Cân tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ: Vô vàn bất cập

Thứ Sáu, 22/08/2014, 20:35

Để chống tình trạng lái xe dừng đỗ ở đầu trạm cân chờ cơ hội vượt trạm, hàng ngày cùng với lực lượng điều hành trạm với biên chế mỗi ca 3 CSGT và 3 TTGT, Phòng CSGT Quảng Bình còn điều một tổ tuần lưu liên tục để xử lý tất cả các xe dừng đỗ bên đường ở hai đầu trạm cân...

Thanh tra giao thông "làm thay" việc của Cảnh sát giao thông

Không giống phần lớn trạm cân lưu động thường đặt ngay trên mặt đường, trạm cân lưu động tỉnh Nghệ An đặt tại Km 433+200 QL1 thuộc địa phận xã Diễn An- huyện Diễn Châu, nhưng ngoài đường chỉ có chốt của Thanh tra giao thông (TTGT) và Cảnh sát giao thông (CSGT), còn cân lại được đặt trong bãi đất trống nằm cách mặt đường vài chục mét.

Ông Hà Tiến Sơn, cán bộ TTGT cho biết khu đất này vốn là nơi tổ chức lễ hội đền Cuông. Nhưng từ khi triển khai trạm cân ở đây, tỉnh đã trưng dụng cái sân này để đặt trạm cân và cũng là nơi hạ tải.

Trong khi tại nhiều tỉnh, một ca trực, ngoài lực lượng TTGT làm nhiệm vụ vận hành trạm cân sẽ có một tổ 3 CSGT làm nhiệm vụ xử lý vi phạm, thậm chí nhiều tỉnh còn huy động cả Cảnh sát cơ động (CSCĐ) ra hỗ trợ. Như ở Hà Nam mỗi ca trực ngoài 4 TTGT, 1 đăng kiểm viên chuyên làm nhiệm vụ kiểm tra kích thước thùng xe, thường xuyên có từ 4 đến 6 CSGT và 5 CSCĐ được trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ cùng 1 xe chuyên dụng của CSGT trực.

Còn tại trạm cân tỉnh Nghệ An, ngoài chiếc xe chở cân lưu động, chỉ có một chiếc xe Mitsubishi Jolie của TTGT làm nhiệm vụ trực và truy đuổi những xe bỏ chạy; mỗi ca trực, ngoài 3 TTGT, chỉ có 1 CSGT và 1 Cảnh sát trật tự làm nhiệm vụ hỗ trợ TTGT, còn toàn bộ quy trình xử lý, lập biên bản vi phạm đều do TTGT thực hiện.

Chính vì lực lượng khá mỏng như vậy nên tại đây đã có tình trạng lái xe khi bị xử lý đã không hợp tác. Trưa 6/8, khi chúng tôi có mặt tại trạm cân, trong bãi có gần chục chiếc xe quá tải đang bị tạm giữ để chờ hạ tải. Chỉ 2 chiếc xe đầu kéo nằm ở góc bãi, một TTGT cho biết, 2 chiếc xe này bị phát hiện chở quá tải từ hôm 2/8, tuy nhiên sau khi đưa xe vào bãi, lái xe hai chiếc xe này đã bỏ đi mà không chịu cân xe.

11 giờ trưa 6/8, chúng tôi chứng kiến một tình huống rất nguy hiểm, phát hiện một chiếc xe có dấu hiệu bất thường, Trung tá Nguyễn Văn Danh, (cán bộ Phòng CSGT Nghệ An) bước vội ra giữa đường ra hiệu lệnh dừng xe nhưng chiếc xe tải BKS 76K-7904 vẫn không thèm dừng lại.

Sau khi bị đưa vào trạm cân Nghệ An, lái xe hai chiếc đầu kéo này đã khóa cửa bỏ lại xe.

Rất may, Trung tá Danh đã kịp xoay người tránh nếu không thì tai nạn đã xảy ra. Tổ trực đã phải dùng xe đuổi theo mới chặn được chiếc xe này. Khi chiếc xe được đưa về trạm cân, lái xe khai tên là Nguyễn Đức Vinh, quê ở Quảng Bình, đang chở cá thuê ra Hải Phòng.

Khi được yêu cầu cân xe, kết quả cho ra là xe quá tải 126,7%. Không đồng ý, Nguyễn Đức Vinh đã yêu cầu được cân lại thêm 2 lần nữa, và kết quả lần 2 quá tải là 118,7% và lần 3 là 129,4%. Với lý do kết quả cân mỗi lần có sự sai lệch, lái xe Nguyễn Đức Vinh nhất định không chịu ký vào biên bản vi phạm do TTGT lập trong khi mấy TTGT tỏ ra khá vất vả khi xử lý tình huống này. 

Sở dĩ Nghệ An bố trí lực lượng như vậy vì tháng 2/2014, Bộ GT-VT và UBND tỉnh Nghệ An ký quy chế phối hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Quy chế này đã quy định Thanh tra Sở GT-VT có nhiệm vụ lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với các trường hợp vi phạm.

Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký quyết định ban hành quy chế về tổ chức và hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động. Theo quyết định này, Trạm trưởng là người của Thanh tra Sở GT-VT. Lực lượng phối hợp điều động từ TTGT, CSGT và Kiểm soát quân sự thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Nhưng, điều đáng nói là việc bố trí lực lượng như vậy lại không đúng  với kế hoạch số 12593 giữa Bộ Công an và Bộ GT-VT ký ngày 21/11/2013 "phối hợp thực hiện việc tuần tra kiểm soát xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá trọng tải của ôtô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ".

Kế hoạch số 12593 đã hướng dẫn rất cụ thể, việc tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm được bố trí thành các tổ công tác; Tổ trưởng là chỉ huy cấp Đội hoặc Trạm CSGT, một Tổ phó là lãnh đạo cấp Đội của Thanh tra đường bộ.

Nhiệm vụ của CSGT là thực hiện hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra; lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính theo thẩm quyền…

Thanh tra đường bộ có nhiệm vụ chuẩn bị cân trọng tải, phương tiện để hạ tải; dẫn xe vào vị trí cân, trực tiếp vận hành cân tải trọng, xác định mức độ quá tải, thông báo cho CSGT lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định; dẫn xe vi phạm vào bãi hạ tải, cân kiểm tra lại sau khi phương tiện đã hạ tải…

Không chỉ ở Nghệ An mới có tình trạng TTGT "làm thay" việc của CSGT như vậy. Báo cáo của Bộ Công an sơ kết 6 tháng thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm chở hàng vượt quá trọng tải của xe ôtô đã chỉ ra một trong những tồn tại, khó khăn là trong quy chế giữa Bộ GT-VT và UBND hoặc một số địa phương, UBND tỉnh có văn bản giao cho TTGT lập biên bản, quyết định xử lý vi phạm. Trong khi theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 171/2013-NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thì TTGT, người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường bộ chỉ có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm giao thông tĩnh… nhiều hành vi vi phạm quy định trong Nghị định 171, TTGT không có thẩm quyền xử lý… Vì vậy đã làm hạn chế kết quả phối hợp liên ngành.

Cuối tháng 5/2014, sau cuộc họp kiểm điểm về kiểm soát tải trọng phương tiện giữa các đơn vị chức năng của Bộ GT-VT và Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Đình Thọ đã giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông chủ trì phối hợp Tổng cục Đường bộ, cơ quan tham mưu của các địa phương rà soát toàn bộ quy chế phối hợp trong công tác chỉ đạo điều hành hoạt động tại các Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đã ký giữa Bộ GT-VT với các địa phương để sửa đổi, bổ sung nội dung đảm bảo phù hợp thống nhất nội dung chỉ đạo thực hiện theo kế hoạch liên ngành số 12593. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những địa phương đang duy trì những quy định trái ngược.    

Duy trì trạm cân: thiếu cả người lẫn phương tiện

Sau hơn 4 tháng triển khai trạm cân tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ đã phát sinh nhiều khó khăn. Với mạng lưới giao thông đường bộ trên toàn quốc dài khoảng 260.000km, trong đó khoảng 17.000km quốc lộ, 42.000 km tỉnh lộ thì 63 trạm cân lưu động, 2 trạm cân cố định và cân xách tay do Công an và TTGT trang bị thêm cũng chưa đủ để kiểm soát tất cả các tuyến giao thông. Vì thế, dù các trạm cân có hoạt động 24/24 giờ/tuần thì cũng khó có thể kiểm soát, xử lý được hết xe quá tải; còn các lái xe thì vẫn tìm đủ mọi cách để né trạm, vượt trạm khi có cơ hội trong khi CSGT luôn phải huy động tối đa lực lượng ra đường tuần tra, xử lý. 

Dù đã được TTGT Nghệ An giải thích lỗi vi phạm nhưng lái xe vẫn không chịu ký biên bản.

Trung tá Bùi Quang Thanh, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Quảng Bình cho biết dù Quốc lộ 1 đi qua Quảng Bình tới cả trăm kilômét nhưng chỉ chọn được duy nhất một điểm ở phía bắc cầu Gianh tại Km 624+800 thuộc địa phận phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn để đặt trạm cân, bởi toàn tuyến Quốc lộ 1 qua tỉnh đều đang trong thời gian thi công nâng cấp, mở rộng, chỗ nào cũng đào bới, bụi mù mịt. Mà để "giữ" được địa điểm này đặt trạm cân, Phòng CSGT cũng phải làm văn bản gửi chủ đầu tư và nhà thầu đề nghị tạm thời chưa thi công, khi nào xong chỗ khác thì trạm di chuyển đến chỗ mới để trả mặt bằng.

Để chống tình trạng lái xe dừng đỗ ở đầu trạm cân chờ cơ hội vượt trạm, hàng ngày cùng với lực lượng điều hành trạm với biên chế mỗi ca 3 CSGT và 3 TTGT, Phòng CSGT Quảng Bình còn điều một tổ tuần lưu liên tục để xử lý tất cả các xe dừng đỗ bên đường ở hai đầu trạm cân.

Do địa điểm đặt trạm cân lưu động cách khá xa trung tâm nên việc sinh hoạt của lực lượng điều hành trạm khá vất vả. Giữa nơi "đồng không mông quạnh", dưới cái nắng gay gắt của miền Trung, nhưng cả trạm chỉ có một cái dù; may mà có mấy cái cây to nên còn có chỗ trú nắng. Một cán bộ phòng CSGT nói vui "trong khi các tỉnh đều kêu cân bị hỏng vì trời mưa thì Quảng Bình lại không bị lỗi ấy vì suốt mấy tháng nay, từ khi đưa trạm cân ra đường tới giờ ở đây chưa có cơn mưa nào".        

Không đưa trạm cân ra đường Quốc lộ 1, tỉnh Hà Nam lại chọn cách đặt trạm cân lưu động ngay đường vào mỏ đá Kiện Khê, nơi cung cấp phần lớn vật liệu xây dựng, ngoài ra còn bố trí 6 tổ kiểm tra khác dùng cân xách tay ở Quốc lộ 38, Quốc lộ 37B các đường tỉnh có lưu lượng xe lớn.

Gặp chúng tôi khi đi kiểm tra tại trạm cân lưu động đặt trên đường tỉnh 494 ngay trước mỏ đá Kiện Khê, Phó giám đốc Sở GT-VT tỉnh Hà Nam Khổng Bình Nguyên than thở, TTGT đang hết người vì phần lớn quân đã đưa ra trạm cân, thậm chí Sở GT-VT đã phải tăng cường thêm 8 người ở các bộ phận khác ra tham gia trạm cân. Với cường độ trực 24/7 như hiện nay thì phải cần thêm 10 người nữa mới đủ để xử lý các công việc khác. Sở đã xin thêm biên chế cho TTGT nhưng không được.  

Cũng như TTGT, Phòng CSGT Hà Nam cũng đã huy động tối đa lực lượng cho các trạm cân. Chỉ riêng trạm cân lưu động này mỗi ca trực thường xuyên có 4 - 6 CSGT, thậm chí có giai đoạn 1 ca trực tới 10 CSGT.

Nhưng, theo Đại tá Trần Trọng Đạo, Trưởng phòng CSGT Hà Nam, ngoài cái khó thiếu người thì một cái khó nữa là đang rất thiếu địa điểm và phương tiện để hạ tải và cả CSGT và TTGT hiện đều không có phương tiện để bốc dỡ hàng quá tải hay kéo xe vi phạm. Trung tá Bùi Quang Thanh, Trưởng phòng CSGT Quảng Bình cũng cho biết, cái khó nhất hiện nay ở Quảng Bình là không có nơi hạ tải.

Một thanh tra viên tại trạm cân lưu động Nghệ An cho biết, do không có phương tiện bốc dỡ nên rất khó khăn khi phải hạ tải. Không những thế, do hầu hết các tuyến đường ở Nghệ An chưa có thông báo của Bộ GT-VT về tải trọng đường nên hiện mới chỉ xử lý lỗi vi phạm chở quá tải trọng của xe, chưa xử lý được lỗi quá tải trọng đường.

Theo Đại tá Trần Trọng Đạo, một cái khó nữa là hiện đang tồn tại hai loại xe tải. Nếu trước khi có Thông tư 32/2012 quy định về kích thước giới hạn thùng hàng ôtô tải tự đổ, rơ mooc và sơmi rơ mooc tham gia giao thông đường bộ đã có một lượng lớn xe tải nhập khẩu từ Trung Quốc có thành thùng cao từ 1,5 - 1,8m được chấp nhận đăng kiểm.

Sau khi Thông tư 32 có hiệu lực, thành thùng chỉ còn được cao 60cm - 80cm. Vì vậy đã có thời gian chủ những chiếc xe này nối thành thùng để chở được nhiều. Từ khi siết xe quá tải, phần lớn những xe nối thành thùng đã phải cắt bỏ phần cơi nới. Tuy nhiên, với những xe đã đăng ký trước khi có Thông tư 32 thì vẫn vô tư chở với thùng xe cao ngất ngưởng. Thực tế này đã gây kiến nghị, thắc mắc giữa các doanh nghiệp vận tải.

Vì vậy, Đại tá Trần Trọng Đạo cho rằng cùng với việc sớm sửa đổi những quy định không phù hợp thực tế về nhập khẩu, đăng kiểm xe, để chống tận gốc xe quá tải ngành giao thông cần tăng cường kiểm tra tại kho, cảng, ga đường sắt, mỏ vật liệu, quản lý chặt chẽ, bảo đảm đúng trọng tải từ nơi xuất hàng.

Mới đây, tại cuộc họp xử lý tình trạng tiêu cực tại các trạm cân và hiện tượng "xã hội đen" thao túng, bảo kê hoạt động xe quá tải, quá khổ trên một số tuyến đường bộ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Công an chỉ đạo lực lượng CSGT phối hợp với các lực lượng chức năng và các địa phương có phương án phối hợp, kịp thời ngăn chặn tình trạng "môi giới dẫn xe" trốn tránh việc kiểm tra tải trọng xe; chỉ đạo lập kế hoạch cụ thể phòng chống tiêu cực tại các trạm cân kiểm tra tải trọng xe; xử lý nghiêm hành vi móc ngoặc, hối lộ để dẫn xe vượt hoặc né tránh trạm kiểm tra, các đối tượng có hành vi chống đối, phá hoại trạm kiểm tra tải trọng xe; không để tình trạng "cò mồi", "xã hội đen" bảo kê hoặc đe dọa sự an toàn tại các trạm cân; phối hợp với các đơn vị liên quan lập các đội kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm đối với xe ôtô chở hàng quá trọng tải, kiên quyết xử lý theo pháp luật đối với các đơn vị, cá nhân vi phạm.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GT-VT phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động đối với các trạm kiểm tra tải trọng phương tiện; tăng cường kiểm tra việc chấp hành xếp hàng hóa đúng quy định tại kho, cảng, ga đường sắt, mỏ vật liệu, quản lý chặt chẽ việc xếp hàng hóa lên xe ô tô ngay tại gốc, bảo đảm đúng trọng tải mới cho xuất phát.

Nguyễn Thiêm
.
.