Có nên bửa đôi một di tích ngàn năm tuổi?

Bức xúc đền có nguy cơ bị bửa đôi, thượng nguồn sông Tô bị bóp cổ?

Thứ Năm, 01/10/2009, 20:20
Chả biết có phải lời Thánh mách hay không nhưng Vua Lý Thái Tông là người sành sỏi về mặt phong thủy. Vua đã chọn khu đất ngay đầu nguồn sông Tô này mà khai móng đền thiêng Đồng Cổ. Hậu sơn tiền thủy, phải vậy không cái thế đắc địa trong phong thủy?

Lưng đền tựa vững chãi vào độ cao của tường thành (đường Hoàng Hoa Thám ngày nay) giật liền 3 cấp rồi mới thoải xuống sân đền như bài trí của đền bây giờ. Trước sân đền lại lững lờ dòng Tô trong vắt, tất nhiên là sông Tô của ngàn năm trước, hay gần hơn cái thời điểm xuất hiện câu ca dao nước sông Tô vừa trong vừa mát... Gần ngàn năm trước, nơi tổ chức quốc lễ vào mùa xuân, dòng sông Tô Lịch xanh trong lặng lẽ uốn mình trước đền thiêng chứng kiến bao lần thệ hải minh sơn của vua tôi Đại Việt!

Nhưng bây giờ? Sông Tô Lịch là 1 trong 4 con sông thoát nước chính của Hà Nội, chiều dài của sông là 13,5 km, diện tích lưu vực khoảng 20 km2. Sông bắt nguồn từ cống Phan Đình Phùng chảy song song với đường Quán Thánh, Thụy Khuê thông với Hồ Tây bằng một nhánh ở đầu làng Hồ (tức làng Hồ Khẩu ngày trước) rồi chảy qua chợ Bưởi, xuôi xuống phía nam qua Cầu Giấy, Ngã tư Sở, Kim Giang. Đây cũng là phần cuối của Tô Lịch đảm nhận toàn bộ nuớc thải của thành phố rồi đổ ra sông Nhuệ qua đập Thanh Liệt.

PGS Hà Đình Đức thắp hương tại gian thờ Đền Đồng Cổ tạm di dời trong thời gian tu tạo.

Chúng tôi đang đứng tại sân đền thiêng Đồng Cổ và bên cạnh là dòng Tô Lịch đã hẹp lại. Chiếc cầu bê tông vắt qua dòng sông đen. Dòng chảy của lịch sử theo nghĩa đen là nước sông đã đen đặc bốc mùi khó chịu, mọi thông số ô nhiễm đã vượt ngưỡng cho phép. Người ta đã tính riêng phường Bưởi, dân số 23.172 người, nhu cầu sử dụng nước là 3.476 m3/ngày, nước thải là 2.780 m3/ngày hầu hết được thải thẳng ra sông!

Một dự án của thành phố đương sắp được triển khai là cống hóa toàn bộ khúc sông Tô Lịch chảy qua đền Đồng Cổ và đến tận chợ Bưởi (khoảng 1,5 km) để khắc phục sự ô nhiễm này. Cống hóa, bịt đi một đoạn sông dài, cái được nhỡn tiền là có thể giảm thiểu ngay mùi hôi thối. Một đại lộ thênh thang sẽ tuột thẳng ngay sát đền thiêng. Cái mất là mất đi một con sông từng là chứng tích ngàn năm nay của biết bao biến thiên lịch sử như một trang quan trọng của hồn Thăng Long của sử Việt! Và cũng đại lộ ấy chia cắt khu di tích đền Đồng Cổ thành hai phần, phần đền và phần trước đền, được coi là vùng yếu tố gốc để cấu thành nên di tích mà Luật Di sản đã nghiêm khắc nhắc nhở! Đền thiêng Đồng Cổ, một khi cống hóa đoạn sông trước đền thì vị trí lẫn vị thế của tam quan của nghi môn sẽ hiện diện ở nơi nào? Một khu đệm thậm chí cả chẳng nơi đỗ xe, uỵch một phát là sát sạt với đền.

Đền Đồng Cổ đang được khẩn trương tu tạo.

Từ đường Thụy Khuê, qua nghi môn hay tam quan đền, du khách thư thả chầm chậm theo lối vào đền (dẫu còn hẹp) vài chục sải chân để bước lên chiếc cầu cong cong vắt qua sông, xuyên qua những um tùm cây cối để rồi chạm mặt với sân đền! Tại sao không? Chính bởi thế, khi triển khai dự án thoát nước, cơ quan có trách nhiệm đã phỏng vấn tham khảo ý kiến của các hộ dân đang sinh sống quanh cái đoạn sông Tô Lịch chảy qua ngôi đền thiêng này thì trong 100 hộ được hỏi có 34,3% hộ đồng ý cống hóa đoạn sông. 24% số hộ đồng ý phương án xử lý nước sông bằng các loại thực vật thủy sinh có khả năng lọc nước thải hoặc hóa chất (đã có kinh nghiệm về xử lý làm sạch nước hồ Văn Chương bằng loại hóa chất LTH-100) 42% số hộ đề nghị cải tạo nạo vét, kè bờ làm sạch đẹp hai bờ và lòng sông. Tóm lại 66% số hộ không đồng ý cống hóa!

Cũng cần nói thêm về phương án ít tốn kém và đơn giản làm sạch nước sông Tô Lịch bằng phương pháp thực vật thủy sinh. Các loại cây có thể trồng và sống tốt trong môi trường nước sông Tô Lịch như bèo tây, thủy trúc, sậy cây muỗi nước, rau rửa nước, rong đuôi chó, cỏ gai ấu, một số loại tảo hoặc hoa sen, hoa súng... Các loại cây này sống trôi nổi trên mặt nước hoặc bám rễ vào đất. Rễ của chúng sẽ tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn bám vào đó và phân hủy các chất thải. Các loại cây này sẽ được trồng thả vào các ô cố định cách nhau khoảng 40-50m hoặc được trồng thành các bè nổi trên các tấm xốp. Việc trồng các loại cây thủy sinh này vừa góp phần cải tạo chất lượng nước sông vừa tạo cảnh quan cho sông.

Trở lại những bức xúc của BQL Di tích đền Đồng Cổ. Bức xúc ấy có thể giải thành lời như trong đơn của ông Vũ Văn Chinh, Trưởng BQL Di tích đền Đồng Cổ, cùng đại diện cụm dân cư, Chủ tịch MTTQ khu dân cư phường Bưởi, quận Tây Hồ gửi nhiều lần đến các cá nhân và cơ quan có trách nhiệm. Họ đồng thanh khẩn cầu không nên cống hóa đoạn sông Tô chảy qua đền Đồng Cổ.--PageBreak--

Chúng tôi tỉ mẩn để ý trong tất cả các văn bản của cơ quan phụ trách dự án, cụ thể là Sở Xây dựng Hà Nội gửi cho BQL đền Đồng Cổ, không hề có một từ nào là sông Tô Lịch để chỉ đoạn sông đã từng ngàn năm nay trẩy qua trước đền mà nhất nhất đều gọi là mương Thụy Khuê!? Nhầm hay quên? Dọn đường cho một thứ tâm lý hay chuẩn bị cho thứ dự án nào đó?

Với cung cách biểu đạt từ ngữ ấy, người ta không thể không nghĩ đến cái việc cống hóa  một con mương, một con ngòi dễ hơn việc cống hóa sông Tô thì phải? Ông Nhâm thở dài lắc đầu rằng ông năm nay gần 70 tuổi, sinh ra lớn lên ở khúc sông Tô Lịch chảy qua đền Đồng Cổ này chưa bao giờ thấy dân ở đây hay ai gọi là cống Tô Lịch lại càng không khi nào có tên là mương Thụy Khuê cả!

Điều ông Nhâm cho biết thêm là tại sao có nhiều hộ dân trong phường đã  đồng thuận trong việc không cống hóa là bởi cống hóa sẽ gây bất an về tâm lý? Khi được hỏi vì sao, ông Nhâm thẳng thừng đáp ngay là ảnh hưởng đến phong thủy của làng! Nếu cống hóa thì các chùa, đình thiêng của làng như chùa Vệ Quốc, rồi đình Mật Dụng, đình Yên Thái... (đã từng được Nhà nước xếp hạng) từ thuở có đền có chùa  vẫn châu tuần trước đoạn sông Tô, vẫn hưởng linh khí của con sông nay tất thảy đều ngơ ngác trước một đoạn sông nay thoắt biến thành một đại lộ! Chẳng phải ngẫu nhiên mà từ thuở xửa xưa đã in đậm trong tâm thức người dân Việt, dù kẻ chợ hay người làng, đều bắt gặp một con sông một con ngòi, một mảnh ao, hồ soi bóng hoặc tạo thế tiền thủy cho các đình chùa miếu mạo?

Lối vào đền bị thít lại.

Ông còn thở dài khi vận câu của cụ Tú Trần sông kia rày đã nên đường! Chúng tôi hiểu cái thở dài ấy. Sẽ có biết bao thứ nhiêu khê khi thời buổi chật chội bí bách này tự nhiên phát lộ ra một mặt bằng, tức con đường bê tông khi đoạn sông Tô trước đền được cống hóa? Mặt bằng đoạn sông một khi đã thành đường sẽ thành bãi đỗ xe, thành chợ...

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà quản lý đã ngại ngần trong hội thảo về giải pháp cống hóa này, ngoài việc mất đi một dòng sông đã gắn bó lâu đời trong đời sống, trong tâm thức của người dân phường Bưởi nói riêng cũng như Hà thành nói chung, dự án cống hóa có tính bền vững không cao, chỉ giải quyết được phần ô nhiễm trước mắt. Kinh phí xây dựng cống rất lớn và nếu không quản lý tốt sẽ nảy sinh nhiều vấn đề bất cập khác trong quá trình sử dụng mặt bằng sông, tức con đường bê tông chạy ngay sát đền thiêng Đồng Cổ và trải dài hơn 1km đến tận chợ Bưởi v.v... Tất cả những nhiêu khê ấy chỉ là chuyện nhỏ bởi chuyện lớn là nếu việc cống hóa ấy được thực thi thì  những nhà hữu trách đã vi phạm Luật Di sản mà phần cuối bài viết đây sẽ đề cập!

Đoạn sông Tô, chứ không phải mương Thụy Khuê trước Đền Đồng Cổ.

Trong câu chuyện, ông Nhâm cũng không giấu cảm giác ngại ngùng thậm chí xấu hổ khi công nhận rằng, không ít hộ dân quần cư hai bên bờ đoạn sông chảy qua đền đã nhiều năm nay làm cái việc là thải rác, để dòng chảy của nhà vệ sinh tuôn thẳng ra sông, thủ phạm chính trong việc giết dần giết mòn đoạn sông lịch sử! Nguyên nhân thì có nhiều, phần vì ý thức tự giác chưa cao, phần vì chế tài chưa đủ mạnh, chưa nghiêm nên chưa thể thay đổi thói quen nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân. Thêm nữa, tại phường, không có chương trình bảo vệ môi trường nói chung cũng như bảo vệ sông Tô Lịch! Nhưng ông khẳng định, nếu trên cứu xét đơn kêu cứu mà khoan mà hoãn việc cống hóa thì không khó gì cho việc vận động để có nhiều việc tốt góp phần gìn giữ đoạn sông thiêng!

Dường như quên mất việc chỉ có mấy người đứng với nhau, ông Nhâm vẫn trịnh trọng như phát biểu trong một hội nghị. Chúng tôi là những người dân sống và làm việc theo pháp luật, thưa các vị, đền Đồng Cổ được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia và là Di tích trọng điểm trong dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long.

Nếu làm cái việc cống hóa sẽ xâm phạm khu vực bảo vệ I của Di tích, vi phạm Điều 32 mục I Khoản a Khu vực bảo vệ I gồm di tích là vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành Di tích phải được bảo vệ nguyên trạng (ông Nhâm còn vanh vách rằng điều đó được dẫn ra trong Chương IV của Luật Di sản ban hành năm 2001, có tên gọi Bảo vệ và phát triển giá trị văn hóa vật thể) chúng tôi sẽ kêu đến cùng! Không thể có cái đoạn cống hóa như thể bóp hầu bóp cổ thượng nguồn sông Tô cùng việc bửa đôi di tích đã ngàn năm tuổi như thế... 

Đến Đại lễ Thăng Long ngàn năm tuổi, cũng chả còn mấy hột thời gian. Vấn đề chả phải ứng phó này khác với ngày quốc lễ ấy mà là đòi hỏi cái tâm cái tài của những nhà quản trị Hà Nội trước thử thách khắc nghiệt của môi trường, là  cái cách ứng xử với hậu thế... Lấp đi đoạn sông Tô Lịch hay là cống hóa? Hoặc sử dụng, áp dụng những thành tựu nhan nhản này khác của nhân loại để làm sạch, ngõ hầu giữ gìn lưu giữ được đoạn sông xưa lượn trước ngôi đền thiêng ngàn năm tuổi mà lại không vi phạm vào điều cấm kị trong Luật Di sản? Mong lắm thay những tấm lòng sốt mến!

PGS H.Đ.Đ. - X.B.
.
.