Các chính phủ đẩy mạnh kiểm soát tiền kỹ thuật số

Thứ Ba, 20/07/2021, 11:05
Giới chức nhiều nước đang đẩy mạnh các nỗ lực kiểm soát tiền kỹ thuật số sau khi nhận thấy ngày càng rõ những rủi ro mà loại tiền này đang gây ra.

Cuối tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết đã triệu tập một số ngân hàng và tổ chức thanh toán để yêu cầu các đơn vị này kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động giao dịch tiền điện tử. Cụ thể, PBOC kêu gọi các ngân hàng và tổ chức tài chính kiểm tra kỹ tài khoản của khách hàng để xác định những người tham gia các giao dịch tiền kỹ thuật số và cắt các kênh thanh toán của họ. 

Tuyên bố của PBOC khẳng định: "Giao dịch đầu cơ bằng tiền kỹ thuật số làm xáo trộn trật tự kinh tế và tài chính, tạo ra rủi ro từ các hoạt động tội phạm như chuyển đổi tài sản bất hợp pháp và rửa tiền, đồng thời gây rủi ro cho tài sản của mọi người".

Tháng trước, Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố sẽ trấn áp hoạt động mua bán và đào bitcoin. Lệnh cấm đào tiền kỹ thuật số đã được đưa ra ở các trung tâm đào bitcoin lớn tại Trung Quốc, như Tứ Xuyên, Tân Cương và Nội Mông. Nước này cũng đã chặn nhiều tài khoản mạng xã hội liên quan đến tiền kỹ thuật số và cấm tìm kiếm các sàn giao dịch tiền điện tử lớn như Binance và Huobi trên mạng Internet.

Các chính phủ vào cuộc

Trung Quốc không phải nền kinh tế duy nhất đang đẩy mạnh nỗ lực để kiểm soát các loại tiền kỹ thuật số trước nguy cơ gây rối loạn hệ thống tài chính. Trước đó 1 tháng, Bộ Tài chính Mỹ thông báo đang thực hiện các bước để siết chặt thị trường cũng như các giao dịch tiền số, trong đó nhấn mạnh bất kỳ giao dịch tiền số nào trị giá từ 10.000 USD trở lên đều phải báo cáo cho Sở Thuế vụ Mỹ (IRS). Theo quy định mới, các tài khoản giao dịch tiền mã hóa, tài sản điện tử, cũng như tài khoản dịch vụ thanh toán chấp nhận tiền mã hóa sẽ được quản lý. Cũng như các giao dịch tiền mặt, những doanh nghiệp nhận tài sản điện tử có giá trị trên thị trường hơn 10.000 USD cũng sẽ được báo cáo lên cơ quan thuế.

Ngày càng có nhiều chính phủ thắt chặt kiểm soát đối với tiền kỹ thuật số.

Tại phiên họp Thượng viện Australia ngày 25-5, Giám đốc điều hành Trung tâm Báo cáo và Phân tích giao dịch Australia (AUSTRAC) Nicole Rose cho biết cơ quan này đang xem xét cập nhật một số thay đổi quy định luật pháp mới, bao gồm cả những thay đổi liên quan tới hoạt động kiểm soát tiền kỹ thuật số. AUSTRAC có khả năng sẽ sớm ban hành quy định đối với các giao dịch tiền kỹ thuật số, yêu cầu các tổ chức tài chính buộc phải chuyển một số thông tin nhất định, kèm theo các giao dịch tiền tệ kỹ thuật số cho tổ chức tài chính tiếp theo.

Quy tắc này hướng tới mục tiêu tạo ra một lộ trình kiểm toán minh bạch hơn, giúp các nhà quản lý nắm được thông tin về người thanh toán và người nhận thanh toán, thông qua đó góp phần xác định và truy tố thành công các hành vi rửa tiền, tội phạm khai thác mã độc tống tiền doanh nghiệp và người dân.

Các ngân hàng trung ương đã tăng cường chỉ trích các loại tiền kỹ thuật số như bitcoin. Trong báo cáo công bố hôm 23-6, Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), tổ chức quốc tế có vai trò thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngân hàng trung ương và các cơ quan khác để ổn định tiền tệ và tài chính, đã gửi đi những tín hiệu rõ ràng nhất rằng các ngân hàng trung ương đã sẵn sàng nỗ lực để củng vai trò chủ chốt của họ trong hệ thống tài chính toàn cầu trước những rủi ro từ tiền kỹ thuật số.

Cụ thể, BIS nêu rõ: “Tiền kỹ thuật số là tài sản đầu cơ chứ không phải tiền và trong nhiều trường hợp được lạm dụng trong các vụ rửa tiền, tấn công mã độc và các vụ tội phạm tài chính khác. Bitcoin không mang lại lợi ích cho cộng đồng trong khi hoạt động khai thác loại tiền số này tiêu tốn rất nhiều năng lượng”.

Những nỗ lực hiện nay

Trên thế giới hiện có hơn 800 đồng tiền kỹ thuật số. Các đồng tiền số được xây dựng dựa trên thuật toán phức tạp, qua đó cho phép các giao dịch được thực hiện trực tiếp giữa người gửi và người nhận mà không cần có sự kiểm soát của chính phủ, ngân hàng hay các tổ chức tài chính. Đặc tính này cũng tính chất biến động giá của tiền kỹ thuật số tạo ra môi trường cho hoạt động lừa đảo. Hơn nữa, khi sai sót xảy ra, hệ thống phát sinh lỗi, giao dịch thất bại hoặc tiền điện tử bị hack thì không ai đứng ra xử lý và bảo vệ nhà đầu tư. Đây là rủi ro rất lớn đối với hệ thống tài chính toàn cầu nền kinh tế của bất kỳ một quốc gia nào.

Nhiều nước đã lập ra các cơ quan chuyên trách để quản lý tiền số. Cụ thể: Ở Mỹ, Cục Phòng chống tội phạm tài chính Mỹ lập những quy định, hướng dẫn pháp lý cho đồng tiền kỹ thuật số; đồng thời, kết hợp cùng với Sở Thuế vụ thực hiện quản lý các giao dịch tiền này. Ở Trung Quốc, Bộ Công nghiệp, Bộ Công nghệ thông tin và Ngân hàng Trung ương là những cơ quan đã ra các thông báo về cảnh báo hậu quả của đầu tư và giao dịch tiền kỹ thuật số. Tại Hàn Quốc, các hoạt động liên quan tới tiền kỹ thuật số được quản lý bởi Cơ quan Giám sát tài chính và các cơ quan quản lý tài chính. Tại Anh, các giao dịch tiền số phải đăng ký với Cơ quan Kiểm soát tài chính. Một số quốc gia khác còn thành lập ra các đơn vị quản lý chuyên trách về tiền kỹ thuật số.

Giới chuyên gia nhìn nhận không gian tài chính truyền thống đã, đang và sẽ còn thay đổi. Chính nhận thức này đã khiến cho chính phủ, ngân hàng trung ương tại nhiều quốc gia phải tính toán tới việc quản lý, kiểm soát các đồng tiền kỹ thuật số cũng như nghiên cứu về việc phát hành định dạng kỹ thuật số của các loại tiền tệ pháp định (CBDC).

Báo cáo từ Công ty kiểm toán PwC cho biết, hiện có hơn 60 ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang nghiên cứu rất nhiều khung lý thuyết cũng như đưa ra nhiều sự thử nghiệm cần thiết để có thể cho ra đời đồng tiền kỹ thuật số với công nghệ tiên tiến như các đồng tiền mã hóa, song được phát hành bởi ngân hàng trung ương để có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, công việc này sẽ đòi hỏi những nghiên cứu và đánh giá rất thận trọng.

Bích Hạnh (tổng hợp)
.
.