Camera quét vết máu tại hiện trường vụ án

Thứ Sáu, 10/12/2010, 13:45
Các nhà nghiên cứu thuộc Trường đại học Nam Carolina, Mỹ cho biết đã phát triển được một loại camera có thể quét nhanh hiện trường một vụ án để tìm những vết máu vương vãi mà không ảnh hưởng đến bằng chứng pháp y (ảnh).

Theo đó, mẫu camera đầu tiên này của họ có thể phát hiện vết máu ngay cả khi máu đã bị phai đi chỉ còn 1/100. Phát minh mới này đã được đăng trên tạp chí NewScientist.com ngày 12/10/2010.

Được biết, thông thường các vết máu được cán bộ điều tra kiểm tra thông qua một hóa chất có tên là Luminol. Hóa chất này sẽ phản ứng hóa học với nguyên tố sắt trong máu, nhờ đó vết máu sẽ phát quang ánh sáng xanh mà ngay trong đêm tối cũng có thể nhìn thấy. Vết máu nhỏ cỡ nào cũng nhìn thấy được. Nếu vết máu đã phai nhạt qua năm tháng, cũng chính chất Luminol này giúp cán bộ điều tra nhìn thấy được máu của nạn nhân hay sát thủ để căn cứ vào đó mà tìm ra kẻ phạm tội.

Tuy nhiên, Luminol là một loại chất độc và có thể làm vết máu bị loãng và gây khó khăn cho việc xác định ADN của nạn nhân nhưng cán bộ điều tra chỉ cần thận trọng hơn và việc xác định ADN cũng sẽ được hoàn tất mà không gặp khó khăn gì.

Chiếc camera mới này có thể phân biệt rất tốt giữa máu với 4 chất khác nhau. Để chụp một bức ảnh hiện trường, máy ảnh sẽ phóng chùm tia hồng ngoại (IR) và xác định hình ảnh của vật thể sau khi thu nhận ánh sáng phản chiếu bật trở lại ống kính. Một màng lọc chuyên dụng được đặt trước ống kính camera có thể làm cho vết máu đổi màu và nổi rõ trên màn hình nhờ chất Luminol.

Cha đẻ của công nghệ camera đặc biệt này là ông Stephen Morgan - một kỹ sư giỏi trong lĩnh vực camera và hóa chất cần thiết trong đời sống của con người. Theo ông, với một thiết bị lọc thích hợp, camera có thể kiểm tra cả mồ hôi và lipid có trong dấu vân tay mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Bằng cách tương tự, cảnh sát cũng hoàn toàn có thể phát hiện dấu vết ma túy trên bề mặt hoặc dò tìm chất nổ một cách hiệu quả

Tường Quyên (theo Reuters)
.
.