Các hãng truyền thông giành giật bản quyền đưa tin về Olypic Bắc Kinh 2008

Thứ Hai, 18/08/2008, 10:00
Ngày 8/7 vừa qua, 3 trung tâm báo chí phục vụ cho Olympic Bắc Kinh đã đồng loạt khai trương đưa vào sử dụng. Theo tính toán của Ban tổ chức Thế vận hội, Trung tâm Báo chí (Main Press Center - MPC) sẽ đón tiếp số lượng 5.600 phóng viên báo viết và phóng viên ảnh, Trung tâm Phát thanh Quốc tế (International Broadcast Centre - IBC) sẽ đón tiếp 16.000 phóng viên phát thanh và truyền hình.

Những người làm việc tại 2 trung tâm báo chí chính này là những “phóng viên đã đăng ký”, còn một lượng lớn “phóng viên không đăng ký” thì sẽ tham dự những buổi họp báo bên lề các hoạt động thi đấu trong thời gian diễn ra Olympic Bắc Kinh 2008 tại Trung tâm Thông tin Quốc tế Bắc Kinh (Beijing International Media Center - BIMC).   

Tân Hoa xã tham gia đưa tin về Olympic Bắc Kinh với lực lượng nhân viên đông nhất trong lịch sử của hãng thông tấn này. Tân Hoa xã được chấp nhận danh sách đăng ký 284 phóng viên theo dõi Olympic Bắc Kinh 2008 trong đó bao gồm hơn 60 phóng viên ảnh, 4 phóng viên âm thanh cho các nội dung không mua bản quyền phát sóng.

Tại Trung tâm Báo chí (MPC), Tân Hoa xã còn được sử dụng miễn phí một khu văn phòng với diện tích hơn 600m2  tại tầng 2. Các hãng thông tấn nước ngoài như ABC News (Mỹ), AFP và Reuters cũng được cung cấp miễn phí các địa điểm tác nghiệp tại khu MPC cũng như các trung tâm báo chí tại các sân vận động và khán đài. 

Đoàn phóng viên của AFP tham gia đưa tin Olympic Bắc Kinh 2008 gồm 160 người trong đó bao gồm 70 phóng viên, 70 biên tập viên và phóng viên ảnh, còn lại là nhân viên kỹ thuật. AFP được cung cấp không gian làm việc tại MPC lên đến 600m2.

Những phóng viên của Hãng AFP có khả năng cung cấp thông tin liên quan đến các hoạt động của Olympic Bắc Kinh 2008 cho khách hàng của hãng trên khắp thế giới với 6 thứ tiếng: Anh, Pháp Tây Ban Nha, Đức, Arập và Bồ Đào Nha.Ngoài những hãng thông tấn lớn kể trên, những đơn vị muốn sử dụng diện tích và trang thiết bị tại MPC của Olympic Bắc Kinh 2008 đều phải trả tiền.

Tờ Thanh niên Bắc Kinh đã phải chi 50.000 nhân dân tệ (khoảng 120 triệu VNĐ)  để có được một phòng làm việc nho nhỏ tại tầng 2 của tòa nhà MPC. Các cơ quan báo chí Trung Quốc khác như Nhân dân nhật báo, Tuần báo Thể thao, Tập đoàn báo chí Nam Phương... cũng đều phải thuê địa điểm tại trung tâm này.

Tuy nhiên, những địa điểm tốt và có giá thuê cao đều đã được các tờ báo lớn và hãng thông tấn nước ngoài thuê hết từ trước.

Tổng cộng 16 hãng và công ty truyền hình có được bản quyền truyền hình các hoạt động Olympic Bắc Kinh 2008 trong đó quy mô lớn nhất là Công ty Phát thanh Quốc gia Mỹ (NBC). Công ty này đã truyền hình liên tục 11 kỳ Olympic và để có được bản quyền truyền hình Olympic Bắc Kinh 2008, NBC đã trả cho Ủy ban Oympic quốc tế hơn 800 triệu USD.   

Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) sẽ sử dụng 7 kênh truyền hình để phục vụ Olympic Bắc Kinh 2008 trong đó có 2 kênh truyền hình thu phí. CCTV cũng mua bản quyền về một số hoạt động truyền thông của Olympic Bắc Kinh 2008.

Ngoài ra, CCTV còn thành lập một kênh quốc tế và tiến hành khai thác thông tin trên hai lĩnh vực Internet và điện thoại di động để phục vụ khách hàng theo dõi Thế vận hội. CCTV đã được đăng ký 604 phóng viên theo dõi Oympic Bắc Kinh trong đó bao gồm 50 phóng viên báo chí - truyền thông. Trong thời gian diễn ra Olympic Bắc Kinh, CCTV sẽ huy động đội ngũ hơn 2.000 nhân viên phủ kín khắp 35 địa điểm thi đấu.

Liên minh truyền hình châu Âu (European Broadcasting Union - EBU) đã đầu tư 400 triệu USD cho Olympic Bắc Kinh. Liên quan đến những sự kiện và hoạt động diễn ra tại Olympic Bắc Kinh, đội ngũ nhân viên của EBU sẽ sản xuất chương trình cung cấp cho 120 kênh truyền hình khắp châu Âu. Đây cũng là hoạt động quy mô nhất trong lịch sử của tổ chức này.  

Olympic Bắc Kinh 2008 cũng là một cơ hội tốt cho phát triển truyền thông mạng Internet. Giám đốc điều hành của mạng Soho.com, Trương Triều Dương đã phát biểu tại lễ khai trương website chính thức của Olympic Bắc Kinh 2008 rằng, đối thủ cạnh tranh của Soho.com đang tìm cách gây bất lợi cho doanh nghiệp này.

Theo thông tin từ Soho.com thì để trở thành đối tác Internet chính của Olympic Bắc Kinh 2008, mạng Soho.com đã chi ra hơn 100 triệu nhân dân tệ (khoảng 240 tỉ VNĐ). Đối thủ của Soho.com là mạng Sina.com đã chậm chân hơn và bỏ lỡ cơ hội này. Và chỉ đến tháng 3/2008, mạng Soho.com đã thu hồi được số vốn đầu tư ban đầu.

Tuần báo Thể thao là tờ báo chuyên về tất cả các loại hình thể thao có lượng phát hành lớn nhất ở Trung Quốc. Năm 2008 cũng là năm hoạt động thứ 24 của tờ báo này. Chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh, kể từ ngày 23/7, Tuần báo Thể thao đã chuyển từ 3kỳ/ tuần thành báo ngày với tổng số trang trong mỗi số báo là 64 trang.  

Để phục vụ cho các nhà báo đến từ khắp nơi trên thế giới, Trung tâm Báo chí (MPC) của Olympic Bắc Kinh đã mở một phòng báo chí ngay tại cửa vào của trung tâm. Tại đây sẽ tập trung phục vụ hơn 90 đầu báo và tạp chí của Trung Quốc và nước ngoài như Liên hợp buổi sáng, Nhật báo phố Wall, Bưu điện Washington, Time...

Chính quyền Trung Quốc cũng đã bật đèn xanh cho các hãng truyền hình đã mua bản quyền truyền hình trực tiếp Olympic Bắc Kinh 2008 được hoạt động tự do hơn trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Một số hoạt động truyền thông khác cũng có thể được phép tiến hành ví dụ như việc đưa tin, phỏng vấn tại Quảng trường Thiên An Môn

T.V (theo Youth Reference)
.
.