Cẩn thận với cách làm đẹp: Lấy máu mình tiêm cho mình

Thứ Năm, 17/04/2014, 12:30

Gần đây, một số quý bà, quý cô mê làm đẹp đồn nhau về một phương pháp: Đó là lấy máu của chính mình tiêm cho mình. Theo lời họ, mặt đang rỗ hoa rỗ mè, tiêm xong ít bữa trở nên láng như đùi ếch. Mặt nám đen thui, tiêm xong trắng như trứng gà bóc. Chưa hết, họ còn khẳng định rằng cô diễn viên này, cô người mẫu kia nhờ tiêm máu nên ngày càng đẹp như tiên, nghe cứ ngỡ như chuyện thần thoại…

1. Sáng thứ bảy, thuyết phục mãi chị tôi mới đồng ý đi cùng tôi đến Viện Thẩm mỹ quốc tế D. nằm ở quận 1, TP HCM. Tiếp chúng tôi là một nữ nhân viên xinh như mộng, đon đả cúi chào rồi hỏi chị tôi cần gì. Tới chừng biết chị tôi đang muốn tân trang lại khuôn mặt đã tàn phai nhan sắc thì cô lập tức chào hàng: "Có nhiều cách, chẳng hạn như căng da mặt, dùng tia laser để kích thích sản sinh collagen nhưng phương pháp hiện đại nhất là tiêm huyết tương giàu tiểu cầu".

Rồi cô giải thích: "Đây là công nghệ thẩm mỹ mới, đã được các thẩm mỹ viện ở Hàn Quốc, Singapore áp dụng. Hiệu quả 100%". Tôi hỏi thực hiện như thế nào thì cô đáp: "Bác sĩ sẽ lấy của chị khoảng 20cc máu, sau đó cho vào máy ly tâm để tách hồng cầu và bạch cầu. Phần còn lại là huyết tương chứa rất nhiều tiểu cầu sẽ được tiêm vào các vùng da nhăn trên mặt chị. Ở đây tụi em đã làm cho nhiều người rồi. Làm xong người nào da cũng căng mọng, trẻ hơn 5-7 tuổi".

Tôi hỏi tiếp, rằng tiêm như thế có biến chứng gì không, và phải tiêm bao nhiêu lần, mỗi lần bao nhiêu tiền? Cô nhân viên đáp: "Không hề có biến chứng gì hết vì mình lấy máu của chính mình tiêm cho mình mà", rồi cô quay sang chị tôi: "Da mặt chị nhăn nheo thế này thì cần tiêm mấy lần, hết bao nhiêu tiền, chị vui lòng ngồi chơi một lát, đợi bác sĩ tới, bác sĩ sẽ giải đáp cho chị biết".

Trong khi chờ đợi bác sĩ, chúng tôi xin phép cô nhân viên đi công việc, chút nữa sẽ quay lại rồi phóng xe qua Bệnh viện (BV) Thẩm mỹ E. Ở đây, nhân viên tiếp tân khi biết chị tôi muốn làm đẹp bằng cách "tiêm huyết tương giàu tiểu cầu" thì ngay lập tức, họ hết lời tán dương phương pháp thẩm mỹ tân kỳ và mới mẻ này, nào là: "Phòng chống quá trình lão hóa da, làm trắng sáng làn da một cách tự nhiên. Đẩy lùi mảng nám chỉ sau vài lần điều trị. Làm mờ các nếp nhăn, da căng mịn và trắng sáng toàn diện, se khít chân lông. Trị sẹo rỗ, làm đầy tổ chức. Các nhân tố tăng trưởng có trong tiểu cầu sẽ kích thích tế bào da mới tăng trưởng liên tục nên  hiệu quả điều trị rất cao"…

Vẫn theo lời họ, thì  "quá trình thực hiện đơn giản, an toàn, không cần phẫu thuật. Sử dụng tế bào và hoạt chất của chính cơ thể để điều trị nên không gây dị ứng và tác dụng phụ. Làm trẻ da và sửa chữa hư hại da mà hoàn toàn không sử dụng bất cứ một chất bảo quản hay hoạt chất bên ngoài nào. Giải quyết được nhiều vấn đề trong cùng một liệu trình…".

Với những lời quảng cáo "có cánh" như thế, chả trách gì ở dãy ghế dành cho khách hàng, đã có 4 bà sồn sồn ngồi chờ tới lượt mình vào tiêm. Tôi hỏi một bà, rằng giá tiêm một lần là bao nhiêu? Bà đáp: "Nghe nói khoảng 8 triệu". Tôi hỏi tiếp: "Chị đã thấy ai tiêm xong rồi trẻ ra chưa?". Bà lắc đầu: "Chưa! Nhưng tui đọc báo thấy nói cô người mẫu Phi Thanh Vân da mặt đẹp hẳn lên, trẻ ra cả chục tuổi nhờ tiêm cái này nên tui đi tiêm thử chứ chẳng lẽ nhà báo bịa chuyện".

Không riêng gì Viện Thẩm mỹ quốc tế D, BV Thẩm mỹ E mà hầu hết các cơ sở làm đẹp tôi tìm đến - kể cả một số dịch vụ spa - cũng đều nhận thực hiện phương pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu vì nó được xem như một "bảo bối" để thu hút khách.

Tại BV Thẩm mỹ A, cũng ở quận 1, cô nhân viên khi nhìn thấy cái trán đã bắt đầu hói của tôi, cô nói: "Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu sẽ giúp anh hết rụng tóc. Sau khi tiêm, mỗi ngày tóc sẽ mọc 0,123mm thay vì chỉ 0,062mm như trước khi tiêm". Chưa hết, trên trang web của BV thẩm mỹ này, còn viết rằng: "…Lấy máu của bạn, đưa qua máy quay ly tâm lọc tạp chất và tập trung tiểu cầu…".

Đem chuyện "lọc tạp chất" hỏi bác sĩ Huỳnh, giảng viên Bộ môn Huyết học, Đại học Y Dược TP HCM, anh cười: "Tạp chất đó là tạp chất gì? Không lẽ hồng cầu, bạch cầu cũng là “tạp chất” ư?”. Ở dịch vụ spa B tại quận Phú Nhuận, một nhân viên - không rõ là kỹ thuật viên hay tiếp tân cho tôi biết, để hết hói vĩnh viễn, tôi phải tiêm huyết tương giàu tiểu cầu 3 lần, mỗi lần cách nhau 2 tuần. Và do cơ thể mỗi ngày mỗi lão hóa nên 6 tháng hoặc 1 năm sau, lại phải tiêm duy trì.

Tôi hỏi: "Nếu cứ phải tiêm như vậy thì sao nói là hết hói vĩnh viễn?". Cô này đáp: "Thì già đi nên mới cần tiêm bổ sung để tóc anh không bị rụng". Bác sĩ Tâm, Giám đốc một công ty kinh doanh vật tư, thiết bị y tế ở TP HCM cho tôi biết, thời gian gần đây, số lượng đơn hàng đặt mua máy ly tâm của công ty anh bỗng dưng tăng vọt, đại đa số là các cơ sở tư nhân. Có nơi còn đề nghị mua máy ly tâm xuất xứ từ Trung Quốc cho rẻ.

2. Liệu pháp tiêm "huyết tương giàu tiểu cầu", tiếng Anh gọi là "platelet rich plasma", viết tắt là PRP đã được một số bác sĩ Mỹ thực hiện từ giữa năm 90 thế kỷ trước để hỗ trợ xương sau chấn thương cột sống và phục hồi mô mềm sau phẫu thuật. Nó được áp dụng đại trà kể từ năm 2008 nhưng chỉ được dùng để điều trị các bệnh lý như chấn thương gân, viêm dây chằng mãn tính, chấn thương cột sống hoặc viêm khớp gối, thoái hóa khớp gối, còn sử dụng nó để làm đẹp thì không thấy một tài liệu chính thống nào nhắc đến.

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Thể thao Mỹ, 2 năm sau khi tiêm PRP, hơn 90% bệnh nhân bị chấn thương thấy giảm đau rõ rệt.

Huyết tương giàu tiểu cầu sau khi ly tâm, phần nằm dưới là hồng cầu, bạch cầu.

Tiến sĩ Lyndsey, Viện Nghiên cứu tế bào gốc, Đại học John Hopkins, nói rằng: "Chúng tôi có cơ sở để tin rằng ứng dụng PRP vào việc làm đẹp có thể có những tác dụng ngược. Một phụ nữ bị ung thư vú giai đoạn khởi phát chẳng hạn - nhưng họ chưa đi tầm soát và chưa phát hiện ra thì việc tiêm PRP có thể dẫn đến sự phát triển tế bào ung thư bởi lẽ huyết tương giàu tiểu cầu có đặc tính là làm gia tăng tế bào mới ở những vùng được tiêm vào".

Vẫn theo Tiến sĩ Lyndsey, khi tiểu cầu được hoạt hóa, nó sẽ ly giải các hạt alpha, giải phóng nhiều yếu tố tăng trưởng như PDGF (thúc đẩy tăng trưởng mạch máu, phân chia tế bào, hình thành da), TGF b (tăng trưởng beta thúc đẩy phân bào gián phân, chuyển hóa xương), VEG (tăng trưởng nội mạc mạch máu, thúc đẩy hình thành mạch máu), EGF  (tăng trưởng biểu bì, thúc đẩy tăng trưởng tế bào và hình thành collagen), FGF (tăng trưởng nguyên bào sợi, thúc đẩy tăng trưởng các tế bào biệt hóa và hình thành mạch máu), IGF (tăng trưởng giống insullin). Một số bác sĩ đặt ra câu hỏi: "Việc tiêm PRP có làm tăng sinh tế bào quá mức không, và việc tăng sinh ấy liệu có dẫn đến đột biến khiến tế bào lành trở thành tế bào ác hay không?" nhưng lời giải cho câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ.

Trong thành phần máu người, gồm huyết tương và các tế bào máu như hồng cầu (chiếm 93%), bạch cầu (chiếm 1%)  và tiểu cầu (chiếm  6%). Sau khi tách huyết tương bằng phương pháp ly tâm với tốc độ quay 3.500 vòng/phút, thành phần tiểu cầu trong huyết tương sẽ gấp từ 3 đến 7 lần so với bình thường. Để thực hiện phương pháp PRP, tất cả các cơ sở làm đẹp ở TP HCM đều sử dụng bơm tiêm - có nơi quảng cáo là "bơm tiêm có laser dẫn đường", tiêm vài chục mũi - mỗi mũi là một lượng rất nhỏ PRP vào vùng da cần làm đẹp.

Tuy nhiên, khi tôi hỏi mấy bà mà tôi gặp ở một số thẩm mỹ viện, rằng họ có được tư vấn gì về bệnh lý bản thân trước khi tiêm hay không thì tất cả đều trả lời rất mơ hồ, rằng nếu bị… ung thư thì không được tiêm, trong lúc danh sách chống chỉ định tiêm PRP có rất nhiều, chẳng hạn như đang mắc các bệnh về tiểu cầu, các bệnh về rối loạn đông máu hoặc đang uống thuốc chống đông máu, bệnh rối loạn chuyển hóa, bệnh về gan…

Theo tạp chí Cosmetic Surgery - là một trong những tạp chí chuyên về phẫu thuật thẩm mỹ uy tín nhất thế giới, thì việc tiêm PRP để làm đẹp sẽ gây ra những hệ quả như đau và sưng ở vùng tiêm, nhiễm trùng nếu dụng cụ không được vô khuẩn tuyệt đối, có thể sốc phản vệ - tuy rất hiếm - mặc dù PRP được lấy từ chính bản thân người ấy. Nếu quá trình trích hút huyết tương giàu tiểu cầu mà hút lẫn hồng cầu thì những hồng cầu này dễ kết lại thành cục máu đông, hoặc trong quá trình tiêm, kim tiêm làm tổn thương mạch máu lớn dẫn đến sự hình thành cục máu đông. Nếu cục máu đông di chuyển lên não, nó sẽ gây nhồi máu não - là tai biến rất nặng, có thể tử vong hoặc di chứng liệt suốt đời. Di chuyển xuống ruột, nó gây nhồi máu mạc treo mà nếu không mổ cấp cứu kịp thời, cũng dễ dẫn đến tử vong, di chuyển xuống chân, nó gây viêm tắc tĩnh mạch chi dưới…

3. Cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu khoa học chính thống nào công bố phương pháp "làm đẹp bằng huyết tương giàu tiểu cầu". Theo Viện Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình Mỹ (American Academy of Orthopaedic Surgery - AAOS), thì phương pháp PRP mới chỉ được dùng để điều trị chấn thương gân, chấn thương cột sống, viêm dây chằng mãn tính hoặc viêm khớp gối, thoái hóa khớp gối.

Tại TP HCM, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc BV 115 cho biết: BV 115 và BV Vạn Hạnh TP HCM đã được Bộ Y tế cho phép thực hiện đề tài nghiên cứu "Thử nghiệm điều trị bệnh thoái hóa khớp gối bằng ghép tự thân tế bào gốc từ mô mỡ và huyết tương giàu tiểu cầu".

Theo bác sĩ Phú, tế bào gốc trưởng thành thu nhận từ mô có nguồn gốc từ lớp trung bì như: máu cuống rốn, tủy xương, da, cơ vân và mô mỡ. Trong đó, mô mỡ ở vùng bụng là nguồn cung cấp phong phú các tế bào gốc đa năng và dễ thực hiện. Trong đề tài nghiên cứu này, các bác sĩ sẽ lấy mỡ ở vùng bụng và huyết tương giàu tiểu cầu của chính bệnh nhân để điều trị bệnh thoái hóa khớp gối độ 2, độ 3. Cách làm là sẽ hút khoảng 100cc mỡ bụng của bệnh nhân, sau đó đem ly tâm và xử lý rửa tế bào để chiết xuất ra tế bào gốc từ mô mỡ. Đồng thời bệnh nhân được rút khoảng 25cc máu, quay ly tâm rồi chiết xuất huyết tương giàu tiểu cầu. Tiếp theo, hỗn hợp tế bào gốc từ mô mỡ và huyết tương giàu tiểu cầu được trộn lẫn để tiêm vào khớp gối của bệnh nhân.

Đây là một công trình nghiên cứu mà mục đích là đánh giá kết quả sự tái tạo mô sụn trên các bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối nhằm mở ra một xu hướng mới trong điều trị. Sau khi theo dõi sự tái tạo mô sụn của bệnh nhân diễn ra như thế nào, nhóm nghiên cứu sẽ báo cáo kết quả cho Bộ Y tế và Hội đồng khoa học. Từ đó, Bộ Y tế mới quyết định cho phép ứng dụng trong điều trị thoái hóa khớp gối.

Như thế, ở nước ta, có thể thấy huyết tương giàu tiểu cầu chỉ được ứng dụng vào việc chữa bệnh, còn dùng PRP vào việc làm đẹp như trẻ hóa da mặt, chữa hói đầu, trị sẹo rỗ, làm mờ các vết nhăn, vết nám… thì chúng tôi không tìm thấy bất kỳ một văn bản nào của ngành y tế công nhận và cho phép thực hiện kỹ thuật này.

Trả lời một tờ báo về việc các thẩm mỹ viện sử dụng PRP để làm đẹp, Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Minh Trạng, Chánh thanh tra Sở Y tế TP HCM cho biết, tất cả kỹ thuật này đều chưa được phép thực hiện, các cơ sở thực hiện kỹ thuật này đã vi phạm Luật Khám chữa bệnh, hành nghề chữa bệnh mà không có giấy phép: "Những kỹ thuật như lấy máu từ khách hàng, sau đó bơm ngược lại cho khách hàng có nhiều nguy cơ tiềm ẩn như nhiễm trùng, phản ứng dị ứng, mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập..."

Vũ Cao
.
.