Bức thư giá 6 tỷ đồng của Van Gogh

Thứ Ba, 28/07/2020, 11:35
Ngày 16/6/2020, tại cuộc bán đấu giá Drouot, ở Paris, Pháp, xảy ra một sự kiện đặc biệt. Đó là việc Quỹ Vincent Van Gogh, Hà Lan, mua được một bức thư tiếng Pháp viết chung của danh họa Hà Lan Vincent Van Gogh (1853 - 1890) và danh họa Pháp Paul Gauguin (1848 - 1903), với giá 210.600 euros, tức khoảng 6 tỷ tiền Việt.

Bức thư được viết trong hai ngày, ngày 1 và 2 tháng 11 năm 1888. Gửi cho họa sỹ Pháp Emile Bernard (1868 - 1941), bạn vong niên chung. Bức thư khá dài, kể chuyện Van Gogh và Gauguin hàng ngày vẽ bên nhau thế nào, trao đổi ra sao về "cộng đồng họa sỹ cộng sản chủ nghĩa", nhất là về bước ngoặt sắp tới của nghệ thuật, và những chuyến ghé tới các nhà chứa, dự định có thể đến ở hẳn đấy để vẽ. Bức thư xôn xao dư luận văn nghệ thế giới suốt từ hôm ấy tới nay.

Nó sẽ được Bảo tàng Van Gogh Hà Lan đưa vào như một điểm nhấn tại cuộc triển lãm "Thư từ Van Gogh" (có kế hoạch trước), mở cửa vào ngày 9/10 năm nay, 2020. Triển lãm sẽ trưng bày 40 thư, kèm những bức tranh (Van Gogh) như để "minh họa". 

Như những câu chuyện kể về cuộc đời và sáng tác của họa sỹ độc đáo hàng đầu và bất hạnh nhất toàn cầu. Hiện Bảo tàng Van Gogh lưu giữ 875 bức thư của nhà danh họa, là bộ sưu tập thư gốc lớn nhất thế giới. Từ lâu, các bộ tuyển thư Van Gogh thường vẫn được coi là kiệt tác văn học. 

Van Gogh - Tự họa, sau khi tự cắt tai.

Dòng họ Van Gogh có nhiều người kinh doanh mỹ thuật, làm thợ kim hoàn và mục sư. Lớn lên, Van Gogh muốn nối nghiệp cha. Ông được chọn tới một nơi nghèo bậc nhất nước Bỉ để thử "tay nghề". Từ thuở bé, ông đã luôn mong mỏi ấm no yên ổn cho dân nghèo lam lũ mà khốn khổ. Vì vậy, đến nơi, ông muốn tỏ ra mình là người đồng cảnh ngộ với dân nghèo, nhất là thợ mỏ. Ông chọn ở trong căn nhà tồi tàn nhất. 

Ông thường ăn uống thanh đạm, vài hôm lại nhịn ăn một lần. Đêm ngủ ngay trong ổ rơm trên nền đất lạnh. Dân bản địa quý ông tựa như ông là người cùng cảnh với họ. Thế nhưng các bài thuyết giảng của ông không hấp dẫn. Lượng người nghe ông thấp và ít dần. Ông buồn rầu và chán nản, nhưng vẫn muốn mở mang đầu óc cho dân nghèo.

Và ông chợt nhận ra rằng không gì bằng hội họa. Thế là ông lui tới mọi bảo tàng, chiêm ngưỡng các bức tranh nổi tiếng, tìm hiểu sự nghiệp các bậc tiền bối, nghiên cứu kỹ thuật hội họa… Cuộc tự học ấy say mê và cần mẫn đến nỗi em trai ông, Théo Van Gogh (1857 - 1891) xúc động. Ngay từ đó, em ông đã tự hứa giúp ông thực hiện bằng được ý nguyện. Do thiên tư kinh doanh bẩm sinh, Théo được cử sang Paris quản lý một cửa hàng bán tranh lừng lẫy. Được em mời sang Pháp, Van Gogh mở rộng gấp bội giao lưu, kiến thức, trải đời...

Van Gogh và Bernard.

Tranh khắc Nhật Bản lúc ấy đã gây ấn tượng mạnh với Van Gogh. Ông vốn tôn thờ ánh sáng mặt trời nồng ấm, soi rọi hết thảy cho con người. Khao khát tới Nhật Bản, nhưng lực bất tòng tâm, Van Gogh đành di chuyển tới miền đất Pháp ông cho là tương tự: Arles. Nơi đây ghi dấu đỉnh cao sáng tác, bi kịch tình bạn và cuộc đời của danh họa…

Còn Paul Gauguin, thuở nhỏ từng sống ở Peru, thích thú đặc biệt các tượng dân gian nhỏ hình quái vật. Tiếp đến là những cuộc lênh đênh trên biển của người lính thủy. Những vùng đất lạ hầu như còn sơ khai khiến ông mãi sững sờ. Ông không ngờ chúng là định mệnh của đời ông. Rời quân ngũ, ông vào làm cho một công ty chứng khoán. 

Lấy vợ, có năm con. Và do sưu tập nhiều kiệt tác hội họa, ông bắt đầu ham vẽ. Tình yêu hội họa lớn mãi. Đến độ ông bỏ công việc béo bở để chuyên tâm vào nghệ thuật. Vợ ông suốt đời không thông cảm và tha thứ cho ông về chuyện này. Bà đưa các con về quê mẹ Đan Mạch. Ông lần sang xin hòa giải. Nhưng "vẫn chứng nào tật ấy". Đúng lúc đó, ông được gặp Van Gogh cùng Emile Bernard (1869 - 1941).

Thán phục nhau hơn nhiều đồng nghiệp khác vẫn thường lui tới cửa hàng tranh của Théo Van Gogh, ba người kết thân trọn đời. Tới Arles đầu năm 1888, Van Gogh liên tục gửi thư mời Gauguin đến Arles để cùng mở một xưởng vẽ theo mô hình cộng sản chủ nghĩa (làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu). Tháng 10 năm ấy, Gauguin tái ngộ ông bạn Hà Lan. Thoạt đầu, ý tưởng cao cả của Van Gogh được Gauguin tán thưởng. Âu đó là sự đồng thuận vô tư tuyệt đỉnh vì lợi ích chung cao nhất không ai được xâm phạm.

Van Gogh do Bernard vẽ.

Mô hình ấy được thực hiện thành công ở xưởng vẽ của nhà điêu khắc số 1 không chỉ của Pháp Auguste Rodin (1840 - 1917). Ở xưởng vẽ đó, Rodin là chủ thực sự, cộng sự của ông là thợ thực sự. Xưởng của Van Gogh và Gauguin thì khác hẳn... 

Gần một tháng sau ngày hội ngộ, hai ông viết thư cho Emnille Bernard, như một sự vui mừng thắng trận. Cả hai đặc biệt tin vào sự đổi mới mạnh mẽ của Nghệ thuật. Nghệ thuật sẽ giàu có và cuồng nhiệt như đời sống các vùng nhiệt đới. Nghệ thuật sẽ mang lại cho thế giới nền hòa bình bền vững. Các thế hệ tương lai sẽ được thụ hưởng nền hòa bình ấy.

Van Gogh không tiếc lời ca ngợi Gauguin. Nhưng ông này viết hơi đùa gần cuối thư chung rằng "Đừng tin Vincent (Van Gogh). Hứng lên là khen. Động tí đã mủi lòng!" Cả hai đều xác quyết rằng nghệ thuật phải là món ăn tinh thần mỹ mãn nhất cho quảng đại người dân. Với Van Gogh, nghệ thuật phải giữ được cho mọi người "Ánh sáng của Chúa", tức sự tuyệt mỹ của tâm hồn. 

Với Gauguin, nghệ thuật phải đưa con người trở lại đời sống tự nhiên, lành mạnh, trong sạch và lương thiện thuở khai thiên lập địa. Muốn được thế, nghệ sỹ phải đạo đức hơn người, yêu đời, thương người tột độ, quên mình cho công việc…

"Gauguin tự họa", 1893.

Gauguin dù sao cũng thực tế hơn Van Gogh. Ngày 23/12/1888, ông đề cập chuyện "độ nhật" của các nghệ sỹ. Van Gogh vốn sống và vẽ bằng tiền của em trai Théo. Sinh thời, ông chỉ bán được một bức tranh vào  năm 1890. Van Gogh vẫn không "tỉnh ngộ". Gauguin, có lẽ cũng đùa, lặng lẽ đứng dậy, chạy ra ngoài. Van Gogh đang cầm một lưỡi dao cạo râu, rượt theo… Hai người bị cảnh sát bắt, nhưng được thả liền. Dân trong khu vực không lạ gì những cơn nổi xung lạ lùng của Van Gogh. 

Nguyên do là ông làm việc quá tải, thổn thức quá nhiều, cô đơn cùng cực. Khi ngồi lại một mình, ông nhận ra lỗi, tự trừng phạt bằng cách xẻo đứt tai phải… Thế là sau hai tháng bên nhau, Gauguin rời xa ông vĩnh viễn. Dù hai người vẫn thư từ cho nhau. Tới cuối đời, ông vẫn nhắc tới Van Gogh với lòng trân trọng và thương cảm…

Dân ngày càng sợ ông, Van Gogh bị cảnh sát địa phương yêu cầu rời khỏi Arles. Ông xin vào ở một trại tế bần. Tại đây, trong một năm, ông lên ba cơn "động kinh" dữ dội. Théo đưa ông lần lên phía Bắc. Thương xót ông và nể tình anh em của Théo, bác sỹ Gachet sở tại luôn tận tình chữa trị và chăm sóc ông tới giây phút cuối cùng. Bệnh trầm uất tăng tiến không ngừng, ông vẫn vẽ liên tục. (Bức Chân dung bác sỹ Gachet của ông lọt vào nhóm tranh đắt nhất thế giới. Với 82,5 triệu USD năm 1990).

Paul Gauguin.

Trong một buổi ra đồng để vẽ, hẳn do quá tuyệt vọng, ông tự bắn hai phát vào mình. Hai ngày sau, ông ngừng thở. Bị sốc nặng, Théo phát điên và qua đời mấy tháng sau đó. Yên nghỉ ngàn thu bên nhau, hai anh em tượng trưng cho một tình anh em đẹp nhất trong lịch sử. Đó là tổng hòa của tình mẫu tử, tình phụ tử, tình huynh đệ, tình sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật, tình nghệ sỹ - người đời.

Lại nói về Gauguin. Rời xa Van Gogh, ông lang thang hầu khắp nước Pháp. Đâu đâu, sự giả dối tràn ngập xã hội cũng khiến ông chán nản. Tin Van Gogh tạ thế là giọt nước tràn ly. Ông quyết định rời xa thế giới văn minh đã bóp chết từng bước Thiên đường. 

Lặn lội tới đảo Tahiti, ông có phần vỡ mộng: Thiên đường ở đây cũng đang bị văn minh ngoạm tới. Ông phải đi rất sâu vào trong mới chọn được Thiên Đường xưa đúng nghĩa. Ông ngời ngời với tất cả vẻ đẹp thể chất và tinh thần. Một cô gái bản địa xinh đẹp tình nguyện làm vợ ông. Túp lều của vợ chồng ông thành trung tâm giao lưu của cả ngôi làng nhỏ. Ông hăm hở khám phá những nét đẹp của khu vực, để vừa vẽ "như điên", vừa viết cuốn sách Noa Noa (Tiếng dân tộc: Người đàn bà ướp hương thơm). 

Cuốn sách gây tiếng vang lớn, cho thấy một nhà văn tầm cỡ, đặc biệt hé lộ cho thế giới nền văn hóa đáng mơ của tộc người Maories Xứ này. Cuốn sách hiện vẫn được tìm đọc, vì nó toát ra tư tưởng lớn của Đạo Phật: lấy nhu hòa để thắng oán hận, lấy thiện thắng ác, lấy sự thật để hóa giải lừa dối.

Một bức tranh nổi tiếng của Gauguin - Thiếu nữ Tahiti.

Hạnh phúc viên mãn kéo dài chỉ hai năm. Tiền dành dụm được đã cạn kiệt. Cuộc đấu tranh nội tâm ngày một căng thẳng. Gauguin buộc phải quay về Pháp như một sự dung hòa. Tám chục bức tranh mới vẽ, đem về bán, ông hy vọng thu được món tiền lớn. Ông sẽ xin một chân dạy học. Tạm dừng hội họa… Thực tế, tranh bán chả mấy tiền. Bạn bè người chết, kẻ lạnh nhạt. Vợ cự tuyệt hẳn…

Lựa chọn là dứt khoát: giữa năm 1895, ông nức nở lên tàu, trở lại Thiên đường xa vắng… Nhưng người vợ trẻ cũng đã tái giá. Ông phải chuyển chỗ ở. Nơi mới đang bị "văn minh băm vằm". Ông sống ung dung, nên bị nghi là "chỉ điểm". 

Một nhóm thủy thủ đánh gãy chân ông, vì không chịu nổi vẻ tự tin của ông. Thức ăn chính là cùi dừa, răng ông yếu, không nhai được. Bệnh giang mai lở loét. Chiếc chân đau hành hạ... Dân bản địa thương ông, thường biếu ông những món mềm. Họ đem cây thuốc quen dùng giúp ông phần nào đỡ đau nhức.

Bất chấp tất cả, ông vẫn vui vẻ và cần cù sáng tác, trả nợ đời. Nợ vô hình là chăm sóc vô tư của dân đảo. Nợ cụ thể là tấm lòng của một nhà sưu tầm Pháp. Người này tìm vợ mới cho ông. Hàng tháng gửi cho một món tiền. Ông vẽ tranh cho người ấy. Tuy nhiên, đứa con mới vừa ra đời đã chết bí hiểm. Tiền hễ có là chiêu đãi hết bạn bè trên đảo. Dân sở tại hỏi ông về cách chống lại các thủ đoạn của chính quyền thuộc địa. Ông sẵn lòng chỉ dẫn, nên thường bị đe quấy…

Những chuyện ấy từng chút một bào mòn sức khỏe của ông, khiến ông tạ thế cuối 1903. Bi kịch của Gauguin khẳng định rằng Nhân loại nhất định phải tìm lại Thiên đường đã mất. 

Bi kịch này và bi kịch Van Gogh là hai mặt của một vấn đề: Cõi đời phải xứng đáng với Con Người, nghĩa là ở đó, Con Người phải được tôn trọng, được sống đúng danh nghĩa Con Người. Ngay từ những ngày tưởng chừng chả ai để ý, cả Van Gogh lẫn Gauguin đã được trọng thị, để theo thời gian, giá trị đích thực của sự nghiệp hai ông tỏa sáng hết cỡ.

Dọc đời mình, Emille Bernard đã liên tục và kỳ công cống hiến cho công chúng nhiều bộ sưu tập tranh và ký họa của Van Gogh. Vợ góa của Théo và con trai một của bà cũng làm chuyện tương tự. Nhiều văn nghệ sỹ làm nhiều phim ảnh, nghiên cứu… về cuộc đời và tác phẩm Van Gogh (900 bức tranh, hơn 1.000 ký họa, gần 900 lá thư…).  

Từ những năm 1930, Van Gogh nổi lên như một trong những họa sỹ lớn nhất mọi thời đại. Hàng triệu người khắp nơi vẫn giật mình sung sướng trước những chi tiết cuộc đời sống động, một đi không trở lại trong tranh và ký họa của ông…

Đặng Nhân Từ
.
.