Câu cá ngừ nghề nguy hiểm giữa đại dương

Thứ Hai, 14/04/2008, 14:30
Hơn 10 năm trở lại đây, nghề câu cá ngừ đại dương không chỉ mở ra một hướng đi mới cho ngành thủy sản các tỉnh ven biển khu Nam Trung Bộ, mà còn góp phần đổi đời hàng trăm hộ gia đình ngư dân và đổi mới những làng chài ven biển từ bao đời nay luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn vất vả. Thế nhưng phía sau niềm vui là nỗi đau từ biển khơi xa. Tai nạn nghề nghiệp và những cơn giông bão ập đến bất ngờ đã cướp đi quá nhiều sinh mệnh ngư dân...

Những đội tàu ra đi mãi mãi

Tôi tìm về làng biển Đông Tác, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên ở phía hữu ngạn cửa sông Đà Rằng giữa buổi chiều cuối tháng 3 đầy nắng gió. Từ nhiều ngày qua, gần như chiều nào cũng có một người phụ nữ đội khăn tang bước thẫn thờ bên những con sóng bạc đầu xô vào bờ cát. Đó là vợ của thuyền trưởng Nguyễn Văn Gọi (36 tuổi) trú ở khu phố 6, phường Phú Đông - 1 trong 10 ngư dân tử nạn trên biển cách đây 2 tháng.

Lão ngư Nguyễn Văn Miệng (78 tuổi) kể lại rằng, ông có 3 người con trai kế nghiệp biển khơi, hành nghề lưới cản trên 2 con tàu PY-91234 và PY-5851. Trong chuyến ra khơi trung tuần tháng 1/2008, qua hệ thống điện đàm Incom, ông Miệng được biết khoảng 7h ngày 14/1, 2 con tàu của gia đình ông và 1 tàu khác bủa lưới cản tại vùng biển Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, thu được một mẻ cá lớn, nên cả 3 tàu hướng mũi lái trở về.

Đến khoảng 10h30’ cùng ngày, cũng chính ông Miệng nghe tiếng kêu qua điện đàm “Tàu bị tông rồi, cứu với”. Từ thời điểm đó, mọi liên lạc với con tàu PY-91234 bị cắt đứt. Nhận được tín hiệu cấp cứu, anh Nguyễn Văn Thanh - Thuyền trưởng tàu PY-5851 đang chạy phía trước hơn 5 hải lý vội vã quay trở lại để cứu, nhưng lúc đó sóng biển dâng cao, thời tiết xấu khiến cho tầm nhìn hạn chế, nên sau nhiều giờ tìm kiếm vẫn không thấy dấu vết con tàu bị nạn.

Vài giờ sau, gia đình ông Miệng huy động tàu đánh bắt cá ngừ đại dương tiến hành một cuộc tìm kiếm từ mũi Đại Lãnh, tỉnh Khánh Hòa đến đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, nhưng không phát hiện tung tích 10 ngư dân và mảnh vỡ con tàu PY-91234.

Đến 9h30’ ngày hôm sau, Bộ đội Biên phòng nhận được tin từ Trạm tìm kiếm cứu nạn trên biển - Trường Sa MRSC cho biết, tàu PY-91234 bị tai nạn chìm cách mũi Đại Lãnh về phía đông bắc khoảng 80 hải lý. Do áp thấp nhiệt đới khiến cho biển động, sóng to, gió giật mạnh, trong khi cửa sông Đà Rằng bị bồi lấp nên không thể điều tàu cứu nạn của Hải đội 2 ra khơi được.

Chiều 15/1, Bộ Quốc phòng đã điều máy bay trực thăng tiếp cận vùng biển con tàu PY-91234 lâm nạn, nhưng không phát hiện dấu vết gì. Mãi đến ngày 22/1, trong lúc hành nghề câu mực trên biển, tàu đánh cá BTh-6493 do anh Nguyễn Xuân Hồng, trú ở phường Hưng Long, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận làm thuyền trưởng đã phát hiện xác con tàu PY-91234 trôi cách đảo Côn Sơn 55 hải lý về phía đông bắc, trên tàu có một xác ngư dân bị lưới quấn trong tình trạng đã phân hủy, được người thân nhận dạng là Thuyền phó Nguyễn Văn Điện - con trai thứ hai của ông Miệng, 9 ngư dân còn lại mất tích ngoài biển khơi. Trước đó vài năm, tại làng biển Đông Tác cũng đã xảy ra vụ 10 ngư dân mất tích.

Sau khi đóng mới con tàu đánh bắt xa bờ có công suất 90CV, mặc dù chưa đăng ký, đăng kiểm, chưa vận hành thử nghiệm, nhưng chủ tàu là ông Phạm Vĩnh vẫn cho hạ thủy, rồi điều động con trai là Phạm Văn Tỵ cầm lái con tàu ra khơi chuyến đầu tiên cùng với 9 ngư dân.

Rời bờ được 3 ngày đêm, con tàu mất liên lạc. Hơn một tuần sau đó, tàu đánh cá của ngư dân Nguyễn Diện, trú ở xã Tam Thanh, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận phát hiện xác tàu bị nạn đang trôi ở 14o vĩ Bắc, 112o kinh Đông. Cũng từ đó số phận 10 ngư dân trên con tàu đã thuộc về biển cả.

Trường hợp ông Nguyễn Ngọc Anh, trú ở 31/25 Nguyễn Công Trứ, phường 6, TP Tuy Hòa có nhiều kinh nghiệm đi sóng về gió, nhưng chuyến cuối cùng con tàu PY-9025 ra khơi được 14 ngày, thì giông bão bất ngờ ập đến cướp mất sinh mạng 9 người trên tàu, trong đó có cả ông Anh và cậu con trai là Nguyễn Ngọc Hoàng Nam.

Nhiều ngư dân mất tích vì chủ quan, bất cẩn

Không chỉ có những vụ ngư dân mất tích do bị tàu khác gây tai nạn, do giông bão nhấn chìm giữa biển khơi, mà cuộc đời ngư phủ chuyên nghề đánh bắt xa bờ đôi khi  dễ xảy ra tai họa bất thường do sự chủ quan, bất cẩn của chính họ.

Trong vòng 4 năm (2004-2007), ở Nam Trung Bộ đã có cả chục ngư dân vì sơ sẩy nên thiệt mạng giữa khơi xa. Trong lúc theo tàu PY-9023 hành nghề câu cá ngừ đại dương, anh Nguyễn Vũ, trú ở xã An Hiệp, huyện Tuy An mất tích giữa biển đêm khi ngồi thúng chai câu mực.

Ba ngày sau đó, ngư dân Nguyễn Hồng Đơn bước ra phía đuôi tàu đánh cá đang tăng tốc ngoài khơi để đi vệ sinh, đến khi tàu dừng lại buông câu, cả đội tàu hoảng hốt vì không ai tìm thấy anh Đơn!

Tương tự như thế, anh Hà Công Thịnh, trú ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa làm công trên tàu PY-2548 cũng mất tích khi một mình ra đuôi tàu đang chạy trong đêm tối.

Đêm 6/3 vừa qua, trong lúc hành nghề câu cá ngừ đại dương trên tàu PY-92116 do ông Bùi Văn Tý làm thuyền trưởng, ngư dân Nguyễn Văn Hiền (35 tuổi) trú ở khu phố 2, phường 6, TP Tuy Hòa bơi thúng chai đi câu mực. Sóng lớn thúng bị lật úp, anh Hiền ôm chiếc can nhựa trôi trên biển suốt 10 giờ, đến sáng hôm sau các bạn nghề mới tìm thấy anh Hiền trong tình trạng bị thương ở chân do bị cá dữ tấn công. Do mất máu quá nhiều, nên nạn nhân đã tử vong trên đường đưa vào bờ...

Những vụ mất tích, thiệt mạng như thế, giới ngư dân đánh bắt xa bờ đều biết, thế nhưng có lúc họ quên đề phòng nên chuyện đau lòng vẫn xảy ra. Theo một lão ngư ở làng biển Phú Câu, phường 6, TP Tuy Hòa, không loại trừ những ngư dân mất tích trong trạng thái chuếnh choáng men say, vì trước khi ra khơi, nhiều tàu đánh bắt xa bờ mang theo khá nhiều rượu vốn là thứ không thể thiếu đối với ngư dân.

Không chỉ có thế, tàu đánh bắt xa bờ còn đối mặt với hiểm họa hải tặc. Cách đây 4 năm, trong lúc đang hành nghề ngoài khơi xa, tàu đánh cá PY-9025 của ông Phạm Dũng đã bị một nhóm người nước ngoài tấn công, đánh đập rồi cướp cá.

Một câu chuyện khác ly kỳ đến mức khó hiểu. Ngày 10/9/2002, tàu đánh cá KH-3565 do anh Huỳnh Ta (44 tuổi) trú ở số 5 Cồn Tân Lập, phường Xương Huân, TP Nha Trang làm thuyền trưởng cùng 6 ngư dân mất tích khi đang đánh bắt cá ngừ đại dương ngoài khơi.

10 ngày sau đó, đội tàu Hải Dương của Công ty Đông Hải - Quân khu 7 đang đánh cá ở ngư trường phía nam biển Đông phát hiện xác con tàu KH-3565, nên đã lai dắt về cảng cá Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, nhưng không tìm thấy xác một ngư dân nào.

5 tháng sau ngày 7 ngư dân trên tàu mất tích, các gia đình đã lập ban thờ cho người xấu số, bất ngờ gia đình ông Huỳnh Ta nhận được điện thoại của chính ông Ta báo tin hiện đang tạm trú tại IDC.Card 47959 Room 3 PO Box 1193 Suanphlu Office 10121 Bangkok - Thái Lan.

Đến ngày 18/2/2003, ông Huỳnh Ta được Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cấp giấy thông hành số 34/03 để hồi hương trên chuyến bay VN 850 của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 15h30’ ngày 27/2/2003. --PageBreak--

Theo tường trình của ông Ta, trong lúc tàu cá KH-3565 đang vận hành ngoài khơi xa vào sáng 10/9/2002, ông Ta cầm lao ra trước mũi tàu đâm cá heo để làm mồi câu cá ngừ đại dương, thì bất ngờ như bị ai đó ở phía sau đẩy xuống biển. Sau gần một ngày đêm ôm chiếc phao thủy tinh trôi lênh đênh trên biển, ông Ta được một tàu đánh cá Thái Lan cứu vớt. Đến bây giờ chính ông Ta cũng không hiểu nổi ai đã nhẫn tâm đẩy ông xuống biển và vì sao 6 ngư dân còn lại cùng con tàu KH-3565 bị mất tích ngoài khơi (!?).

Và chuyện của những người thoát chết

Thượng tá Đoàn Anh Lự, Chính trị viên Đồn Biên phòng 352 - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Phú Yên kể: “Trước năm 2004, tàu thuyền đánh bắt cá ngoài khơi xa gặp sự cố kỹ thuật phải chấp nhận trôi lênh đênh trên biển, chờ tàu thuyền khác đi qua lai dắt, những người ở đất liền cũng không nắm được thông tin về người thân của mình khi biển động.

Nhiều tàu đánh bắt xa bờ ra khơi mất tích, nhưng không một ai biết tàu lâm nạn ở đâu để tìm kiếm, cứu nạn. Để khắc phục tình trạng này, cuối năm 2003, Đồn Biên phòng 352 vận động ngư dân đóng góp tiền, kết hợp tài trợ của Bộ Chỉ huy BĐBP Phú Yên, lắp đặt “tổng đài” Incom tại Trạm Kiểm soát biên phòng Đà Rằng. Mỗi tàu đánh bắt xa bờ lắp đặt bộ đàm để kết nối liên lạc với máy Incom. Khi thời tiết bình thường, mỗi giờ mở máy Incom 15 phút, thời tiết biến động xấu thì máy Incom hoạt động suốt ngày đêm".

Mỗi mùa mưa bão, Trung úy Nguyễn Ngọc Ry cùng đồng đội không chỉ kêu gọi hàng trăm tàu thuyền đang ở ngoài khơi tìm nơi trú ẩn, mà còn kịp thời huy động lực lượng cứu nạn, cứu hộ những tàu đánh cá gặp hiểm họa trên biển.

Trung úy Ry kể: “Không hiểu sao, đầu năm 2005, liên tiếp 7 tàu thuyền của ngư dân Phú Yên lâm nạn, trong số 74 ngư dân trên các con tàu này, có 20 người phải đối mặt với cái chết trong gang tấc. Nhờ chiếc máy Incom này, chúng tôi đã điều hành việc cứu hộ cứu nạn từ xa”.

Có lẽ suốt đời mình, anh Nguyễn Văn Dũng - chủ tàu PY-2177 và 9 ngư dân ở phường 6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên không thể nào quên được nỗi kinh hoàng khi lâm nạn giữa biển khơi xa. Trong đêm tối, họ đang thả giàn lưới câu cá ngừ đại dương cách bờ gần 200 hải lý, thì một chiếc tàu lạ đâm vào khiến cho tàu PY-2177 bị chìm do vỡ nát một phía.

Cú va đập bất ngờ đã làm cho ngư dân trên tàu ngã nhào, nhưng họ đã kịp vớ lấy hai thúng chai để làm phương tiện cứu sinh, mặc cho sóng gió đưa đẩy trên biển suốt 16 giờ và phải chống chọi với cơn đói cồn cào và cái lạnh buốt người.

Tình cờ một tàu cá khác phát hiện mảnh vỡ con tàu PY-2177, nên Trạm Kiểm soát biên phòng Đà Rằng đã dùng máy Incom huy động nhiều tàu cá khác tìm kiếm và cứu họ thoát chết.

Trường hợp ông Nguyễn Ứng quê ở Bình Định, chủ tàu cá BĐ-1901 và 9 ngư dân cũng vậy. Đang câu cá cách bờ 180 hải lý thì tàu bị gãy hộp số, trôi tự do trên biển theo những đợt sóng xô, nên họ phải bỏ giàn lưới câu 20 tấn trị giá cả trăm triệu đồng.

Sau 8 ngày dập dềnh trên biển, lương thực hết, nước uống sắp cạn, ngư dân kiệt sức, trong khi sóng mạnh dần lên cấp 6, cái chết đang đến gần. Rất may đến sáng ngày thứ 9, tàu của Hải đội 2 BĐBP Phú Yên đã vượt qua sóng to gió lớn, cứu hộ thành công con tàu BĐ-1901...

Không riêng tàu thuyền trong nước, mà tàu thuyền đánh bắt xa bờ của ngư dân các nước trong khu vực cũng phải đối mặt với cái chết giữa biển khơi. Anh Lương Công Đông (30 tuổi) trú ở khu phố 6, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa kể lại: “Khoảng 17h ngày 2/3/2007, trong lúc anh cùng 8 ngư dân trên tàu PY-91049 đang hành nghề cách bờ chừng 300 hải lý, chợt nhìn thấy có người đang bám miếng xốp trắng trôi lênh đênh trên biển, nên anh Đông cùng bạn nghề vội vã cứu vớt.

Tặng quà cho  ngư dân Philippines lâm nạn trên biển được cứu vớt.

Người bị nạn là một ngư dân Philippines, ra hiệu còn 6 người nữa, nên việc tìm kiếm đã được triển khai khẩn trương. Sau khi được cứu vớt đưa vào bờ, 7 ngư dân Philippines đã được Bộ đội Biên phòng Phú Yên tạo điều kiện để họ về nước.

Thông qua người phiên dịch, Thuyền trưởng Elnen Tay Tay, 35 tuổi cho biết, tàu đánh cá của anh đang câu cá sọc dưa gang ngoài khơi, thì xảy ra sự cố kỹ thuật, nước tràn vào khoang, họ đã hì hục tát nước để tìm cách khắc phục, nhưng con tàu chìm dần, nên Elnen Tay Tay cùng 6 ngư dân vớ lấy xốp, ván gỗ, can nhựa để tự cứu lấy mình. Trước đó, ông Phan Thành Đắc, trú ở khóm 6, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa và một số bạn nghề cũng đã cứu vớt 4 ngư dân Philippines lâm nạn trên biển...

Mỗi chuyến ra khơi, bên cạnh niềm hy vọng thu về những mẻ lưới lớn, ngư dân trên những con tàu đánh bắt xa bờ vẫn thấp thỏm nỗi lo sinh mệnh. Theo ông Biện Minh Tâm – Phó giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Phú Yên, để vơi bớt nỗi lo và hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản của ngư dân, trước hết chủ phương tiện tàu cá phải thực thi nghiêm túc các quy định về đăng kiểm, bảo hiểm tàu và ngư dân, mua sắm đầy đủ phao cứu sinh, trang thiết bị bộ đàm để liên lạc khi cần thiết.

Thuyền trưởng phải chấp hành đúng các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy, thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết qua radio, bộ đàm để kịp thời di chuyển vào nơi trú ẩn an toàn, tránh hiểm họa của giông bão.

Khi ra khơi xa, nhất là ban đêm, thời tiết xấu, ngư dân không nên chủ quan rời khỏi tàu cá trên các phương tiện thô sơ như thúng chai để câu mực dễ bị sóng gió xô đẩy đi nơi khác hoặc cá dữ tấn công. Mặt khác, những tàu đánh cá cùng ngư trường cần thường xuyên liên lạc với nhau để kịp thời phát hiện và cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra

Phan Thế Hữu Toàn
.
.