Chàng trai "viết cuộc đời bằng đôi chân"

Thứ Hai, 05/07/2010, 13:35

"Hôm nay em có ở nhà không?". "Dạ em có. Anh sang đi nhé" - Trên đây là đoạn chat giữa tôi với Tô Xuân Dũng (thôn Sơn Du, Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội) qua phần mềm Yahoo Messenger. Với thế hệ 9X hiện tại thì chuyện này quá đỗi bình thường, song phải trực tiếp xem Dũng chát bằng… chân, bằng đôi mắt lúc nào cũng nghiêng một góc 90 độ thì tôi thực sự cảm phục Dũng.

"Kỹ sư máy tính"

Đó là "biệt danh" mà người dân thôn Sơn Du đặt cho Dũng bởi khả năng sử dụng máy tính cực siêu của Dũng. Chưa bao giờ được học tại trường phổ thông một ngày nào, càng không được học sử dụng máy tính một cách bài bản thế mà Dũng có thể tự lắp ráp hoàn chỉnh một chiếc máy tính từ các bộ linh kiện rời, đồng thời cài đặt hệ điều hành và các phần mềm như... ở tiệm.

Nghe dân làng giới thiệu như thế, song tôi thực sự vẫn... chưa tin lắm. Thế là chị Trần Lam Giang (mẹ Dũng) dẫn tôi vào căn buồng, nơi Dũng ngày nào cũng ngồi rịt suốt ngày từ sáng đến khuya như những nhân viên văn phòng mẫn cán. Hình ảnh đập vào mắt chúng tôi thật ngoài sức tưởng tượng.

Trên chiếc ghế xoay là một chàng trai với tư thế rất lạ. Hai cánh tay khùng khoằm như hai cành cây gập theo hình chữ chi, cố gắng ôm chặt hai tay ghế. Hai cẳng chân gác thẳng lên mặt bàn, "dính chặt" vào bàn phím và con chuột. Riêng cái đầu lại nghiêng một góc 90 độ khiến em rất khó nhọc khi thao tác.

Dũng đang search (tìm kiếm) tài liệu trên trang Google, thấy mẹ vào thì quay ra mỉm cười. Nụ cười méo xệch. Không biết cái thứ bệnh quái ác nào nó kéo xô hàm em về một phía, đồng thời kéo cong xương cổ sang bên phải khiến cho miệng Dũng không ngậm vào được, hai mắt thì mở to vì phải điều tiết để đọc màn hình máy tính. Tôi đặc biệt chú ý tới đôi chân cậu.

Ước đoán thì nó dài chừng hơn 1m, da trắng xanh. Bàn chân khá to, thô; ngón chân cái cũng khá to - chính là ngón chân Dũng dùng gõ phím, các ngón còn lại cái co lên cái quắp xuống. Ấy thế nhưng khi đôi bàn chân ấy lướt trên bàn phím máy tính, hoặc ôm con chuột thì quả thật vô cùng khéo léo. Nghe chị Giang giới thiệu Dũng có thể sử dụng thành thạo phần mềm chỉnh sửa ảnh như photoshop, picasa... tôi đề nghị được chiêm ngưỡng. Vì máy vừa cài lại hệ điều hành nên Dũng phải cài lại phần mềm Photoshop từ chiếc USB.

Không khác gì người bình thường dùng đôi tay, chân phải Dũng "cầm" chặt thân usb bằng ngón cái và ngón trỏ, chân trái rút mạnh chiếc nắp, đặt sang một bên. Thế rồi một chân giữ case, chân kia Dũng cầm chiếc usb cắm vào cổng usb bên hông máy tính rất thiện nghệ. Dũng truy cập vào ổ, rồi cài đặt phần mềm như một chuyên gia máy tính chính hiệu. Tất cả những thao tác như tìm cdkey (tạm dịch là phần mã khóa), rồi các bước để cài đặt tương đối phức tạp trong quá trình cài phần mềm Dũng đều thực hiện khá thành thạo.

Sau đó Dũng mở một file ảnh ra, đó là hình bà nội. Chiếc ảnh gốc có phần bị ố vàng, trông hơi lem nhem. Thế là Dũng thao tác các lệnh chỉnh sửa, cắt cúp, tẩy xóa... sau chừng 10 phút thì bức ảnh trở nên sáng sủa hơn hẳn.

Tô Xuân Dũng đang sử dụng máy tính bằng chân.

Chị Giang kể, Dũng tham gia một forum (diễn đàn) về photoshop trên mạng Internet nên cũng có khá nhiều bạn. Dũng nghe mẹ nói thế, liền đăng nhập vào chương trình chat Yahoo Messenger để khoe những người bạn của mình. Mặc dù không có điểm tựa, song mấy ngón chân Dũng gõ nhoay nhoáy ID và password để đăng nhập.

Đi xe lăn bằng... chân

Năm 1989, cô thiếu nữ Hà thành Trần Lam Giang nhận lời lấy anh thợ cơ khí mãi tận bên Nguyên Khê (Đông Anh, Hà Nội). Một năm sau thì niềm vui đến với cái gia đình nhỏ bé này khi cậu con trai đầu lòng Tô Xuân Dũng ra đời. Song niềm vui cũng chả kéo dài được bao lâu, Dũng do đẻ thiếu tháng nên rất yếu phải nằm trong lồng ấp ở Bệnh viện Xanh Pôn một thời gian.

"Cũng không biết vì sao mà người cháu cứ mềm oặt như sợi bún. Con nhà người ta 3 tháng là đã cứng cáp, biết lẫy. Song thằng Dũng nhà này 1 tuổi rồi mà người vẫn mềm nhũn như một cục thịt, đặt đâu là nằm đấy, ngọ nguậy cũng không. Thương con tôi chỉ biết ôm con khóc chứ đâu biết cháu bị nhiễm chất độc da cam, nhưng may vẫn còn giữ được cháu" - chị Giang nhớ lại.

Đến khoảng 2 tuổi thì "bỗng dưng" các cơ của Dũng co hết lại. Cơ hàm mỗi ngày một cứng, rất khó khi uống nước, nhai cơm. Nó còn kéo lệch khuôn mặt của cậu bé sang phải, nghiêng một góc 90 độ. Đôi chân ngày càng dài ra như cẳng sếu, 2 cánh tay như có ai kéo bẻ ngoặt về đằng sau, rồi cuối cùng cũng bị liệt, không thể cử động nữa. Thương con, vợ chồng chị dốc hết gia sản, vay mượn thêm bạn bè để chữa trị, nhưng đi đến đâu bác sĩ cũng đều lắc đầu. "Bác sĩ bảo cháu bị nhiễm chất độc da cam nên không thể chữa được". Hỏi ra mới biết ngày xưa ông nội của Dũng từng chiến đấu ở chiến trường miền Nam, bị nhiễm chất độc da cam.

Có đợt nghe người ta mách, ở trên mạn rừng núi của Việt Bắc có loại thuốc của người dân tộc có thể chữa khỏi bệnh cho Dũng, hai vợ chồng chị Giang không quản đường sá xa xôi, khăn gói lên đường. Vì thứ thuốc này phải hái khi trời còn tối, chứ nếu mặt trời lên rồi thì sẽ không hiệu nghiệm nữa nên hai vợ chồng đêm hôm khuya khoắt đã phải lôi nhau dậy. Thế rồi nhờ người dân tộc chỉ đường dẫn lối đi hái thuốc. Về nhà, đem sắc với một ít... thuốc phiện rồi đem cho con uống. Vậy mà bệnh tình của Dũng chả thấy thuyên giảm.

Năm 2006, một tổ chức phi chính phủ của Pháp đã tài trợ kinh phí mổ kéo cánh tay về đằng trước cho Dũng. Nhưng chỉ được 3-4 tháng sau, hai tay của em lại quay trở lại vị trí cũ. "Sau khi phẫu thuật tay, mặc dù không cầm nắm được gì, nhưng nó giữ thăng bằng đi lại còn dễ. Chứ hồi trước, cháu nhiều lần bị ngã vì mất thăng bằng, luyện tập mãi mới ngồi được ghế như bây giờ!". Tay không thể cử động nên mọi việc Dũng chỉ còn biết nhờ vào đôi chân, cũng chẳng được lành lặn.

Hằng ngày, Dũng bắt đầu tập luyện bằng cách dùng chân kẹp những viên đá sỏi, kẹp que để vẽ lên mặt đất, rồi kẹp cốc, chén để tự rót nước... Đến nay, đôi chân ấy đã điêu luyện chẳng khác gì đôi bàn tay. Dũng đã có thể cầm nắm tất cả các đồ vật dù là nhỏ như... cái kim. Đặc biệt, em còn dùng mấy ngón chân để nhắn tin nhoay nhoáy từ chiếc điện thoại di động.

Từ khi chào đời tới lúc mười mấy tuổi, lúc nào Dũng cũng chỉ lê lết bò quanh nhà mà không tự đi đâu cả. Một lần, Dũng chỉ vào chiếc xe lăn trên báo, đòi mẹ mua bằng được. "Tay con thế kia, làm sao đi được" - Chị Giang chất vấn. Dũng huơ đôi chân lên, ý bảo sẽ dùng chân để điều khiển. Và không ai ngờ Dũng lại có thể dùng đôi chân vòng ra sau để quay bánh xe. Và thế là cậu có thể di chuyển trong nhà ngoài sân, đôi khi còn mon men ra đầu ngõ ngắm nghía phong cảnh nữa.

Tôi cứ đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Chị Giang có một chiếc đàn organ để giảng dạy trong các giờ hát nhạc tại trường, nhưng thỉnh thoảng lại mang về nhà vì trường chưa có tủ đựng. Bỗng nhiên một ngày chị đang nấu cơm thì nghe tiếng đàn phát ra ở trên nhà. "Quái lạ, chả nhẽ nhà... có ma?" - chị Giang nghĩ. Lên đến bậu cửa, chị thấy Dũng đang ngồi chơi rất say sưa. Chả biết em đã mở được cây đàn từ khi nào, lại còn cắm được cả phích cắm vào ổ điện nữa chứ.--PageBreak--

Gia tài của mẹ

Cách đây khoảng 5 năm, Dũng xem trên tivi thấy người ta sử dụng máy tính thì thích quá, nằng nặc đòi mẹ mua cho. Thương con, mặc dù kinh tế gia đình rất eo hẹp, cả nhà chả ai biết sử dụng song chị Giang cũng mua tạm một chiếc máy tính giá rẻ cho con... nghịch chơi.

Được ba bữa, khi chị Giang đi làm về thì thấy Dũng mồ hôi mồ kê nhễ nhại cởi trần ngồi giữa nhà. Quay sang chiếc máy tính mấy hôm trước còn chạy ngon lành thì giờ đây đã... tanh bành. Chip một nơi, ổ CD một nơi, ổ cứng một nẻo; các loại dây cáp nằm hỗn độn với card màn hình, mainboard... Té ra Dũng tò mò, muốn tìm hiểu xem trong cái máy tính có gì mà... hay thế (?) nên tháo ra xem, nhưng đến lúc lắp vào thì không sao lắp được. Chị Giang lại lóc cóc vơ đống linh kiện cho vào túi rồi đem ra ngoài hàng thuê người ta lắp lại. Một tuần sau, vừa đặt chân vào nhà chị đã thấy Dũng lết ra ôm mẹ cười... cầu tài. Té ra, cậu chàng lại "phá" chiếc máy mà chị vừa chữa xong.

"Mẹ đi lắp cho con lần nữa thôi. Lần sau nhất định con không nghịch nữa" - Dũng nằn nì. Vừa giận vừa thương, chị Giang lại đùm đám linh kiện mang ra ngoài hàng sửa chữa. Thế rồi một ngày nọ, Dũng hớn hở khoe với mẹ. Từ đống linh kiện (nay đã sắp xếp gọn ghẽ mỗi thứ một nơi), Dũng lắp ráp lại thành một chiếc case hoàn chỉnh, khởi động cái là chạy nhoay nhoáy.

Nghịch phần cứng chán, Dũng quay ra nghiên cứu các phần mềm. Lúc đầu Dũng tập tành cài đặt, song thất bại. Thấy Dũng ham học hỏi, một anh hàng xóm hiểu biết về máy tính thỉnh thoảng chạy sang hướng dẫn. Dũng tiếp thu rất nhanh. Thế rồi cậu hàng xóm dặn chị Giang mua cho Dũng các cuốn sách hướng dẫn cài đặt và sử dụng phần mềm, Dũng cứ nhìn các hình vẽ trong đó và làm theo, Chả mấy mà Dũng có thể tự cài đặt và sử dụng phần mềm thành thạo.

Thấy trong máy có nhiều ảnh mẹ hay chụp ở lớp học rồi tải vào, Dũng liền dùng phần mềm photoshop để chỉnh sửa cho nó đẹp hơn. Thế rồi cậu chàng còn lọ mọ tải được phần mềm Proshow gold, dùng để tạo một album ảnh, chạy trên nền nhạc. Chị Giang mang các đĩa Vol 1, Vol 2 ra khoe với tôi: "Toàn cháu nó làm cả đấy".

Dũng dùng chân để nhắn tin qua điện thoại di động.

"Có lần, cô bạn ở lớp chuẩn bị đi thi giáo viên dạy giỏi, cần phải cắt một đoạn âm thanh để đưa vào Power Point (một chương trình dùng để thuyết trình bài giảng trên máy chiếu) liền mang qua nhờ cháu nó làm cho. Tôi thì chả tin lắm nên bảo cô ấy nên mang ra ngoài hàng... cho nó nhanh, chứ trông chờ gì vào thằng Dũng. Ai ngờ buổi tối đi làm về, cháu nó kéo áo tôi chỉ vào phần âm thanh đã được biên tập hoàn chỉnh. Tôi liền gọi điện thoại cho cô bạn sang lấy về" - Chị Giang tự hào kể.

Thấy con cứ ru rú mãi ở nhà, chị Giang thương lắm nên mới xin phép thầy hiệu trưởng đưa con đến lớp cùng chúng bạn. (Chị Giang vốn là giáo viên trường mầm non Nguyên Khê).

Ra lớp của mẹ, Dũng lấy máy ảnh chụp tía lia, cũng bằng chân. Rồi về làm album tặng mẹ. Sau đó, Dũng dùng kỹ xảo phần mềm photoshop dựng thành CD, có cả ảnh động chạy trên nền nhạc thiếu nhi.

Tôi ngó vào ngăn bàn của Dũng, thấy mấy cuốn sách “Adobe Photoshop 7.0, 8.0” cuốn nào cũng bị Dũng sử dụng tới nhàu nát. "Có lần buổi chiều tôi vừa mua cho cháu một cuốn, rất dày. Tới sáng hôm sau dậy đã thấy cháu kéo vào phòng bắt ghi nội dung từng chương mục mà Dũng đã thức cả đêm lấy kéo cắt giấy rồi kẹp vào, giống như là làm mục từ trong các cuốn từ điển ấy" - chị Giang kể tiếp.

Sau cái lần Dũng làm clip cho người đồng nghiệp ở trường của chị Giang tham gia hội giảng, thế là nhiều người đến "đặt hàng", làm đĩa giúp họ. Thấy con tỏ ra cực kỳ hào hứng vì bây giờ Dũng đã có cơ hội chứng tỏ mình không phải là "người thừa", có thể giúp đỡ được bố mẹ phần nào song vợ chồng chị Giang không đồng ý. Vì Dũng yếu quá, phải cố làm thì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Chị Giang chỉ nhận lời để Dũng... làm hộ thôi

Minh Tiến
.
.