Brazil: Quyết luyệt ngăn chặn nạn phá rừng Amazon

Thứ Sáu, 02/03/2012, 05:25

Bọn đốn gỗ lậu và những chủ trại nuôi súc vật phá rừng Amazon bất hợp pháp là mục tiêu theo dõi nghiêm ngặt của IBAMA, Cơ quan bảo vệ môi trường của Brazil. Amazon - được coi là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới, khu vực đa dạng sinh thái đáng kinh ngạc, chìa khóa để chống lại sự thay đổi khí hậu - đang bị hủy hoại một cách không thương tiếc.

Boca do Acre, thị trấn chăn nuôi gia súc nằm ở miền Nam bang Amazonas của Brazil, là một trong những chiến tuyến mới trong cuộc chiến của chính quyền chống lại nạn phá rừng bất hợp pháp với những chiếc trực thăng thường xuyên bay tuần tra bên trên rừng Amazon.

Từ sau thập niên 70 thế kỷ trước, những đàn trâu bò ngày càng phát triển đông đúc ở Amazonas và người chăn nuôi phải đốn cây rừng để tìm thức ăn cho gia súc. Curt Trennepohl, Chủ tịch của IBAMA, thừa nhận người từ các bang khác đang dòm ngó những cánh rừng bao quanh Boca de Acre và những thị trấn khác ở miền nam Amazonas. IBAMA là cơ quan có nhiệm vụ giám sát, bắt giữ và trừng phạt bất cứ ai có hành vi xâm hại rừng mưa nhiệt đới Amazon.

Các báo cáo tình báo của IBAMA tiết lộ bọn tội phạm đốn gỗ lậu đang ngày càng di chuyển nhiều vào khu vực miền Nam bang Amazonas, vùng đất có khoảng 97% diện tích rừng nguyên sinh. Curt Trennepohl  rất lo ngại về xu hướng sử dụng phổ biến công cụ phá rừng tự chế cực kỳ nguy hiểm gọi là "correntoes". Correntoes là những chiếc máy kéo hay xe tải được buộc sợi xích kim loại sắc bén có thể cắt đứt gốc cây chớp nhoáng và san bằng cả một vạt rừng trong khoảng thời gian được tính bằng phút. 

Những năm gần đây đã xuất hiện những thông tin tích cực từ những người bảo vệ rừng Amazon. Giữa những năm 2004 và 2009, diện tích rừng bị phá hoại đã giảm từ khoảng 27.000km2 xuống còn 7.600 km2. Nhưng sự vui mừng không được lâu khi những hình ảnh vệ tinh mới của hai tháng 3 và 4/2011 cho thấy gần 593 km2 rừng bị phá trụi - mức tăng đến hơn 470% so với cùng kỳ năm 2010. Và trong khi nạn phá rừng tiếp tục giảm ở một số khu vực như là Para thì hiện tượng lại tăng mạnh tại những khu vực được bảo vệ tốt hơn như là Amazonas, trong đó nhiều nhất là ở Boca do Acre.

Ở những nơi lân cận như Labrea, Apui và Novo Aripuana cũng cho thấy mức độ phá rừng nghiêm trọng đến mức Amdre Muggiati, nhà tổ chức chiến dịch của Tổ chức Hòa bình Xanh đặt trụ sở ở thành phố Manaus, phải lên tiếng cảnh báo chính quyền cần có biện pháp kiên quyết hơn nếu không cả khu vực rừng ở bang Amazonas sẽ bị hủy diệt.

Nữ Bộ trưởng Môi trường Izabella Teixeira thừa nhận: "Chúng ta đang trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn trong cuộc chiến bảo vệ môi trường". Về phía mình, chính quyền Brazil cho biết đã tăng cường những hoạt động với 58 chiến dịch chống phá rừng trong năm 2011 được triển khai, trong đó hơn 500 nhân viên IBAMA được huy động và cả quân đội cũng được triển khai hành động. Nhưng người dân ở Boca do Acre tin rằng nạn phá rừng vẫn sẽ tiếp tục trừ phi chính quyền giải quyết được việc làm cho những người vốn sống nhờ vào rừng.

Nhân viên của IBAMA hợp tác với Cảnh sát Liên bang Brazil đang làm nhiệm vụ bảo vệ rừng.

Nhưng những biện pháp bảo vệ rừng Amazon của chính quyền Brazil phải đối mặt dữ dội với nhiều tham vọng khác. Chúng bao gồm kế hoạch xây dựng 7 đập nước trên hai con sông rất nhạy cảm với các vấn đề môi trường là Xingu và Madeira; cũng như những dự án về đường sá, đường dây truyền tải điện, hệ thống đường ống dẫn dầu mỏ và khí tự nhiên cũng như số dự án công nghiệp và khai mỏ quy mô lớn. Những đập nước sẽ cung cấp nguồn năng lượng cho những lò nấu nhôm và chúng sẽ làm ngập lụt hàng triệu hecta rừng, thải ra không khí methane và những khí gây hiệu ứng nhà kính khác, hủy hoại tính đa dạng sinh thái và buộc các cộng đồng dân bản xứ phải rời bỏ quê cha đất tổ để tha hương.

Cảnh sát liên bang Brazil và nhân viên IBAMA đã cố gắng mở rộng những cuộc điều tra về ngành kinh doanh gỗ bất hợp pháp, với nhiều đợt ra quân tiến vào hai bang Mato Groso và Para. Họ đã phát hiện được nhiều chiếc xe tải chỡ gỗ khai thác lậu, và trong số hơn 300 người bị bắt giữ có khoảng 100 người được chuyển giao cho quan chức IBAMA xử lý vì liên quan đến âm mưu bán hàng triệu mét khối giống gỗ cứng quý hiếm sang Mỹ, châu Âu và châu Á.

Trong suốt 40 năm qua, gần 20% rừng mưa Amazon bị hủy diệt - tức hơn tỉ lệ của 450 năm trước đó kể từ khi cuộc thực dân hóa của người châu Âu bắt đầu. Các nhà khoa học trên thế giới hiện đang lo sợ trước viễn cảnh thêm 20% rừng mưa Amazon sẽ mất đi trong hai thập niên tới. Nếu điều đó xảy ra thì hệ sinh thái rừng Amazon sẽ tan vỡ và gây ra tình trạng khô hạn dẫn đến sự diệt vong của các loài động thực vật quý hiếm. Nạn khô hạn như thế từng tác động đến rừng Amazon trong năm 2005, làm giảm mực nước sông xuống 12 mét và gây điêu đứng cho hàng trăm cộng đồng dân bản địa xung quanh.

Ngoài ra, việc cây rừng bị đốt cháy bừa bãi để tạo vùng đất trống tại vùng ranh giới các bang Para, Mato Grosso, Acre và Rondonia, cho nên Brazil đang trở thành một trong những quốc gia có lượng khí thải nhà kính lớn nhất thế giới

Thanh Phong (tổng hợp)
.
.