Ca sĩ Tùng Dương: Cuộc sống phẳng lặng quá sẽ dẫn đến chán chường

Thứ Hai, 10/01/2011, 15:35
Gặp Tùng Dương sau cuộc thi Việt Nam Idol kết thúc vừa được 3 hôm. Sau vụ "lỡ miệng" nói thẳng suy nghĩ của mình về thần tượng âm nhạc đang được cho là hiện tượng âm nhạc 2010 Uyên Linh, chàng ca sĩ bị khá nhiều các comment chỉ trích trên một số trang báo mạng và Facebook. Mặc kệ những lời ra tiếng vào, những ì xèo ầm ĩ, Dương với tâm trạng đầy hưng phấn, lâng lâng tâm đắc với lời nhận xét của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, giám khảo trẻ tuổi của cuộc thi Sao mai điểm hẹn.

Sau buổi tối hát cùng thần tượng trong chương trình vừa mới diễn ra, Tùng Dương và thí sinh Minh Chuyên cùng nhau song ca. Sau bài hát, Hồ Hoài Anh đã buột miệng thốt lên: “Tùng Dương cứ nhìn thấy mic là như lên đồng”. Hẳn vậy, Tùng Dương là một cá tính âm nhạc không trộn lẫn, Dương phiêu, hay say, hoặc mê cũng là những cái tên khác nhau để chỉ ra cái sự cháy hết mình đến kiệt cùng sức lực trên sân khấu ca nhạc. Nhưng, là một cá tính lạ trong làng nhạc, nên kẻ ghét, ghét đến phát chán, người yêu, yêu đến tận cùng. Dương cũng chấp nhận điều đấy, như một sự thật hiển nhiên…

Phóng viên (PV): Chào Dương! Vừa ra mắt album đĩa nhạc mới mang tên rất ấn tượng "Liti" vào dịp Noel, sắp tới đây 15/1 liveshow "Yêu" được kết hợp bởi hai giọng hát của Diva Thanh Lam và Tùng Dương tại thành phố mang tên Bác. Quả đúng là những ngày giáp tết, luôn là thời điểm bận rộn của các nghệ sĩ "thu hoạch mùa màng"...

Tùng Dương: Tôi thích những ngày lễ, đó là những ngày đặc biệt, nếu ra album vào thời điểm đó thì chẳng phải là có ý nghĩa hơn tất cả những ngày bình thường trong năm hay sao?!  Và, trong những ngày cuối năm thì mọi người cũng dập dìu đi mua sắm, âm nhạc là một món ăn tinh thần góp cho cuộc sống thêm thi vị hơn. Còn với liveshow "Yêu" thì đây là một sự đầu tư công phu và kỹ lưỡng của cả hai chị em. Chúng tôi sẽ hát những bài hát nhạc xưa của Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Ngô Thụy Miên... và cả ca khúc của nhạc sĩ đương đại như Lê Minh Sơn, Giáng Son.

Và, chọn vào thời điểm này cũng bởi mùa đông Hà Nội quyến rũ quá! Nó đem đến cho người nghệ sĩ cảm xúc rất mạnh. Mùa đông ấm áp, những ngày giáp tết bao giờ cũng gợi không khí  thiêng liêng với người nghệ sĩ. Được giao lưu gặp gỡ, hàn huyên với gia đình, bạn bè, người thân. Mùa đông cho các  nhạc sĩ rất nhiều cảm xúc để họ sáng tác, và các ca sĩ cũng tràn đầy xúc cảm để truyền tải đến người nghe. Tôi rất thích ca từ của bài hát "Những mùa đông yêu dấu" của nhạc sĩ Đỗ Bảo vì tính chân thật. Tôi và chị Lam sẽ mang lửa cháy nồng nàn mùa đông của miền Bắc vào Nam, muốn làm một điều gì nho nhỏ cho các khán giả với cách chọn dòng tân nhạc, nhạc xưa, nhạc đương đại, chủ đề tình yêu.

PV: Dương thấy đấy, truyền thông luôn là phương tiện hữu ích để truyền tải thông tin. Giờ đây Internet kết nối toàn cầu, và nhất cử, nhất động của các nghệ sĩ nổi tiếng được coi là người của công chúng đều được săm soi và chăm sóc kỹ lưỡng...

Tùng Dương: Tôi rất biết chị định nói đến điều gì, cái gì cũng có hai mặt và truyền thông thì không nằm ngoài quy luật ấy.

PV: Như liveshow "Yêu" truyền thông đã góp phần làm cho khán giả biết đến nó nhiều hơn, và mới đây những câu nói của Thanh Lam và Dương nhận xét về thần tượng âm nhạc Uyên Linh trong Việt Nam Idol 2010 cũng nhận được phản hồi và trở nên sốt sình sịch trong những ngày này... Có khi nào đó mà Dương cảm thấy mệt mỏi, bức bối, chán nản với truyền thông không?

Tùng Dương: Từ ngày đăng quang ở cuộc thi "Sao mai điểm hẹn" đến giờ đã được 6 năm, nhờ truyền thông mà Dương thấy mình được nhiều hơn mất. Thật ra, báo chí đăng thông tin quá sai về mình thì không có. Tôi nghĩ rằng có những truyền đạt thông tin không được hiểu nhau, chưa được ăn ý, bị sai lệch một chút nhưng không đáng kể. Hoặc khán giả đọc những bài báo đưa ra góp ý, nhận xét của mình về người khác, họ thấy bất bình. Mọi góp ý chân thành thì bao giờ cũng nhận được phản ứng, nhưng quan trọng là cần thời gian để thẩm thấu.

PV: Chúng ta sẽ chuyển sang một câu chuyện khác. Chà! Thời gian biểu của người nghệ sĩ rất lạ lùng. Nếu không lầm thì họ sống về đêm là chủ yếu. Tại sao vậy?

Tùng Dương: Chị nói đúng, như Dương thường xuyên 4 giờ sáng đi ngủ và 12 giờ trưa mới thức dậy. Vì đêm là thời điểm tĩnh lặng nhất trong ngày, tĩnh tâm nhất để bạn nhìn lại bản thân mình, xem đã cống hiến được những gì và những điều chưa làm được. Ban ngày, mọi hoạt động diễn ra quay cuồng, mọi người phải bận rộn với công việc và không nhìn nhận lại mình. Còn với nghệ sĩ biểu diễn như Dương, mỗi lần đi diễn về nhận được hoa của khán giả, thì vững tâm hơn. Đêm hôm biểu diễn, hát không thành công về cũng ấm ức không ngủ được, vì nghĩ tại sao hôm nay mình lại hát kém hơn mọi hôm. Đêm hát mà khán giả thích thì cũng mất ngủ, nằm trằn trọc, thao thức có khi đến 6 giờ sáng mới chợp mắt được.

PV: Bản chất của người nghệ sĩ là quá nhạy cảm, đôi khi bản năng, điều đó cũng làm cho chính họ bị mệt...

Tùng Dương: Người nghệ sĩ trong suy nghĩ, trong tư duy của họ phải khác thường, không giống như người bình thường.

PV: Khác thường không có nghĩa là lập dị.

Tùng Dương: Nghệ sĩ thì bao giờ cũng cần phải có lửa trong người. Khát vọng, đam mê đến tận cùng. Dương thấy các bạn trẻ giọng rất tốt nhưng đam mê chưa đủ. Thấy họ không tập trung vào làm những cái họ muốn, mà lại đi đường vòng. Họ chưa xác định con đường đi của họ. Quan trọng hơn hết là nhiệt huyết, cái lửa của người nghệ sĩ được thắp lên trong chính bản ngã của họ để lúc nào bạn cũng có thể cháy ở trên sân khấu. Như Dương, cứ nhìn thấy mic biểu diễn là thật sự thăng hoa, lên đồng, thoát xác.

PV: Dương là một cơn gió lạ, khá độc đáo, giàu biểu cảm trên sân khấu, tôi đồng ý. Nhưng còn những bạn trẻ, tuổi trẻ có thế mạnh riêng. Rất riêng. Dương có e ngại, rồi lại đến một lúc nào đó, khán giả sẽ quay lưng lại, chào đón lớp đàn em, để chạy đua với thời gian hẳn không dễ gì?

Tùng Dương: Tôi nghĩ đó là quy luật vòng tròn khép kín, đúng như là những gì con người phải trải qua, không ai tránh khỏi cả. Sinh ra, phát triển và mất đi. Tôi chấp nhận điều đó và nhìn thẳng vào thực tế, cố gắng để tạo ra sản phẩm tốt để sáng tạo, cống hiến, đi lâu trong lòng công chúng. Còn cái việc thầy già con hát trẻ như các cụ nói,  tất  nhiên làm cho người nghệ sĩ không khỏi suy nghĩ. Nhưng, lúc nào cũng chăm chăm nghĩ rằng thế hệ sau sẽ có nhiều người và mình bị quên lãng thì sẽ không bao giờ có tên tuổi lớn  đạt danh hiệu như Diva, NSƯT, NSND...

Nghệ sĩ đặt ra cho mình những cái đỉnh thì mới có áp lực để vượt qua... Và lao động, vận động không ngừng để không bị tụt hậu. Điều này không chỉ với riêng tôi mà bất cứ đồng nghiệp nào cũng vậy thôi, lớp ca sĩ trẻ hơn thì họ được chuộng hơn mình. Nghệ thuật là tính đường dài. Ở lại công chúng lâu không hay là trong chốc lát và trở thành hiện tượng thôi. Bạn cố gắng lao động nỗ lực thì chắc chắn thành quả của bạn sẽ được khán giả ghi nhận.

PV: Tôi thấy, anh là người có suy nghĩ khá già dặn, biết sắp đặt cuộc sống cho mình.

Tùng Dương: Còn một con người nữa trong tôi, nó luôn luôn vận động, đau khổ, hạnh phúc, vui vẻ, những cung bậc tình cảm ấy sẽ làm cho người nghệ sĩ trong tôi không trút được vào đâu trong cuộc sống đời thường nên trút vào âm nhạc. Cũng là một cách để giải phóng bản thân. Tôi thích mình tự tạo cho mình thế giới tinh thần và ở đó chỉ có âm nhạc của mình thôi.

PV: Nói đến nghệ sĩ người ta hay nói đến người có thần kinh yếu, rất dễ bị kích động. Có một số người mang danh nghệ sĩ, và họ đã làm những chuyện đối với người thường thì thật sự là "choáng", "sốc". Thật ra là họ yếu đuối hay mạnh mẽ?

Tùng Dương: Những cái gì gai góc, thô ráp, góc cạnh của cuộc sống, nhiều khi người nghệ sĩ rất khó để  đối mặt, họ đau đớn, họ kiệt quệ  nên đôi khi người nghệ sĩ phải tự tạo cho mình cái thế giới mạnh mẽ hơn, tư duy họ mạnh mẽ dần dần theo năm tháng.

Tùng Dương: “Nghệ sĩ thì bao giờ cũng phải có lửa trong người”.

PV: Người nghệ sĩ biểu diễn dù cao hay thấp, béo hay gầy, xấu hay đẹp, nhưng anh luôn luôn phải có cái sức hút đám đông rất là lớn. Về ngoại hình cũng không phải tròn trĩnh quá, vì như thế chưa chắc đã là hay, đôi khi chỉ cần một điểm nhấn...

Tùng Dương: Mọi suy nghĩ  xấu hay đẹp nằm trong tư duy của mỗi người. Có người quan niệm đẹp nhìn thấy ngay, mọi thứ cân bằng, cân đối thì mới gọi là đẹp. Người khác lại cho rằng, cảm nhận một cái cá tính thì người ta thấy cá tính mới gọi là đẹp. Đẹp ở đây phù hợp với tư duy nhận thức của mỗi người. Mỗi người quan niệm khác nhau về cái đẹp.

Tôi nghĩ cuộc sống nếu cái gì cũng chỉ tròn trịa thì sẽ không ý nghĩa, sẽ không thật đẹp. Cuộc sống phải có những góc cạnh, có khi cuộc sống yên ổn, yên bình quá, phẳng lặng quá cũng dẫn đến cho người ta sự chán chường. Mất phương hướng do cuộc sống nó quá bình lặng chẳng thấy có áp lực nào.

PV: Có những bài hát Dương biểu diễn, ca từ và cho khán giả đến một không gian đậm chất Thiền. Thiền trong âm nhạc là một sự độc đáo và với nhiều người thì thật vô cùng hấp dẫn.

Tùng Dương: Tôi vô cùng thích những bài hát của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Ông quá tài hoa.

PV: Đã có lần nhạc sĩ Phó Đức Phương nói với tôi rằng mỗi lần sáng tác một ca khúc mới là ông thắp hương rất thành kính, và thả hồn vào cõi mộng...

Tùng Dương: Còn tôi theo đạo Phật, mỗi lần bước lên sân khấu thì tôi đều khấn một câu: "Nam-mô-a-di-đà-phật". Chỉ một câu đó thôi mà bao nhiêu điều muốn nói.

Thật ra, dù theo đạo Phật, có theo tín ngưỡng hay không, thì cần nhất vẫn là sự phát tiết của người nghệ sĩ. Quan trọng là cảm xúc của họ được đẩy mạnh. Nhiều khi nương nhờ cái này, cái kia thì chưa chắc cảm xúc của họ được đẩy mạnh. Mà hơn hết là từ những cái họ cảm thấy đơn giản nhất, cóp nhặt của cuộc sống giúp cho họ thăng hoa, giúp cho họ những cái điều tưởng chừng như họ khó có thể làm được.

PV: Dương có thể nói rõ hơn và dễ hiểu hơn.

Tùng Dương: Như khi học thanh nhạc, không phải buổi học nào tôi cũng phấn khích, hưng phấn, để làm tốt tất cả các buổi học luyện thanh của mình được. Chính thế mới thấy người nghệ sĩ sáng nắng chiều mưa. Nghệ sĩ sống bằng cảm xúc chứ máy móc, thụ động, automatic thì không phải nghệ sĩ đâu. Chỉ dựa vào công nghệ không thì không thể trở thành nghệ sĩ lớn được.

Nghệ sĩ lớn là sự kết hợp hài hòa giữa lý trí và bản năng. Nếu lý trí quá anh sẽ trở nên đóng băng, khô cứng, khó đi được xa. Còn nếu chỉ có bản năng, không trau dồi thì anh sẽ bị tụt hậu, không theo kịp thời đại, theo kịp xu hướng nữa. Vì vậy khi bản năng tốt rồi, kết hợp với việc học hành. Một nghệ sĩ chân chính, đích thực họ phải hội tụ đủ hai yếu tố lý trí và bản năng, hài hòa giữa hai yếu tố đó.

PV: Được biết gia đình chỉ có mình anh là ca sĩ. Để có được Tùng Dương như bây giờ có phải hoàn toàn do khả năng trời cho?

Tùng Dương: Bố tôi hát rất hay nhưng không theo nghề hát. Tôi là cháu họ của nhạc sĩ Trần Hoàn. Hồi bé được sống trong một không khí âm nhạc của nghệ thuật tạo cho tôi niềm say mê. Năm lên 10 tuổi, tôi phải xa bố mẹ đằng đẵng 10 năm trời, vì bố mẹ sang Nga làm ăn. Tôi là con độc nhất trong gia đình, nên bố mẹ khoảng 1, 2 năm lại tranh thủ về với cậu con trai nhỏ. Trong lúc thi vào Nhạc viện, không có bố mẹ ở bên cạnh, nhưng tôi lại được động viên từ những bức thư chan chứa tình thương yêu của bố mẹ gửi về.

Không như gia đình khác, thấy con theo nghệ thuật là họ rất nản, không muốn con theo. Nghệ thuật quá khắc nghiệt. Bố mẹ tôi đều động viên, khuyến khích. Nhờ vậy, tôi bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ rất nhỏ. Sinh hoạt  ở các câu lạc bộ và được nhiều giải khác nhau. Tôi mê âm nhạc và 10 năm học trong Nhạc viện Quốc gia. Để có được một Tùng Dương như bây giờ là cả một quá trình phấn đấu chứ không phải là hoàn toàn bản năng, năng khiếu...

Tôi biết cuộc sống để đạt đến sự thành công không dễ gì. Người ta phải nỗ lực ghê lắm. Khi muốn có hạt gạo ăn thì cần phải bắt đầu gieo hạt thóc. Tôi tin anh là một hạt giống tốt...

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.