Cầu bộ hành bạc tỷ còn ít tác dụng?

Thứ Sáu, 13/10/2017, 09:02
Cách nay 17 năm, ngành Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đã triển khai xây dựng nhiều cầu vượt bộ hành, hầm chui, tiêu tốn tiền trăm bạc tỷ, nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông và đảm bảo an toàn tính mạng người dân trong việc đi lại tại các giao lộ, cổng các KCN, KCX, trường học, bệnh viện, khu du lịch…

Thế nhưng, khi đưa vào khai thác sử dụng, cầu vượt bộ hành không phát huy tác dụng và hiệu quả như mong muốn. Do đó, tại nhiều vị trí cầu bộ hành ở TP Hồ Chí Minh giờ đây trở thành vật để ngắm là chủ yếu; tình trạng vệ sinh nhếch nhác, thậm chí những người qua lại vào ban đêm phải rùng mình ớn lạnh vì tệ nạn mãi dâm, hút chích ma túy.

Cầu bộ hành mòn mỏi đợi người qua

Vắng tanh. Mòn mỏi đợi người đi qua, là tình trạng bất ổn chung đã và đang diễn ra hầu hết ở các cầu bộ hành hiện nay. Quan sát cầu vượt bộ hành bệnh viện Bình Dân (Điện Biên Phủ, Q3), cầu bộ hành bệnh viện Từ Dũ (đường Cống Quỳnh, Q1), cầu bộ hành bệnh viện Nguyễn Tri Phương (đường Nguyễn Trãi, Q5) và cầu vượt bệnh viện Ung Bướu - Bệnh viện Nhân dân Gia Định (đường Nơ Trang Long, Q. Bình Thạnh) dù đang giờ cao điểm buổi sáng, nhưng chỉ lèo tèo vài người qua lại và hình như là đang ăn điểm tâm, nhân tiện ngắm đường phố đông người lưu thông.

Cầu vượt và cổng BV Từ Dũ, BV Bình Dân mỗi buổi sáng.

Trong khi đó, dòng người thăm nuôi bệnh, các y bác sỹ đều hối hả tìm cách vượt qua đường Điện Biên Phủ một chiều, len lách, chen chúc giữa dòng người xe tấp nập và tiếng còi xe bóp inh ỏi.

Chuyện thường ngày - chị Lê Thị Châu (Bến Tre) nuôi mẹ điều trị sỏi thận tại BV Bình Dân cho biết thêm: Người và xe đều nhường cho người nuôi người bệnh và y bác sỹ qua đường một chiều. Tuy đông người xe,  nhưng nhanh hơn đi cầu vượt phải leo trèo lên xuống cực lắm.

Ngay cả bệnh nhân được người thân kèm đi ăn sáng, cũng vượt qua đường không đi cầu bộ hành. Cầu bộ hành được các y bác sỹ sử dụng qua lại, đẩy xe khám bệnh và bệnh nhân hai khu vực khám chữa bệnh có chiều cao đối nhau tầng một ở bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Từ Dũ có lẽ lượng người qua lại nhiều nhất.

Tuy nhiên, cũng chỉ là một phần rất nhỏ so với mặt đất hai cửa bệnh viện trên đường Cống Quỳnh, Nguyễn Trãi thường xuyên kẹt xe ùn tắc kéo dài từ ngã ba Bùi Thị Xuân đến giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai ở Từ Dũ. Thông thường tại các vách cổng bệnh viện là điểm "phục binh" của đội quân taxi.

Hãng xe Vina Sun, Mai Linh nằm dài hình chữ L từ đường Cống Quỳnh sang cửa Nguyễn Thị Minh Khai, cổng BV Nhi Đồng 1, taxi Mai Linh kết đuôi nhau từ ngã tư Lý Thái Tổ đến 3-2. Còn trước BV 115 Vina Sun lúc nào cũng nháy đèn giành chỗ đậu khi vắng bóng CSGT. Chính đội ngũ xe hùng hậu này đã làm cho các cửa cổng bệnh việc luôn ùn tắc, đông đúc. Người đến thăm khám bệnh phải len lỏi tìm bãi gửi xe và băng qua đường vào bệnh viện nhanh nhất, do đó hiếm người phải nhọc công leo cầu thang để lên cầu vượt chỉ vì băng qua đường.

Vào cuối chiều, phố bắt đầu lên đèn tại bệnh viện Ung Bướu - Nhân dân Gia Định, đường Nơ Trang Long (Bình Thạnh), tài xế xe ôm Hai Thành đậu xe ngay bên hông trạm xe buýt, chỉ tay lên cầu vượt bộ hành nói: Mấy thanh niên đang đứng lờ đờ trên đó, tui chắc là mấy con nghiện chứ không phải bệnh nhân đâu. Người thăm nuôi bệnh "ngại" qua cầu bộ hành không chỉ vì mấy bậc tam cấp cao, mà còn là nỗi bất an, nhất là buổi tối. Đây là bệnh viện ung bướu thường xuyên quá tải bệnh nhân, lượng người thăm, nuôi bệnh cũng rất đông từ nhiều nơi đổ về nên rất phức tạp về trật tự an ninh.

Nhiều cầu bộ hành, hầm chui được đặt tại những vị trí rất đông đúc người qua đường nối các cơ sở như: khu du lịch Suối Tiên, KCX Linh Trung và hàng loạt cầu vượt bộ hành xây dựng rất kiên cố, khang trang, rộng rãi, có bậc thang lên xuống và rất thẩm mỹ trên đại lộ Võ Văn Kiệt, Quốc lộ 1A, Văn Thánh… nhưng từ khi được đưa vào sử dụng đến nay rất vắng bước chân người qua. Nhiều cầu bộ hành có vòm che, kính cường lực chắn bên hông, trồng nhiều hoa đẹp, thiết kế rất đẹp nhưng người qua lại vẫn vô tình, hững hờ…

Ngồi cạnh chân cầu số 7 trên đại lộ Võ Văn Kiệt gần 30 phút, quan sát vẫn không thấy bóng người qua lại. Cho đến khi rời khỏi quán cà phê cóc, một người đàn ông tập thể dục từ trên cầu vượt đi xuống sau lưng ông là hai khối nhà chung cư cao ngất ngưởng không ai qua cầu. Tuy nhiên, tại những nơi có cầu vượt dù không có đèn tín hiệu giao thông nhưng hầu hết những người lưu thông qua nơi này đều giảm tốc độ xe tối thiểu nên dù có ùn tắc, nhấn còi inh ỏi nhưng rất ít khi xảy ra va quệt. Tâm lý chủ quan này đã tác động tiêu cực đến người qua đường.

Trong khi đó, có những nơi rất cần có cầu vượt bộ hành thì không có như: đường Sư Vạn Hạnh nối dài trước cửa Bệnh viện 115, Bệnh viện Q10, Trường Đại học Ngoại ngữ và Tin học, Trường mẫu giáo Sơn Ca, giao lộ nối Sư Vạn Hạnh- Thành Thái qua Viện tim TP Hồ Chí Minh nườm nượp người xe không hề có đèn giao thông và cũng không ai nghĩ đến việc xây cầu bộ hành để tránh kẹt xe ùn tắc như cơm bữa mỗi ngày.

Tính hợp lý và khoa học những vị trí chọn xây cầu bộ hành mang tính quyết định về công năng và hiệu quả sử dụng. Sự bất tiện nếu leo lên, leo xuống cầu chỉ để băng qua đường thì hầu hết người dân đều chọn băng qua đường cho nhanh hơn, đỡ tốn công sức hơn.

Tương tự, như hầm chui ngay trước cửa KCN Tân Tạo, Vĩnh Lộc, Linh Trung, cầu vượt khu du lịch Suối Tiên giờ cao điểm tan tầm, hàng trăm ngàn công nhân, du khách, sinh viên học sinh vô tư trèo, leo vượt qua dải phân cách với hàng rào sắt khá cao và sẵn sàng băng qua đường bất chấp nguy hiểm tính mạng chứ không đi cầu bộ hành trên cao hoặc hầm vượt chui dưới đất.

Cô công nhân Dương Thị Thu Hằng (quê Long An) cùng nhóm bạn leo rào vượt lộ cho biết: Tan ca bụng đói rã rời, còn leo trèo lên xuống cầu vượt, chắc chết quá. Đi tắt cho nhanh chú ơi… Bó tay. Tôi nhìn cô bé và nhóm bạn 18-20 tuổi vẫy tay chào với nụ cười tươi rất hồn nhiên như thể việc ngạc nhiên của tôi về tính an toàn là chuyện xưa như trái đất vậy.

Nhiều cây cầu bộ hành xây dựng đã nhiều năm như cầu vượt Văn Thánh qua đường Điện Biên Phủ (Bình Thạnh) nối hai phường 22 và phường 25. Thú thật, chỉ một lần duy nhất tôi nhờ đến để chụp ảnh một đoàn đua xe đạp Cup Truyền hình dịp lễ 30-4.

Trước đây là khu vực chợ Văn Thánh đông đúc người qua lại khi đường Điện Biên Phủ mở rộng nối cầu vượt hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh - Cầu Sài Gòn, nhưng không mấy người qua đây vì thói quen "đi ngang về tắt". Còn giờ đây, chợ Văn Thánh đã chuyển đổi công năng thành một trung tâm thương mại, nhà ở cao cấp SSG Tower càng tăng thêm sự hoang vắng và lãng phí rõ hơn bao giờ hết.

Vì sao?

Theo kế hoạch của Sở GTVT thành phố, trong năm 2017 sẽ triển khai xây dựng thêm 18 cầu vượt bộ hành nhằm góp phần giải quyết nạn ùn tắc giao thông tại các khu vực đông đúc người qua lại mỗi ngày. Vị trí các cầu vượt được xác định tại đường Quang Trung (Q.Gò Vấp); đường Hoàng Minh Giám (công viên Gia Định); đường Nguyễn Văn Cừ, trước cửa Trường THPT Lê Hồng Phong (Q.5); Quốc lộ 1A trước Trường ĐH Kinh tế - Luật); đường Điện Biên Phủ tại giao lộ với đường D2 trước Đại học HUTEC; đường Nguyễn Chí Thanh trước cửa Bệnh viện Chợ Rẫy; đường Lê Văn Việt (Q.9); Quốc lộ 1A trước chợ đầu mối Tam Bình, quận Thủ Đức; Quốc lộ 1A trước nghĩa trang liệt sĩ huyện Bình Chánh; Quốc lộ 22 tại khu vực Bến xe An Sương; đường Trường Chinh ngay khu vực nhà thờ Lạc Quang (Q12); đường Hoàng Văn Thụ (công viên Hoàng Văn Thụ)...

Người dân vô tư băng qua đường dưới chân cầu bộ hành.

Đã có nhiều cây cầu vượt bộ hành nhưng người dân vẫn không sử dụng. Vấn đề này được Tiến sỹ - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết: Cầu bộ hành nối hai bên đường trên cao chỉ để phục vụ người dân băng qua đường an toàn. Nếu tư duy như vậy, dù có xây thêm bao nhiêu cầu cũng không ai dùng.

Các cơ quan Sở GTVT, Sở Quy hoạch - Kiến Trúc, các chuyên gia về giao thông, đô thị, cảnh quan môi trường và nhân dân, cần lấy nhiều ý kiến và liên kết nhau để xây những cây cầu bộ hành hợp lý, hiệu quả hơn như nối các trung tâm thương mại, dự án, sang trạm xe buýt, ga metro… Không nên chỉ dừng lại ở chức năng lên xuống để băng qua đường như hiện nay. Ngoài ra, có thể nghiên cứu xây cầu vượt cho xe máy lưu thông khi bị tắc nghẽn giao thông tại các giao lộ đông đúc khi xảy ra ùn tắc.

PGS-TS Phạm Xuân Mai, chuyên gia về lĩnh vực giao thông đô thị cũng cho rằng, việc xây dựng các cây cầu vượt ở khu vực đông người là rất cần thiết. Tuy nhiên cũng cần có thêm cây xanh, hệ thống mái che, ghế ngồi nghỉ chân và độ dốc thoai thoải không quá cao, tạo hứng thú cho người sử dụng. Đa số người dân còn mang nặng tâm lý "đi ngang về tắt", miễn sao nhanh và đỡ tốn sức nên dẫn đến tình trạng cầu bộ hành bỏ hoang một cách lãng phí như hiện nay. 

Tiến sỹ Phạm Sanh - chuyên gia về lĩnh vực giao thông tại TP Hồ Chí Minh cũng nêu lý do người dân không mặn mà với cầu bộ hành vì còn tình trạng nhếch nhác, không duy tu bảo trì, đặt tại những vị trí không hợp lý.

Một cầu bộ hành tại Văn Thánh - Bình Thạnh không một bóng người qua lại, thì ngay cầu vượt Hàng Xanh, hướng từ nội thành ra mỗi buổi sáng cần cây cầu vượt cho cả xe gắn máy để hơn 4.000 sinh viên Đại học HUTEC (Đại học Công nghệ Sài Gòn) cần băng qua trường học phía bên kia đường không có chỗ đi, phải chạy vòng xuống ngã tư D2 Nguyễn Hữu Cảnh. Sự bất tiện, bất hợp lý này nằm trong những hoạch định về quản lý, quy hoạch ngay từ đầu lẽ ra phải tính toán.

Từ năm 2016, Công ty CP Công nghệ phần mềm Quang Trung từng đề xuất xây dựng thêm 7 cầu vượt bộ hành có thang cuốn và máy lạnh. Nhưng vấn đề mang tính quyết định là ý thức người sử dụng, quá trình quản lý, vận hành, bảo dưỡng sẽ ra sao???…

Vài năm tới, khi thành phố vận hành tuyến Metro số 1 và khai thác khu phố ngầm dưới lòng đất dọc từ ga nhà hát TP đến ga Bến Thành, nhu cầu kết nối từ các phố đi bộ, khu ẩm thực chợ đêm, khu thương mại, quảng trường đi bộ… sẽ tăng rất cao. Khi đó, chắc chắn sẽ cần đến nhiều cây cầu bộ hành hiện đại nhất để cho người đi bộ vui chơi, mua sắm…

Đã 17 năm TP đưa vào sử dụng cầu bộ hành, nhưng chưa hình thành một thói quen hoặc phát huy hết công năng, hiệu quả mà chỉ bỏ hoang phế, lãng phí. TS Phạm Sanh cho biết, với tốc độ đô thị hóa quá nhanh và mật độ dân cư tăng cao, đã đến lúc TP Hồ Chí Minh cần quan tâm nhiều hơn đến những công trình dành cho người đi bộ băng qua đường trong nội đô. Các giải pháp cần có những lộ trình chặt chẽ, đồng bộ và khoa học. Từ việc thực hiện các vạch dừng, tín hiệu đèn giao thông đến cầu bộ hành, hầm chui, cầu vượt, công tác giáo dục, chế tài xử phạt và hệ thống biển báo…

Mai Văn
.
.