“Căn hộ 200 triệu” và ước mơ của hàng triệu người nghèo

Thứ Tư, 22/04/2009, 15:45
Đúng dịp Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề án nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng, hàng loạt báo đăng tin Công ty CP Bêtông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai bán một căn hộ 50m2 với giá 200 triệu đồng đã khiến hàng triệu nhiều người nghèo ở đô thị hy vọng được sở hữu một ngôi nhà giá rẻ. Nhưng, nhà giá rẻ sẽ vẫn còn là câu chuyện dài...

1- Còn nhớ cuối năm 2007, khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân tham gia giao lưu trực tuyến trên báo điện tử CAND Online, đã có hàng trăm câu hỏi của bạn đọc cả nước gửi Bộ trưởng chỉ để hỏi là bao giờ công chức, người nghèo ở các đô thị có cơ hội mua được một căn hộ chung cư?

Người xưa có câu “an cư mới lạc nghiệp”, nhưng quả thực với rất nhiều người sống bằng đồng lương công chức như hiện nay, mơ ước có một căn hộ  vài chục mét vuông để “an cư” ở Hà Nội hay TP HCM cũng giống như mơ ước được đi du lịch vũ trụ.

Thời bao cấp, khi được nhận vào làm ở một cơ quan Nhà nước thì cũng có nghĩa là sau đó sẽ được cấp nhà, dù là nhỏ thôi, hoặc vài người chung nhau một căn hộ tập thể.

Nhưng chuyện ấy đã trở thành dĩ vãng bởi từ năm 1991, sau khi Pháp lệnh Nhà ở có hiệu lực, Nhà nước chấm dứt việc bao cấp nhà ở cho cán bộ, công chức.

Để cán bộ, nhân viên có “tấc đất cắm dùi”, sau đó, không ít cơ quan linh động bằng cách hoặc xén bớt khuôn viên chia đất cho cán bộ làm nhà, hoặc trực tiếp đi xin UBND thành phố cấp đất theo kiểu “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thành phố miễn tiền sử dụng đất, những người được cấp đất sẽ góp tiền đền bù giải phóng mặt bằng và tự xây nhà.

Nhưng, cái thời ấy cũng đã qua cả chục năm rồi. Khi những xã ngoại thành ở Từ Liêm, Thanh Trì, Long Biên, Gia Lâm giờ cũng đã “lên đời” thành phường thì những ruộng rau muống, ao tù thuở nào giờ cũng thành “tấc vàng” cả nên không có chuyện xin không nữa.

Dù chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, sau Khu đô thị (KĐT) mới Linh Đàm, Hà Nội đã có hàng loạt khu đô thị mới: Trung Hòa - Nhân Chính, Trung Yên, Mỹ Đình, Đại Kim - Định Công, Văn Quán, hay xa hơn một chút là Việt Hưng, Pháp Vân... được xây dựng; chưa kể rất nhiều chung cư cao tầng xây rải rác trên các tuyến phố, tuy nhiên để mua được một căn hộ không phải ai cũng đủ khả năng vì đều có giá 800-900 triệu tới vài tỉ đồng/căn.  

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, dù những năm gần đây, diện tích nhà ở luôn tăng khoảng 30 triệu m2/năm, riêng năm 2008 tăng 50 triệu m2, nhưng các chủ đầu tư chỉ xây dựng căn hộ cao cấp, nhà liền kề và biệt thự.

Vì vậy, hiện mới có khoảng 2/3 trong tổng số 2 triệu cán bộ, công chức tự lo được nhà ở cho mình, số còn lại (tương đương với khoảng 700.000 người, chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn) phải ở ghép hộ, ở nhờ, ở tạm. Còn với những cán bộ, công chức được phân phối nhà chung cư trước đây, hầu hết chất lượng nhà của họ đã xuống cấp nghiêm trọng.

Chỉ cần làm một phép tính đơn giản nếu hai vợ chồng công chức có bằng đại học, nuôi hai đứa con, có thu nhập ở mức trung bình khá trong mặt bằng lương hiện nay là 5 triệu đồng/người/tháng, thì với tổng thu nhập khoảng 10  triệu đồng/tháng, dù có tiết kiệm tối đa cùng lắm mỗi năm cũng chỉ được 40 triệu đồng; nghĩa là 20 năm nữa vẫn chưa có nổi 1 tỉ đồng.

Trong khi mỗi năm giá nhà, đất luôn tăng theo cấp số nhân. 8 năm trước, giá một căn hộ chung cư 80m2 ở KĐT Linh Đàm chỉ khoảng 400 triệu thì bây giờ đã trên 1 tỉ; ngay như ở KĐT Việt Hưng, mới 2 năm trước thôi, căn hộ 78m2 chỉ có 400 triệu thì bây giờ cũng đã ngót 1 tỉ; còn đất ở quận Thanh Xuân, nơi cách trung tâm Hà Nội hơn 10km, 10 năm trước một mảnh đất 40m2 có giá khoảng 300 triệu đồng thì bây giờ để mua được mảnh đất ấy phải có 3 tỉ đồng...

Cán bộ công chức còn khó thì những gia đình công nhân, với thu nhập trung bình chỉ 1,2-2 triệu đồng/người/tháng, đương nhiên vĩnh viễn không bao giờ mua được nhà. Cũng theo điều tra của Bộ Xây dựng, chỉ 20% trong tổng số 1 triệu lao động trực tiếp và khoảng 1,2 - 1,5 triệu lao động gián tiếp có chỗ ở.

Chưa hết, ngoài công chức, công nhân, tại các đô thị còn có hàng vạn hộ gia đình thuộc các thành phần kinh tế đang phải sống trong điều kiện chỗ ở không đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu. Trên 30% các hộ gia đình có diện tích nhà ở dưới 36m2, 19% gia đình sống trong những căn nhà tạm bợ.

Nên, dù người dân ở chung cư Bitexco có lúc phải thức trắng đêm để biểu tình phản đối chủ đầu tư thu phí dịch vụ giá trên trời; hay chung cư Trung Hòa - Nhân Chính thỉnh thoảng lại lở một mảng vữa trát trần xuống đầu chủ nhà thì với hàng triệu người, mỗi khi có dịp đi qua những khu chung cư này vẫn cứ phải... ngước nhìn lên ao ước.

2- Vì thế, chuyện chỉ với 200 triệu đồng đã có thể mua được một căn hộ 50m2 thực sự là một thông tin sốc và thu hút sự quan tâm đặc biệt. 

Từ Hà Nội, mất gần 1 giờ đồng hồ chạy xe máy đến bạc mặt (bạc mặt theo đúng nghĩa đen bởi đoạn đường gần 30km từ Thanh Xuân lên Xuân Mai suốt ngày bị những đoàn xe tải hạng nặng chở đất cày xới nên ngày nắng thì bụi mù mịt, trời mưa thì bùn đất bắn tung tóe vào mặt người đi xe máy), tôi mới lên đến xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ.

Ông Đặng Hoàng Huy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Bêtông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai, chẳng còn mấy hào hứng khi có nhà báo tìm đến viết bài. Bởi sau hôm Bộ Xây dựng và Tổng Công ty Vinaconex đưa một đoàn phóng viên chuyên theo dõi ngành xây dựng lên quảng cáo về mô hình nhà chung cư cho người thu nhập thấp, ông Huy và công ty “bỗng dưng nổi tiếng” và đến nửa tháng nay, hầu như ngày nào mở báo hay vào mạng cũng thấy tên mình với vai trò tiên phong xây nhà giá rẻ.

Nằm ở một góc khu đất rộng 1,3 ha, hai chung cư 5 tầng chỉ là một phần của dự án, bởi khi hoàn thành ở đây sẽ có tổng cộng 464 căn hộ với  với diện tích từ 50m2 tới 90m2 gồm: 5 chung cư 5 tầng với 180 căn hộ, 1 chung cư 9 tầng với 90 căn hộ, 2 chung cư 11 tầng với 200 căn hộ.

Ông Huy cho biết từ năm 2006, công ty thực hiện đầu tư xây dựng đồng loạt 2 dự án tại xã Thủy Xuân Tiên và TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Dự án tại Vĩnh Yên sẽ có 544 căn hộ diện tích từ 50m2 tới 114m2 với 4 chung cư 5 tầng, 4 chung cư 11 tầng. Cho tới thời điểm này, tại mỗi dự án đều đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và đưa vào sử dụng 2 nhà 5 tầng với 72 căn hộ. --PageBreak--

Tôi đi một vòng quanh hai khối nhà 5 tầng và thấy rằng, hạ tầng ở khu này còn hơn chán vạn những khu chung cư tái định cư ở Cầu Giấy hay Trung Hòa - Nhân Chính. Kế bên cạnh khu nhà là trường học từ mẫu giáo tới trung học cơ sở nên khá thuận tiện cho  những gia đình có con nhỏ.

Cách đó không xa, công ty đã xây một khu dịch vụ với bể bơi trong nhà, nhà hàng, quán cà phê; nâng cấp trạm y tế để có thể khám chữa bệnh theo yêu cầu; sắp tới sẽ xây tiếp siêu thị, nghĩa là mô hình của một KĐT thu nhỏ đã hình thành.

Dẫn tôi đi thăm căn hộ 50m2 chia làm 3 phòng (2 phòng ngủ, bếp và phòng khách dùng chung), anh Thiều Quang Hải, chủ căn hộ 308 nhà 5CT1, cho biết vợ chồng anh là một trong những người đầu tiên về ở tại khu này. Lấy nhau mấy năm nhưng vợ chồng phải đi thuê nhà suốt.

Năm 2008, khi công ty bán nhà giá rẻ, hai vợ chồng quyết định mua ngay bởi sau khi ký hợp đồng, anh chỉ phải trả 30% giá trị căn hộ, còn lại trả dần trong 13 năm. Hiện với mức thu nhập của hai vợ chồng là 6 triệu đồng/tháng, vợ chồng anh khá yên tâm khi trích 2,2 triệu đồng để trả nợ; số tiền này sẽ giảm dần. 

Trong câu chuyện, khi thấy tôi “lăn tăn” liệu nhà giá thấp như vậy thì chất lượng có đảm bảo không hay vài tháng sẽ lại ngấm dột, rơi cả tảng vữa xuống đầu chủ nhà, ông Huy cho biết có 3 lý do để công ty bán căn hộ với giá chưa tới 4.000.000đ/m2 mà vẫn có lãi: Thứ nhất, công ty đã áp dụng các công nghệ tiên tiến như công nghệ lắp dựng hệ khung bêtông dự ứng lực hiện đại, công nghệ cọc cừ dự ứng lực đúc sẵn không chỉ giúp giảm giá thành mà còn giảm cả thời gian thi công mà vẫn đảm bảo chất lượng.

Thứ hai, giá thành xây nhà chung cư không bao gồm giá hạ tầng xã hội đi kèm vì vậy sẽ thấp hơn ở nơi khác. Và thứ ba là có chiến lược kinh doanh (thực tế thì với giá nhà đất ở Xuân Mai và Vĩnh Yên thì giá bán căn hộ như vậy cũng không hề rẻ như quảng cáo).

3- Bao giờ người dân ở các đô thị, nhất là Hà Nội và TP HCM mới có thể mua được căn hộ có giá 200 - 300 triệu? Bởi để có nhà giá rẻ thì điều quan trọng nhất là phải có đất giá rẻ.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, sẽ có chính sách ưu đãi cho cả doanh nghiệp và người mua nhà. Doanh nghiệp sẽ được ưu đãi khi xây nhà giá thấp, đó là miễn tiền sử dụng đất, miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án nhà ở cho công nhân thuê và nhà ở giá thấp; thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi ở mức chưa bằng 50% so với các dự án khác. Bộ Xây dựng cũng quy định đối với các dự án nhà ở thương mại phải có 10% quỹ đất dành để xây dựng nhà giá thấp.

Giá bán nhà ở giá thấp do chủ đầu tư dự án xác định theo nguyên tắc bảo toàn vốn, giá bán nhà ở được tính đủ các chi phí đầu tư xây dựng nhà ở và cơ sở hạ tầng trong phạm vi dự án, kể cả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, lãi vay ngân hàng (nếu có) và 10% lợi nhuận định mức.

Sau nhiều năm phải đi thuê nhà ở, giờ đây đôi vợ chồng trẻ đã "an cư" trong "Tổ ấm 200 triệu".

Giá bán phải được cơ quan có chức năng thực hiện việc thẩm định giá và UBND cấp tỉnh phê duyệt đối với từng dự án. Khi mua nhà có thể trả góp ít nhất 10 năm với lãi suất ưu đãi và phải cam kết để ở.

Khi trả hết tiền, sẽ được cấp Giấy chứng nhận trong đó ghi rõ đây là loại nhà giá thấp và chỉ được chuyển nhượng sau 10 năm. Lúc đó, người bán nhà phải đóng thuế như nhà ở xã hội bình thường.

Còn nếu trong thời gian ít hơn 10 năm, nếu người sử dụng có nhu cầu chuyển công tác, nhu cầu cải thiện chỗ ở... cũng được bán nhưng phải bán cho Ban quản lý để bán lại cho người có thu nhập thấp khác.

Mới đây TP Hà Nội đã quyết định trong tháng 4/2009, sẽ khởi công xây dựng dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại KĐT mới Việt Hưng, quận Long Biên.

Theo thiết kế, công trình sẽ xây 6 tầng, không thang máy, sử dụng thiết bị nội thất và gạch trong nước để giảm giá thành xây dựng, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Diện tích sàn căn hộ khoảng từ 35-60m2, dành cho các gia đình trẻ, gia đình có 2 con và gia đình có 2 con đã trưởng thành.

Thời gian thu hồi vốn 30 năm, giá cho thuê dự kiến cho căn hộ với diện tích 35m2 là 607.000đ/tháng, 40-45m2 là 693.000đ-780.000đ/tháng, 60m2 khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng.

Cũng trong tháng 4 tới, 300 căn hộ nhà ở xã hội theo hình thức thuê mua, được khởi công tại KĐT mới Việt Hưng, diện tích 14.325m2, trong đó, diện tích sàn xây dựng 22.050m2.

Thời gian thu hồi vốn 20 năm, người dân nộp trước 20% thì giá thuê căn hộ thấp nhất là 643.700đ/tháng (căn 35m2); cao nhất 1.103.486đồng/tháng (căn 60m2). Sau 20 năm, khi người thuê mua đã nộp hết tiền sẽ thuộc sở hữu của họ. Nhưng khi không có nhu cầu ở nữa sẽ phải bán lại cho cơ quan quản lý nhà nước.

Theo quy định của UBND TP Hà Nội, đối tượng được thuê, thuê mua nhà ở xã hội là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao... chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng diện tích bình quân dưới 5m2/người, và có thu nhập bình quân dưới 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Nhưng, có nhiều ý kiến cho rằng quy định người có thu nhập dưới 1,5 triệu đồng/tháng được mua nhà ở giá thấp là không khả thi.

Bởi với căn hộ giá 300 triệu đồng, nếu trả trước 30% thì với 200 triệu còn lại được vay để trả dần, với lãi suất khoảng 1%/tháng, tức là người mua đã phải trả lãi khoảng 2 triệu đồng/tháng.

Đó là chưa kể với nhà giá thấp thì đương nhiên sẽ phải xây ở những nơi xa trung tâm. Khi đó một bài toán nan giải khác là giao thông sẽ khó có lời giải...

Xem ra câu chuyện nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn còn nhiều chuyện phải bàn...

Nguyễn Thiêm
.
.