Các Trung tâm kiểm định: Chuyên nghiệp mà vẫn... nghiệp dư

Thứ Năm, 07/05/2009, 16:35
Những kết quả xét nghiệm không thống nhất, gần 70% các vụ ngộ độc thực phẩm ở Hà Nội năm 2008 không xác định được căn nguyên... Vì sao? Vì trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ kiểm định không đảm bảo vì tình trạng thiếu trang thiết bị kiểm định hay còn vì các căn nguyên nào khác?

Từ làm việc ngoài... hành lang, trên nóc nhà...

Nằm nép bên cạnh Viện Dinh dưỡng, khó ai có thể ngờ, một trung tâm hàng đầu kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người - Trung tâm Kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm (KĐVSATTP) thuộc Bộ Y tế, lại ở vị trí như một ngách nhỏ thiếu ánh sáng. Nếu so sánh cơ sở vật chất ở đây với nhiệm vụ của Trung tâm, quả là còn xa lắm mới cân xứng.

Trong hình dung của nhiều người, nói đến phòng thí nghiệm là nói đến một nơi tràn ngập ánh sáng, được bao phủ khắp nơi bởi một màu trắng tinh khiết như cửa kính trong suốt, áo blu trắng, gạch men kính bóng lộn, dụng cụ y tế sáng loáng. Nhưng ở đây mọi thứ đều ngược lại.

Thành lập năm 2001, Trung tâm KĐVSATTP có 7 nhiệm vụ chính: kiểm nghiệm, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trong phạm vi được giao và khi có nhu cầu, tham gia kiểm tra Nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu theo chức năng được giao, kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm gây ngộ độc...

Với trọng trách vô cùng quan trọng như vậy nhưng Trung tâm KĐVSATTP lại không có nơi ở đàng hoàng. Mặt bằng là một khu nhà 2 tầng cũ được cải tạo lại với tổng diện tích 600m2. Mặt tiền bị khuất kín sau một bức tường bêtông, lối vào nhỏ hẹp, bố cục phòng ốc lộ cộ chẳng đâu vào đâu, ánh sáng, không khí thiếu trầm trọng, đặc biệt là tầng 1.

Với cách phân chia, labor hóa thực phẩm ở tầng 1, labor vi sinh ở tầng 2, Trung tâm có khoảng hơn chục phòng. Mỗi phòng là một công đoạn của quá trình xét nghiệm với đủ các thứ máy móc, nhưng diện tích chật hẹp chỉ chừng hơn 10m2. Chỉ đặt thiết bị máy móc đã không đủ chỗ huống chi còn bàn làm việc, tủ chuyên dụng đựng hóa chất... Bởi vậy nên hành lang được tận dụng tối đa để vừa là chỗ làm việc vừa là nơi đặt tủ đựng hóa chất, tủ lạnh...

Nói đến tủ lạnh của Trung tâm KĐATVSTP, có điều lạ là trong hình dung của nhiều người, phải là tủ chuyên dụng để lưu giữ các mẫu xét nghiệm nhằm bảo đảm không bị tác động từ bên ngoài. Nhưng ở đây chỉ là loại thông dụng sử dụng phổ biến trong gia đình. Rồi cả điều hòa nhiệt độ nữa, cũ kỹ và có cảm giác đã "hết hơi" vì hoạt động quá công suất.

Tương tự, Trung tâm Kiểm định thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc (KĐTBVTV) thuộc Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mặc dù là labor thí nghiệm hàng đầu không chỉ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà còn của quốc gia, nhưng cũng chỉ là những căn phòng "cơi nới" trên nóc của một khu nhà 5 tầng.  Và việc cơi nới trên nóc nhà này không chỉ khiến cho các nhân viên kiểm định ở Trung tâm KĐTBVTV phải làm việc ngoài hành lang do không đủ diện tích sử dụng như ở Trung tâm KĐATVSTP mà còn phải chịu cảnh cực rét vào mùa đông, cực nóng vào mùa hè. Làm việc trong Trung tâm mà người như nung trong lò bát quái.

Thạc sĩ (Ths.) Vương Trường Giang, Phó giám đốc Trung tâm KĐTBVTV nói: "Do diện tích chật hẹp nên anh em chúng tôi phải kê bàn, máy tính ra hành lang làm việc, nhường phòng cho trang thiết bị. Ở đây máy móc thiết bị quý hơn người nên phải chấp nhận vậy thôi".

...Đến kiểm định viên chưa tốt nghiệp đại học

 Mặc dù, có thể quý hơn người theo cách ví của Ths. Trường Giang nhưng thực tế như anh đánh giá, trang thiết bị, máy móc hiện nay, ở Trung tâm KĐTBVTV chỉ là loại... thường trên thế giới. Ngay đánh giá của Bộ Y tế về thiết bị kiểm định ở các labor của ngành cũng vậy: thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị... Và minh chứng là tại Trung tâm KĐTBVTV hiện nay, các thiết bị có thể phân tích đến mức độ vi lượng là không có. Đó cũng là nguyên nhân tại sao Trung tâm KĐTBVTV mới chỉ xét nghiệm hóa học mà chưa xét nghiệm vi sinh.

Còn ở Trung tâm KĐVSATTP, Ths. Trần Hồng Vân cho biết, do thiếu trang thiết bị mà các nhân viên kiểm định ở đây thường rơi vào cảnh xếp hàng nối đuôi nhau để chờ đến lượt sử dụng thiết bị kiểm định. Đã vậy, những thiết bị này cũng chỉ được đánh giá xịn"...  nhất Việt Nam thôi.

Làm việc ngoài hành lang.

Không chỉ thiếu thốn trang thiết bị, máy móc, con người cũng là một "vấn đề" nghiêm trọng hiện nay ở các labor: trong tổng số 24 kiểm định viên ở Trung tâm KĐATVSTP, kể cả những người kiêm nhiệm công tác hành chính thì không phải người nào cũng đạt trình độ cử nhân. Hay ở Trung tâm KĐTBVTV cũng thế, đáng lẽ phải được đào tạo chuyên ngành hóa phân tích. Song tất cả 16 kiểm định viên của Trung tâm KĐBVTV chỉ học chuyên ngành hóa nói chung. Bởi vậy để làm được việc, các kiểm định viên ở hai trung tâm này đều phải học thêm nghiệp vụ do chính những người đi trước trong trung tâm, huấn luyện.

Với tình trạng thiếu thốn về cả cơ sở hạ tầng đến thiết bị, năng lực trình độ của con người như đã kể, liệu công tác kiểm định có bảo đảm tuyệt đối?--PageBreak--

Lao đao vì... tìm phương pháp xét nghiệm

Ths. Hồng Vân cho biết, do cơ sở vật chất thiếu thốn nên dẫn theo cả hạn chế trong công tác xét nghiệm. Một số lần kiểm tra định kỳ các labor để đánh giá chất lượng "ISO", Trung tâm đã bị "mất điểm" về việc sắp đặt các dụng cụ, thiết bị trong Trung tâm không hợp lý. Nhưng Ths. Hồng Vân giải thích nguyên nhân là do diện tích của Trung tâm quá chật hẹp, không thể sắp xếp các thiết bị như chai lọ... thành khu vực tập trung  nên trong thao tác khi xét nghiệm, các kiểm định viên không "thuận tay". Nếu sơ suất, còn có thể xảy ra chuyện nhầm lẫn khi lấy thiết bị và thậm chí là cả hóa chất.

Rồi cả chuyện lao đao vì những lần tìm phương pháp xét nghiệm. Đợt "bão" melamine vừa qua là một ví dụ về năng lực của các kiểm định viên. Phải đôn đáo tìm tòi khắp nơi từ labor trong nước đến labor của nước ngoài, Trung tâm KĐVSATTP mới hình thành nên phương pháp kiểm nghiệm.

Ths. Hồng Vân kể lại: "Lúc đó yêu cầu rất bức bách, melamine lại như hóa chất  từ "trên trời rơi xuống", Trung tâm không có phương thức nào để xét nghiệm. Bấn hết lên, cuối cùng phải tham khảo phương thức từ một số nước châu Á, Trung tâm mới tìm ra phương pháp xét nghiệm". Đận "tung hoành" của nước tương 3MPCD hay chất Sudan cũng vậy. Vất vả lắm Trung tâm mới tìm được phương pháp xét nghiệm thích hợp. Hay vừa rồi, sữa nghèo đạm cũng đã làm đau đầu các kiểm định viên trong Trung tâm.

Nói chung trước những đợt "tấn công" của các hóa chất như vậy trong thực phẩm, hiếm khi nào trung tâm  chủ động, đặc biệt là về phương pháp xét nghiệm.  Ths. Hồng Vân nói: "Trong công tác kiểm nghiệm, phương pháp xét nghiệm là yếu tố hàng đầu quyết định hiệu quả xét nghiệm. Phương pháp xét nghiệm lại phụ thuộc vào trang thiết bị và trình độ, năng lực của con người. Cả hai yếu tố này, Trung tâm đều thiếu nên trong công tác xét nghiệm rất khó khăn".

Như Trung tâm KĐVSATTP, Trung tâm KĐTBVTV cũng gặp khó khăn về phương pháp kiểm định, đặc biệt là kiểm định về những hóa chất "giữa giời" . Theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định thì đây cũng là một trong những nhiệm vụ của Trung tâm KĐTBVTV bên cạnh: xét nghiệm định kỳ, theo yêu cầu về dư lượng và chất lượng của thuốc bảo vệ thực vật.  Mà những lần kiểm định đột xuất ấy thời gian qua đối với Trung tâm KĐTBVTV đâu có ít.

Ths. Giang cho biết, trong những đợt kiểm định như vậy, phải rất nỗ lực tìm tòi, thử nghiệm, Trung tâm mới đi đến phương pháp xét nghiệm cuối cùng. Ngay cả trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật với hơn 2.000 loại, phải còn từ 10-20% thuốc bảo vệ thực vật nữa là Trung tâm KĐTBVTV chưa kiểm định được. Rồi, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, cũng còn 10% nữa công tác kiểm định chưa hiệu quả.

"Vì đối với những tạp chất độc hại, những loại thuốc có tính chất kích thích sinh trưởng cũng như thuốc vi sinh...". Ths. Trường Giang giải thích: "...công tác kiểm định của TTKĐTBVTV cực kỳ khó khăn, nhất là trong hoàn cảnh các điều kiện thiết bị, con người còn hạn chế như hiện nay". Vì thế theo đánh giá của Ths. Trường Giang: “Tính dự đoán của công tác kiểm định hiện nay rất kém. Do dự đoán kém mà các trung tâm kiểm định thường xuyên phải chạy sau sự việc. Điều đó khiến cho người tiêu dùng phải chịu hệ lụy tổn thương về sức khỏe".

3 triệu đồng chi phí kiểm định một mớ rau muống

Không chỉ cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn mà chuyện chi phí kiểm định cũng là lý do để công tác kiểm định không thể kiểm tra một số chỉ tiêu. Theo đúng quy trình, một mẫu thực phẩm, dù kiểm định theo nhiệm vụ hay yêu cầu khi xét nghiệm đều phải trải qua hai khâu: hóa thực phẩm và vi sinh thực phẩm. Tuy nhiên, đối với những sản phẩm nằm trong nhiệm vụ kiểm định chẳng hạn như sữa nhập khẩu, kiểm tra đột xuất... kinh phí sẽ do Nhà nước thanh toán. Còn những sản phẩm xét nghiệm theo yêu cầu, thì đơn vị nào yêu cầu, đơn vị đó phải chi trả.

Ths. Hồng Vân cho biết, hiện nay  trong số 100 chỉ tiêu đã được lập thành danh sách để xét nghiệm, Trung tâm KĐVSATTP không thể kiểm định 100% chỉ tiêu ấy mà chỉ có thể kiểm tra một số, đặc biệt với những chỉ tiêu có nguy cơ cao (đối với những sản phẩm phải kiểm tra theo nhiệm vụ) hoặc kiểm tra ngẫu nhiên (đối với những sản phẩm kiểm tra trước khi lưu hành).

Ths. Vân giải thích: do chi phí xét nghiệm cao như chỉ tiêu kim loại nặng: 400.000 đồng/lần xét nghiệm; chất 3MPCD trong nước tương: 500.000 đồng/lần xét nghiệm và với chất melamine 600.000 đồng/lần xét nghiệm. Chi phí kiểm định một mớ rau muống có thể lên tới 3 triệu đồng. Nếu kiểm tra tất cả các chỉ tiêu thì Nhà nước không có kinh phí.

Còn có kinh phí như xét nghiệm theo yêu cầu thì thời gian chờ đợi rất lâu. Tính ra, ít nhất một chỉ tiêu cũng phải xét nghiệm từ 5 - 7 ngày. Nếu kiểm định cả 100 chỉ tiêu thì phải mất... 2 năm, đó là còn chưa kể thời gian "xếp hàng" xét nghiệm vì thiếu máy móc. Thời gian chờ đợi lâu như vậy sẽ ảnh hưởng đến quá trình lưu hành sản phẩm. Bởi vậy, không thể kiểm tra tất cả các chỉ tiêu có trong danh sách mà chỉ có thể kiểm tra hoặc theo hình thức ngẫu nhiên hoặc chỉ tiêu có nguy cơ cao như đã nói.

Theo bà Nguyễn Thị Khánh Trâm, Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế, hiện nay, trên toàn quốc riêng ngành y tế có 63 trung tâm kiểm định thuộc sở y tế của các tỉnh, thành phố, 4 viện kiểm nghiệm khu vực. Ngoài ra còn có 13 đơn vị kiểm nghiệm thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Được biết tới đây, còn ra đời thêm 4 trung tâm kiểm nghiệm ở khu vực Nha Trang, Cần Thơ, TP HCM...

Như vậy, con số trên cho thấy không ít trung tâm kiểm định sẽ đi vào hoạt động. Tuy nhiên,  có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh các trung tâm hiện nay đang hạn chế về mọi mặt thì nên chăng chúng ta cắt giảm số lượng trung tâm kiểm định chuẩn bị ra đời. Tập trung đầu tư phát triển cơ sở vật chất, yếu tố con người... với những trung tâm hiện có để nâng cao năng lực kiểm định.

Nếu không, ngành kiểm định của chúng ta mãi mãi như đánh giá của một chuyên gia đầu ngành: Thiếu năng lực kiểm nghiệm gồm trang thiết bị, con người, cơ sở vật chất; thiếu hệ thống các tài liệu kỹ thuật phục vụ kiểm nghiệm chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được yêu cầu và ngân sách đầu tư cho hệ thống kiểm nghiệm cũng còn thiếu. Và hậu quả không ai khác, người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu hậu quả đầu tiên...

Duy Hưng
.
.