Ca mổ tim miễn phí thứ 1.000 cho bệnh nhân nghèo vùng ĐBSCL

Thứ Bảy, 22/01/2011, 17:00
Ca mổ được thực hiện vào sáng 14/1/2011, dưới sự phối hợp giữa Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo (BTBNN) Kiên Giang và Viện Tim TP HCM. Ông Trần Lam, Chủ tịch Hội BTBNN Kiên Giang cho biết, đây được xem như công trình thiết thực chào mừng Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XI.

Bệnh nhân may mắn được tài trợ là cháu Huỳnh Hạo, sinh năm 2007, quê ở Kiên Giang. Cháu được phát hiện bị bệnh tim từ khi 8 tháng tuổi, nhưng vì gia đình quá nghèo - cha làm mướn, mẹ mới 21 tuổi, không có việc làm - nên chưa có cơ hội chữa trị.

Khi được mẹ và bà ngoại đưa lên Viện Tim TP HCM, tình trạng bệnh của cháu Huỳnh Hạo đã rất nghiêm trọng. Tim của cháu gặp cùng lúc ba nguy cơ: tồn tại động mạch vành, thông liên nhĩ và hở van tim 2 lá. Kéo theo, phổi cũng có vấn đề nghiêm trọng. Nếu không được phẫu thuật ngay, tính mạng của bệnh nhi này sẽ hết sức nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu được phẫu thuật thì chắc chắn, sức khỏe cháu sẽ được phục hồi, sau này sẽ phát triển "gần như bình thường".

Thấu hiểu hoàn cảnh, Hội BTBNN Kiên Giang  và Viện Tim TP HCM đã ghi tên  bệnh nhi Huỳnh Hạo vào chương trình mổ tim miễn phí và tiến hành mổ gấp.

Ngay từ khi mới thành lập, Hội BTBNN Kiên Giang đã đặt ra chương trình mổ tim miễn phí cho người nghèo như chương trình lớn thứ 2 (sau mổ mắt). Ban đầu, rất nhiều ý kiến băn khoăn, vì chi phí  mổ tim quá cao, lên đến hàng chục triệu, thậm chí trên 100 đồng một ca, Hội sẽ rất khó khăn trong việc tìm kiếm, vận động nguồn kinh phí. Nhưng với mục tiêu cứu người trên hết, Hội đã dốc sức thực hiện và được Viện Tim hết sức hỗ trợ. Ca mổ tim từ thiện đầu tiên được thực hiện vào tháng 12/2003.

Ca mổ tim cho cháu Huỳnh Hạo sáng 14/1/2011.

Hội đóng góp 50% kinh phí, Viện Tim đóng góp 50% còn lại và đảm nhận việc trực tiếp thực hiện. Hiệu quả và ý nghĩa to lớn giúp chương trình ngày càng nhận được nhiều hơn sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan, doanh  nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Đặc biệt, riêng doanh nghiệp điện tử với nhãn hàng Châu California đã ủng hộ trên 12 tỉ đồng, trực tiếp giúp mổ tim cứu sống trên 250 bệnh nhân  nghèo.

Từ tháng 9/2010, nhờ nguồn tài trợ ổn định từ Ngân hàng Thế giới (World Bank), không chỉ bệnh nhi  mà nhiều bệnh nhân lớn tuổi cũng đã có thêm cơ hội được chữa trị miễn phí và được cứu sống. Đã có  hơn 100 ca mổ tim miễn phí cho bệnh nhân nghèo là người lớn được thực hiện từ nguồn kinh phí này. Tổng cộng sau 7 năm thực hiện, chương trình đã thực hiện được đúng 1.000 ca  mổ tim với kinh phí hơn 50 tỉ đồng. Có tới hơn 97% bệnh nhân tim được cứu sống và phục hồi tốt sau mổ.

Bác sĩ Dương Quang Trung, người sáng lập, đồng thời là Giám đốc đầu tiên của Viện Tim TP HCM cho biết: Trước năm 1991, cơ hội tiếp tục sống cho người mắc  bệnh tim ở Việt Nam là cực kỳ thấp, vì lúc đó cả nước vẫn chưa có cơ sở y tế  nào đủ điều  kiện thực hiện việc mổ tim. Những bệnh nhân khá giả, muốn được cứu sống, gia  đình phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn đưa sang Pháp gửi mổ và chữa trị. Tốn kém nhưng hiệu quả không cao vì bệnh nhân khó đủ sức chịu đựng qua  một chặng đường  di chuyển quá dài. Người nghèo mắc bệnh tim thì gần như chỉ còn biết nằm chờ chết.

Với tâm huyết và ưu tư của một thầy thuốc hết lòng vì bệnh nhân, bác sĩ Dương Quang Trung đã cùng một giáo sư người Pháp đứng ra vận động thành lập Viện Tim TP HCM trong điều kiện tự hạch toán, hoàn toàn không dựa vào nguồn kinh phí bao cấp. Thành ủy, UBND TP HCM và đông đảo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước lúc bấy giờ đã hết sức ủng hộ kế hoạch này.

Năm 1991, Viện Tim được TP HCM cấp đất xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ kinh phí  ban đầu 1 triệu USD. Đến nay, Viện đã điều trị hơn 60.000 ca, mổ trên 20.000 ca, một nửa trong số đó được mổ từ thiện miễn phí, chưa kể giúp thực hiện trên 10.000 ca mổ ở những cơ sở y tế khác, tổng trị giá khoảng 350 tỉ đồng.

Từ những lớp bác sĩ, kỹ thuật viên đầu tiên được Viện gửi sang Pháp đào tạo, đến nay Viện đã có  một đội ngũ bác sĩ, chuyên gia phẫu thuật tim hùng hậu, giỏi tay nghề, có thể thực hiện được ngay cả những ca nan giải nhất. Tỉ lệ tử vong sau mổ cho phép 5%, thực tế đã được giảm thiểu chỉ còn trên 2%, chủ yếu rơi vào trường hợp các bệnh nhi được phát hiện và chuyển đến quá trễ.

Kỹ thuật mổ tim đã được Viện đào tạo, chuyển giao để nhân rộng sang hơn 10 trung tâm y tế khác, trong đó Viện Tim Tâm Đức, Bệnh Viện Chợ Rẫy, Bệnh Viện Triều An ở TP HCM... - những đơn vị y tế luôn đồng hành cùng Hội BTBNN TP HCM, Hội BTBNN Kiên Giang tiến hành các ca  mổ từ thiện cứu người. Tuổi đời chưa dài, nhưng riêng Viện Tim Tâm Đức cũng đã thực hiện thành công gần  5.000 ca  mổ tim, trong đó  có trên 2.500 ca mổ từ thiện  miễn phí.

Sau đúng 20 năm phát triển, Viện Tim TP HCM đã đạt 5 thành  tựu lớn. Đó là: hoàn thiện được một đội ngũ  y bác  sĩ, kỹ thuật viện giỏi tay nghề, kỹ thuật cao phục vụ việc cứu người; tạo điều kiện để người nghèo mắc bệnh tim cũng được cứu chữa; giúp Nhà nước không tốn kinh phí trong  một lĩnh vực chữa trị đắt tiền; chuyển giao, nhân rộng kỹ thuật, năng lực mổ tim cho  hơn 10 trung  tâm y tế và  cuối cùng là thông qua lĩnh vực y tế thúc đẩy sự phát triển ngoại giao nhân dân giữa  hai nước Việt - Pháp.

Riêng về sự phối hợp giữa Hội BTBNN Kiên Giang và Viện Tim TP HCM, cả ông Trần Lam lẫn  lãnh đạo Viện Tim đều đánh giá là một sự phối hợp cao cả và rất gắn bó, kết quả vượt trên cả sự kỳ vọng. Theo đề nghị của chính ông Trần Lam, bác sĩ Phan Kim Phương, người đầu tiên được Viện Tim gửi sang Pháp đào tạo, cũng là người mổ ca  đầu tiên trong chương trình mổ tim từ thiện phối hợp giữa hai đơn vị đã trực tiếp tham gia  và chỉ đạo ca mổ tim đặc biệt cho bé Huỳnh Hạo - ca  mổ thứ 1.000 của chương trình!

Nguyễn Đức
.
.