Campuchia: Giành lại di sản văn hóa bị mất cắp

Chủ Nhật, 23/12/2012, 23:55

Khi quá khứ khủng khiếp đã lùi xa dần, chính quyền và các tổ chức văn hóa Campuchia đang lao vào cuộc chiến pháp lý để giành lại những bức tượng và cổ vật nghệ thuật Khmer bị đánh cắp trong quãng thời gian biến động chính trị vào đầu thập niên 70 thế kỷ trước.

Trong suốt nhiều thập niên, hàng ngàn cổ vật văn hóa Khmer bị đánh cắp và bán trên thị trường quốc tế thông qua các nhà đấu giá nổi tiếng ở London, New York và những nơi khác. Các đối tượng mua là các nhà bảo tàng hàng đầu thế giới và nhà sưu tập tư nhân giàu có. Nhưng vào năm 2012 mọi chuyện bắt đầu thay đổi. Một vụ kiện tụng đang diễn ra ở New York hiện nay liên quan đến bức tượng từ thế kỷ X mà Nhà đấu giá Sotheby's của Anh chuẩn bị bán kèm với một catalogue ước khoảng từ 2 đến 3 triệu USD.

Bức tượng sa thạch Duryodhana mà Sotheby's in trên catalogue cao 1,5m và cân nặng 115kg. Chính quyền Campuchia yêu cầu Sotheby's ngưng vụ bán đấu giá bức tượng đồng thời đưa ra bằng chứng cho thấy nó bị đánh cắp ở Koh Ker.

Năm 2007, bàn chân và bệ tượng được phát hiện tại khu đền Prasat Chen ở Koh Ker. Hiện các nhà sưu tập nghệ thuật cũng như các luật sư và quan chức Sotheby's đang tranh cãi dữ dội với nhau về vụ kiện chống nhà bán đấu giá. Đối với Sotheby's và tòa án chính quyền liên bang Mỹ, đây là cuộc chiến pháp lý gay cấn mới nhất về cổ vật trên toàn cầu.

Tháng 10/2012, chính quyền Campuchia cũng lên tiếng đòi lại các bức tượng cổ Khmer từ thế kỷ X với những nơi đang sở hữu là Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York và Bảo tàng Norton Simon ở California. Tất cả số cổ vật này cũng có xuất xứ từ khu đền Prasat Chen ở Koh Ker. Theo báo cáo của tạp chí Crime, Law and Social Change, vào giữa các năm 1988 và 2010, có đến 377 cổ vật nghệ thuật Khmer được bán đấu giá. Trong số đó, 71% hiện vật không có lịch sử sở hữu và số còn lại không rõ nguồn gốc.

Bức tượng sa thạch Duryodhana của Campuchia bị mất cắp.

Theo hồ sơ tòa án, bức tượng sa thạch Duryodhana mà Sotheby's đang sở hữu được một hoàng thân Bỉ mua từ nhà đấu giá Anh Spink & Son vào năm 1975. Còn bức tượng ở Bảo tàng Norton Simon được mua từ một người tên là William Wolf ở New York vào năm 1976 (người này cũng đã chết) và các bức tượng ở Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan được hiến tặng bởi những người bảo trợ Spink & Son.

Thành phố Bangkok của Thái Lan từ lâu được coi là một trong những trung tâm lớn nhất trong thị trường đen các cổ vật văn hóa Khmer. Vào tháng 10/2012, 5 bức tượng Khmer cổ bị bắt giữ tại Aranyaprathet khi đang trên đường vận chuyển đến cho một nhà buôn ở Bangkok. Theo chính quyền Campuchia, hàng chục bức tượng cổ Khmer thuộc các thế kỷ VIII-XIII được bày bán công khai ở trung tâm mua sắm lớn River City ở Bangkok và bên bán sẵn sàng giúp bên mua mang chúng ra nước ngoài.

Douglas Latchford - nhà sưu tập nghệ thuật 81 tuổi người Anh, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về cổ vật Khmer và đồng tác giả cuốn sách "Thời vàng son của nghệ thuật Khmer" - cho biết khu chợ Nakhon Kasem ở Bangkok nhộn nhịp mua bán cổ vật Khmer từ hai thập niên 50 và 60 thế kỷ trước. Tess David giải thích: "Trong những năm gần đây, các nhà buôn nghệ thuật công khai bán di sản văn hóa Campuchia bị đánh cắp và thậm chí họ còn sắp xếp những vụ đánh cắp theo yêu cầu của khách hàng. Những cổ vật dễ dàng xuất khẩu sau khi cho chúng đội lốt những sản phẩm sao chép nghệ thuật.

Catalogue của Sotheby's giới thiệu hình ảnh về bức tượng sa thạch Duryodhana.

Không phải ngẫu nhiên mà Singapore và Thái Lan là hai trong số ít các quốc gia chưa tham gia Công ước UNESCO năm 1970 về cổ vật. Sự vắng mặt của hai nước này trong Công ước đe dọa phá hoại ngầm sự hiệu quả của thỏa thuận quốc tế trong khu vực. Đồng thời, nó cũng đe dọa cả di sản văn hóa phong phú của Thái Lan, quốc gia từng là nạn nhân của những vụ trộm cắp kho tàng văn hóa cổ để bán ra thị trường nghệ thuật quốc tế". Công ước năm 1970 của UNESCO đặt ra những quy định ngăn cấm và phòng ngừa hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu và vận chuyển bất hợp pháp tài sản văn hóa.

Một số nhà buôn nghệ thuật có thể lập luận rằng việc di chuyển các bức tượng cổ ở Koh Ker ra khỏi lãnh thổ Campuchia - bất chấp hành động cắt bỏ phần chân và sự tổn hại xảy ra trong quá trình vận chuyển - là hành động giúp chúng được bảo tồn cho đến ngày nay. Vì quân Khmer Đỏ chuyên sử dụng những bức tượng làm mục tiêu tập bắn

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.