Các công ty Đức "vớ bẫm", còn UEFA kiếm bao nhiêu?

Thứ Sáu, 01/07/2016, 11:35
Euro 2016 tại Pháp, có quy mô lớn nhất trong lịch sử giải này, với số đội bóng, trận thi đấu và các thành phố tổ chức đều tăng. Giải đấu này không chỉ là sự kiện lớn với giới truyền thông, mà còn là cơ hội kinh doanh cho các nhà tài trợ, nhà cung cấp và các quán rượu tại Đức.


Cuộc chiến giữa Nike và Adidas

Các đại gia đồ dùng thể thao - Adidas (Đức), Nike (Mỹ) và Puma đang đẩy bật đối thủ nhỏ ra khỏi vòng chung kết Euro, khi tăng gấp đôi số đội bóng họ tài trợ trong vòng 20 năm qua. Tại giải đấu tổ chức năm 1996 ở Anh, có tới một nửa trong số 16 đội bóng sử dụng sản phẩm của các thương hiệu ngoài bộ ba Nike, Adidas và Puma. Nhưng đến giải năm nay, con số đó chỉ là 4/24 đội.

Adidas là nhà tài trợ lớn nhất tại Euro 2016.

Thị phần của Adidas trong miếng bánh lợi nhuận bóng đá đang giảm sút vài thập kỷ gần đây, khi Nike tăng trưởng mạnh. Nhưng họ vẫn là công ty tài trợ trang phục cho 5 đội vô địch Euro gần đây nhất. Và năm nay, họ cung cấp sản phẩm cho 9 đội bóng, tăng so với 5 đội năm 1996. Trong khi đó, Nike chỉ tài trợ một đội năm 1996, thì nay đã lên 6 đội. Puma cũng đẩy mạnh đầu tư cho bóng đá để bắt kịp 2 đối thủ xếp trên khi tài trợ cho 5 đội. Những đội còn lại sẽ được tài trợ bởi những công ty nhỏ hơn như Umbro, Macron hay Juma.

Nike thậm chí tài trợ riêng cho các cầu thủ. Công ty Mỹ này từ lâu đã ký hợp đồng với Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha), với các điều khoản thương mại "áp đảo tất cả cầu thủ khác tại Euro 2016". Tổng cộng, các hợp đồng cá nhân của anh có giá trị khoảng 19 triệu euro (21,5 triệu USD) một năm. Xếp sau Ronaldo là Gareth Bale (Wales) với tổng trị giá 4 triệu euro (4,6 triệu USD). Anh này cũng có hợp đồng với Adidas.

Tất nhiên, mục đích của Adidas không chỉ là kiếm lời từ các đội bóng này. Họ còn muốn logo của mình xuất hiện dày đặc trên TV khắp châu Âu cũng như thế giới. Do vậy, dù kỳ Euro này diễn ra tại Pháp, đại gia thời trang Đức vẫn là một trong những người hưởng lợi nhất. "Năm nay, chúng tôi còn tài trợ trang phục cho cả trọng tài và nhân viên trên sân cỏ, để đảm bảo có độ hiện diện cao trong sân vận động và trên các kênh truyền thông của UEFA", Adidas cho biết.

Tại Euro 2012, Adidas đã bán được hơn một triệu áo đội tuyển Đức và hơn 7 triệu quả bóng có logo của giải đấu. Bóng đá chiếm một vị trí rất quan trọng trong chiến dịch kinh doanh của hãng. Năm đó, Adidas thu về 1,7 triệu euro từ các sản phẩm liên quan tới bóng đá. Còn năm ngoái, dù không phải thời điểm tổ chức World Cup hay Euro, công ty này cũng thu về tới 2,2 triệu euro.

Nhiều công ty Đức cũng vớ bẫm

Bên cạnh đó, người Đức thường sắm TV mới trước khi diễn ra một giải bóng lớn. "Doanh số TV mới bắt đầu tăng từ trước World Cup hoặc Euro khoảng 3 tuần. Các nhà bán lẻ sẽ đưa ra kế hoạch bán hàng theo xu hướng mua sắm", công ty nghiên cứu GfK cho biết. Thời tiết có ảnh hưởng rất lớn tới thói quen chi tiêu của người hâm mộ trong khoảng thời gian từ trận mở màn tới lễ trao giải. "Thời tiết còn quan trọng hơn cả phong độ của đội tuyển Đức. Nói đơn giản là thời tiết tốt thì doanh số cao, thời tiết xấu thì doanh số thấp", GfK cho biết.

Công ty nghiên cứu này đã tổng hợp doanh thu bia, nước ngọt và đồ ăn vặt trong mùa World Cup trước. Theo đó, nếu trời nắng đẹp, trung bình người hâm mộ sẽ mua nhiều đồ ăn thức uống hơn khoảng 16% so với bình thường. Các quán rượu và vườn bia tại Đức cũng kỳ vọng sẽ tăng doanh số trong mùa Euro. Ernst Fischer - Chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng Khách sạn Đức cho biết: "Euro 2016 có thành công hay không phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết và phong độ của đội tuyển Đức".

Một dấu hiệu tích cực cho chủ các cửa hàng là giải đấu năm nay sẽ kéo dài từ ngày 10-6 đến 10-7, dài hơn bình thường một tuần. Các nhà hàng, khách sạn kỳ vọng doanh thu sẽ tăng 2,5%. Nhưng người hâm mộ có vẻ không muốn đến nhà hàng. Vì theo số liệu, họ có vẻ ưa chuộng quán rượu hơn.

UEFA có thể kiếm hơn 2 tỷ USD từ Euro 2016

Giải đấu kéo dài thì Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) cũng sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Tổ chức này dự báo thu về 2 tỷ euro (2,2 tỷ USD) từ Euro 2016, tăng so với 1,4 tỷ euro 4 năm trước - khi chỉ 16 đội tham gia. Euro từ lâu chỉ xếp sau World Cup về độ nổi tiếng và doanh thu. Tiền bản quyền phát sóng Euro 2016 đã chạm 1,05 tỷ euro - cao hơn 25% so với năm 2012. Tiền tài trợ cũng tăng 40%, lên 450 triệu euro, ông Guy-Laurent Epstein - Giám đốc Marketing UEFA cho biết. Số còn lại đến từ tiền bán vé.

 So với nhiều giải đấu của các khu vực, Euro áp đảo về góc độ kinh tế. Bản quyền truyền thông của Copa America Centenario năm nay được bán với giá 112,5 triệu USD. Các giải đấu của châu Á bán bản quyền cho cả 10 năm với giá 1 tỷ USD tổng cộng. Năm nay, khoảng ba phần tư doanh thu bản quyền truyền hình Euro đến từ các nước eurozone. Dù vậy, sức mua từ Mỹ, Brazil và Trung Đông cũng tăng mạnh. Năm nay, UEFA bán 2,5 triệu vé, cao hơn một triệu so với năm 2012.

Các nhà tài trợ cũng đóng góp không nhỏ cho giải đấu này. Hãng bia Đan Mạch - Carlsberg đã coi Euro là trung tâm của chiến dịch quảng cáo mùa hè năm nay. Họ đã chi 80 triệu euro cho giải đấu này.        

Còn với Pháp, Trung tâm nghiên cứu Luật pháp và Kinh tế trong Thể thao tại Limoges ước tính, giải đấu sẽ đóng góp 1,3 tỷ euro cho GDP nước này, chủ yếu từ chi tiêu của người hâm mộ. Đất nước hình lục lăng đã chi khoảng 1,7 tỷ euro cho các sân vận động diễn ra những trận đấu trong Euro 2016.

Văn Nguyễn - T.D. (tổng hợp)
.
.