Cải tạo chung cư cũ: Chưa tìm được sự đồng thuận

Thứ Hai, 07/07/2014, 23:45

Trong một bản báo cáo mới đây của Sở Xây dựng Hà Nội, báo cáo này cho biết, trước mùa mưa bão 2014 đã chủ động tổ chức kiểm định đánh giá chất lượng hiện trạng một số chung cư xuống cấp, cụ thể là 85 chung cư cũ thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố.

Mục đích của việc làm này, theo văn bản, là để có phương án phòng chống nguy cơ đổ, sập nhà gây nguy hiểm đến tính mạng người dân và có phương án phòng chống trước mùa mưa bão năm 2014. Mục đích như vậy thì quá hoan nghênh rồi. Thế nhưng tại sao các hộ dân, những người đang được lo lắng cho sự an nguy của mình, lại không đồng thuận với cách làm ấy?

Một nửa của sự thật…

Trong Báo cáo Kết quả công tác 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2014 của Sở Xây dựng Hà Nội, Sở này đã giao Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội thực hiện kiểm định 85 chung cư cũ thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố.

Việc tổ chức kiểm định để đánh giá chất lượng hiện trạng công trình còn được thực hiện với sự phối hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường; Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội và các doanh nghiệp tham gia kiểm định để phục vụ lập dự án đầu tư xây dựng.

Theo đó, có 3 công trình được xếp vào dạng công trình nguy hiểm cấp D, bao gồm đơn nguyên 3 chung cư C8 Giảng Võ, quận Ba Đình. Là loại nhà lắp ghép tấm lớn, 5 tầng, do UBND phường Giảng Võ, UBND quận Ba Đình, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội báo cáo nhà nguy hiểm. Thứ hai là nhà tập thể P16A phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ. Là loại nhà 2 tầng, do chủ đầu tư công trình Cao ốc Quốc tế Hồ Tây - là chủ dự án đầu tư xây dựng công trình tại số 18 phố Thụy Khuê - tổ chức kiểm định vì trong quá trình thi công gây ảnh hưởng lún, nứt, nghiêng công trình nhà ở 2 tầng P16A Thụy Khuê.

Và trường hợp thứ 3 là đơn nguyên 1 và 3 Tập thể Bộ Tư pháp ở phố Kim Mã Thượng. Thuộc diện nhà xây tay, 5 tầng, kiểm định theo yêu cầu của Sở Xây dựng trong đợt kiểm định 85 chung cư cũ tại Hà Nội năm 2013.

Cùng với đó là các phương án giải quyết và kết quả. Theo đó, UBND TP Hà Nội đã có quyết định di dời dân hiện đang sinh sống tại đơn nguyên 3 chung cư C8 Giảng Võ và đã bố trí nhà tạm cư. Tuy nhiên, báo cáo có nêu sau khi tổ chức chống đỡ tạm để tránh sụp đổ kết cấu cầu thang, thì các hộ dân ở đây đã không đồng ý di chuyển với lý do đã yên tâm với cầu thang nhà đã được chống đỡ?

Đối với nhà tập thể P16A phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, báo cáo cũng cho hay UBND TP Hà Nội đã có quyết định di dời dân hiện đang sinh sống tại P16A phố Thụy Khuê và đã bố trí nhà tạm cư. Bản báo cáo này còn cho biết thêm "hiện đã có 13 trong tổng số 29 hộ dân đã di chuyển, còn 16 hộ không đồng ý di dời với lý do chưa thống nhất với chủ đầu tư trong việc bồi thường?".

Như đã nêu ở phần đầu, một điều đáng ngạc nhiên là nếu với mục đích tốt như vậy, những dân cư ở đây lẽ nào lại không muốn? Hay thật ra còn có những ẩn chứa nào khác đằng sau câu chuyện di dời này?

Muốn được cải tạo, nhưng…

Ông Hoàng Văn Nhâm, Phó bí thư nhà C8, Tổ trưởng tổ 39 đơn nguyên 3 nhà C8 Giảng Võ cho biết, tổ dân phố của ông gồm 37 hộ gia đình, nằm dọc hai bên cầu thang 3 nhà C8, từ tầng 1 đến tầng 5. Nhà C8 Giảng Võ thuộc diện nhà bê-tông lắp ghép tấm lớn, được xây dựng vào những năm 1970 - 1971. Gia đình ông Nhâm ở đây từ năm 1989.

Qua ngần ấy thời gian sử dụng, cộng với công nghệ xây dựng lạc hậu, quả thực chất lượng công trình đã xuống cấp. Sự xuống cấp có thể cảm nhận bằng mắt thường. Tường nhiều chỗ bong tróc. Phía sau cầu thang, một vệt nứt dọc từ trên xuống dưới, được trám lại bằng gạch và vữa. Trong từng ô cầu thang đơn nguyên 3, các dầm thép được hàn chéo nhau, tạo thành khung thép đỡ toàn bộ phần cầu thang, cảm giác rất không an toàn…

Ông Phan Văn Nhuệ chỉ khu công trường mà theo ông, đã làm nhà ông nghiêng, nứt.

Tuy nhiên, câu chuyện "nguy hiểm cấp độ D" lại là một câu chuyện khác. Ông Nhâm cho biết: Giữa năm  2013, có một đoàn cơ quan giám định chất lượng và đánh giá nhà đến đây. Tham dự có cơ quan chức năng của quận, của phường và cả tổ dân phố, trong đó có ông Nhâm.

Tuy nhiên có một điều lạ, theo ông Nhâm thuật lại, rằng việc đánh giá chất lượng nhà này không thấy có máy móc hay thiết bị chuyên dụng gì. Sau đó, biên bản đánh giá, kiểm định nhà cũng không thấy thông báo cho người dân được biết. Với những gì chứng kiến, nhiều người trong khu dân cư đã không đồng tình với kết quả đánh giá này vì cho rằng nó thiếu cơ sở khoa học?

Đầu tháng 7/2013, các khung thép chịu lực được gia cố cho khu vực ô cầu thang chung của đơn nguyên 3. Đến ngày 4/9/2013, UBND TP Hà Nội có văn bản quyết định di dời toàn bộ các hộ gia đình ở đơn nguyên 3 - theo lời ông Nhâm - đến nhà Nơ 6, khu cao tầng Pháp Vân - Tứ Hiệp, lệnh cho đến cuối tháng 9 phải di dời!

Ông Nhâm cho biết, mặc dù tỏ thái độ không đồng tình với việc di dời, song ông Nhâm và một vài người trong khu nhà đã có cuộc khảo sát tại khu nhà Nơ 6 nói trên. Từ C8 Giảng Võ xuống đến khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp là khoảng 11km. Theo đánh giá của các hộ dân ở đây, việc di dời như vậy sẽ đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của họ. Từ việc học hành của con cái, công việc làm ăn, buôn bán cho đến cả điều kiện bảo hiểm y tế mà những người ở khu nhà này, phần lớn đều là cán bộ công nhân viên ở các cơ quan, đơn vị được hưởng sẽ như thế nào, chẳng ai nói đến?

Chưa hết. Điều mà ông Nhâm và các hộ gia đình băn khoăn nhất, đó là một khi họ di dời đi, thì số phận nhà C8 sẽ thế nào? Không một ai trong số những hộ thuộc diện di dời ở đây biết, việc họ chuyển xuống khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp là tạm thời hay là tái định cư? Nếu là tạm thời thì tạm thời đến bao giờ? Nếu là tái định cư thì lại càng phải rõ ràng hơn: Nhà C8 với tổng diện tích mặt bằng khoảng trên 2.700m2 giữa trung tâm thành phố sẽ dùng vào việc gì?

Khi được hỏi, vậy thực sự nguyện vọng của các hộ dân ở đây là thế nào? Ông Nhâm cho biết, việc xuống cấp của tòa nhà người dân ở đây đều ý thức được cả. Mọi người đều muốn tòa nhà được cải tạo, thậm chí có thể là phá đi xây lại. Nhưng quan trọng hơn cả, là mọi thứ phải rõ ràng. Mọi thỏa thuận phải được đi đến cùng để tìm ra tiếng nói chung. Và phải tìm được nhà thầu có đủ năng lực.

Ngay trong khu tập thể Giảng Võ này, đã có những tòa nhà cũng được đánh giá cấp độ D. Người dân cũng di dời đi, dự án vào phá dỡ, cải tạo. Thế mà 5 năm nay vẫn là bãi đất hoang. Nghe đâu là chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án? "Nguy hiểm thì nguy hiểm, nhưng mất trắng nhà với chúng tôi mới là nguy hiểm nhất!", ông Nhâm thẳng thắn nói.

Chúng tôi muốn được trả lại nguyên trạng

Câu chuyện "cấp độ D" ở khu nhà số P16A Thụy Khuê lại mang một sắc thái khác. Nguyên khu nhà này dưới là chuồng ngựa, trên là dành cho người nuôi ngựa và chăm sóc vườn ươm của ông chủ vườn ươm người Pháp Lafoge, mà người Hà Nội đã Việt hóa với cái tên La Pho. Như vậy là "tuổi" của khu nhà ít nhất cũng phải trước năm 1954?

Có "thâm niên" cao như vậy, song thực tế, giống như nhiều công trình được xây dựng từ thời Pháp thuộc còn lại ở Hà Nội hiện nay, đi vào bên trong khu nhà vẫn có cảm giác, những chi tiết thể hiện sự chai lỳ, bền bỉ với thời gian. Đương nhiên, nó vẫn chịu tác động nhiều của thay đổi. Lan can, tường nhà, thậm chỉ cả nóc nhà cũng được đục phá, cơi nới. Nhà nguyên bản 2 tầng giờ thành 3 tầng với phần cơi nới ở trên khiến nó như đang "đội" một cái hộp trên nóc. Sàn tầng 1 và sân cũ thấp hơn so với mặt đường gần nửa mét. Không khó để nhận thấy những phần gạch vữa, bê tông cơi nới thêm khiến cho nhiều chỗ không còn nhận ra nguyên bản.

Theo những gì ông Nguyễn Phú Hùng, một hộ dân ở số nhà P16A Thụy Khuê từ năm 1980, thì câu chuyện về khu nhà và công trình nhà cao tầng do chủ đầu tư là Công ty Cao ốc Quốc tế Hồ Tây, nằm sát vách, bắt đầu từ khoảng năm 1997 - 1998. Tuy nhiên từ bấy đến nay, người "hàng xóm" này không thi công liên tục, bẵng đi một dạo, đến khoảng tháng 8/2012, Công ty Cao ốc Quốc tế Hồ Tây cùng với UBND phường mời các hộ dân ra họp và thông báo công trình tiếp tục thi công. Sau khi công trình thi công được khoảng một tuần, các hộ dân bắt đầu thấy nhà mình có hiện tượng nghiêng, nứt vỡ gạch ốp sàn.

"Bây giờ anh thử để quả bóng ở giữa nhà, nó sẽ tự lăn ra cửa cho anh xem. Vì ảnh hưởng trực tiếp tới mình, nên chúng tôi đã đấu tranh gay gắt yêu cầu bên thi công tạm dừng để giải quyết. Đó là nguyện vọng chính đáng!" - ông Hùng nói.

Công bằng mà nói, vị trí của khu nhà P16A Thụy Khuê có vị trí thật đắc địa. Mặc dù công trình cao ốc đi cổng riêng số 18 Thụy Khuê song khu nhà P16A lại choán toàn bộ mặt tiền của khu công trình phía mặt đường Thụy Khuê. Hiểu một cách ngắn gọn, đó là nếu không có khu nhà P16A thì phía mặt tiền của khu Cao ốc Quốc tế Hồ Tây sẽ nhìn thẳng ra mặt đường Thụy Khuê, thông thoáng tuyệt vời. Ở P16A hiện tại không có ai rao bán nhà, song các hộ dân nơi đây nói chuyện, quá lên khoảng vài chục số nhà đang có nhà rao bán. Nằm mặt đường Thụy Khuê, một gian hàng đang cho thuê sửa xe máy chừng 20m2, đang rao bán 300 triệu đồng/m2.

Tiếp lời ông Hùng, ông Phan Văn Nhuệ, hộ dân sinh sống tại P16A Thụy Khuê từ năm 1976, cho biết, sau khi vấp phải phản ứng gay gắt, phía chủ đầu tư công trình đã thuê một đơn vị tư vấn kiểm định công trình đến làm việc, và sau đó kết luận khu nhà này thuộc diện xuống cấp nguy hiểm cấp độ D như đã nói ở trên. Thế là bắt đầu một chuỗi các sự kiện liên quan đến hối thúc, di dời dân khỏi địa chỉ nhà nói trên, với lý do nhà đã xuống cấp trầm trọng, cấp độ D gây nguy hiểm cho các hộ gia đình đang sinh sống trong đó!

Đỉnh điểm của câu chuyện này, đó là việc "hiện đã có 13 trong tổng số 29 hộ dân đã di chuyển, còn 16 hộ không đồng ý di chuyển với lý do chưa thống nhất với chủ đầu tư trong việc bồi thường?" được thể hiện trong báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội. Song trên thực tế, câu chuyện lại có vẻ không giống như vậy. Chị Phạm Mai Phương, 1 trong số 13 hộ gia đình "đã di chuyển", gia đình chị Phương ở đây từ năm 1972.

Đích thân chị Phương cho biết, để có được sự "di chuyển" của 13 hộ này, phía chủ đầu tư dự án đã làm việc với từng nhà và thỏa thuận thuê lại các nhà với giá 200.000 đồng/m2/tháng. Như nhà chị Phương có tổng diện tích các mặt sàn vào khoảng 50m2, nhận tiền 6 tháng một lần để đi thuê nhà khác, dọn khỏi "nhà nguy hiểm" hiện tại. Nhận đủ tiền, gia đình chị Phương lên ngõ 154 Thụy Khuê thuê một căn nhà cấp 4 khác với giá 6 triệu đồng/tháng. Các hộ khác, có nhà sang Gia Lâm, có người đi tận Xuân La thuê nhà, rời khỏi P16A Thụy Khuê theo đúng thỏa thuận.

Tuy nhiên, hết hạn 6 tháng, chị Phương đã gặp phía chủ đầu tư để hỏi tình hình thì được thông báo họ "đã hết tiền" và không tiếp tục thuê các nhà nữa. 13 hộ rơi vào tình cảnh trớ trêu: Nhà cũ ở Thụy Khuê bỏ không, phía chủ đầu tư không thuê nữa. Còn nhà đang thuê ở thì đến hạn thanh toán tiền nhà. Như một sự tất yếu, toàn bộ 13 hộ gia đình lại lục tục kéo về nơi ở cũ, lại hợp thành 29 hộ dân ở số nhà P16A Thụy Khuê như hiện tại mà trong báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội không hề đề cập đến?

Khi được hỏi, vậy thì nguyện vọng thực sự của các hộ dân ở số nhà P16A Thụy Khuê là gì, thì một trong các vị đại diện các hộ dân, ông Phan Văn Nhuệ đã tỏ thái độ rất bức xúc: "Chúng tôi chờ đợi câu hỏi này đã lâu, nhưng không phải là từ phía nhà báo, mà là từ phía Công ty Cao ốc Quốc tế Hồ Tây, vị "hàng xóm" của chúng tôi. Nhưng họ chưa bao giờ hỏi chúng tôi câu này. Chúng tôi chỉ muốn yên ổn tại nhà của mình. Nhà chúng tôi có sổ đỏ, thì chúng tôi ở. Các anh thi công làm hỏng nhà chúng tôi, thì theo luật hỏng đâu đền bù, sửa chữa đến đấy. Chúng tôi chẳng đòi thêm đồng nào. Tại sao chưa bao giờ những người có trách nhiệm hỏi chúng tôi câu hỏi ấy, mà lúc nào cũng chỉ tìm mọi cách di dời, đuổi chúng tôi đi?"

Việt Ba
.
.