Bóng đá Xô Viết trong chiến tranh – Những trang sử chưa được biết

Thứ Ba, 10/07/2018, 09:21
Có nhiều trang sử khá thú vị và hào hùng về bóng đá Xôviết trong thời kỳ trước và trong chiến tranh mà không mấy ai được biết đến…

Chủ nhật ngày 22-6-1941 theo lịch là thời điểm diễn ra các trận đấu trong khuôn khổ mùa giải vô địch bóng đá Liên bang Xôviết lần thứ VII. Sau 10 vòng đấu đầu tiên, dẫn đầu đang là 3 đội bóng cùng có cái tên Dinamo đến từ Moskva, Tbilisi và Leningrad. Ngay từ buổi chiều hôm trước, các cầu thủ Spartak Moskva đã có mặt tại Leningrad để chuẩn bị cho trận đấu sân khách, nơi tất cả vé đã được bán hết.

Không ai có thể hình dung chiến tranh sẽ nổ ra chỉ vài giờ sau đó. Thay vì tiếng còi của trọng tài, các cầu thủ tập trung tại sân vận động Lênin sau đó lại được nghe thông báo của chính phủ về chiến tranh. Cũng không ai có thể hình dung được chỉ vài năm sau, sân bóng trên cũng trở thành một chiến trường bom đạn ác liệt.

Có nhiều trang sử khá thú vị và hào hùng về bóng đá Xôviết trong thời kỳ trước và trong chiến tranh mà không mấy ai được biết đến…

 “Trận đấu của cuộc sống”

Năm 1940 là năm cuối cùng giải vô địch bóng đá Liên Xô thời kỳ trước chiến tranh được hoàn tất trọn vẹn với chức vô địch thuộc về Dinamo Moskva. Mùa giải năm 1941 theo truyền thống bắt đầu từ tháng 5 với tổng cộng 10 vòng đấu trong khoảng một tháng rưỡi. Đúng ngày 22-6, lễ khánh thành sân vận động mới tại Kiev dự kiến sẽ được tổ chức ngay trước trận đấu trong khuôn khổ giải vô địch giữa Dinamo Kiev và câu lạc bộ “Hồng quân”.

Trận đấu chật kín khán giả giữa Dinamo Moskva với “Hồng quân” vào ngày 25-5-1941, tức là trước khi chiến tranh diễn ra chưa đầy một tháng.

Nhưng gần 4 giờ sáng hôm đó, thành phố này đã hứng chịu những trái bom đầu tiên khiến trận đấu bị bãi bỏ. Tuy nhiên, trận đấu dù sao cũng được diễn ra, nhưng chính xác là phải sau 3 năm 2 ngày (ngày 25-6-1944). Khi đó khắp Kiev có treo nhiều bản thông báo cho biết, những vé đã bán từ năm 1941 vẫn còn hiệu lực.

Chỉ có điều… không phải tất cả khán giả và cầu thủ đợi được cho đến khi tiếng còi khai mạc trận đấu bắt đầu. Nhiều cầu thủ bóng đá gia nhập quân đội, một số lao động tại các xí nghiệp quốc phòng, một số cùng nhà máy di tản sâu trong hậu phương. Nói chung số phận của các cầu thủ bóng đá không có gì khác biệt. Và trong những ngày tháng chiến tranh ác liệt vẫn còn có chỗ cho những trận bóng đá, dù một vài trong số đó vẫn mang sắc thái chiến đấu thực sự.  

Phần lớn các cầu thủ Leningrad đều ở lại với thành phố. Vòng vây của kẻ thù khép chặt nhanh và bất ngờ đến nỗi gần như tất cả các xí nghiệp và người dân đều không kịp di tản. Dù phải trải qua mùa thu ban đầu bị phong tỏa, và sau đó là một mùa đông kinh hoàng, nhưng thành phố vẫn đứng vững.

Khi mùa xuân tới, giới lãnh đạo thành phố nảy ra ý tưởng tổ chức một trận bóng đá nhân ngày truyền thống thể dục thể thao. Tất nhiên đó không chỉ là một trận thi đấu thể thao thông thường, mà đó chính là thể hiện của việc thành phố vẫn đang sống, đang đứng vững trước vòng vây của kẻ thù. Nhiều người còn gọi đó chính là “trận đấu của cuộc sống”.

Các cầu thủ tham gia có một số từng là thành viên đội Dinamo địa phương – được coi là ngọn cờ đầu của bóng đá Leningrad trước chiến tranh. Phía đối phương có nòng cốt từ đội Zenit, có bổ sung một vài cầu thủ của Spartak, do một phần cầu thủ đã di tản cùng nhà máy cơ khí quang học tới Kazan.

Trận đấu được truyền trực tiếp qua radio. Đáng chú ý là các cầu thủ được cấp khẩu phần ăn đặc biệt trước trận đấu, do hầu hết đều là những người đã kiệt sức vì lao động và chiến đấu. Thậm chí trong giờ nghỉ họ không dám nằm xuống vì sợ không còn đủ sức để… đứng dậy.  

“Trận đấu tử thần” – Huyền thoại hay sự thật?

 “Trận đấu tử thần” tại Kiev là một trong những huyền thoại nổi tiếng nhất về bóng đá Xôviết trong thời chiến tranh. Đây là chủ đề của rất nhiều cuốn sách, bộ phim, của hàng trăm bài báo từ khắp nơi trên thế giới. Tờ “Sự thật Kiev” lần đầu tiên nhắc tới sự kiện này vào ngày 17-11-1943, tức là chỉ vài tuần sau khi Kiev được giải phóng.

Ảnh chụp cầu thủ hai đội trước “trận đấu tử thần”.

Vài tháng sau, đến lượt một tờ báo chiến trường cho đăng cả một chuyện về trận đấu này. Sau một thời gian tạm lắng, độc giả lại được giới thiệu chi tiết hơn về chủ đề trên với cuốn sách “Trận quyết đấu cuối cùng” của hai nhà văn Severov và Khalemski, bộ phim “Hiệp đấu thứ 3” quay vào mùa hè năm 1962.

Từ đó tới nay, công chúng được biết thêm nhiều chi tiết cụ thể và ấn tượng hơn liên quan đến trận đấu qua rất nhiều tác phẩm: chẳng hạn như bộ đồng phục đỏ có ý nghĩa chống phát xít của đội Dinamo; đội bóng Luftwaffe của phát xít Đức; câu nhắn nhủ của tay sĩ quan Gestapo với các đối thủ: “Sẽ không có sự khoan dung nếu các người thắng”; việc thủ môn Trusevich bị các đối thủ đánh đập tàn nhẫn; trọng tài thiên vị trắng trợn cho đội bóng phát xít; cú nã đại bác của Kuzmenko ấn định chiến thắng 5-3. Chưa kể đến ngày hôm sau, Gestapo đã bắt giữ, tra tấn và xử bắn 4 cầu thủ để trả thù cho thất bại trên sân bóng…

Công cuộc cải tổ cùng với việc Liên Xô tan rã đã xuất hiện thêm những quan điểm trái ngược khi cho rằng, trận bóng đá trên không hề có, mà đó chỉ là một kết quả của bộ máy tuyên truyền Xôviết. Tuy nhiên đến năm 2012, trên màn ảnh nước Nga lại xuất hiện bộ phim “Trận đấu” khá hấp dẫn nhân dịp kỷ niệm 70 năm sự kiện bi thảm này.

Câu hỏi đặt ra là: đâu là sự thật liên quan đến trận đấu trên? Nó có thực sự từng diễn ra hay không? Để trả lời những câu hỏi này, hai phóng viên Artem Frankov và Alex Ivanov tại Kiev đã có những công trình nghiên cứu rất kỹ lưỡng, từ tìm kiếm trong các hồ sơ lưu trữ tới việc gặp trực tiếp các nhân chứng có thể.

Kết quả cho thấy, các cầu thủ Dinamo từ mùa hè năm 1942 đã tham gia thi đấu không chỉ một mà là 10 trận đấu với tổng tỉ số là 56-11. Trong trận đầu tiên, họ ra quân với cái tên “Nhà máy bánh mì”, còn trong 9 trận còn lại là “Start”.

Còn về phía đội Đức không phải cái tên Luftwaffe như các tài liệu trước đó đã nêu, mà là “FLAKELF”, tên viết tắt của lực lượng phòng không phát xít Đức (trong đội hình chủ yếu là lính của phòng không Đức phát xít). Theo các tấm áp phích còn lưu giữ được, trong “trận đấu tử thần” diễn ra vào ngày 9-8-1942 với “FLAKELF”, phía “Start” có sự tham gia của 14 cầu thủ.

Còn theo tài liệu lưu trữ, những vụ bắt giữ không phải diễn ra ngay sau trận đấu. Phải đến ngày 18-8, có tổng cộng 8 cầu thủ bị bắt tới trụ sở của Gestapo để thẩm vấn. Kết quả chỉ một người được thả, số còn lại bị tống vào trại tập trung Syreski. Trên thực tế cũng có 4 cầu thủ bị quân phát xít xử bắn, có điều không rõ cái chết của họ có thực sự liên quan đến trận đấu hay không. Cụ thể cầu thủ Nicolai Korotki bị tử hình vào mùa thu năm 1942. Ba cầu thủ khác bị xử bắn vào ngày 24-2-1943 với lý do có liên quan đến hoạt động phá hoại của du kích.

Hiện chưa thể khẳng định, các cầu thủ Dinamo có thực sự tham gia vào các hoạt động bí mật chống kẻ thù. Nhưng mười chiến thắng trong tất cả 10 trận đấu với đối phương là một kết quả thực sự ấn tượng, chắc chắn khiến cho Gestapo phải để ý tới họ. Có lẽ trong trường hợp này, kết quả thi đấu bóng đá có lẽ đã đóng một vai trò định mệnh đối với số phận của những cầu thủ Dinamo bị bắt giữ và hành quyết.

Quỳnh Nga (tổng hợp)
.
.