Cảnh giác khi mua hàng online

Thứ Ba, 04/01/2011, 11:45
Mới xuất hiện ở Việt Nam ít năm trở lại đây, song việc mua bán hàng qua mạng Internet được khá nhiều người ưa chuộng vì giá cả mềm, giao dịch thuận tiện… Tuy nhiên, ẩn sau những giao dịch ấy là những chiêu lừa vô cùng tinh vi.

Người ảo, đồ cũng ảo

Nguyễn Văn Long, sinh viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội là một khách hàng thường xuyên các trang mua bán rao vặt như muare.vn; enbac; chodientu; vatgia... Sau một thời gian tham gia, Long rút ra kết luận, mua đồ trên mạng cũng chẳng khác chi... đánh bạc, nhiều khi năm ăn năm thua. Trừ khi giao dịch ở các cửa hàng uy tín, có đại lý tại các tỉnh thành, chứ còn nếu mua kiểu tay đôi thì khả năng bị lừa là rất lớn.

Long vẫn còn chưa quên vụ mua Iphone ở TP HCM. Tháng 9 năm ngoái Long lướt net thấy có một người ở TP HCM rao bán Iphone 3GS với giá rẻ giật mình, chỉ có 5 triệu đồng/chiếc (giá thị trường là hơn 10 triệu). Sau khi trao đổi qua chat và điện thoại, Long quyết định chuyển tiền vào để mua hàng. Hồi hộp chờ đợi mấy ngày, tới khi hàng được ship về đến nhà, Long mới tá hỏa vì đây là Iphone rởm. Hình thức thì giống y hệt, song các chức năng tiên tiến nhất của "quả táo" thì không hề có. Bực mình lắm, song cũng chẳng làm được gì.

"Ấy là mình còn gặp thằng tử tế, chứ bạn em có đứa gửi tiền mua hàng xong, thấy "mất hút con mẹ hàng lươn" luôn. Gọi điện vào thì "ò í e", nickname trên mạng cũng không còn tăm tích" - Long kể.

Vân Anh - một "tín đồ" mua bán trên mạng cũng rút ra những kinh nghiệm chua xót sau một lần đặt hàng mua mỹ phẩm ngoại qua mạng. Bị hấp dẫn bởi lời quảng cáo: "Hàng xịn giá rẻ (từ 10-50%), No Fake (không phải là hàng nhái), mới 100%,... do may mắn và có nguồn quen nên mua được giá rẻ"... Vân Anh đã chuyển khoản trước cho người bán 80% giá trị lô hàng. Cuối cùng, hàng chuyển về rặt là đồ nhái, chất lượng cực kỳ thấp.

Trước sự phản hồi của nhiều người mua bị lừa đảo, trang enbac.com - một trang mua bán trên mạng có khá đông người tham gia đã phải có thông báo: "Hiện nay, trên enbac xuất hiện tình trạng thành viên xấu lợi dụng những phản hồi (comment) hỏi mua hàng của chủ topic, đọc thông tin rồi chủ động liên lạc với người mua hàng, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của họ. Đây là một hình thức lừa đảo mới khá tinh vi và trắng trợn. Ban quản trị enbac đã gom toàn bộ chứng cứ, thông tin liên quan của các đối tượng trên và chuyển sang cho cơ quan chức năng để xử lý".

Trên các diễn đàn mua bán hầu như tháng nào cũng có chủ đề: "Cảnh giác với các đối tượng a, b, c... chuyên bán đồ rởm", song vẫn thỉnh thoảng lại có một khổ chủ lên tiếng bị nick này lừa, nick kia bán đồ đểu... Khi mà người tiêu dùng đã cảnh giác hơn với những chiêu lừa thì những kẻ lừa đảo lại có cách khác...

Thắng mà hóa thua

Thời gian gần đây, rất nhiều trang mua bán trực tuyến tung ra dịch vụ "đấu giá online". Khách hàng chỉ cần một tài khoản trên mạng là có thể tham gia mua hàng với giá "siêu rẻ", nếu như đấu giá thắng. Trên thực tế, có nhiều cuộc đấu giá đã diễn ra minh bạch, suôn sẻ. Song tình trạng lừa đảo thông qua việc đấu giá có vẻ như ngày một tăng.

Còn nhớ tháng 1/2010, Trần Đức Thiện - sinh viên Trường đại học FPT, đã bị Cơ quan Công an bắt giữ vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thiện đã lên diễn đàn công nghệ Handheld, tổ chức cuộc đấu giá chiếc laptop MacBook Air rồi chiếm đoạt của một thành viên trong diễn đàn này 23 triệu đồng.

Mới đây, Công an TP Hà Nội tiếp tục phá một vụ án lừa đảo trên mạng qua hình thức đấu giá với những thủ đoạn khá tinh vi. Thiếu tá Phạm Đức Hà, Đội phó Đội Phòng chống tội phạm công nghệ cao, PC45 Công an TP Hà Nội cho chúng tôi biết: Nhiều tháng trở lại đây, qua công tác trinh sát nắm tình hình, qua nguồn tin của một số website bán hàng trực tuyến, lực lượng điều tra phát hiện một đối tượng thường xuyên tổ chức các buổi đấu giá đồ công nghệ với giá rẻ. Sau khi cuộc đấu giá kết thúc, gần như ngay lập tức các thông tin về đối tượng như nickname, số điện thoại... cũng biến mất không tăm tích. Cùng lúc, nhiều bị hại tham gia đấu giá ở trang chodientu.vn liên tục lên tiếng về việc bị một đối tượng lừa lấy mất tiền.

Tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan Công an đã tiến hành lập Chuyên án mang bí số 015P về đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng. Sau khi thu thập nhiều thông tin, chứng cứ... ngày 20/12 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định bắt khẩn cấp đối với Hoàng Thế Anh (trú tại phố Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cảnh báo trên chodientu.vn về hành vi lừa đảo đấu giá trên trang này.

Tài liệu điều tra ban đầu cho thấy Thế Anh là sinh viên khoa Tin học, Trường trung cấp Luyện kim Thái Nguyên. Trong quá trình lên mạng Internet, Thế Anh phát hiện những sơ hở của giao dịch mua bán, đấu giá trên mạng để lừa người mua, người bán chiếm đoạt tài sản. Chỉ trong vòng 3 tháng, Thế Anh đã gây ra 5 vụ lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 50 triệu đồng.

Những thủ đoạn của đối tượng này tỏ ra khá tinh vi. Đầu tháng 9/2010, Thế Anh rao đấu giá một chiếc laptop hiệu Lenovo "xịn" trên mạng. Ngày 21/9/2010, anh Phạm Thành Đạt (Đống Đa, Hà Nội) tham gia và là người thắng cuộc. Tin tưởng người bạn ảo, anh Đạt gửi trước 10 triệu đồng (khoảng 80% giá trị của máy) vào một tài khoản ngân hàng mà Thế Anh cung cấp.

Để tránh việc lộ tung tích, Thế Anh hướng dẫn anh Đạt chuyển tiền thanh toán vào tài khoản của anh Nguyễn Tiến Sơn (theo số tài khoản 0491001714638) tại Ngân hàng Công thương Việt Nam. Sau khi anh Đạt chuyển tiền thanh toán 10 triệu đồng, Thế Anh đã nhờ anh Sơn rút hộ tiền chuyển cho mình rồi chiếm đoạt. Số tiền này Thế Anh khai đã ăn tiêu một mình hết. Khổ chủ cứ dài cổ ra đợi mà chả thấy tăm tích hàng hóa đâu cả.

Sang tháng 10, Thế Anh lại tiếp tục lên mạng Internet rao bán một chiếc máy tính xách tay với giá 13.800.000 đồng. Anh Phạm Văn Hùng (trú tại Đồng Nai) là người thắng cuộc đấu giá. Tuy nhiên, khi Thế Anh yêu cầu người mua chuyển tiền vào tài khoản thì không nhận được sự đồng ý. Biết người mua cảnh giác, Thế Anh liền đổi phương thức thanh toán.

Thay vì lấy tiền trực tiếp, thông qua trang web nganluong.vn, Thế Anh đặt mua của anh Trần Công Thành (Cổ Nhuế, Hà Nội) 2 chiếc ĐTDĐ với giá 13 triệu đồng. Sau đó, Thế Anh yêu cầu anh Hùng chuyển tiền vào tài khoản của anh Thành. Chờ đến khi anh Thành thông báo đã nhận được tiền, Thế Anh ra cửa hàng của anh Thành lấy điện thoại rồi bán đi ăn tiêu. Cũng bằng thủ đoạn này, Thế Anh tiếp tục lừa anh Bùi Hữu Tân (Uông Bí, Quảng Ninh) hơn 15 triệu đồng để mua 2 chiếc ĐTDĐ từ cửa hàng của anh Thành rồi chiếm đoạt.

Trước đó, Thế Anh còn lừa đảo chiếm đoạt 23 triệu đồng của anh Lâm Hoàng Thanh (trú tại TP HCM); chiếm đoạt 16 triệu đồng của chị Nguyễn Thị Hương (trú tại TP Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk).

Trung tá Ngô Minh An, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm công nghệ cao, PC45 Công an TP Hà Nội cho chúng tôi biết: Nắm được tâm lý thích mua hàng đấu giá của một bộ phận khách hàng, Thế Anh đã liên tục lập các cuộc đấu giá ảo. Đối tượng còn lập nhiều nickname khác nhau, tham gia đấu giá chính sản phẩm của mình để vừa tạo cho khách hàng cảm giác "thật", vừa đẩy giá sản phẩm lên. Thế Anh cũng liên tục thay đổi nickname, số điện thoại... để tránh sự điều tra của Cơ quan Công an.

Cơ quan Công an cũng khuyến cáo người mua trước khi quyết định mua một món hàng nào trên mạng, hoặc chuyển tiền cho người bán cần phải kiểm tra thông tin kỹ càng. Mặc dù trên thế giới đã quá quen với việc mua bán hàng online, song ở Việt Nam hình thức này vẫn còn tương đối mới mẻ.

Chính vì thế, một số đối tượng có hiểu biết về công nghệ thông tin, đã lợi dụng lòng tin của khách hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cũng do đây là việc mua bán online, nên những thông tin về đối tượng lừa đảo hầu hết là "ảo", khiến cho việc điều tra phát hiện thủ phạm gặp không ít khó khăn. Từ nay đến tết nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa sẽ rất nhiều. Vì vậy, nguy cơ xuất hiện tăng thủ đoạn lừa đảo có thể tăng và quy mô hơn.

5 cách bảo vệ cho máy tính và thông tin cá nhân
(khuyến cáo của Hãng bảo mật McAfee)

1. Không bao giờ truy cập vào các đường link trong các thư điện tử: Hãy liên hệ trực tiếp với công ty hay trang web từ thiện bằng cách gõ vào địa chỉ hay sử dụng thủ thuật tìm kiếm. Không bao giờ truy cập vào một đường link nào trong một thư điện tử.

2. Cập nhật hàng ngày cho phần mềm bảo mật: Bảo vệ cho máy tính của bạn từ các phần mềm độc hại, các phần mềm gián điệp, virút và các kẻ trộm khác với những bộ phần mềm bảo mật được cập nhật hàng ngày.

3. Sử dụng dịch vụ mua bán hay chuyển khoản đảm bảo an toàn: Chỉ kiểm tra các tài khoản ngân hàng hoặc giao dịch trực tuyến tại nhà hay cơ quan, mạng có dây hoặc không dây khi lưới mạng đã được đảm bảo an toàn. Mạng wifi thường phải có mật khẩu bảo vệ vì vậy các tin tặc mới không thể giành quyền truy cập vào và gián tiếp kiểm soát hành động trực tuyến.

4. Sử dụng các mật khẩu khác nhau: Không bao giờ sử dụng những mật khẩu tương tự cho một vài tài khoản trực tuyến. Nên đa dạng hóa các mật khẩu và sử dụng kết hợp những chữ cái phức tạp, số hoặc ký tự đặc biệt.

5. Sử dụng thông thường: Nếu bạn nghi ngờ một sản phẩm hay một giao dịch là không hợp pháp thì đừng truy cập vào. Các tội phạm mạng ẩn dưới nhiều dạng thỏa thuận khác nhau giống như trang web hợp pháp, vì vậy hãy cảnh giác khi tìm kiếm và mua sắm.

Minh Tiến
.
.