Cách phòng chống bệnh sởi

Thứ Năm, 01/05/2014, 16:28

Trẻ nhiễm virus sởi có thể lây bệnh cho người khác 4 ngày trước khi các vết ban đỏ xuất hiện. Khi trẻ ho, hắt hơi hay nói chuyện, những giọt nước nhỏ xíu có chứa virus sẽ bắn ra xung quanh khiến người khác hít phải, hoặc những giọt này rơi xuống bàn, ghế, điện thoại, sách vở, đồ chơi… Khi người khác sờ vào những vật dụng ấy rồi vô tình đưa tay lên mũi hay miệng, sẽ bị lây bệnh...

Bệnh sởi và các biến chứng

Sởi là bệnh gây ra bởi virus ARN, thuộc chi Morbilivirus, họ Paramyxoviridae. Nó có thể phát triển thành dịch và thường xảy ra từ 2 đến 4 năm một lần ở những thành phố lớn. Lứa tuổi dễ mắc bệnh nhất là khoảng 5 đến 10 tuổi nhưng ngay cả người lớn cũng có thể bị. Khi trẻ bị sởi, virus ARN được tìm thấy trong dịch tiết ở mũi, họng, máu, nước tiểu và khi ra khỏi cơ thể, virus có thể sống đến 34 tiếng ở nhiệt độ trong nhà.

Sởi là bệnh cực kỳ dễ lây lan. Nếu trong gia đình có một người bị bệnh thì 90% những người chưa miễn dịch - nghĩa là chưa tiêm phòng sẽ bị nhiễm. Nó lây qua những hạt nước nhỏ bắn ra khi ho, nói chuyện hoặc tiếp xúc. Điều nguy hiểm là giai đoạn lây lan xuất hiện vào lúc bệnh chưa được xác định nên chẳng ai biết mà phòng ngừa.

Những mảng ban đỏ trên da, điển hình của bệnh sởi.

Khoảng 10 đến 12 ngày sau khi nhiễm virus sởi, bệnh nhân thường bắt đầu với một cơn sốt khá nhẹ rồi tăng dần lên kèm theo những triệu chứng như ho, mắt đỏ, chảy nước mũi và đau họng. Hai hoặc ba ngày tiếp theo, bên trong miệng xuất hiện những nốt nhỏ xíu màu xanh trắng gọi là đốm Koplik. Đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh sởi.

Cùng lúc đó, những vết ban đỏ cũng nổi lên, đầu tiên ở vùng chân tóc phía sau tai rồi đến mặt, xuống ngực, bụng, đùi, chân. Khi ban đỏ lan đến chân thì sốt cũng đột ngột giảm đi và nhạt dần nếu không có biến chứng. Sau đó, nó lặn mất đúng theo trình tự đã xuất hiện, nghĩa là cũng từ trên xuống dưới.

Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhi, một trong những nguy hiểm nhất của bệnh sởi là thể sởi ác tính. Hầu hết các ca tử vong ở Việt Nam đều rơi vào thể này. Các dấu hiệu ác tính thường xuất hiện rất nhanh chóng, chỉ trong vài giờ trên những trẻ có cơ địa quá mẫn, vào cuối giai đoạn khởi phát, trước lúc mọc ban đỏ với những dấu hiệu như sốt cao vọt lên 39 - 41oC, trẻ vật vã, mê sảng, co giật, mạch nhanh, thở nhanh, huyết áp tụt, tím tái, nôn, đi tiêu lỏng, đái ít, xuất huyết dưới da hay phủ tạng... Tùy theo triệu chứng nào nổi bật, trẻ sẽ bị sởi ác tính thể xuất huyết, sởi ác tính thể phế quản, sởi ác tính thể nhiễm độc nặng, sởi ác tính thể tiêu chảy và sởi ác tính thể bụng cấp, giống như viêm ruột thừa…

Các biến chứng thường gặp của sởi là viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, tiêu chảy, viêm não. Chính các biến chứng này làm kéo dài thời gian bệnh, gây tử vong hoặc ảnh hưởng đến thể trạng của trẻ vì suy dinh dưỡng là tiền đề phát sinh các bệnh nhiễm trùng. Đây là cái vòng bệnh lý luẩn quẩn thường gặp ở trẻ mắc bệnh sởi.

Bác sĩ Huy, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM cho biết: "Ngoài viêm phổi, viêm tai giữa là vấn đề luôn phải nghĩ đến ở trẻ bị sởi. Nếu không phát hiện kịp thời, nó có thể gây thủng màng nhĩ, ảnh hưởng đến thính lực. Đôi khi viêm tai giữa mãn tính không được điều trị đúng có thể đưa đến viêm tai giữa mạn tính rồi tiếp theo là viêm tai xương chũm và áp xe não".

Tiêu chảy cũng là biến chứng thường gặp sau sởi, đặc biệt ở những trẻ suy dinh dưỡng và thiếu vitamin A. Trẻ dễ bị mắc lị trực trùng và tiêu chảy kéo dài. Nếu cơ địa suy kiệt, có thể nhiễm trùng huyết.

Vẫn theo bác sĩ Huy: "Một trong những biến chứng khác của sởi là viêm loét giác mạc, thường xảy ra với trẻ suy dinh dưỡng và thiếu vitamin A. Bệnh có thể diễn biến từ loét gây mờ giác mạc, hỏng toàn bộ giác mạc đến làm mủ trong nhãn cầu. Hậu quả là giảm thị lực hoặc mù vĩnh viễn".

Riêng biến chứng viêm não, cứ 1.000 trường hợp mắc sởi thì có 1 hay 2 trẻ viêm não, còn những trường hợp khác như viêm cơ tim, hội chứng Guillain-Barrée, liệt nửa người, huyết khối tĩnh mạch não... thường ít gặp.

Các biện pháp phòng ngừa

Như đã nói ở trên, trẻ nhiễm virus sởi có thể lây bệnh cho người khác 4 ngày trước khi các vết ban đỏ xuất hiện. Khi trẻ ho, hắt hơi hay nói chuyện, những giọt nước nhỏ xíu có chứa virus sẽ bắn ra xung quanh khiến người khác hít phải, hoặc những giọt này rơi xuống bàn, ghế, điện thoại, sách vở, đồ chơi… Khi người khác sờ vào những vật dụng ấy rồi vô tình đưa tay lên mũi hay miệng, sẽ bị lây bệnh.

Để phòng tránh, nên đeo khẩu trang - sau đó rửa tay bằng xà phòng - khi tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ đã bị bệnh. Tẩy trùng sàn nhà, đồ chơi, vật dụng của người bệnh bằng dung dịch cloramin B. Trường hợp trẻ đi nhà trẻ và nếu nhà trẻ có người nhiễm bệnh, nên cho trẻ nghỉ ở nhà

Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhi, nhiều bậc cha mẹ thường nhầm lẫn giữa bệnh sởi và bệnh sốt phát ban, do đó vô tình bỏ qua những triệu chứng, dẫn đến hậu quả nặng nề cho trẻ. Nguyên nhân gây sốt phát ban phần lớn do virus thông thường, trong đó nhóm virus đường hô hấp chiếm đa số và hầu hết là virus lành tính.

Việc phát hiện và phân biệt giữa sốt phát ban và bệnh sởi sẽ giúp ích rất nhiều cho các bậc cha mẹ trong việc theo dõi và chăm sóc nếu trẻ mắc bệnh sởi. Đây cũng là một trong những yếu tố tích cực làm giảm đáng kể những biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi, nhất là biến chứng viêm phổi nặng có thể gây tử vong nhanh chóng.

Sốt phát ban và sởi đều giống nhau ở thời điểm ủ bệnh, nghĩa là đều có biểu hiện sốt nhẹ hoặc sốt cao 38 - 390C, trẻ xuất hiện cảm giác mệt mỏi, lừ đừ, đau đầu, nhức mỏi các cơ bắp, biếng ăn, biếng bú, một số trẻ có thể bị nôn ói hoặc tiêu chảy. Tuy nhiên sau đó, ở giai đoạn phát ban, nếu là phát ban thông thường thì chỉ là những ban đỏ mịn và sáng, ít nổi gồ lên mặt da. Ban nổi đồng loạt khắp cơ thể và khi biến mất thường không để lại sẹo hoặc vết thâm.

Sốt phát ban do siêu vi hầu hết là bệnh lành tính. Trẻ bị sốt phát ban nếu được chăm sóc đúng cách, hợp lý về chế độ dinh dưỡng và giữ gìn vệ sinh thân thể thì bệnh sẽ tự khỏi sau 5 - 7 ngày mà không gây ra bất kỳ biến chứng nguy hiểm nào.

Còn nếu là phát ban do sởi lại có những đặc điểm: Lúc đầu ban xuất hiện ở sau tai, sau đó lan ra mặt, dần xuống ngực, bụng và ra toàn thân. Đặc điểm ban sởi là ban dạng sẩn, nổi gồ lên mặt da, khi lặn mất sẽ để lại những vết thâm trên da. Điều cần chú ý là trẻ bị nhiễm sởi thường có một trong 3 triệu chứng đi kèm là: chảy nước mũi, ho và mắt đỏ. Nếu phát hiện trẻ sốt và có một trong những dấu hiệu này, cần đưa trẻ vào bệnh viện ngay

V.C.
.
.