Bỗng dưng thành… giám đốc doanh nghiệp

Thứ Ba, 28/02/2017, 19:25
Thêm một lần nữa, chỉ sau tết Đinh Dậu 2017, giới tiểu thương, người buôn bán nhỏ của TP Hồ Chí Minh lại, xôn xao bàn tán về chủ trương nâng tiểu thương, hộ gia đình kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp với những thông tin không rõ ràng gây không ít hoang mang lo lắng cho người buôn bán nhỏ.

Lao xao chuyện bỗng dưng thành doanh nghiệp

Chị Hồ Thị Ngọc, chủ một quán ốc đêm trên đường Tô Hiến Thành, Q10 băn khoăn: “Đang yên đang lành, bỗng dưng ngủ dậy một đêm quán ốc bên đường thành doanh nghiệp, còn bà chủ như tui thành... giám đốc”. Quán ốc của chị chủ yếu hoạt động từ chiều đến nửa đêm. Chị thuê gần 20 người nấu nướng, rửa dọn, phục vụ, thuê công nhật. Theo cách hiểu nôm na, đơn giản của chị thì vậy mà thành giám đốc với doanh nghiệp với đủ thứ giấy tờ, quy định lằng nhắc, phức tạp thì... kỳ quá!

Với tiểu thương, người buôn bán nhỏ nói chung, việc trở thành doanh nghiệp là điều không mấy người hào hứng. Thiếu thông tin chính xác, nghe thông tin “vỉa hè” đồn đoán, không hiểu biết đầy đủ họ càng hoang mang. Nhưng tựu trung vẫn là việc sợ đóng thuế cao và bảo hiểm cho cán bộ nhân viên.

Tiểu thương và doanh nghiệp tư nhân tại TP Hồ Chí Minh (ảnh minh họa).

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có trên 3,4 triệu hộ kinh doanh, nhưng tổng thuế nộp cho Nhà nước chỉ ước đạt khoảng 2%, một con số quá bé nhỏ so với tổng thu từ các hộ kinh doanh. Không muốn lên đời doanh nghiệp có một ngàn lẻ một lý do. Các hộ kinh doanh cá thể chuyên ngành ăn uống, giải khát, cơ sở sản xuất đồ gia dụng, gia công... có nhiều nơi sử dụng hàng chục công nhân hợp đồng và doanh thu nhiều tỷ đồng trong một tháng, nhưng khi nói đến việc nâng hạng lên doanh nghiệp, từ chủ cơ sở, hộ gia đình cá thể lên thành giám đốc doanh nghiệp thì ai cũng né tránh. Do đó, mục tiêu của Chính phủ đề ra hướng đến phát triển 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 theo quy hoạch, hiện đang là vấn đề rất nan giải.

Trong lúc Chính phủ và các bộ, ngành đang dốc sức đầu tư cho việc phát triển của doanh nghiệp và cam kết can thiệp, bảo vệ tối đa quyền tự do kinh doanh, cấm mọi hình thức “hình sự hóa” các hoạt động kinh doanh, gây cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo đúng pháp luật, thì sự chậm trễ và chuyển đổi theo tình hình hiện nay chủ yếu là do công tác tuyên truyền, giải thích, hỗ trợ cho tiểu thương còn quá ít, thậm chí chưa làm gì cả. Do vậy, số đông các hộ tiểu thương tỏ ra lúng túng, không hiểu biết và chưa biết rõ ràng về thông tin lên hạng hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp như hiện nay là điều dễ hiểu.

Một điều kiện tiên quyết khác, dẫn đến tình trạng lo lắng chung của nhiều hộ tiểu thương về thông tin “vịt” về quy định mới của ngân hàng từ sau ngày 15/3 sẽ không cho vay các hộ kinh doanh cá thể nếu không lên doanh nghiệp. Theo luật mới quy định, tư cách được vay vốn chỉ là cá nhân hoặc pháp nhân. Nếu là cá nhân thì đa số tiểu thương thuộc dạng vay tiêu dùng lãi suất không ưu đãi và phải thế chấp tài sản với tư cách vay tiêu dùng, cá nhân.

Bà Lê Thị Oanh, tiểu thương chợ Tân Bình cho biết: sạp quần áo kinh doanh của bà nhỏ xíu, nếu vay vốn đầu tư mở rộng kinh doanh thì lãi trả rất cao, rất khó kham nổi trong tình hình buôn bán ế ẩm như hiện nay. Do đó, dù rất muốn đầu tư mở rộng cũng không thể thực hiện vào lúc này. Hiểu biết không khớp, không đồng thuận giữa tiểu thương và ngân hàng đã khiến khách hàng vay hoang mang. Nhưng lãnh đạo nhiều ngân hàng đã mạnh dạn trả lời trên các phương tiện truyền thông rằng, chỉ có vài từ ngữ trong hợp đồng thay đổi cách gọi, về cơ bản nội dung Thông tư 39 việc vay vốn tại ngân hàng đối với hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương... không có gì thay đổi.

Phía  ngân hàng cho biết, đây chính là đối tượng khách hàng chiếm số đông và tăng mạnh hàng năm. Theo cách  nghĩ của ông Đặng Văn Chánh - hộ kinh doanh trên đường Thành Thái, P14, Q10 thì trước đây, gia đình ông muốn vay vốn kinh doanh trong chợ, chỉ cần ban quản lý chứng nhận, duyệt mục đích vay là được, nhưng nay theo quy định mới, muốn được vay vốn phải thế chấp tài sản cá nhân, xác định mục đích nghề kinh doanh, nhưng gia đình tôi thì đâu có gì có giá trị sở hữu để thế chấp. Như vậy, sẽ gặp nhiều khó khăn cho công việc làm ăn sau này.

Chị Bành Lệ Trâm, tiểu thương chợ Bà Hom chỉa sẻ: “Thường khách hàng sỉ của tôi mua hàng “gối đầu” cho chịu thì khách mới lấy nhiều hàng, nay đồng vốn vay gặp khó khăn, xoay vòng chậm, buộc khách hàng trả tiền trước mới lấy hàng thì sức mua bán sẽ giảm rất lớn”.

Nhiều hộ tiểu thương còn vướng “thế chấp” đơn kép do tài sản đã thế chấp càng tỏ ra hoang mang. Tuy nhiên,  ngành ngân hàng cho biết, mọi cá nhân có nhu cầu vay vốn để kinh doanh, sản xuất với quy mô gia đình vẫn được vay vốn bình thường, không hề có chuyện hộ kinh doanh cá thể buộc phải lên doanh nghiệp mới được vay vốn như lầm tưởng của nhiều người trong thời gian vừa qua.

Chỉ có lợi khi thành doanh nghiệp

Lý do khiến nhiều người dân và tiểu thương lo lắng, bất an với thông tin nâng tiểu thương lên thành doanh nghiệp, chủ yếu là vấn đề thuế, hóa đơn và những hiểu biết chưa đầy đủ về doanh nghiệp, pháp nhân và hộ kinh doanh cá thể có những lợi hại ra sao. Những lợi ích về doanh nghiệp có thể nhìn thấy rõ ràng nhất như: về phía Nhà nước, thực hiện bảo hộ các pháp nhân, tạo nguồn thu từ tiền thuế để nuôi hoạt động của bộ máy nhà nước.

Về phía công ty, khi thành lập xong cá nhân trở thành pháp nhân, được pháp luật bảo hộ, tạo điều kiện thuận lợi để kinh doanh, phát triển tạo nguồn lợi nhuận, tăng uy tín, thu hút đối tác, khách hàng và dễ dàng vay vốn... Công ty sẽ thuận tiện trong việc kiểm soát thu chi, chia lợi nhuận, thực hiện bằng các quy định pháp luật về kế toán, tài chính, kiểm toán, XNK, tránh những rủi ro không đáng có mà hộ kinh doanh cá thể thường gặp phải như hiện nay.

Công ty hình thành, hoạt động kinh doanh sản xuất sẽ mang tính chuyên nghiệp, xây dựng thương hiệu độc quyền và lâu dài ổn định và dễ dàng tham gia trên sàn chứng khoán, thành lập cổ phần, vay vốn và tham gia hoạt động xuất nhập khẩu...

Về phía ngân hàng, cũng dễ dàng nhìn thấy việc vay vốn tùy thuộc vào giá trị các khoản vay mà tài sản đảm bảo cũng khác nhau. Một tiểu thương kinh doanh tại các chợ nhỏ lẻ, hộ gia đình nhu cầu vay cũng chỉ vài chục đến vài trăm triệu, nhưng đối với tiểu thương, hộ kinh doanh cá thể tại các chợ lớn như Bến Thành, Chợ Lớn, Bà Chiểu, Tân Định, trung tâm thương mại... có những sạp tiệm giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng, thì giá trị các khoản vay có giá trị cao hơn vài tỷ đồng, khi đó tài sản đảm bảo trở thành bất động sản. Mức sàn giá trị và lãi suất vay cao hay thấp tùy thuộc vào ngân hàng và trần quy định chung.

Chị Nguyễn Mai Vân, tiểu thương chợ An Đông cho biết, đã từng vay hàng trăm triệu đồng cho mục đích sản xuất kinh doanh đá quý. Khoản vay này đứng tên chị Vân, chứ không phải hộ gia đình. Mức lãi suất cho mục đích vay thấp hơn mục đích kinh doanh và hiển nhiên thấp hơn tiêu dùng.

Chị Vân muốn có số tiền vay trên, buộc phải thế chấp tài sản chính là căn nhà chị đang ở. Giả sử xảy ra những sự cố rủi ro, hoặc sự cố bất khả kháng thì hậu quả thật khó lường.

Hộ kinh doanh của ông Lê Anh Hùng, tại nhà trên đường Nguyễn Ảnh Thủ, Q12 từ manh mún, nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn. Ông Hùng xin thành lập doanh nghiệp tư nhân, được vay vốn ngân hàng nhằm mở rộng kinh doanh xưởng đồ gỗ gia dụng. Nhưng khi có vốn đầu tư nhà xưởng thì thị trường đồ gỗ gia dụng gặp khó khăn, èo uột nắng mưa. Do đó, hơn hai năm qua, ông vẫn phải gồng mình trả lãi, nuôi công nhân “cầm cố” cho qua cơn bĩ cực.

Theo ông, thành lập doanh nghiệp có nhiều thuận lợi trong kinh doanh sản xuất nhưng không phải lúc nào cũng gặp may mắn, tốt đẹp. Cần phải xây dựng cặn kẽ kế hoạch kinh doanh theo biến thiên của thị trường, nếu không doanh nghiệp sẽ phá sản, nợ nần ngập đầu. Bài học kinh nghiệm cay đắng này, đã khiến ông Hùng nói đến việc phát triển tiểu thương, hộ kinh doanh gia đình cá thể lên doanh nghiệp có nhiều bi quan, xuất phát từ chủ quan của bản thân doanh nghiệp tư nhân Hùng Anh. Tuy không diễn đạt chính xác, nhưng cách nói của ông có vẻ như đang trách cứ về các khoản thuế, phí quá nhiều đối với một doanh nghiệp nhỏ.

Các khoản thuế mà các doanh nghiệp tư nhân đã hình thành từ những năm 2015, 2016 thường nhắc đến như: Thuế doanh nghiệp, thuế môn bài, lệ phí quản lý hành chính... và hàng loạt các chi phí trang trải khác như tiền thuê mặt bằng, trả lương, chi tiêu khác tất cả đều tăng cao. Nhiều hộ kinh doanh trái cây phải thường xuyên “di động” tránh cơ quan chức năng phạt về mất trật tự, lấn chiếm vỉa hè, lề đường chạy như cơm bữa hằng ngày.

Người buôn bán tìm mọi cách để tránh đóng thuế, do đó thường xuyên vi phạm các quy định pháp luật. Cơ quan chức năng phải đảm bảo trật tự và quản lý nhà nước nên tâm lý chung nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ ái ngại không muốn lên doanh nghiệp cho dù rất biết những thuận lợi khi trở thành doanh nghiệp.

Trước thông tin về hộ gia đình không còn được vay vốn ngân hàng để kinh doanh và muốn được vay vốn nhất thiết phải thành lập doanh nghiệp đã và đang làm cho nhiều hộ tiểu thương lo lắng, phân vân. Trong khi đó, chính quyền thành phố đang chủ trương khuyến khích tiểu thương lên doanh nghiệp nhằm xây dựng tư cách pháp nhân để được nhà nước tạo thêm nhiều thuận lợi trong kinh doanh, sản xuất.

Với những tiểu thương có đủ điều kiện, nhưng không rõ ràng các quy định, trình tự pháp luật, Thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tiếp cận với các hộ kinh doanh, giải thích, hướng dẫn làm thủ tục, hỗ trợ tư pháp để chuyển đổi thành doanh nghiệp. Thành phố không chủ trương mang tính bắt buộc nhưng phải kiên trì thực hiện vận động, tuyên truyền để thực hiện đúng chủ trương Chính phủ thực hiện đến năm 2020 có số lượng 1 triệu doanh nghiệp theo quy hoạch và tầm nhìn phát triển.

Nhưng rõ ràng hiện nay, chủ trương này cần phải có những giải pháp triển khai đồng bộ, kiên trì và cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, đến từng hộ kinh doanh, từng tiểu thương theo trình tự từng bước, từng giai đoạn thích hợp.

Câu chuyện về những hộ cá thể kinh doanh rau củ quả, quần áo, ốc đêm, sạp quần áo trẻ con... bỗng dưng sau một đêm ngủ dậy thành giám đốc, doanh nghiệp đang trở thành đề tài nóng. Vấn đề ở đây chính là việc cung cấp thông tin, tuyên truyền vận động cho mọi tiểu thương hiểu rõ và đầy đủ quyền và lợi ích khi thành doanh nghiệp.

Nếu các cơ quan chức năng không làm rõ vấn đề này, chắc chắn công tác triển khai thực hiện mục tiêu của Chính phủ sẽ gặp phải những khó khăn, chậm chạp trong lộ trình hình thành 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Để tiểu thương, hộ gia đình kinh doanh, doanh nghiệp và doanh nhân đóng góp càng nhiều cho đất nước, cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước nói chung và thành phố nói riêng, việc xây dựng những chương trình kế hoạch và lộ trình thực hiện là rất cần thiết. Không thể vì mong muốn nhanh mà bỏ qua các giai đoạn phát triển và các bước đi, giải pháp phù hợp, đôi khi sẽ làm chậm quá trình hơn là đẩy nhanh.

Hoàng Châu
.
.