì kí ức Tết của một thời bao cấp khó khăn lại chợt ùa về, cứ thế len lỏi với những tâm hồn nghệ sĩ mộng mơ và dạt dào cảm xúc.

Tiết trời vào Tết cây cỏ hân hoan, lòng người chộn rộn, đã qua bao mùa xuân xoay vòng con giáp vậy mà NSND Lê Khanh vẫn thấy nao nao mỗi khi nhớ về tết của thời thơ ấu, của thời mà tiếng pháo Bình Đà vang ròn ngõ xóm vào thời khắc kim đồng hồ điểm 12 giờ sang năm mới. Nhà ba chị em gái, sáng mồng 1 ngày đầu của năm trở mình thức dậy, ba chị em Vân, Khanh, Vi co ro trong cái lạnh, xúng xính áo mới chạy ra ngõ, xác pháo hồng tươi như một tấm thảm diệu kì nuôi dưỡng kí ức mộng mơ của những cô gái nhỏ.

Đó là những năm đầu của thập niên 70, mỗi lần gần đến Tết là mẹ đã chuẩn bị trước đó cả tháng trời. Mẹ hồi đó gầy mong manh như sương khói nhưng luôn đảm đang, tháo vát. Mẹ muốn các con vui và được đầy đủ. Làm diễn viên tại Nhà hát kịch Hà Nội, mỗi khi đoàn biểu diễn đến nơi nào có gạo ngon, rẻ, mẹ lại tranh thủ mua mấy cân gạo nếp, ít đỗ xanh, lá dong mang về để dành gói bánh chưng. Chị Vân lúc ấy đang học ở trường múa, dịp Tết được về nhà. Khanh nhỏ hơn Vân nhưng lớn hơn Vi. Vi thì còn bé tí, dịu dàng, hiền hậu, luôn theo hai chị. Ở sân của khu tập thể, ba chị em gái Vân, Khanh, Vi đãi đỗ, rửa lá, tíu tít chuyện trò, sau những công đoạn xong, cả ba chị em lại xem bố mẹ gói những chiếc bánh chưng vuông vức, xanh rì rồi đến tối cả nhà cùng nhau quây quần trong ánh lửa bập bùng bên nồi bánh chưng xanh ở mảnh đất trống trong sân tập thể phố Phan Đình Phùng.

Lê Khanh cho đến giờ vẫn luôn ngạc nhiên, ngày ấy đồng lương nghệ sĩ ít ỏi của mẹ nhưng Tết năm nào cũng thế, trong nhà không thiếu cái gì, rất đầy đủ cành đào, bánh chưng, mứt kẹo…  Bố thì tâm hồn lúc nào cũng “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”, lãng đãng nghệ sĩ. Bao nhiêu lo toan gánh nặng cơm áo gạo tiền dồn lên đôi vai gầy của mẹ.

Năm ấy không giống như mọi năm,  những ngày Tết đang đến gần nhưng bố mẹ giận nhau. Đã qua ngày 23 âm lịch, vậy mà trong nhà vẫn chưa có gì cho không khí Tết. Bố bảo với mấy cô con gái: “Năm nay mẹ giận thật rồi”.

Từ ngày làm vợ NSND Trần Tiến, một chàng trai lãng mạn Hà Nội, NSƯT Lê Mai phải dẹp bỏ sự khuê các của một cô tiểu thơ dòng dõi đất Hải Phòng để xắn tay áo, mạnh mẽ cứng cỏi, chăm lo chu toàn cho gia đình.

7 giờ sáng ngày 28 Tết, bố dắt xe đạp ra cửa bảo với vào nhà: “Mấy mẹ con gói bánh, bố đi một lát kiếm củi rồi mang về cho mấy mẹ con luộc bánh”. Vậy là nào đỗ, gạo nếp, thịt lợn, lá dong gói bánh, những chiếc bánh xanh rì, vuông thành sắc cạnh, dần dần cao lên. Mẹ hì hụi đến buổi trưa đã xong xô gạo nếp, đợi mãi vẫn không thấy bố chở củi về? Trời chiều dần buông, bóng tối đổ sập xuống, các nhà xung quanh trong khu tập thể đều đã bên nồi bánh chưng, ánh lửa bập bùng. Mẹ lúc này, dường như sốt ruột lắm, đứng ngồi không yên.

 Có tiếng xe đạp cà tàng quen thuộc. Mấy chị em chạy ùa ra đón bố. Cả nhà cùng sững sờ. Đằng sau xe là mấy thanh gỗ buộc chỏng chơ. Mấy thanh gỗ này thì làm sao mà đun được cả một nồi bánh chưng đây? Tối đấy, cả nhà gặng hỏi mãi bố đã kiếm mấy thanh gỗ kia ở đâu? Bố mới nói cả ngày đi lang thang để kiếm củi không được nên đành liều nghĩ ra một cách. Đợi trời tối đến nhà hát, lúc ấy bảo vệ, nhân viên về hết cả, lẻn vào kho lấy mấy cây gỗ trang trí cho vở kịch mà không biết khung gỗ đấy còn dùng nữa hay không… Mấy mẹ con nghe xong cười khúc khích, bảo nghĩ ra chiêu độc như vậy chỉ có bố Trần Tiến thôi, rồi cả nhà lại í ới rủ nhau đi tìm củi về bắc bếp luộc bánh chưng…

Chiều 30 Tết, mấy chị em ngó sang nhà hàng xóm, nhà nào nhà nấy đã đầy đủ cả, những bông hoa đào chúm chím hồng tươi khoe sắc thắm. Vân, Khanh, Vi lại đứng ở cổng ngóng ra đường mong bố mang đào về. Sáng ngày hôm ấy, trước khi đi bố đã nói là bố sẽ sắm đào mà, nên ba chị em háo hức, còn hơn cả như “mong mẹ đi chợ về”. Trời nhá nhem tối, bố về, trên tay không phải là một cành đào mà là một cành củi khô đúng nghĩa. Cả cành củi khô ấy chỉ duy nhất có một bông hoa đào hồng tươi. Nụ hoa cũng chẳng thấy đâu. Mấy chị em nhìn cành củi trên tay bố mang về, tủi thân. Em Vi òa khóc. Khanh hai hàng nước mắt chảy ướt đầm má, chị Vân dỗ em nhưng mặt không giấu được nỗi buồn.

Mẹ lặng lẽ cắm cành đào bố mang về vào lọ thì bông hoa đào duy nhất trên cành rơi ra. Thì ra bông hoa đào duy nhất ấy được buộc vào cành củi bằng một sợi chỉ hồng. Cuộc sống bi kịch quá hóa lại trở thành hài. Mẹ bật cười. Mấy chị em thấy thế đang khóc lấy tay quệt nước mắt cũng cười. Mấy ngày Tết, trời lạnh, cây củi khô vẫn trơ xương, hơn chục ngày sau những nụ mầm hé nở, cứ nhú dần những lộc non chồi biếc. Qua ngày rằm tháng giêng, cành củi khô hôm nào trổ hoa nở tưng bừng, rộn rã, hồng rực góc nhà.

Ngoài 70 tuổi, hơn chục năm nay, nghệ sĩ nức tiếng Doãn Hoàng Giang đã chuyển về ở vùng ngay tâm điểm của làng đào, quất nổi tiếng Hà thành, vùng đất Nghi Tàm, Quảng Bá. Căn biệt thự rộng mở cửa sổ có thể nhìn ra vùng đất thênh thang trồng hoa cúc vàng rực rỡ. Nhà của ông ngày Tết năm nào cũng có cành đào rừng thân sù sì, mốc trắng hoặc xanh, hoặc là cây đào thế Nhật Tân, cả cây quất Quảng An quả sai trĩu trịt căng tròn, đủ đầy về mọi mặt nhưng nhớ về thời bao cấp khốn khó với cái Tết năm xưa ông vẫn thấy lòng bồi hồi cảm xúc.

Từ những năm giữa thập niên 70, lại tới những năm của thập niên 80. Từ ngày đất nước thống nhất, hoà bình lập lại trên quê hương, sang thời kì đất nước đổi mới, hàng thế kỉ, mấy chục năm qua đi, NSND Doãn Hoàng Giang cùng cậu con trai nhỏ Doãn Hoàng Lâm ngày ấy sống trên một căn gác nhỏ 20m2 ở phố Huế, con phố chính của trung tâm thủ đô.

Tuy hình dáng rất bụi bặm, nhiều năm trời cảnh gà trống nuôi con nhưng đạo diễn lại là người yêu say đắm cái Tết cổ truyền dân tộc. Ông đặc biệt thích không khí của những ngày giáp Tết. Ông vẫn có cái thú xếp hàng ở cửa hàng mậu dịch chờ lấy mấy cân thịt gà, vài cân thịt lợn, lít nước mắm, dăm bìa đậu phụ, bánh kẹo tiêu chuẩn qua tem phiếu. Ngày Tết năm nào ông cũng tự tay gói bánh chưng, làm giò mỡ. Sân tập thể là nơi mà đạo diễn rửa lá dong, đãi đỗ, thái thịt. Buổi tối ông cùng cậu con trai và các gia đình hàng xóm trong căn ngõ nhỏ ngồi dưới hàng hiên tầng một, lửa cháy bập bùng sáng cả một góc sân.

Chiều 30 Tết, ông làm mâm cỗ cúng, có đĩa xôi, con gà, cái bánh chưng, bát canh măng khô mộc nhĩ, nấm hương, cả đĩa giò mà ông kì công thức đêm hôm để gói, luộc, củ kiệu, dưa hành… Cậu con trai nhỏ hào hứng lí lắc bên bố.

Mồng 4 Tết, ngày mà đạo diễn chọn gặp mặt bạn bè tại căn nhà riêng.

Ngôi nhà đó lại trở thành đại bản doanh của anh chị em văn nghệ sĩ. Khách khứa cứ nườm nượp chen chúc nhau lên cầu thang bé tin hin. Mấy cậu diễn viên còn đứng ở cầu thang nói với vào căn phòng: “Anh Giang ơi, cho em bước một chân vào trong nhà lấy may”. Đũa ở trong nhà đếm đủ có 20 đôi, hôm mồng 4 Tết có đến hơn 40 người tới thưởng thức bữa cơm họp mặt đầu xuân, nên cả chủ và khách bẻ đôi chiếc đũa chia nhau để dùng. Căn phòng bé như chuồng chim câu chật ních người. 

Lại ở tập thể, cả chục hộ gia đình chung nhau một khu vệ sinh, một chỗ tắm, bếp ăn mỗi người có một khoảnh nhỏ. Thậm chí, gia đình này nấu xong rồi mới đến lượt gia đình kia. Tết đến, ngoài các hộ gia đình trong khu tập thể lại còn khách khứa đến chật ních như nêm cối vậy mà vẫn cứ: “Vui như Tết”.

Mồng 4 Tết nhiều năm nay khách khứa vẫn như lệ cũ, họp mặt đầu xuân năm mới tại căn biệt thự ở ven sông Hồng lộng gió của NSND Doãn Hoàng Giang, bạn hữu năm xưa người còn kẻ mất, trong tâm khảm của ông vẫn bồi hồi nhớ về thủa Tết của ngày xưa!

Mỹ Trân (Ảnh: Phạm Quang Vinh)
.
.