CQĐD Bộ GD&ĐT tại TP HCM: Bị “cướp đất” một cách trắng trợn

Thứ Tư, 10/06/2009, 16:30
Một vụ việc tưởng chừng như không có gì phức tạp, Văn phòng 2 (nay là Cơ quan Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tại TP HCM), số 3 Công trường Quốc tế, quận 3, ký hợp đồng với ông Nguyễn Văn Bình để làm dịch vụ căng tin vào tháng 1/2004...

Tuy nhiên, sau vài tháng thực hiện hợp đồng, do chấp hành Thông tư số 83/2004/TT - BTC về việc "Hướng dẫn một số nội dung quản lý trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp", Văn phòng 2 (VP2) buộc phải thanh lý hợp đồng nhằm thu hồi tài sản công theo đúng Thông tư 83/2004/TT - BTC.

Ông Nguyễn Văn Bình đã đồng thuận việc thanh lý hợp đồng này nhưng sau đó không chịu trả mặt bằng và... 250m2 đất thuộc công sản của VP2 Bộ GD&ĐT vẫn còn phải chờ sự "giúp sức" của các cơ quan chức năng trong việc thu hồi...

Bên này thiện chí, phía kia… tuyệt tình (!)

Theo hồ sơ lưu trữ của VP 2 thì ngày 2/1/2004, VP2 đã cùng ông Nguyễn Văn Bình ký Hợp đồng số 04/VP "Hợp đồng làm dịch vụ căng tin". Theo đó, VP2 đồng ý cho ông Bình sử dụng mặt bằng 250m2 thuộc khu F, giáp đường Võ Văn Tần để làm dịch vụ căng tin với thời hạn đến hết ngày 31/12/2006.

Tuy nhiên, sau hơn 7 tháng từ ngày hai bên ký hợp đồng thì Bộ Tài chính có Thông tư 83/2004/TT - BTC hướng dẫn một số nội dung quản lý trụ sở làm việc của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Theo Thông tư này thì buộc các cơ quan, đơn vị phải ngừng cho thuê công sản hoặc dùng vào mục đích kinh doanh trước ngày 1/1/2005.

Ngay khi nhận được Thông tư, ngày 1/10/2004, VP2 đã có thông báo gửi đến ông Nguyễn Văn Bình nhằm kết thúc trước thời hạn hợp đồng sử dụng căng tin theo đúng quy định của Thông tư. Tức là vào thời điểm VP2 gửi thông báo, ông Bình có đến 3 tháng để chuẩn bị thu xếp kinh doanh và bàn giao lại mặt bằng cho VP2 vào ngày 31/12/2004.

Cùng thời điểm này, VP2 quyết định thành lập nhà ăn nội bộ của VP2. Nhận biết được tin, ông Nguyễn Văn Bình có đơn đề nghị gửi PGS. TS Lê Khắc Huy - Phó chánh VP2 xin phép được tiếp tục quản lý nhà ăn nội bộ của văn phòng.

Và ngày 10/1/2005, PGS.TS Lê Khắc Huy đã có bút phê đồng ý để ông Bình phụ trách nhà ăn nội bộ của VP2. Theo bút phê thì ông Nguyễn Văn Bình sẽ "tiếp tục điều hành nhà ăn nội bộ cho đến khi có quy hoạch chung của VP". Sau đó, vì Bộ GD&ĐT không đồng ý, nhà ăn nội bộ đã không được triển khai thành lập.

Nhưng, ngày 24/3/2005, Bộ GD&ĐT có quyết định  nâng VP2 thành Cơ quan đại diện tại TP HCM (từ đây gọi tắt là CQĐD - PV). Nếu như trước đây, VP2 chỉ là "Bộ phận thường trực của Văn phòng Bộ tại phía Nam" thì bắt đầu từ tháng 3/2005, VP2 chính thức trở thành CQĐD của Bộ GD&ĐT tại TP HCM, với những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức tương đương ngang Vụ.

CQĐD này có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ GD&ĐT theo dõi, tổng hợp các hoạt động của Bộ đối với địa bàn khu vực phía Nam. Do một đồng chí Vụ trưởng làm Giám đốc CQĐD, có từ 1 đến 2 phó giám đốc, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước để quản lý lẫn giao dịch. Thời điểm này, PGS.TS Lê Khắc Huy về hưu và CQĐD do Vụ trưởng Đỗ Quốc Anh làm Giám đốc.

Sau khi được chuyển thành CQĐD của Bộ, thực hiện chỉ đạo của Bộ về việc yêu cầu thu hồi lại mặt bằng căng tin tại số 3 Công trường Quốc tế. Và cũng theo đề nghị của Tổ công tác CV80 thuộc Cục Công sản, Bộ Tài chính kiến nghị về việc CQĐD Bộ GD&ĐT cần phải thu hồi ngay mặt bằng căng tin, nếu không thực hiện, Tổ công tác CV80 sẽ kiến nghị TP HCM thu hồi mặt bằng để sử dụng theo mục đích của thành phố.

Với những lý do bất khả kháng này, CQĐD đã có cuộc họp về việc thu hồi mặt bằng căng tin vào ngày 19/9/2006. Trước đó, ngày 8/8/2006, CQĐD cũng đã có công văn gửi ông Nguyễn Văn Bình yêu cầu ông phải giao lại mặt bằng theo biên bản thanh lý hợp đồng vào ngày 31/12/2004, công việc bàn giao phải hoàn thành trước ngày 31/8/2006.

Nhưng, ông Bình đã phớt lờ công văn này, nên cuộc họp ngày 19/9/2006 gần như là phải bắt buộc tổ chức. Cuộc họp có đầy đủ các phòng, ban của CQĐD và cá nhân ông Nguyễn Văn Bình. Sau khi nghe trình bày nội dung thu hồi mặt bằng căng tin có điều kiện về hỗ trợ kinh phí (trên dưới 150 triệu đồng - PV) ông Bình đã  thống nhất ý kiến của CQĐD về việc thu hồi mặt bằng căng tin và ký biên bản cuộc họp.

Tuy nhiên, mặc dù phía CQĐD rất có thiện chí trong việc hỗ trợ ông Bình trong việc trao trả mặt bằng căng tin và bản thân ông Bình cũng đồng ý việc di dời. Nhưng, cứ sau mỗi văn bản của CQĐD và họp thống nhất phương án giải quyết, ông Bình lại có thái độ "bất chấp luật lệ" khi không chịu tháo gỡ vật chất tạo dựng trang bị của căng tin, tiếp tục chiếm dụng mặt bằng và hoạt động kinh doanh.

Quá quắt hơn, ông Bình còn tự ý cắt bỏ tường rào CQĐD làm quán bán bánh mì, xây cất sửa chữa và bố trí trái phép 3 phòng ở làm nơi lưu trú cho nhân viên phục vụ quán. Hành động thách thức này của ông Bình buộc CQĐD phải mạnh tay hơn trong việc thu hồi mặt bằng.

Ngày 28/8/2007, CQĐD khóa cửa ra vào cơ quan phía tiếp giáp với căng tin, ngưng cung cấp nguồn điện nước cho khu F - nơi căng tin do ông Bình quản lý đang kinh doanh. CQĐD còn có dự định tiến hành xây sửa tường rào cơ quan giáp đường Võ Văn Tần để quản lý sử dụng mặt bằng Khu F đúng quy định của Nhà nước. Những biện pháp này đều được CQĐD gửi văn bản thông báo đến ông Nguyễn Văn Bình vào ngày 22/8/2007. Cần phải nhắc thêm rằng, trong công văn của Bộ GD&ĐT gửi Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT cam kết kiên quyết thu hồi lại diện tích đất cho thuê tại VPĐD trước ngày 30/9/2007.

Khi mà CQĐD sử dụng biện pháp cứng rắn, thì cũng là lúc ông Bình "ra chiêu". CQĐD cắt điện thì ông xin câu điện của hộ dân kế bên, cắt nước thì ông khoan giếng lấy nước ngầm sử dụng... Song song với những biện pháp trên, CQĐD cũng đã có văn bản gửi nhiều cơ quan chức năng tại TP HCM kiến nghị giúp đỡ CQĐD trong việc thu hồi mặt bằng, như: UBND quận 3, UBND phường 6, Tổng Công ty Điện lực Sài Gòn...

Ngày 28/9/2007, với sự chứng kiến của nhiều ban, ngành và ông Nguyễn Văn Bình, ông Trần Hường - Phó vụ trưởng, PGĐ CQĐD triển khai cuộc họp khôi phục lại tường rào phía đường Võ Văn Tần. Sau cuộc họp, CQĐD bắt đầu tiến hành khôi phục lại tường rào. Nhưng khi phía CQĐD vừa bắt đầu kế hoạch xây dựng lại tường rào, ông Bình đã ngăn cản rất quyết liệt.

Lý do chính của ông Bình về việc ngăn cản này là tại cuộc họp trước đó 1 ngày của CQĐD và chính quyền cơ sở, CQĐD đã không mời ông tham gia. Về chi tiết này, ông Trần Hường nói đó là cuộc họp giữa cơ quan Nhà nước mời các cơ quan hữu quan tham dự tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, ông Bình không có tư cách để được tham dự.

Vụ việc tưởng chừng đơn giản ấy bị đẩy lên đến cao trào và đột nhiên một địa chỉ mới toanh xuất hiện tại Khu F của CQĐD là: số 4 Võ Văn Tần, P.6, Q.3. Người "sáng lập" ra địa chỉ lạ này chính là ông Nguyễn Văn Bình.--PageBreak--

Xuất hiện dấu hiệu lừa đảo...

Trở lại với ngày CQĐD thất bại trong việc xây dựng lại tường rào do bị ông Bình phản đối, sau vụ việc đó, CQĐD vẫn chờ một động thái giúp đỡ của các cơ quan chức năng trên địa bàn quận 3 nhưng câu chuyện lại rơi vào im lặng một cách kỳ lạ.

Ngày 2/1/2009, CQĐD  chính thức có văn bản gửi UBND TP HCM đề nghị hỗ trợ để thu hồi lại mặt bằng căng tin thuộc khu F của CQĐD. Sau văn bản "cầu cứu" của CQĐD, ngày 17/3 Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài đã giao Công an thành phố xem xét, chỉ đạo kiểm tra xử lý theo quy định, báo cáo kết quả thực hiện cho UBND thành phố về việc CQĐD Bộ GD&ĐT khó khăn trong việc thu hồi công sản.

Khi mà Phó chủ tịch Thường trực UBND TP HCM vừa chỉ đạo Công an thành phố kiểm tra vụ việc được đúng 1 tuần, thì vào ngày 24/3/2009, ông Nguyễn Văn Bình đã nhận được “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ gia đình” do UBND quận 3 cấp.

Điều khác biệt ở đây chính là mặc dù địa chỉ số 4 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3 trên thực tế không hề tồn tại, vì địa chỉ này chính là khu F của CQĐD Bộ GD&ĐT, tức thuộc số 3 Công trường Quốc tế, quận 3, nhưng ông Nguyễn Văn Bình vẫn được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo chính địa chỉ mà ông tự "khai sinh ra". Điều này chứng tỏ, UBND quận 3 đã "nhiệt tình" cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho một địa chỉ "ma".

Trước khi có được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh 1 ngày, vào ngày 23/3/2009, ông Bình đã kịp ký hợp đồng giao khoán căng tin với bà Nguyễn Thị Băng Tâm. Theo hợp đồng thì ông Bình nhận trước của bà Tâm 300 triệu đồng tiền đặt cọc.

Sau khi giao tiền, bà Tâm phát hiện ra trong căng tin có một máy phát điện và máy bơm nước, nên thắc mắc về khâu điện nước của căng tin thì được ông Bình trấn an rằng "do hôm đó cúp điện và nước nên buộc phải xài máy phát". Tin lời ông Bình và có trong tay đơn của ông Bình với bút phê của PGS.TS Lê Khắc Huy đồng ý cho ông Bình quản lý nhà ăn nội bộ  nên bà Tâm tiếp tục đầu tư 200 triệu đồng để sửa chữa và xây mới một số hạng mục ở quán.

Căng tin số 4 đường Võ Văn Tần - một địa chỉ không có thực, trên thực tế là khu đất rộng 250m2 thuộc khu F của CQĐD Bộ GD&ĐT

Nhưng khi bà vận chuyển vật dụng vào sửa chữa quán, do không có giấy phép xây dựng nên các vật dụng này đã nhanh chóng bị Thanh tra xây dựng phường 6 và quận 3 thu giữ. Tiếp tục trấn an bà Tâm, ông Bình nói rằng nếu xây dựng ban ngày mà bị Thanh tra thu giữ trang thiết bị thì nên xây dựng vào ban đêm (?!).

Trước những vụ việc bất thường đó, bà Tâm buộc phải tự tìm hiểu và phát hoảng vì những chứng cứ về khu đất "của" ông Bình  mà bà đã đặt cọc. Trình bày toàn bộ sự việc bằng văn bản với CQĐD Bộ GD&ĐT ngày 24/4/2009, bà Tâm nói: "Tôi là người bị hại vì bị ông Bình lừa đảo, nên đề nghị CQĐD là đơn vị quản lý mặt bằng kiến nghị, phối hợp với Cơ quan Công an và các cơ quan chức năng buộc ông Bình phải trả lại tiền cho tôi...

Tôi sẽ làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của ông Nguyễn Văn Bình với Cơ quan Công an để điều tra xử lý theo đúng pháp luật". Thông tin mà chúng tôi nhận được thì hiện tại, bà Tâm đã chính thức gửi đơn đến Cơ quan Công an tố cáo ông Nguyễn Văn Bình về hành vi lừa đảo.

Nghiên cứu hợp đồng kinh doanh giữa bà Tâm và ông Bình, chúng tôi nhận thấy một điều khoản rất “hấp dẫn” chính là "Ông Nguyễn Văn Bình (tức bên A) xác nhận với bà Nguyễn Thị Băng Tâm (bên B) rằng tổng số tiền mà ông đầu tư cho căng tin là 2,3 tỉ đồng.

Khấu trừ các tổn hại do thời gian mang lại, cơ sở căng tin hiện nay có trị giá 1,8 tỉ đồng. Trong thời hạn hợp đồng 5 năm, trường hợp bất khả kháng căng tin bị giải tỏa bên A sẽ hoàn lại số tiền đã đặt cọc. Trong trường hợp được đền bù khi giải tỏa, bên A và bên B sẽ chia số tiền đền bù theo tỉ lệ: bên A được 60% và bên B được 40%.

Điều này chứng minh rằng việc ông Bình cố tình chây lì, bất chấp mọi thủ đoạn để kéo dài thời gian trả lại mặt bằng căng tin cho CQĐD là nhằm hy vọng kiếm được 1,8 tỉ tiền đền bù. Và, chính bằng "miếng mồi 1,8 tỉ" này, bà Tâm đã bị ông Bình cho "sập bẫy".

Ngay khi có chỉ đạo của UBND TP HCM về làm rõ vụ việc CQĐD Bộ GD&ĐT TP HCM khó khăn trong việc thu hồi công sản, ngày 17/4/2009, Chủ tịch UBND phường 6, quận 3 đã ra quyết định xử phạt ông Nguyễn Văn Bình vì xây dựng công trình kiên cố không có giấy phép của cơ quan chức năng.

Tiếp đến, ngày 29/4/2009, Phòng Quản lý đô thị UBND quận 3 cũng có công văn yêu cầu Thanh tra xây dựng quận 3 phối kết hợp với UBND phường 6, Công an phường 6 giám sát thường xuyên việc ngưng thi công tại căn tin này nhằm tránh sự cố đáng tiếc. Đồng thời, Phòng Quản lý đô thị cũng đề nghị CQĐD Bộ GD&ĐT có biện pháp và phương án tháo dỡ công trình trên theo quy định vì căng tin có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Nguy hiểm hơn, đây đang là mùa thi, CQĐD Bộ có rất nhiều tài liệu quan trọng có thể ảnh hưởng nếu như công trình sụp đổ bất ngờ. Cộng thêm việc, sát vách của căng tin là một trường tiểu học. Nếu như có sự cố xảy ra, hậu quả là điều không ai có thể lường trước hết được.

Hàng loạt câu hỏi đã được dư luận nêu ra sau khi giới truyền thông công bố những thông tin rất bất ngờ về vụ việc tưởng chừng không có gì rắc rối. Tiếp tục điều tra vụ việc, PV Chuyên đề ANTG còn phát hiện ra nhiều chuyện "không thể ngờ" khác về... 250m2 đất này (!).

Ngô Nguyệt Hữu
.
.