Sáp nhập Nhà hát kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ để thành lập Nhà hát kịch Quốc gia Việt Nam:

Bình mới, rượu cũ

Thứ Ba, 15/05/2012, 20:00

Sau khi quyết định sáp nhập hai nhà hát hàng đầu của sân khấu phía Bắc: Nhà hát kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ thành tên gọi mới: Nhà hát kịch Quốc gia Việt Nam chính thức được thông báo, một số các nghệ sĩ, những “đương sự” chịu tác động trực tiếp của văn bản hành chính kia đã quyết liệt phản ứng.

Cực chẳng đã khi các nghệ sĩ công lập, ăn lương Nhà nước, lại không thuộc về giới “showbiz” nhiều ì xèo điều tiếng đã liên tiếp mượn báo chí làm diễn đàn để bày tỏ thái độ của mình. Xem ra, Nhà hát kịch Quốc gia Việt Nam mới chỉ được hình thành trên giấy tờ, chứ hiện tại khó có thể trình làng trong đời sống nghệ thuật vì còn thiếu nhiều sự đồng thuận.

Dẫu vẫn thầm thì nhỏ to trong những lúc trà dư tửu hậu của giới sân khấu phía Bắc từ nhiều năm nay, tin sáp nhập hai nhà hát hàng đầu luôn khiến người trong cuộc nao núng toan lo vì chưa bao giờ được đề cập theo con đường chính thống. Bởi vậy, khi quyết định sáp nhập để khai sinh ra Nhà hát kịch Quốc gia Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) ký ngày 27/3/2012, được công bố trước tập thể nghệ sĩ hai nhà hát vào ngày 5/4 vừa qua, đã tạo nên một cú sốc, cả sự ngỡ ngàng xen lẫn tẽn tò của chính người trong cuộc. Choáng và tẽn tò vì các nghệ sĩ cũng không hề hay biết trước, không được tham khảo ý kiến gì về sự kiện liên quan đến chính mình.

Ngoài việc "tự ái" vì bị gạt ra ngoài, nhiều nghệ sĩ của hai nhà hát chủ yếu ngơ ngác, lạ lẫm trước thực tế, quyết định sáp nhập đã có, thậm chí Ban giám đốc mới cũng được chỉ định (ngoài Giám đốc Lê Hùng còn 3 Phó giám đốc là ông Trương Nhuận, ông Nguyễn Thế Vinh và bà Trần Tố Trinh) nhưng cơ chế hoạt động của nhà hát mới lại chưa được hình thành. Ai cũng mang máng, Nhà hát kịch Quốc gia Việt Nam (có thể) sẽ có một đơn vị vẫn lấy tên Nhà hát kịch Việt Nam, một…

Nhà hát Tuổi trẻ, một Nhà hát Nhi đồng và nhiều phòng, ban chức năng khác. Mỗi nhà hát (con), vẫn là dự kiến, lại có một ban giám đốc (con) đủ thành phần, như mô hình mà NSND Lê Hùng, đương kim Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ, vừa được bổ nhiệm Giám đốc Nhà hát kịch Quốc gia Việt Nam, cho rằng giống như các tổng công ty mẹ, con (!). NSND Lan Hương - Trưởng đoàn kịch hình thể và thể nghiệm băn khoăn, điều này vô hình trung sẽ làm phình to thêm bộ máy hành chính đè nặng lên cơ cấu tổ chức của nhà hát mới. NSND Lan Hương nhất mực khẳng định, đây là đề án "đẻ non" chưa được nghiên cứu thấu đáo và thiếu đi sự đồng thuận, dù chỉ là tối thiểu.

NSND Lê Hùng cũng bày tỏ trong cuộc họp tại Nhà hát Tuổi trẻ, hoạt động theo cung cách mới để Nhà hát kịch Quốc gia Việt Nam sẽ nhận được nhiều hơn sự tài trợ của Nhà nước, tránh xu thế xã hội hóa, xóa bỏ bao cấp trong nghệ thuật đang dần được thực thi.

Cảnh trong vở “Nguyễn Du với Kiều” của đoàn kịch hình thể và thể nghiệm, Nhà hát tuổi trẻ.

Sau ngày 5/4, rất nhiều cuộc họp đã được triển khai tại cả Nhà hát kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ chỉ để đả thông tư tưởng, trưng cầu ý kiến về chuyện sáp nhập. Lúc đó mới tiến hành các công đoạn này, được coi là quá muộn, nên Nhà hát kịch Quốc gia Việt Nam, vừa khai sinh trên giấy tờ, chưa kịp vui vì sự hiện diện, đã phải đương đầu với bộn bề những khó khăn từ chính nội bộ. Thiếu sự chuẩn bị, thiếu những nghiên cứu kỹ lưỡng và chỉn chu, đề án mà NSND Lê Hùng tâm huyết đang gặp phải thử thách không nhỏ.

Khó để thuyết phục người khác tin vào sự chấn hưng, sốc dậy thành công sân khấu kịch phía Bắc chỉ với sự chào đời của Nhà hát kịch Quốc gia Việt Nam. Nhà văn Ngô Thảo, nguyên Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam suy tư: Nghệ thuật luôn đề cao và trân trọng phong cách riêng, hướng tới sự khác biệt. Phong cách đã định hình vì được xây dựng, vun đắp từ nhiều chục năm của cả Nhà hát kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ sẽ chắc chắn phai nhạt, cùn mòn dần khi về chung một mái.

Thêm nữa, Nhà hát kịch Quốc gia sẽ dựng vở bằng nguồn kịch bản nào, trong bối cảnh thiếu đau đớn kịch bản hay của sân khấu những năm qua hay lại lục lọi và cày ải kho tàng kịch bản kinh điển thế giới từng được dịch, xuất bản công phu. Chưa có đáp án rõ ràng cho những đầu bài muôn năm cũ này, người lạc quan nhất cũng phải lắc đầu: Khó lòng có được tương lai tốt đẹp hơn cho sân khấu kịch (dù chỉ tính riêng phía Bắc) với sự ra đời của Nhà hát kịch Quốc gia Việt Nam như ý kiến của những người có "thâm niên" trong làng sân khấu.

NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam: Hội nghề nghiệp không được hỏi ý kiến

- Thưa ông, phía Hội Nghệ sĩ sân khấu có được biết trước về việc sáp nhập hai nhà hát nổi tiếng?

- Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ trước quyết định của Bộ VH-TT&DL. Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam không hề được hỏi ý kiến, cũng không có ai gặp gỡ trao đổi bàn bạc và đề nghị được tư vấn từ phía chúng tôi, với tư cách một hội nghề nghiệp. Giữa bên Bộ và Hội nếu ngồi lại được với nhau, rất có thể đã thống nhất, hóa giải được nhiều khúc mắc, trên tinh thần tôn trọng nguyện vọng của anh chị em nghệ sĩ.

- Ông đã từng có thời gian dài đảm nhiệm cương vị Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL (đến năm 2011). Vậy trong những năm tháng đó, đã có ai đề đạt hay đưa ra ý tưởng gì về chuyện sáp nhập hiện đang gây tranh cãi này?

- Thực ra hồi đó chúng tôi dự định sáp nhập nhưng là để thành lập Trung tâm kịch nghệ Quốc gia. Lãnh đạo Bộ đã giao cho Vụ Tổ chức cán bộ nghiên cứu, xây dựng đề án. Công việc cũng mới chỉ manh nha như thế, vì cần phải có những nghiên cứu thấu đáo và các bên liên quan phải xây dựng được đề án có tính khả thi, phù hợp xu thế, đáp ứng tâm nguyện của nghệ sĩ và quan trọng nữa, mang lại ích lợi thực tiễn cho sân khấu nước nhà cũng như những người được thụ hưởng là công chúng…  

NSND Doãn Hoàng Giang: Chuyện tào lao

- Một Nhà hát kịch Quốc gia Việt Nam đã được thành lập với nhiều hứa hẹn tốt đẹp cho sân khấu, vậy ông có phấn chấn khi nghĩ tới tương lai gần, nếu mình sẽ được dàn dựng kịch mục cho nhà hát hoành tráng đó?

- Ôi, chuyện tào lao. Tôi coi những chuyện đó là tào lao, vô bổ. Lạ thật, còn bao nhiêu việc cần kíp để làm thì không ai làm, người ta sao cứ ngồi phòng máy lạnh nghĩ ra đủ thứ linh tinh. Mấy hôm nay, nhiều anh em nghệ sĩ điện thoại cho tôi, tìm đến chuyện trò, tôi thấy họ rất buồn và tâm trạng.

- Tức là ông cũng không đồng tình với quyết định sáp nhập?

- Tôi không quan tâm thì đúng hơn. Cái tôi quan tâm là làm cách nào để sân khấu hay hơn, đẹp hơn, hấp dẫn, lôi cuốn người xem hơn. Một cái bình mới, có đắt tiền đến đâu, nhưng được dùng để chứa một thứ rượu cũ, thứ rượu đã nhạt, đã chua, không ai còn hào hứng muốn nếm thì cũng mất đi giá trị sử dụng, thậm chí còn lãng phí và quá hình thức, hào nhoáng. Cái nhà hát mới dù có mang tên gì, được đầu tư nguồn kinh phí khổng lồ tới đâu, nhưng vẫn những con người cũ, nguồn nhân lực cũ, tư duy cũ thì đến mùng thất mới dàn dựng nên những vở diễn tử tế, chứ nói gì tới chuyện vực dậy sân khấu kịch nói.

- Nhưng có một Nhà hát kịch quốc gia, cũng oách đấy chứ, thưa ông?

- Vậy Nhà hát kịch Việt Nam hiện thời là nhà hát địa phương à? Chiếc áo không làm nên thầy tu. Đẳng cấp và giá trị của một nhà hát không đơn thuần nằm ở chỗ bộ máy cồng kềnh đến đâu, người đông cỡ nào hay tiền nhiều bao nhiêu. Tiền nhiều lại dễ trở thành trọc phú, hay một loại nhà giàu mới, không đem lại dáng vẻ sang trọng mà chỉ làm nên sự kệch cỡm. Theo tôi, cứ nên bình tĩnh, cứ cố tình hấp tấp hồ đồ, đốt cháy giai đoạn, dù "cái bình", cái hình thức bên ngoài có bóng bẩy đến đâu, cũng khó lòng che được nội dung nhạt nhẽo và trống rỗng. 

TS - NSND Phạm Thị Thành, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: Chúng tôi kiến nghị không sáp nhập

- Bà cùng với nghệ sĩ Hà Nhân, nghệ sĩ Thùy Chi được coi như những người xây dựng nên Nhà hát Tuổi trẻ và có công lớn đào tạo thành tài nhiều lớp nghệ sĩ giờ đều đã thành danh. Bà có thấy hợp lý không khi công trình của đời mình có nguy cơ vĩnh viễn bị xóa tên?

- Hiện tôi đang còn giữ bản viết tay, đề án viết tay xây dựng Nhà hát Tuổi trẻ mà chính mình đã thảo từ gần 40 năm trước. Ngày đó, chúng tôi, gồm chị Hà Nhân, Thùy Chi và tôi đã gắng công tạo lập nên một nhà hát hoạt động đúng mục tiêu đề ra: phục vụ khán giả trong lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng. Những Lê Khanh, Lan Hương, Chí Trung, Anh Tú, Minh Hằng, Ngọc Huyền, Đức Hải… chính là thành quả bội thu của những khóa đào tạo tại chỗ từ buổi đầu trứng nước ngày đó. Bởi vậy, tôi  rất ngạc nhiên khi thấy có quyết định sáp nhập, xóa đi thương hiệu kịch Tuổi trẻ mà chúng tôi lại không biết gì.

- Nhưng sáp nhập có thể mang lại lợi ích thiết thực hơn cho sân khấu, làm bệ phóng để kịch nói tạo đà, qua khỏi cơn bĩ cực?

- Tôi không nghĩ thế. Theo tôi, không có lý do gì để sáp nhập. Nhà hát kịch Việt Nam có phong cách riêng của mình. Nhà hát Tuổi trẻ cũng có cá tính nghệ thuật không giống ai. Không bao giờ nên trộn lẫn hòa tan các cá tính nghệ thuật lại với nhau, vì chắc chắn những điều làm nên sự độc đáo vốn luôn được trọng thị, nâng niu sẽ biến mất tức khắc. Còn theo đúng xu thế thời đại, sân khấu hay các loại hình nghệ thuật khác, chỉ nên sống cùng lúc bằng hai nguồn: tài trợ của Nhà nước và nguồn xã hội hóa. Sản phẩm nghệ thuật phải bán cho công chúng, và những đồng tiền bán vé sẽ giúp nghệ thuật tồn tại, phát triển. Đấy là điều Nhà hát Tuổi trẻ đã thành công trong quá khứ. Chúng tôi, gồm các lãnh đạo cũ của Nhà hát Tuổi trẻ, đã soạn một bức thư gửi Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL. Trong thư, chúng tôi đề nghị không nên sáp nhập hai nhà hát và yêu cầu được gặp Bộ trưởng cùng lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ để nêu ý kiến.

NSND Lan Hương, Trưởng đoàn kịch Hình thể, thể nghiệm Nhà hát Tuổi trẻ: Tôi sẽ còn khiếu nại

- Chị gần như là người khơi nguồn cho những phản ứng về quyết định thành lập Nhà hát kịch Quốc gia Việt Nam khi chủ động gửi hàng loạt kiến nghị lên các cấp lãnh đạo cao nhất?

- Tôi không chống lại quyết định sáp nhập. Tôi chỉ không đồng tình với cách thức thực hiện. Nghệ sĩ chúng tôi bị đẩy ra ngoài cuộc, áp đặt vào sự đã rồi và đến giờ vẫn hoang mang về số phận của mình. Tôi chưa biết đoàn kịch hình thể của tôi sẽ ra sao, còn được tồn tại hay không và tồn tại trong hình thức nào. Các nghệ sĩ trong đoàn của tôi hiện giờ bơ vơ, các em các cháu đều còn trẻ, nhưng gắn bó với đoàn từ ngày đầu, cũng xấp xỉ 10 năm. Vậy mà giờ đây, tôi cũng không biết tương lai của họ sẽ thế nào.

- Chị không hào hứng với vị thế mới hoành tráng hơn, sẽ nhận được những khoản đầu tư xứng tầm hơn?

- Tôi và nhiều nghệ sĩ ở nhà hát của tôi chỉ bận lòng vì các quyết định được ban ra hình như không phải mục đích vì sân khấu, vì nghệ sĩ và vì thương hiệu của các nhà hát. Chúng tôi tủi thân bởi đây dường như là chuyện của một vài người, và chúng tôi là những con rối bị động trong tay người điều khiển. Nếu nghĩ vì sân khấu, tôi tin người ta đã có cách hành xử khác

Ngô Hương Sen
.
.