Cái bang - một “nghề” dễ phất ở Romania

Thứ Ba, 15/12/2009, 16:10
Đã hai thập niên trôi qua sau sự kiện “Cách mạng Nhung” bao trùm khắp Đông Âu, hố ngăn cách giữa người giàu - kẻ nghèo ngày càng thêm trầm trọng. Một nghề tưởng chừng vĩnh viễn bị chôn vùi trong quá khứ, bỗng trỗi dậy và trở thành “kế mưu sinh” của một bộ phận dân cư Romania. Đó là “nghề”... lang thang ăn xin trên đường phố.

Dọc theo những con phố trung tâm Bucharest hào nhoáng, dưới ánh đèn quảng cáo muôn màu chớp nháy, là từng toán hành khất lê la. Bên dưới các ga tàu điện ngầm, suốt ngày đêm nhan nhản những người ăn vận rách rưới, cố níu khách bộ hành cùng lời van nài: "Tôi sắp chết đói đây. Hãy rủ lòng thương bằng cách bố thí 10 lei đi"... Còn quanh các tụ điểm du lịch hạng sang, bất cứ lúc nào cũng có thể nghe được giọng Anh bồi của đám trẻ hành khất: "Này, thưa quý ngài, tiền, tiền...".

Theo một cuộc thăm dò do Đài Truyền hình Romania thực hiện mới đây, rất nhiều kẻ hành nghề “cái bang” khẳng định rằng, họ có "mức thu nhập" hàng tháng cao hơn hẳn số tiền lương trung bình của một nhân viên nhà nước, thậm chí gấp 2-3 lần so với một công nhân kỹ thuật bậc cao (!).

Lang thang ăn xin không hẳn là một trong những "hệ lụy" của nền kinh tế thị trường như người ta vẫn tưởng, khiến kẻ bị thất nghiệp trở thành vô gia cư và lấy hè phố làm chốn sinh nhai; ngược lại, đa phần đạo quân cái bang ở Cộng hòa Romania đều hành nghề một cách tự nguyện, bởi đó là hình thức "kiếm tiền dễ nhất mà chẳng mấy nhọc nhằn", cũng như không cần bằng cấp mà vẫn "hưởng" mức thu nhập ngang cỡ... chuyên viên lâu năm.

Ký giả Adrian Neagu, đặc trách mảng các vấn đề xã hội của tờ nhật báo Tinerama phổ biến trong giới trẻ Bucharest, khẳng định: Một kẻ "cái bang" có thể kiếm được từ 3.000-6.000 lei/ngày (3,70-7,50 USD), trong khi thu nhập bình quân của người làm công ăn lương là 60.000 lei/tháng (75 USD).

Có vô vàn kiểu "tận dụng lòng hảo tâm" khác nhau. Như cô Simona 20 tuổi đang hành nghề trước cửa ga xe lửa trung tâm thành phố Snagov, cách Bucharest 20km về phía bắc. Cô thường khoác những bộ cánh rất bắt mắt, dễ làm động lòng các đấng mày râu bảnh bao băng ngang với lời thỉnh cầu: "Ngài có thể cho em mượn tạm 20 lei được không?".

Chẳng ai nỡ lòng nào từ chối khoản tiền "mọn" ấy. Mức "thu nhập" qua công việc ăn xin thường nhật của cô hiện nay chừng 10.000-12.000 lei. Nhưng cô chỉ "đứng cửa ga" vào ban ngày, buổi tối Simona làm gia sư môn đồ họa vi tính cho một gia đình trung lưu. "Cứ hai lần trong một tuần, tôi lại nghỉ làm và cùng bạn trai lên thủ đô đi... nhậu - Simona hồ hởi kể - Người tình của tôi đồng thời cũng là vị "sư tổ" trong nghề hành khất!".

Sau khi chính quyền trung ương chính thức xóa bỏ việc trợ giá lương thực thực phẩm và điện năng, mức lạm phát ở Romania đã "vọt" lên tới 230%. Còn "đà" thất nghiệp trong độ tuổi lao động hiện đang ở con số 9,4%, nghĩa là hơn 1 triệu người trong tổng số 23 triệu dân chính thức không có việc làm.

Còn con số người lang thang cơ nhỡ thì không thể thống kê xuể. "Theo tôi ước tính thì "đạo quân cái bang" tại Bucharest chí ít cũng vào khoảng 3 nghìn người trên tổng số hơn 1 triệu dân - A.Neagu quả quyết - Ở các đô thị đông dân khác tình hình cũng chẳng khả quan hơn!".

"Dưới thời Ceausescu, ngoài đường phố hầu như không có nạn ăn xin - Sergei Iliescu, viên chức cao cấp thuộc Sở Cảnh sát Bucharest thổ lộ - Nếu họ xuất hiện, tức thì chúng tôi sẽ thu gom ngay về các nhà mở do chính quyền thành phố trang trải chi phí. Nhưng khoản trợ cấp ít ỏi về phúc lợi xã hội ấy đã bị cắt bỏ lâu rồi.

Mặt khác, điều tôi muốn nói ở đây, rằng những người khốn khó đầy tự trọng không ai lại "chường mặt" ra đường cầu khẩn kẻ khác rủ lòng thương cả". Một người có lòng tự trọng như vậy là chị Bita Dumitra 41 tuổi, nữ nhân viên công ty vệ sinh thủ đô.

Chị nói: "Tuy mức lương công nhân vệ sinh khiêm nhường của tôi chỉ là 24.000 lei mỗi tháng, tương đương với 30 USD, nhưng không bao giờ tôi để cho 5 đứa con của mình trở thành đám trẻ ăn xin vô gia cư ngoài đường"

T.Q.Long (theo Tinerama)
.
.