Cách ly, giám sát người đến từ vùng dịch Ebola

Thứ Năm, 04/09/2014, 04:15

Đối với những hành khách đến Việt Nam từ vùng dịch phải khai báo tính trạng sức khỏe. Tại các sân bay thì đã lắp đặt các hệ thống đo thân nhiệt để phát hiện những hành khách sốt. Bởi vì bệnh do virus Ebola, khi đã phát bệnh thì bệnh nhân sẽ sốt cao liên tục với diễn tiến ngày càng nặng. Bệnh nhân sốt do virus Ebola nếu uống thuốc hạ sốt thì tối đa chỉ có tác dụng hạ sốt trong 1 giờ, thậm chí uống thuốc hạ sốt cũng không có tác dụng...

Cách ly và giám sát để không gây hoang mang

Chiều ngày 19/8 vừa qua, trên chuyến bay mang số hiệu QR964 của Hãng Hàng không Qatar Airways đi từ Qatar, quá cảnh Dubai đến Việt Nam, khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thì bộ phận kiểm tra y tế qua máy đo thân nhiệt, phát hiện 2 hành khách quốc tịch Nigeria xuất phát từ sân bay Abuja, Nigeria, ngồi tại ghế số 25B và 26D có biểu hiện thân nhiệt tăng cao bất thường (sốt khoảng 380C). Vì Nigeria đang nằm trong vùng có dịch Ebola nên để thực hiện các biện pháp phòng chống, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Pasteur TP HCM và ngành y tế TP HCM tiến hành các thủ tục xử lý, cách ly 2 hành khách nêu trên theo quy định.

Tại khu cách ly thuộc Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới TP HCM, họ được lấy mẫu máu và mẫu này sẽ được Cục Y tế dự phòng, Viện Pasteur TP HCM phối hợp với Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam làm xét nghiệm. Theo tiến sĩ, bác sĩ Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM,  2 người Nigeria được theo dõi và chăm sóc tại khu cách ly D của BV. Sau khi cho dùng thuốc hạ sốt, họ đã ổn định thân nhiệt.

Theo nhận định của BV Bệnh Nhiệt đới, khả năng 2 người này chỉ là sốt siêu vi nhưng về mặt nguyên tắc, BV vẫn phải theo dõi và chờ kết quả xét nghiệm theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị những hành khách đi cùng chuyến bay QR964, hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất ngày 19/8/2014, ngồi các hàng ghế số 24, 25, 26, 27, chủ động đến các cơ sở y tế nơi gần nhất hoặc liên hệ với số điện thoại: 0989671115 để được hướng dẫn về các biện pháp phòng bệnh và theo dõi sức khỏe.

Sau 24 giờ kể từ khi được đưa vào khu cách ly, 2 người Nigeria nêu trên hết sốt và  không có biểu hiện gì bất thường cũng như không xuất hiện các triệu chứng liên quan đến bệnh Ebola. Vì thế, Bộ Y tế đã trao đổi với các chuyên gia của WHO, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam, thống nhất dừng việc cách ly 2 hành khách này tại BV để chuyển sang các biện pháp theo dõi giám sát tại cộng đồng trong vòng 21 ngày ở nơi lưu trú kể từ khi 2 người này xuất phát từ vùng có dịch đến Việt Nam.

Chiều ngày 20/8, đoàn công tác thuộc Viện Pasteur TP HCM, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM đã tiến hành kiểm tra đột xuất việc thực hiện công tác theo dõi, giám sát sức khỏe những hành khách đến TP HCM từ những nước có dịch Ebola và những người ngồi gần 2 hành khách người Nigeria trong chuyến bay QR964. Tại phường Hiệp Phú, quận 9, đoàn kiểm tra ghi nhận có 2 hành khách - một người Việt Nam, một người nước ngoài - ngồi gần 2 người Nigeria nói trên. Hiện cả 2 hành khách này sức khỏe bình thường, không có biểu hiện sốt.

Tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức, đoàn kiểm tra ghi nhận 1 người Việt Nam là anh M., 25 tuổi, kỹ sư cầu đường, làm việc cho một công ty nước ngoài tại Liberia và vừa trở về từ Liberia - nơi đang có dịch Ebola nhưng qua kiểm tra, sức khỏe của anh M. vẫn bình thường, không sốt.

Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM nhấn mạnh: "Cách ly mà làm không khéo sẽ gây hoang mang nhất định. Biện pháp đầu tiên khi phát hiện có trường hợp nghi ngờ thì phải gọi điện thoại thông báo cho cấp trên, tuyệt đối không xông ngay vào. Nếu vào thì phải có trang bị bảo hộ đầy đủ. Công tác phòng lây nhiễm cho cán bộ y tế phải đặc biệt chú trọng. Vừa làm vừa xin ý kiến chứ không nên tự làm".

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế trực tiếp đi kiểm tra các sinh viên đến từ vùng dịch của Đại học FPT.

Chiều ngày 20/8, BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM lại tiếp nhận một thanh niên tên H, 29 tuổi, tự đến xin cách ly vì nghi mình bị nhiễm Ebola. Theo anh H., anh là lao động xuất khẩu tại Liberia, khi nghe tin dịch bệnh này hoành hành, anh cùng 20 người Việt trong nhóm xin nghỉ việc rồi làm thủ tục về nước. Khi quá cảnh Thái Lan, anh thấy mình bị sốt nên đã tự uống thuốc hạ sốt, thuốc kháng sinh nên vì vậy, máy đo thân nhiệt tại sân bay Tân Sơn Nhất không phát hiện được.

Vẫn theo anh H., khi xuống sân bay, anh đã chủ động khai báo với bộ phận an ninh, kiểm dịch và được đưa vào phòng cách ly. Tuy nhiên, qua theo dõi, kiểm tra, cơ quan chức năng không thấy anh có biểu hiện sốt, cũng như các triệu chứng của bệnh Ebola nên đã cho anh về nhưng vì  sợ rằng nếu mình nhiễm virus, sẽ lây lan cho người thân và cộng đồng nên thay vì về nhà, anh H. thuê phòng ở trọ rồi vào BV Bệnh Nhiệt đới. Hiện tại, thể trạng của anh H. vẫn bình thường.

Trò chuyện với 3 sinh viên đến từ vùng dịch

Ba sinh viên người Nigeria (1 trong 4 nước đang có dịch Ebola) tới Việt Nam để học tập tại Trường đại học FPT đang ở vào độ tuổi mới đôi mươi. Jemimah, Joshep, và Ahmed đều đang theo học chuyên ngành Công nghệ thông tin thuộc Khoa Quốc tế, Trường đại học FPT. Trong đó có 2 sinh viên nhập cảnh ngày 8/8/2014 và một sinh viên nhập cảnh ngày 31/7/2014.

Trong buổi làm việc ngày 14/8 tại Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh (EOC), sau khi nghe báo cáo của Cơ quan kiểm dịch y tế quốc tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cùng các các chuyên gia của WHO, USCDC và Sở Y tế TP Hà Nội đã đi kiểm tra trực tiếp 3 sinh viên trên.

Hiện tại sức khỏe của họ bình thường và được các nhân viên y tế của Trường FPT và Sở Y tế Hà Nội kiểm tra hàng ngày kể từ ngày nhập cảnh, được tư vấn về bệnh Ebola và cách dự phòng, được khuyến cáo nghỉ ngơi tại nhà (Làng Sinh viên Hacinco), tránh tiếp xúc với người xung quanh, tự theo dõi sức khỏe bản thân và phải thông báo ngay cho cán bộ y tế khi có các biểu hiện như sốt, đau đầu, nôn, tiêu chảy, xuất huyết.

Ngoài ra Sở Y tế Hà Nội và y tế trường cũng đã cử cán bộ y tế theo dõi sức khỏe hàng ngày, phát nhiệt kế để tự theo dõi nhiệt độ cơ thể đến khi hết 21 ngày kể từ khi xuất cảnh.

Khu cách ly của BV Bệnh Nhiệt đới sẵn sàng đón tiếp bệnh nhân nghi nhiễm virus Ebola.

Khi được hỏi về dịch bệnh Ebola tại quê hương mình, Jemimah chia sẻ: "Như những thông tin tôi biết qua báo chí, thì Chính phủ Nigeria cũng như thế giới đang cách ly những người nhiễm bệnh (chưa đến 20 người), khoanh vùng dịch; đồng thời làm các chiến dịch truyền thông để tăng cường nhận thức cho người dân trên thế giới về virus Ebola. Tôi vẫn thường xuyên gọi về nhà, nhờ thế tôi được biết ở nhà mình mọi người đang làm mọi biện pháp để phòng tránh dịch bệnh lây lan cũng như giảm thiểu số người mắc bệnh bằng các biện pháp khoanh vùng.

Bản thân tôi cũng ý thức được rằng, đây là một dịch bệnh rất nguy hiểm nên thấy rất đỗi bình thường vì để bảo vệ cộng đồng nên hiện nay các cấp chính quyền tại Việt Nam đang cố gắng hết sức để ngăn chặn Ebola. Hiện sức khỏe của tôi hoàn toàn bình thường và không có dấu hiệu nhiễm bệnh (người bị nhiễm Ebola sẽ có dấu hiệu nhiễm bệnh trong vòng 21 ngày mà tôi mới qua hơn hai tuần) nhưng dù sức khỏe tốt, tôi vẫn tuân thủ các yêu cầu kiểm tra sức khoẻ của cơ quan y tế Việt Nam. Tôi muốn mình không phải là một yếu tố gây ảnh hưởng gì cho cộng đồng các bạn".

Với Ahmed, một người có nhiều quan tâm tới dịch Ebola tại đất nước Nigieria thì khẳng định: "Bệnh dịch này mới chỉ ảnh hưởng tới số lượng nhỏ người dân Nigeria - chưa tới 1% dân số Nigeria nằm trong vùng nguy hiểm. Gia đình và bạn bè tôi vẫn đang sống và sinh hoạt tốt ở Nigeria, và cũng không lo lắng nhiều như những người ở ngoài Nigeria. Dù tôi hoàn toàn không nhiễm Ebola, nhưng tôi cho rằng, các cảnh báo ngăn ngừa Ebola cần được thực hiện sớm như ngay khi tôi đặt chân đến Việt Nam là điều cần thiết để bảo vệ sự sống cho cộng đồng".

Còn Joshep thì khá lạc quan, Joshep cho biết, anh chỉ được nghe thông tin về dịch Ebola 1 lần trước khi sang Việt Nam. Joshep cũng gọi điện thoại về nhà, nhưng chỉ trao đổi cùng người thân về chuyện học hành và cuộc sống tại Việt Nam chứ không nói gì về dịch Ebola, bởi gia đình biết rằng sức khỏe của Joshep và các bạn cùng sang đều bình thường. Bản thân Joshep cũng hoàn toàn ý thức được việc phải áp dụng các biện pháp y tế để đảm bảo sức khoẻ cho bản thân cũng như cho cộng đồng.

Thạc sĩ Hoàng Thị Thu Hương, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Trường Đại học FPT cho biết: Hiện nay có 96 sinh viên quốc tế (trong đó có 55 sinh viên Nigeria, còn lại là các sinh viên khác đến từ Hàn Quốc, Nhật, Thái, Lào...) học các ngành Kỹ thuật phần mềm và Quản trị kinh doanh. Việc 3 sinh viên đến từ vùng có dịch Ebola sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, ngay lập tức đã được kiểm tra sức khoẻ, đồng thời được giám sát chặt chẽ của Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng và Sở Y tế Hà Nội. Dù hiện nay, tình trạng sức khỏe của các bạn sinh viên này vẫn hoàn toàn bình thường nhưng nhà trường đã ngay lập tức điều chỉnh lại chương trình học để các sinh viên quốc tế tới từ các quốc gia nằm trong vùng dịch tạm thời chưa sang Việt Nam.

Thời điểm hiện tại, sinh viên của Trường đại học FPT đều trong giai đoạn nghỉ học kỳ, nên đa số các sinh viên đều không có mặt tại trường, không có sự tiếp xúc đáng kể hay lo ngại về việc nhiễm bệnh. Ngoài ra, các sinh viên cũng biết phân biệt rõ: Chỉ những người đi từ vùng dịch về và có dấu hiệu mắc bệnh mới đáng lo ngại. Mặt khác, nhà trường đã thường xuyên thăm hỏi động viên, khích lệ tinh thần của các em để các em không có cảm giác bị bỏ rơi hay kỳ thị. Một mặt cũng đã nêu cao tinh thần tương thân tương ái để các em học sinh hiểu rằng, dù đại dịch Ebola rất nguy hiểm song với những người đến từ vùng dịch không nhiễm bệnh thì vẫn là những người khỏe mạnh và cần có sự hỏi thăm, quan tâm để các bạn ấy không cảm thấy mình lạc lõng…

Ths.BS Nguyễn Đình Anh (Phó Vụ trưởng vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng - Bộ Y tế) cho biết, để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh do virus Ebola xâm nhập vào Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chủ trì một cuộc họp khẩn cấp về đại dịch này và Bộ Y tế đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng dịch, có văn bản gửi các bộ ngành liên quan như: Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải…

Đối với những hành khách đến Việt Nam từ vùng dịch phải khai báo tính trạng sức khỏe. Tại các sân bay thì đã lắp đặt các hệ thống đo thân nhiệt để phát hiện những hành khách sốt. Bởi vì bệnh do virus Ebola, khi đã phát bệnh thì bệnh nhân sẽ sốt cao liên tục với diễn tiến ngày càng nặng. Bệnh nhân sốt do virus Ebola nếu uống thuốc hạ sốt thì tối đa chỉ có tác dụng hạ sốt trong 1 giờ, thậm chí uống thuốc hạ sốt cũng không có tác dụng.

Cùng với kiểm tra thân nhiệt, để phòng dịch Ebola, tại cửa khẩu cần thực hiện nghiêm quy trình điều tra dịch tễ, kịp thời phát hiện hành khách có yếu tố nguy cơ để cách ly và nhanh chóng thực hiện các bước ứng phó. Đối với những người từ vùng dịch về không sốt thì vẫn phải kiểm soát bằng cách lưu lại các thông tin liên lạc như điện thoại, địa chỉ để các cơ sở y tế giám sát, theo dõi trong 21 ngày nếu không có biểu hiện nhiễm bệnh thì mới đảm bảo an toàn.

WHO đã khuyến cáo các biện pháp có thể được thực hiện để phòng chống lây nhiễm và hạn chế hay cắt đường lây truyền bệnh do virus Ebola lây truyền từ người sang người. Ngoài ra, cần tránh tiếp xúc với các động vật có nguy cơ cao nhiễm virus Ebola (ví dụ: dơi ăn quả, khỉ, hay vượn) tại khu vực có rừng nhiệt đới. Không giết mổ động vật nghi ngờ bị nhiễm bệnh. Thịt và tiết canh của động vật nên được nấu chín kỹ trước khi ăn.

Trong một diễn biến khác, Cơ quan Quản lý Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp Việt Nam (CITES) đề nghị Chi cục Kiểm lâm thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương cử cán bộ tăng cường giám sát hoạt động nhập khẩu và nuôi động vật hoang dã tại địa phương; kiên quyết xử lý theo quy định đối với việc nhập lậu động vật hoang dã nhằm đề phòng virus Ebola và các bệnh truyền nhiễm khác có thể vào Việt Nam theo con đường này.

Bên cạnh đó, ngành thú y, kiểm dịch cần tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ, gây nuôi, chế biến, kinh doanh động vật hoang dã trái phép, đồng thời có các biện pháp an toàn cho người khi tiếp xúc với động vật hoang dã và sản phẩm của chúng trong quá trình thực thi pháp luật. Với các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã - đặc biệt là các cơ sở có nuôi động vật nhập khẩu từ khu vực châu Phi - CITES yêu cầu phải thường xuyên thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại, giám sát dịch bệnh, tiêu hủy ngay những động vật hoang dã chết không rõ nguyên nhân

Vũ Cao - Thiên Kim
.
.