Các hãng hàng không Vùng Vịnh: “Trong cái khó ló cái khôn”

Thứ Sáu, 09/06/2017, 08:27
Theo nhận định của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), các hãng hàng không của khu vực Trung Đông sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi chính phủ Mỹ từ cuối tháng 3 đã áp dụng lệnh cấm mang laptop, máy tính bảng trong hành lý xách tay đối với các chuyến bay thẳng tới Mỹ từ 10 sân bay tại 8 quốc gia Arập Xêút, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, Ai Cập, Jordan, Kuwait, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Maroc.

Lệnh cấm với các hãng hàng không Trung Đông và Vùng Vịnh này sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn cho các hãng hàng không Mỹ vốn đang ngày càng mất thị phần trước các đối thủ từ thế giới Hồi giáo. Nhưng trong “cái khó”, các hãng hàng không mới nổi này đã tìm ra“cái khôn”.

Một hành khách đáp chuyến bay từ Doha, thủ đô Qatar tới New York phải “trân mình” hết 13 giờ trong không gian chật chội là ghế ngồi có thắt dây an toàn. Đó sẽ là một sự lãng phí lớn với các doanh nhân thường có thói quen làm việc trên laptop hoặc iPad trên những chuyến bay dài. Với khách hàng bình thường ngồi ở hạng ghế phổ thông nhỏ hẹp hơn, phải “nuốt” quãng thời gian đó mà không có những thiết bị giải trí “bất ly thân” thì chẳng khác nào một cực hình.

Theo nhà chức trách Mỹ, lệnh cấm mang các thiết bị điện tử “có kích thước lớn hơn chiếc smartphone” được đưa ra nhằm đảm bảo an ninh hàng không trước những đe dọa khủng bố. Hiện tại, đây chỉ là lệnh cấm tạm thời nhưng chưa được ấn định thời điểm hết hiệu lực. Tuy nhiên, không ít người cho rằng lệnh cấm với các hãng hàng không Trung Đông này sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn cho các hãng hàng không Mỹ, vốn đang ngày càng mất thị phần trước các đối thủ mới nổi và giàu có này.

Để đối phó với lệnh cấm của giới chức an ninh và hàng không Mỹ, ba hãng hàng không lớn của Vùng Vịnh gồm Dubai, Etihad (Abu Dhabi) và Qatar Airways vừa qua này đã triển khai dịch vụ cho mượn laptop và máy tính bảng đối với hành khách hạng nhất và hạng thương gia trên các chuyến bay thẳng tới Mỹ xuất phát từ 3 sân bay quốc tế tương ứng của các hãng này gồm sân bay quốc tế Dubai, Abu Dhabi và Hamad. Như vậy, những hành khách ở khoang hạng sang (thương gia) sẽ tiếp tục được sử dụng các thiết bị điện tử dù những tuyến bay họ phải đi nằm trong diện cấm của Mỹ.

3 hãng hàng không lớn của Vùng Vịnh vừa triển khai dịch vụ cho mượn laptop và máy tính bảng đối với hành khách hạng nhất và hạng thương gia trên các chuyến bay thẳng tới Mỹ.

Qatar Airways khẳng định: việc cho mượn laptop và máy tính bảng nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nhân trong hành trình tới Mỹ. Khách hàng có thể dùng USB để lưu trữ dữ liệu và tiếp tục sử dụng chúng với laptop sau khi thiết bị đi mượn được trả lại cho hãng ở cuối hành trình. Ngoài ra, Qatar Airways còn cho phép khách hàng sử dụng Internet miễn phí trong một giờ.

Etihad Airways cũng thông báo những khách hàng ở khoang hạng nhất và hạng thương gia sẽ được cấp iPad để sử dụng trong suốt chuyến bay. Hãng cũng cung cấp dịch vụ wifi miễn phí, giúp khách hàng thoải mái sử dụng smartphone và các thiết bị điện tử có kết nối mạng trong suốt hành trình.

Nhiều ý kiến cho rằng, những giải pháp mà Qatar và Etihad Airways đưa ra là thông minh và biến nó trở thành lợi thế cạnh tranh của các hãng, nhưng cũng có ý kiến ngược lại; hành khách ngồi khoang hạng sang không nhiều, thế là có kiểu “phân biệt đối xử”, và nếu ai muốn có một chuyến bay dễ chịu, xin hãy trút thêm hầu bao mua vé ngồi khoang hạng sang!

Dù gì đi nữa thì giải pháp trên vẫn chứng tỏ sự linh hoạt của các hãng hàng không vùng Trung Đông trong nỗ lực bảo đảm cung cấp dịch vụ tốt nhất cho hành khách. Đại diện hãng hàng không UAE cho biết: “Những động thái thời gian qua của Chính phủ Mỹ liên quan tới việc cấp visa, tăng cường kiểm tra an ninh và hạn chế mang các thiết bị điện tử trên khoang hành khách của máy bay đã ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu và lợi ích của khách hàng với dịch vụ vận tải hàng không vào Mỹ. Trong hơn 3 tháng qua, chúng tôi đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về số lượng đặt vé trên tất cả các tuyến tới Mỹ, đối với tất cả các phân khúc vận tải”.

Vì số chuyến bay ít hơn buộc nhiều hành khách của Emirates phải chuyển sang các hãng hàng không lớn của châu Âu và các hãng đối tác của Mỹ để di chuyển từ Trung Đông và châu Á tới Mỹ. Phía Emirates chỉ trích, những động này thái làm suy giảm tính cạnh tranh của hãng hàng không lớn nhất Vùng Vịnh, vốn là đối thủ nặng ký với các hãng hàng không của Mỹ. Sở dĩ như vậy vì hãng Emirates có dịch vụ bay tới hơn 150 địa điểm trên toàn nước Mỹ.

Emirate cùng  hãng Etihad và Qatar Airways đã nắm một thị phần đáng kể trên các thị trường vận tải hành khách béo bở từ Mỹ, châu Âu tới Trung Đông, châu Á, châu Phi và Australia nhờ việc phát triển cơ sở của họ bên trong các trung tâm vận tải lớn. Vì sự phát triển này, các hãng hàng không lớn của Mỹ chịu thiệt hại đáng kể.

Nhiều hành khách như ông Michael Weiss, một doanh nhân đến từ Atlanta (Mỹ) thường xuyên đi công tác tới Trung Đông có quan điểm: “Là hành khách thường xuyên di chuyển bằng máy bay, bây giờ tôi đang tìm cách để đặt vé qua các hãng châu Âu. Nhiều người bạn của tôi cũng phải xoay xở với cách tương tự vì đó là điều họ cần làm để được việc”.

Khi hành khách chuyển sang các hãng hàng không châu Âu để tới Trung Đông hoặc Ấn Độ, các hãng hàng không của Mỹ sẽ hưởng lợi nhờ thỏa thuận chia sẻ lợi nhuận với các hãng hàng không đối tác.

Ông Joe DeNardi, nhà phân tích đến từ tập đoàn tài chính Stifel, nhận định: “Bất cứ sự sụt giảm nào trong hiệu suất của của các hãng hàng không mới nổi của vùng Trung Đông đều chỉ có lợi cho các hãng hàng không Mỹ”.

Hiếu Thảo (tổng hợp)
.
.