Phản hồi sau loạt bài “Chuyện về những ngôi sao thể thao: Đắng lòng sau tấm huy chương”:

“Cần lập quỹ hỗ trợ VĐV nhưng phải chờ khi kinh tế khá hơn”

Thứ Sáu, 21/03/2014, 11:23

Đó là quan điểm của Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao (TD-TT) Vương Bích Thắng khi trao đổi với phóng viên Chuyện đề ANTG về chế độ, chính sách đãi ngộ với vận động viên hiện nay.
>> Võ sư Đoàn Đình Long: “Nếu được làm lại, tôi sẽ không huấn luyện thể thao đỉnh cao”

Phóng viên (PV): Có một thực tế hiện nay là chế độ cho các vận động viên rất thấp; sau khi nghỉ thi đấu cũng không có bất cứ chế độ gì hỗ trợ. Không những thế, với những vận động viên không may bị thương trong lúc thi đấu, tập luyện, thậm chí bị thương tật nặng như Lê Thị Huệ cũng chỉ được hưởng trợ cấp dành cho người bị tai nạn lao động mất 81% sức khỏe với mức 2,6 triệu đồng/ tháng. Sắp tới, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Tổng cục TD-TT có chính sách gì thêm cho những trường hợp này không, thưa ông?

Ông Vương Bích Thắng: Hiện nay, chế độ, chính sách đối với vận động viên đã được Chính phủ, các Bộ, ngành ban hành tương đối đầy đủ, bao gồm chế độ dinh dưỡng, tiền công, tiền thưởng, khám, chữa bệnh, điều trị chấn thương, tiền hỗ trợ khi thôi làm vận động viên, tiền tuất, v.v… Trừ chế độ dinh dưỡng và tiền thưởng, các chế độ trên cũng được áp dụng tương đương với người lao động ở các ngành nghề khác. Tôi hiểu các vận động viên và nhiều người hâm mộ thể thao mong muốn Nhà nước có các chính sách đãi ngộ cao hơn đối với vận động viên.

Bản thân tôi và những người làm công tác quản lý thể dục thể thao rất hiểu và thông cảm với các vận động viên và cũng mong muốn như vậy. Nhưng khi xây dựng chính sách thì các cơ quan nhà nước phải căn cứ trên các quy định chung, cân nhắc để chính sách vừa bảo đảm tính công bằng với các đối tượng khác nhau, vừa phải phù hợp với khả năng của Nhà nước. Vì vậy ngoài chế độ chung,  thường các liên đoàn, cơ quan quản lý vận động viên phải vận động thêm sự ủng hộ, giúp đỡ từ xã hội.

Với trường hợp vận động viên Lê Thị Huệ, hiện nay em được hưởng chế độ trợ cấp thương tật hàng tháng của nhà nước. Ngoài ra, từ khi Huệ bị chấn thương đến nay em cũng được ngành TD-TT, các cơ quan truyền thông, các doanh nghiệp, những người hảo tâm quan tâm tìm kiếm các nguồn tài trợ hỗ trợ thêm.

Tổng cục trưởng Tổng cục TD-TT Vương Bích Thắng.

PV: Là người phụ trách lĩnh vực này, ông có lo ngại nếu cứ duy trì chế độ đãi ngộ như hiện nay thì các gia đình sẽ không cho con em mình theo nghề thể thao nữa?

Ông Vương Bích Thắng: Chúng tôi rất lo. Thực tế hiện nay ở các thành phố tuyển vận động viên rất khó, có nhiều em rất có tài năng, nhưng gia đình không cho theo tập thể thao chuyên nghiệp, mà chỉ tập cho vui, cho khỏe thôi.

So với mặt bằng chung của xã hội thì thu nhập của hầu hết vận động viên thể thao hiện nay mới chỉ ở mức trung bình, thậm chí là trung bình thấp. Ngoài một số cầu thủ bóng đá nam, hay một số vận động viên nổi tiếng, có nhiều nhà tài trợ như Nguyễn Tiến Minh (cầu lông), Lê Quang Liêm (cờ vua), chỉ một số vận động viên xuất sắc thi đấu giành nhiều giải thưởng ở khu vực, châu lục và thế giới thì có tiền thưởng còn có điều kiện tích lũy được một khoản để lo cuộc sống sau này, còn lại phần đông vận động viên có thu nhập tương đối thấp.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chế độ mới cho các vận động viên xuất sắc, theo đó tiền công của họ được nâng lên gần gấp 3 so với hiện nay, khoảng 10 triệu đồng/tháng, nên các em  cũng yên tâm cống hiến hơn. 

Chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất có những chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào thể thao nhiều hơn, có như vậy thì thu nhập của vận động viên mới khá được, còn chỉ hoàn toàn dựa vào ngân sách Nhà nước để tăng thu nhập cho vận động viên thì cực kỳ khó khăn.

Đặc thù thể thao khác với các ngành. Nếu như văn hóa - nghệ thuật khi đã vào biên chế Nhà nước thì có thể  biểu diễn từ lúc trẻ cho đến khi về hưu và có cuộc sống ổn định. Nhưng trong thể thao, sự đào thải rất khắc nghiệt, có thể khi còn nhỏ thấy có năng khiếu,  nhưng tập một vài năm mà vận động viên không còn khả năng phát triển nữa thì buộc phải thay người khác, nghĩa là đào thải liên tục. Hay vận động viên đang tập mà bị chấn thương không thể thi đấu được nữa là phải chuyển sang nghề khác. Vì thế trong thể thao, chúng tôi không thể tuyển dụng tất cả vào biên chế như các ngành khác bởi số lượng lên tới hàng ngàn vận động viên và phải thay thế liên tục. Chỉ một vài vận động viên cực kỳ xuất sắc mới được tiếp nhận vào biên chế thôi.

Đối với các vận động viên khi thôi thi đấu thì có thể tiếp tục theo nghề thể thao bằng cách làm huấn luyện viên, hướng dẫn viên, nếu có điều kiện có thể mở câu lạc bộ hoặc học thêm để làm giáo viên TD-TT. Với các vận động viên Đội tuyển Quốc gia,  chúng tôi luôn tạo điều kiện cho các em vừa thi đấu vừa đi học Đại học TD-TT để sau này khi thôi thi đấu các em có  thể đi làm. Vì vậy, hiện có nhiều vận động viên Đội tuyển Quốc gia đang theo học Đại học TD-TT. 

Hiện nay, ở nhiều địa phương các đồng chí lãnh đạo rất quan tâm tới vận động viên, đặc biệt là các vận động viên xuất sắc. Nhưng trong điều kiện hiện nay tôi tin đa số các huấn luyện viên và vận động viên đều hiểu và đều nỗ lực tập luyện để giành thành tích cao, mang lại vinh dự cho địa phương và Tổ quốc. 

PV: Vận động viên luôn phải đối mặt với nguy cơ bị thương trong tập luyện và thi đấu, Tổng cục TD-TT có vận động các công ty bảo hiểm nhân thọ tài trợ bảo hiểm cho các vận động viên đỉnh cao không, thưa ông?

Ông Vương Bích Thắng: Chúng tôi có vận động các công ty bảo hiểm, nhưng hiện nay chủ yếu họ mới chỉ nhận tài trợ cho các vận động viên của đoàn thể thao Việt Nam khi tham gia các đại hội thể thao lớn như SEA Games, Asiad, Olympic. Có một số công ty bảo hiểm giúp đỡ đào tạo nghề cho các vận động viên và cam kết sau này khi giải nghệ, vận động viên có thể trở thành nhân viên của công ty. 

PV: Vậy để có thêm kinh phí hỗ trợ cho các vận động viên sau khi giải nghệ hoặc bị chấn thương phải chịu thương tật vĩnh viễn, Tổng cục TD-TT có tính tới việc vận động các doanh nghiệp, các Mạnh Thường Quân để xây dựng quỹ hỗ trợ vận động viên sau khi giải nghệ không, thưa ông?

Ông Vương Bích Thắng: Thực ra chúng tôi đã nhiều lần đặt ra vấn đề này rồi. Trước đây, khi bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp được trao cho Truyền hình An Viên (AVG), AVG đã lập Quỹ hỗ trợ vận động viên Việt Nam để tài trợ vật chất cho các vận động viên, huấn luyện viên có hoàn cảnh khó khăn, bị chấn thương trong khi tập luyện, thi đấu; anh Hoàng Vĩnh Giang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, là Phó chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ.

Quỹ này đã hỗ trợ cho mấy chục vận động viên bị chấn thương hoặc có hoàn cảnh khó khăn, mỗi người được vài chục triệu đồng, trong số đó có các vận động viên: Đỗ Thị Ngân Thương, Nguyễn Hà Thanh (thể dục dụng cụ), Lê Hồng Anh (Teakwondo), Kim Hồng, Kim Tiến, Minh Nguyệt (bóng đá nữ)… Nhưng sau khi chuyển lại bản quyền truyền hình bóng đá cho Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) thì không thấy quỹ hoạt động nữa.

Còn hiện nay để thành lập một cái quỹ thì rất khó khăn. Chúng tôi cũng tính việc vận động thành lập quỹ, nhưng với điều kiện kinh tế hiện nay thì rất khó. Chắc phải sau này, khi điều kiện kinh tế khá hơn thì mới thành lập được.    

PV: Cảm ơn ông về những điều vừa chia sẻ!

Nguyễn Thiêm (thực hiện)
.
.