Cảnh báo nguy cơ bùng phát cúm gia cầm

Thứ Năm, 20/02/2014, 11:55

Ngày 6/2/2014, Bộ Y tế có công điện 441/CĐ - BYT gửi các Tỉnh, Thành phố về việc đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống và sẵn sàng ứng phó dịch bệnh do cúm A (H7N9) và các chủng virus cúm từ gia cầm lây sang người.

Ngày 5/2/2014, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế xác nhận ca tử vong thứ hai do virus cúm gia cầm H5N1 trong năm 2014. Một bệnh nhân nữ 60 tuổi ở huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp bị sốt từ ngày 22/1/2014, đến ngày 27/1 bệnh nhân khó thở phải nhập Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh An Giang. Tình trạng tiến triển xấu nhanh chóng nên bệnh nhân tử vong ngày 28/1/2014.

Xét nghiệm mẫu máu của bệnh nhân tại Viện Pasteur TP HCM ngày 29/1 cho thấy kết quả dương tính với cúm A/H5N1. Trước đó, bệnh nhân đã mổ vịt chết không rõ nguyên nhân. Khu vực cư trú của gia đình bà có gà, vịt bị ốm, chết.

Trước đó, ngày 20/1, Cục Y tế dự phòng thông báo về một bệnh  nhân nam, 52 tuổi, ở thôn 2, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước nhiễm bệnh và chết do cúm A/H5N1. Từ ngày 11/1, người bệnh xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, được đưa đến khám, điều trị tại BV đa khoa Bù Đăng, với chẩn đoán viêm phổi do virus và được chuyển lên BV Đa khoa Bình Phước. Tuy nhiên, tổn thương phổi tăng rất nhanh, nên ngày 18/1, gia đình xin chuyển lên BV Nhiệt đới TP HCM, nhưng người bệnh chết ngay trong ngày.

Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm do Viện Pasteur TP HCM thực hiện dương tính với cúm A/H5N1. Điều tra dịch tễ cho thấy, gia đình người bệnh có giết mổ, ăn thịt vịt; gia đình người bệnh và khu vực chung quanh có hiện tượng gà ốm, chết không rõ nguyên nhân.

Đây là hai ca nhiễm cúm A/H5N1 tử vong đầu tiên trong năm 2014, sau 9 tháng không có ca bệnh nào bị nhiễm virus loại này ở nước ta. Công điện của Bộ Y tế nhấn mạnh dịch bệnh cúm lây truyền từ gia cầm sang người ở Trung Quốc diễn biến phức tạp, gia tăng đột biến, có nguy cơ rất lớn xâm nhập vào nước ta, đồng thời dịch cúm A/H5N1 có nguy cơ bùng phát trở lại; yêu cầu các địa phương đẩy mạnh hoạt động phòng, chống và sẵn sàng ứng phó dịch bệnh do cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm gia cầm lây sang người.

Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tăng cường giám sát dịch bệnh cúm A/H7N9, cúm A/H10N8, cúm A/H6N1 và cúm A/H5N1 ở các cửa khẩu và tại cộng đồng, mở rộng việc thu thập các mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp viêm phổi nặng nghi do virus tại các bệnh viện, đặc biệt các trường hợp đã ở khu vực có dịch hoặc tiếp xúc với gia cầm; nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ, tổ chức điều trị, cách ly sớm, cấp cứu kịp thời không để xảy ra tử vong và triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan rộng, kéo dài. Chủ động theo dõi sự biến chủng của virus cúm gia cầm lây bệnh sang người.

Đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống các chủng virus cúm lây truyền từ gia cầm sang người đặc biệt là cúm A/H7N9, cúm A/H10N8, cúm A/H6N1 và cúm A/H5N1, trong đó lưu ý tới các đối tượng là khách du lịch đã đến những vùng có ổ dịch; về nguy cơ mắc bệnh, các biện pháp phòng tránh; khuyến cáo mạnh mẽ người dân không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc; không ăn tiết canh và sử dụng các sản phẩm chưa được chế biến hợp vệ sinh. Điều tra ngăn chặn và bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới; xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt là các chợ đầu mối. Tổ chức tốt việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng định kỳ tại các chợ bán gia cầm sống theo hướng dẫn của ngành thú y, nhằm hạn chế tối đa sự phát tán của các chủng virus cúm gia cầm trong môi trường có thể lây sang người.

Các đơn vị ngành y tế phải báo cáo nghiêm túc tình hình dịch bệnh về Bộ Y tế theo quy định, đặc biệt là các dịch bệnh do các chủng virus cúm lây truyền từ gia cầm sang người nhằm triển khai sớm, đồng bộ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, không để xảy ra tử vong, xử lý dứt điểm ổ dịch ngay từ ca bệnh đầu tiên.

Tiêu hủy gà nhiễm virus cúm H7N9 ở Hồng Công.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch bệnh cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đang diễn biến hết sức phức tạp và tăng mạnh so với năm 2013. Chỉ trong hơn một tháng đầu năm 2014, đã có 151 trường hợp mắc bệnh, trong đó 16 ca tử vong, nhiều hơn cả năm 2013. Kể từ tháng 3/2013, phát hiện bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus H7N9 ở Trung Quốc cho đến cuối tháng 6/2013, khi công bố đã kiểm soát được dịch cúm A/H7N9, nước này đã có 131 trường hợp nhiễm bệnh trên diện rộng là các tỉnh, thành phố như Giang Tây, Chiết Giang, Thượng Hải, Quảng Đông, Phúc Kiến, Giang Tô, An Huy và Bắc Kinh với 37 người tử vong.

Từ tháng 5/2013, khi có 19 ca tử vong do virus H7N9 ở Trung Quốc, WHO đã cảnh báo nguy cơ trở thành đại dịch bởi loại virus cúm này! Giới chức y tế Trung Quốc khuyến cáo virus loại này dễ tấn công người cao tuổi và cho rằng được lây lan từ gà sang người, cho đến nay chưa xác định được trường hợp nào lây lan virus từ người sang người. Căn cứ một số mẫu gia cầm đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus H7N9, Trung Quốc đã tiêu hủy nhiều gia cầm và đóng cửa nhiều chợ bán gà vịt sống ở các địa phương nói trên.

Đến ngày 6/2/2014, WHO lại yêu cầu Trung Quốc theo dõi sát một chủng virus cúm gia cầm mới có tên H10N8, do lo ngại chủng này có thể lây trực tiếp từ gia cầm sang người. Chính quyền Trung Quốc đã xác nhận 2 trường hợp mắc cúm A/H10N8 tại Giang Tây và cả hai trường hợp này đều tiếp xúc với gia cầm. Trong đó, một cụ già 73 tuổi đã qua đời ngày 6/12/2013, bệnh nhân này nhập viện ngày 30/11/2013 với chẩn đoán viêm phổi nặng. Hiện tại, thân nhân của người bệnh chưa thấy biểu hiện nhiễm bệnh.

Virus H10N8 chưa từng được phát hiện ở người và không giống hai chủng virus cúm gia cầm H5N1, H7N9. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế địa phương thì loại virus mới phát hiện này khó có khả năng lây truyền giữa người với người nên khuyên người dân không nên hoảng sợ. Đại diện của WHO tại Trung Quốc nhấn mạnh, virus cúm thường biến đổi và thay đổi cách truyền nhiễm nên khả năng lây từ người sang người là có thể. Nếu điều đó xảy ra thì khả năng lây lan sẽ rất lớn do Trung Quốc là một quốc gia đông dân nhất thế giới, khi hàng triệu người cùng đi tàu hỏa hay máy bay trong dịp lễ tết này.

Theo thống kê mới nhất của WHO, tính từ tháng 3/2013 đến nay, Trung Quốc đã có 298 ca mắc bệnh cúm gia cầm, với 63/298 ca tử vong (trong đó có một bác sĩ làm việc ở Thượng Hải); phần lớn các trường hợp mắc bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm.--PageBreak--

Ca tử vong đầu tiên do cúm gia cầm ở Canada năm 2014 là một người vừa từ Bắc Kinh, Trung Quốc trở về. Trước khi đi người này hoàn toàn khỏe mạnh. Trên chuyến bay về nước ngày 27/12/2013, nạn nhân thấy mệt mỏi, đau đầu và sốt. Ngày 1/1/2014, bệnh tình trở nên trầm trọng, bệnh nhân phải nhập viện và nhanh chóng hôn mê rồi tử vong ngày 3/1/2014. Xét nghiệm mẫu máu khẳng định được người này nhiễm virus H5N1.

Được biết, bệnh nhân cùng đi Trung Quốc với 2 người khác và hiện chưa thấy 2 người này bị bệnh sau khi được theo dõi trong 10 ngày. Canada đã thông báo trường hợp này cho Trung Quốc và WHO, nhưng cũng nói thêm rằng họ không rõ nơi nào và bằng cách nào nạn nhân bị lây bệnh. Canada cho biết nạn nhân không đi đến vùng nào khác ngoài Bắc Kinh và cũng không đi đến bất kỳ nông trại hay khu chợ nào. Bắc Kinh hiện được cho là nơi có dịch cúm gia cầm. Những công bố của các nhà chuyên môn đôi khi không thống nhất, nhưng quan điểm cho rằng virus H7N9 lây từ gia cầm sang người được nhiều nhà khoa học ủng hộ.

Gần đây nhất, ngày 11/9/2013 các nhà khoa học Trung Quốc công bố đã xác lập được căn cứ H7N9 truyền từ gia cầm sang người nhưng cho rằng chất nhầy ở đường thở của người có tác dụng ngăn cản virus này rất mạnh. Ông Keiji Fukuda, Phó giám đốc An ninh Y tế của WHO thì nói rằng vào thời điểm này vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy virus H7N9 có thể lây lan một cách dễ dàng từ người này sang người khác, mặc dù WHO cho biết 40% người nhiễm H7N9 không tiếp xúc với gia cầm. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng virus cúm nói chung chủ yếu lây lan qua đường hô hấp.

Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc (CAAS) công bố phát hiện virus cúm H7N9 là sự kết hợp gene của các virus khác nhau. Mặt khác, hiện nay chưa có loại thuốc kháng sinh nào diệt được virus. Thuốc Tamiflu hiện đang được coi là hiệu quả nhất chỉ có tác dụng ức chế - làm mất tác dụng - chất gây bệnh của virus, không diệt được chúng và là hướng điều trị duy nhất hiện nay.

Thế nhưng, các nhà khoa học ở Thượng Hải và Hồng Kông cho biết, 3 trong số 14 bệnh nhân nhiễm virus cúm A/H7N9 đã không có hiệu quả điều trị khi dùng thuốc này. Vì vậy chỉ còn cách duy nhất là chủ động phòng chống và hạn chế sự lây lan giữa gia cầm với gia cầm, giữa gia cầm với người, giữa người với người, giữa các loại động vật khác với người vì ngoài gia cầm các loại virus cúm còn cư trú ở loài dơi, chim, mèo, chó, heo, chuột, ngựa và người, lây nhiễm chủ yếu qua đường hô hấp bằng cách phát hiện gia cầm nhiễm virus, khoanh vùng ổ lây lan và tránh tiếp xúc với gia cầm.

Công tác kiểm dịch được tăng cường. Ảnh: TTXVN.

Ở nước ta, ngoài hai tỉnh Bình Phước và Đồng Tháp có người tử vong do cúm gia cầm, từ ngày 2/1 đến 9/1/2014 dịch cúm gia cầm xuất hiện ở 4 địa phương của tỉnh Bắc Ninh là xã Đông Phong (huyện Yên Phong); xã Phú Lâm (huyện Tiên Du); xã Tam Sơn (thị xã Từ Sơn) và khu Tiên Xá, phường Hạp Lĩnh (TP Bắc Ninh) với hơn 9.700 con gia cầm mắc bệnh phải tiêu hủy. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 10.000 lít hóa chất sát trùng Vetvaco-Iodine thuộc loại hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh phòng, chống dịch cúm gia cầm.

Ngày 6/2/2014, Chi cục Thú y tỉnh Tây Ninh cùng Trạm Thú y huyện Châu Thành tiêu hủy 500 con vịt thả đồng bị nhiễm cúm gia cầm của ông Cao Văn Hải ở ấp Hòa Bình, xã Hòa Hội, huyện Châu Thành. Đàn vịt này được phát hiện bị bệnh vào ngày 3/2/2014 và chết hàng loạt, được xác định bị nhiễm cúm H5N1. Từ ngày 27/1 đến nay, tỉnh Tây Ninh đã phát hiện và tiêu hủy 3 ổ dịch cúm gia cầm tại 3 địa điểm: Ấp Voi (xã An Thạnh, huyện Bến Cầu), ấp Bố Lớn và ấp Hòa Bình (xã Hòa Hội, huyện Châu Thành) với tổng số gia cầm bị bệnh, chết và tiêu hủy trên 2.000 con.

Bên cạnh là nước láng giềng Campuchia phát hiện virus cúm gia cầm ở người lần đầu tiên từ tháng 1/2004. Đến nay, ở nước này đã có 30 người nhiễm bệnh, với con số tử vong rất cao là  27 người và chủng loại virus H5N1 phát hiện ở Campuchia được cho là chưa tìm thấy tại các nước trong khu vực?

Chiều 13/1/2014, Bộ Y tế đã họp triển khai công tác phòng, chống cúm A/H7N9. Thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 ở gia cầm và người. Tuy nhiên, Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ cao, trước diễn biến phức tạp của cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đang có xu hướng lan xuống các tỉnh gần biên giới Việt Nam. Tại cuộc họp, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bày tỏ lo lắng về tình trạng buôn bán, vận chuyển gia cầm giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc vẫn chưa được kiểm soát tốt.

Đáng chú ý, qua kiểm tra 147 chợ gia cầm tại 44 tỉnh, thành phố trên cả nước từ năm 2013 đến nay, đã phát hiện 90 chợ có mẫu gia cầm dương tính với cúm A/H5N1. Không chỉ lo ngại virus cúm A/H7N9 mà còn cúm A/H5N1, A/H9N2... đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp ở gia cầm.

Hiện tại Việt Nam chưa phát hiện ca nhiễm H7N9 nào ở gia cầm và người. Tuy nhiên, trước sự bùng phát dịch cúm gia cầm ở nước láng giềng Trung Quốc, chúng ta phải chủ động phòng ngừa sớm, không nên "mất bò mới lo làm chuồng"

Nguyễn Văn
.
.