Các bài thơ làm trong nhà tù Guantanamo sắp xuất bản tại Mỹ

Thứ Tư, 11/07/2007, 14:30
Khi phát hiện những chiếc cốc có vần thơ, bọn cai tù liền đập vỡ chúng rồi vứt đi vì sợ đó là cách tù nhân truyền đi những thông điệp mã hóa. Tuy nhiên, những đoạn “thơ trên cốc” này vẫn sống sót và sắp tới mọi người có thể thấy chúng trong tập hợp tuyển thơ nhan đề: “Thơ Guantanamo: những tù nhân lên tiếng”.

Trên cái cốc bằng vật liệu styrofoam (chất dẻo bằng polystyrene), tù nhân dùng đá cuội để khắc những câu thơ của một nhà thơ nổi tiếng Pakistan.

Sau đó - ngay dưới mũi bọn cai tù Vịnh Guantanamo - những vần thơ này được chuyển từ xà lim này qua xà lim khác. Khi phát hiện những chiếc cốc đặc biệt này, bọn cai tù liền đập vỡ chúng rồi vứt đi vì sợ đó là cách tù nhân truyền đi những thông điệp mã hóa.

Tuy nhiên, những đoạn “thơ trên cốc” này vẫn sống sót và sắp tới mọi người có thể bắt gặp chúng trong tập hợp tuyển thơ 84 trang nhan đề: “Thơ Guantanamo: những tù nhân lên tiếng” sắp được xuất bản trong năm nay ở Mỹ bởi Đại học Iowa Press. Những vần thơ này là chứng cứ nói lên những đau đớn và tuyệt vọng của tù nhân Guantanamo mà trong đó chỉ có 2 người bị buộc tội chính thức!

Người khám phá những vần thơ này là Giáo sư luật học người Mỹ Marc Falkoff. Là đại diện cho 17 tù nhân người Yemen, ông đã đến Guantanmo tất cả 10 lần. Giáo sư viết lời đề tặng tác phẩm như thế này: “Cho những người bạn đằng sau hàng rào kẽm gai của tôi”.

Hè năm 2005, các thân chủ đã chuyển được đến ông hai bài thơ. Chúng được viết bằng tiếng Arập và ghép vào trong số thư từ mà tù nhân được phép gửi đi.

Những giao tiếp giữa tù nhân với nhau bị coi là mối đe dọa tiềm ẩn nên toàn bộ mọi thứ đều bị niêm phong và qua phân tích tỉ mỉ của một đơn vị tình báo Mỹ. Do bị coi là có mối nguy hiểm tiềm ẩn nên cho đến nay hai bài thơ nói trên vẫn chưa được giải mật.

Giáo sư Falkoff đã tiếp xúc với các luật sư khác và nhờ đó biết được nhiều người trong số họ cũng nhận được những bài thơ từ thân chủ của họ. Số tù nhân khác - như Moazzam Beg và Martin Mubanga, 2 công dân người Anh được phóng thích - đã sáng tác những bài thơ trong thời gian bị giam cầm rồi sau đó mang theo bên người khi được trả tự do.

Dưới mắt quân đội Mỹ, thơ là mối nguy hiểm hết sức đặc biệt. Mọi suy nghĩ của tù nhân Guantanamo đều bị quan chức quân sự ở Washington đánh giá là nguy hiểm đến mức họ không có quyền sở hữu giấy hay bút chì. Tù nhân chỉ được hưởng khoảng chục phút hiếm hoi để viết thư cho gia đình qua trung gian Hội Chữ thập đỏ quốc tế.

Thậm chí, vào những lúc ấy thư của họ cũng bị kiểm duyệt gắt gao. “Những vần thơ trên cốc” của Guantanamo nói về sự vắng bóng của bông hoa mùa xuân, những vòng đeo tay của phụ nữ trẻ...

Nhà thơ và nhà báo Abdurraheem Muslim Dost còn nhớ được vài đoạn thơ trong số tác phẩm của mình sau khi được trả tự do, nhưng ông đã đánh mất hàng ngàn vần thơ sáng tác trong địa ngục trần gian Guantanamo! Dost, tác giả của gần 20 cuốn sách cho đến lúc bị bắt giữ vào năm 2001, đã trải qua gần 3 năm tù cùng với em trai của mình.

Sau khi được thả cách đây 2 năm, hai anh em bị Cơ quan Mật vụ Pakistan thẩm vấn rồi sau đó biến mất và không ai còn nghe nói đến họ nữa! Aami Al-Haj, quốc tịch Sudan, là nhà báo viết bài cho kênh Al-Jazira khi bị bắt giữ năm 2001.

Quân đội Mỹ buộc tội anh làm trung gian tiếp tế tiền bạc cho quân phiến loạn ở Checchen cũng như giúp Al-Qaeda, nhưng tất cả đều không có bằng chứng. Trong thời gian bị giam cầm ở Guantanamo, Aami Al-Haj đã sáng tác những vần thơ nói lên nỗi đau của mình và tự do

Diên San (theo Courrier)
.
.