Cần bảo vệ thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam

Thứ Sáu, 09/08/2013, 15:55

Những người nông dân một nắng hai sương, chân lấm tay bùn làm ra sản phẩm đặc biệt của mình chưa kịp đổi đời thì hàng hóa xuất xứ ngoại, không đảm bảo chất lượng cứ tuồn vào phá hoại thương hiệu. Từ khoai tây nước ngoài đến mứt, rau xanh...và bao thứ khác nữa giá rẻ như bèo đưa vào trộn lẫn hàng hóa trong nước mà bán... Nỗi đau này không chỉ người làm ra sản phẩm trong nước chịu thiệt mà người tiêu dùng cũng ăn phải quả đắng... tiền mất, tật mang.

Muôn kiểu phá hoại hàng nông sản Việt Nam

Nhân chuyến đi du lịch Đà Lạt, chị Tâm mua khá nhiều quà từ xứ sở được mệnh danh là "miền đất lạnh" về tặng người thân. Từ các loại mứt đến rau quả tươi... được người mua nâng niu mang về làm quà tặng nhưng sau đó bị phát hiện là hàng giả nhập từ nơi khác chứ không phải đặc sản chính gốc của Đà Lạt. Không chỉ chị Tâm mà nhiều du khách đến Đà Lạt cảm thấy bực mình vì mua phải hàng giả đặc sản của Đà Lạt.

Một tiểu thương ở chợ Đà Lạt tâm sự rằng, thời gian gần đây nhiều mặt hàng đặc sản ở Đà Lạt bị ế, trong đó có nguyên nhân du khách mất lòng tin về sản phẩm Đà Lạt sau khi phát hiện nhiều loại đặc sản bán ở Đà Lạt có nguồn gốc từ Trung Quốc bị trà trộn hoặc thay đổi nhãn mác thành hàng hóa Đà Lạt.

Nhiều người làm ăn chân chính bức xúc, cứ vào dịp hè hoặc lễ, tết lượng sản phẩm nhập về giả hàng hóa Đà Lạt càng lớn nhằm đánh lừa du khách. Cụ thể như trước đó cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 5 tấn mứt xuất xứ Trung Quốc được "biến" thành "đặc sản" Đà Lạt.

Không chỉ khách hàng mà ngành chức năng đôi khi cũng bất lực bởi rất nhiều mặt hàng đặc sản không thể hiện trên bao bì nguồn gốc sản xuất. Đây cũng là điểm yếu mà sản phẩm kém chất lượng hoặc hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài tuồn vào rồi biến thành hàng hóa Đà Lạt để kiếm lợi.

Cũng như các loại mứt đặc sản Đà Lạt, khoai tây Đà Lạt cũng bị mất thương hiệu khi hàng Trung Quốc nhập vào đánh lộn với hàng khoai tây của xứ sở sương mù. Điều ấy càng đớn đau khi phát hiện tới 26 tấn khoai tây nhập từ Trung Quốc có chất độc hại, bị nhiễm Chlorpyrifos cao gấp 16 lần mức cho phép của Bộ Y tế. Chất độc hại này sẽ gây ung thư phổi.

Khoai tây Đà Lạt còn bị "đánh gục" ngay trên sân nhà bởi giá khoai tây Trung Quốc rẻ gần gấp đôi khoai tây Đà Lạt. Các tư thương nhập khoai tây Trung Quốc về rồi "luộc" bên ngoài một lớp đất đỏ Đà Lạt và tuồn ra thị trường... thành giá khoai tây "đặc sản" Đà Lạt.

Kỹ nghệ "biến" khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt rất đơn giản và không cần đến công nghệ máy móc hiện đại hay phải đào tạo đội ngũ tri thức bài bản ở trường lớp nào nên ai cũng có thể làm được một cách dễ dàng.

Cuối tháng 6/2013, Đoàn kiểm tra liên ngành của Đà Lạt, Lâm Đồng đã tận mắt nhìn thấy điểm "biến" khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt ở xóm Hố, tổ Trại Mát, phường 11, TP Đà Lạt. Hiện trường ngổn ngang các vật dụng, đất đỏ dùng để nhuộm hàng. Các thôn nữ miền quê được bà chủ thuê nhuộm khoai tây đất đỏ để nhận tiền công  hàng tháng đang tất bật với công việc. Cứ đều đặn mỗi ngày, các cô gái cho khoai tây Trung Quốc vào rổ rồi nhúng nước, rưới đất đỏ vào khoai cho đất bám đều rồi đem phơi.

Khoai tây Trung Quốc ở Đà Lạt.

Hàng giả khoai tây Đà Lạt không chỉ bán ở địa phương mà còn đưa đi tiêu thụ ở nhiều nơi như TP HCM và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Từ chuyện khoai tây giả, mứt giả, rau giả... đã làm cho các mặt hàng đặc sản mang thương hiệu Đà Lạt bị đánh mất lòng tin đối với người tiêu dùng. Cũng từ đó số phận người nông dân, nhà vườn làm rau, hoa quả... ở Đà Lạt bị thiệt đơn lẫn kép bởi sự lập lờ đánh lận con đen của hàng hóa nhập từ Trung Quốc.

Cùng với hàng nông sản Đà Lạt, sâm Ngọc Linh được xem như loài thuốc quý hiếm có nguồn gốc ở vùng núi cao phía bắc Tây Nguyên được tìm thấy ban đầu tại miền Trung Trung Bộ, Việt Nam, mọc tập trung ở các huyện miền núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum và huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam...

Sâm Ngọc Linh cũng là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới, hợp chất hóa học đa dạng và tác dụng thực tiễn đối với sức khỏe của con người nên sâm Ngọc Linh có giá trị cao. Tuy nhiên, do sâm tự nhiên không còn tìm thấy nữa nên các doanh nghiệp, chính quyền địa phương vùng đất có nguồn gốc sâm tự nhiên hình thành và phát triển đã tìm cách gây dựng lại giống sâm quý này. Nhưng rất tiếc, bao nhiêu tiền của, công sức đổ ra chưa thu lại được thì đã bị hàng giả phá hoại...

Nắm được thị hiếu và nhu cầu người tiêu dùng, để biến các loại củ khác thành sâm Ngọc Linh, một số thương lái phía Bắc đưa loại củ rất giống sâm Ngọc Linh trồng ở Trung Quốc vào Kon Tum chôn xuống đất rồi sau đó nhổ lên đi bán. Sau khi chôn cho dính đất Kon Tum, nguồn sâm giả thương hiệu sâm Ngọc Linh này được đưa đi tiêu thụ khắp cả nước.

Để lừa mọi người, các đối tượng kinh doanh còn thuê người dân tộc thiểu số địa phương mang loại giả sâm Ngọc Linh đi bán với nhiều kiểu giải thích khác nhau về nguồn gốc sâm này. Có người bảo mùa mưa sạt lở núi Ngọc Linh nên lộ ra nhiều củ sâm được người dân địa phương nhặt được. Có người bảo sâm do đồng bào dân tộc thiểu số vừa kiếm được ở rừng núi Ngọc Linh còn sót lại. Lúc đầu mỗi kilôgam củ tươi được bán với giá 50 triệu đồng, nhưng sau đó 5-10 triệu đồng/kg các thương lái vẫn bán.

Khi ở Kon Tum bị lộ mặt sâm giả, các đối tượng lại chuyển địa bàn xuống Gia Lai, các tỉnh lân cận và cả TP HCM. Các "chiêu" người đẹp, người thân quen với "sếp" cũng được tung ra hết để đi tiếp thị bán sâm. Các cô gái không phải đi phô diễn bán sâm thông thường mà họ chủ yếu đi tìm người có tiền, các đại gia hay sử dụng sâm để biếu, làm quà cáp... để giới thiệu chia lại bớt sâm. Có lần chứng kiến một cô gái nói rất dễ tin đến nhà một giám đốc để "chia" bớt sâm. Cô ta nói nhà ông chú (cán bộ lớn) được biếu mấy kilôgam sâm Ngọc Linh nên không dùng hết để khô mất chất nên tìm người chia lại bớt...

Thật đau xót là có "đại gia" mua cả bao sâm kiểu "Ngọc Linh" đem ra thủ đô để biếu cho nhiều người. Sâm giả cũng được giới thiệu, tiếp khách quý, quà biếu cho những người thân. Sau đợt tung tin trúng sâm này, nhiều "đại gia" lại tiếp tục bị ăn "quả đắng" vì mua phải sâm giả. Mãi sau này khi điều tra các vụ trộm sâm trồng, Công an Kon Tum mới phát hiện ra một đường dây tiêu thụ sâm giả Ngọc Linh liên tỉnh và từ đó nhiều người mới biết và cảnh giác. Theo khai nhận của các đối tượng thì nguồn củ giả sâm Ngọc Linh này được chuyển từ Trung Quốc, vượt biên giới phía Bắc vào Kon Tum để "biến" thành thương hiệu sâm Ngọc Linh rồi đem đi tiêu thụ.

Theo các chuyên gia khoa học tìm hiểu về sâm Ngọc Linh đã phát hiện ra có nhiều loại củ rất giống sâm Ngọc Linh được bày bán lâu nay như loại cùng chi Panax (chi nhân sâm), rất giống với sâm Ngọc Linh;  loại sâm Vũ Diệp và tam thất hoang; loài thuộc họ Araceae (họ Ráy) có thể gây nóng bỏng miệng sau khi sử dụng.

Tỉnh Kon Tum đã công bố quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn đến năm 2025 với tổng diện tích quy hoạch vùng sâm Ngọc Linh là 31.742 ha, thuộc địa bàn 2 huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông, với nguồn vốn gần 25 tỉ đồng. Việc quy hoạch nhằm xác định quy mô vùng trồng sâm Ngọc Linh để định hướng công tác bảo tồn, phát triển sản xuất sâm Ngọc Linh theo hướng hàng hóa thương mại mang tính bền vững, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, theo ông Trần Hoàn - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, vấn nạn sâm giả thương hiệu Ngọc Linh này được tuồn từ phía Bắc vào Tây Nguyên, sau đó bày bán khắp nơi đang ngày một giết chết thương hiệu sâm Ngọc Linh. Điều này khiến doanh nghiệp không dám đưa sâm thật của mình vào kinh doanh vì sợ bị làm giả như các loại rau quả Đà Lạt...

Sâm Ngọc Linh giả ở Kon Tum.

Thuốc chữa nào cho lòng tham?

Ở giữa thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột nhưng nhiều cơ sở sản xuất cà phê lại trộn ngũ cốc rang cháy, muối, hương liệu, caramel tạo màu... vào sản phẩm cà phê. Qua thanh tra những tháng đầu năm 2013, ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện hàng chục cơ sở sản xuất, chế biến cà phê bột trên địa bàn không đạt tiêu chuẩn chất lượng như đã công bố. Hàm lượng cafêin trong hầu hết các mẫu có chất lượng dưới mức chuẩn quy định.

Trong khi đó tại Gia Lai, hồ tiêu cũng từng bị thương lái thu mua trục lợi bằng cách nhúng nước và trộn với đất bột phơi khô. Đất bao quanh hạt tiêu sẽ tăng được khối lượng và qua mặt được máy kiểm nghiệm chất lượng, độ ẩm. Hậu quả là uy tín bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn tới mất khách hàng.

Cùng với tình trạng làm giả, độn hàng để trục lợi bất chính, các thương lái còn đưa ồ ạt hàng từ Trung Quốc giá rẻ vào thị trường trong nước để "biến" thành hàng nội tăng giá kiếm lời. Cùng với khoai tây, mứt..., thời gian gần đây, những người nuôi cá tầm ở Lâm Đồng và Kon Tum phải điêu đứng vì cá ngoại từ Trung Quốc đổ vào với giá rẻ hơn nhiều lần cá nuôi trong nước. Cá được nhập vào từ các thành phố lớn nhưng sau đó chuyển đi tiêu thụ ở khắp nơi cả ở Tây Nguyên và các thương lái lừa người tiêu dùng là cá tầm ở Kon Plông (Kon Tum) và Lâm Đồng...

Bức xúc trước tình trạng này, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng đã gửi đơn kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sự hỗ trợ của Nhà nước để loại bỏ cá tầm nhập lậu không rõ nguồn gốc đang phá hoại thương hiệu cá tầm Việt Nam và làm khổ người nuôi cá. Trong khi đó người nuôi cá tầm ở miền Bắc chỉ có quy mô nhỏ, chưa đủ cung cấp cho thị trường miền Bắc, nhưng nếu vận chuyển vào Nam thì giá cũng không thể cạnh tranh nổi trước sự rẻ mạt của cá tầm nhập lậu chỉ khoảng 120.000 đồng/kg, thấp nhiều lần so với giá cá tầm trong nước. Tuy nước ta chưa cấp phép nhập khẩu cá tầm thương phẩm, nhưng không hiểu sao hàng ngày vẫn có nhiều cá tầm Trung Quốc nhập vào để trà trộn bán. Các sản phẩm cá tầm giá rẻ này không những ảnh hưởng đến mạng lưới phân phối cá tầm được sản xuất trong nước, đe dọa đến sự tồn tại của các nhà sản xuất mà còn là nguy cơ làm hàng ngàn nông dân bị mất việc làm, lỗ vốn...

Để giải bài toán chống hàng lậu, hàng giả và những âm mưu phá hoại của hàng hóa độc hại, kém chất lượng từ bên ngoài tuồn vào Việt Nam, điều trước tiên là phải "thức tỉnh" thị trường người tiêu dùng trong nước bằng kiến thức khoa học để phân biệt hàng giả hàng thật. Chủ trương người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cần tăng cường mạnh mẽ trong việc tuyên truyền gắn với chính sách thiết thực để thu hút người tham gia.

Công tác quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa, kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu phải được tăng cường thường xuyên và quy trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, tập thể về chất lượng của từng lô hàng. Từ thực tế vụ lô hàng khoai tây Trung Quốc độc hại khi nhập khẩu vào Việt Nam đã được kiểm dịch tại cửa khẩu, có giấy chứng nhận đủ điều kiện lưu hành trên thị trường, nhưng không hiểu sao cơ quan kiểm dịch không phát hiện ra hàng không đảm bảo chất lượng. Vấn đề này có thể do việc kiểm tra qua loa, hoặc thiết bị máy móc chưa đủ tầm kiểm soát, hoặc có sự tiêu cực nào đó...? Điều này cũng lý giải vì sao chúng ta đã có nhiều cơ quan quản lý, kiểm tra giám sát hàng hóa, chất lượng hàng hóa nhưng vẫn để hàng giả, hàng lậu vẫn còn đất sống.

Một vấn đề thiết yếu để chống việc hàng ngoại trà trộn với hàng nội đối với sản xuất trong nước cần có chính sách chiến lược xây dựng thương hiệu vùng sản phẩm hàng hóa, thu mua sản phẩm người dân một cách tập trung để quản lý xuất xứ hàng hóa. Hoặc cấp xuất xứ hàng hóa cho nông dân khi bán sản phẩm...

Có ý kiến cho rằng cần quy định khu vực bán hàng nhập khẩu bên ngoài với hàng trong nước để dễ kiểm soát, quản lý và tránh sự đánh lừa người tiêu dùng lẫn lộn hàng hóa.

Một thực tế hiện nay là các ngành chức năng tiến hành tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa trong nước nhưng đó chỉ là phần ngọn của vấn đề. Điều quan trọng là làm sao kiểm soát chặt nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, không để hàng lậu, hàng kém chất lượng tuồn vào Việt Nam

Ngọc Như
.
.