Châu Á chủ động nắm tay nhau vượt “bão"

Thứ Năm, 08/11/2018, 09:23
"Cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra như một công cụ của cuộc chiến tranh lạnh kinh tế được Mỹ khởi xướng. Nó có thể làm tan rã hệ thống kinh tế và tài chính thế giới". Chính nhận định này đã khiến các nền kinh tế lớn ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản hay Ấn Độ... đang phải xích lại gần nhau để tránh thiệt hại do cuộc chiến thương mại Mỹ đang chủ động tiến hành.

Chuyển từ cạnh tranh sang hợp tác

Kế hoạch áp thuế mới nhằm vào những mặt hàng nhập khẩu Trung Quốc, giá trị lên tới 257 tỷ USD, rất có thể được công bố vào tháng 12-2018, nhằm vào toàn bộ các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ thành sự thật nếu những cuộc thảo luận trong tháng tới giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thất bại. Lúc đó sẽ xảy ra những biến động cực lớn trên toàn bộ hệ thống thương mại thế giới.

Những ngày cuối cùng của tháng 10 này, tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tiến hành hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ 13. Ngoài các vấn đề liên quan tới ngoại giao và quốc phòng, vấn đề kinh tế được đặc biệt nhấn mạnh. Cả hai nhà lãnh đạo đều khẳng định nếu không có sự hợp tác giữa Ấn Độ và Nhật Bản, thế kỷ 21 không thể là thế kỷ của châu Á.

Còn trước đó, trong chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đồng thời khẳng định: Hợp tác kinh tế sẽ “dẫn lối” cho quan hệ nhiều trắc trở giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Tại sao cùng một thời điểm, những nền kinh tế mạnh nhất châu Á lại cùng đặc biệt quan tâm tới hợp tác kinh tế như vậy? Câu trả lời đã rất rõ ràng, chính sách thuế và bảo hộ thương mại của Mỹ đang trực tiếp “giáng đòn” vào các nền kinh tế này. Cho dù mức độ, sự ảnh hưởng khác nhau, song cơ bản đều theo chiều hướng bất lợi cho chiến lược phát triển kinh tế của các cường quốc kinh tế ở châu Á.

Hai nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất là Trung Quốc và Nhật Bản đã thể hiện rất rõ quan điểm xích lại gần nhau, bất chấp việc giữa hai bên vẫn còn tồn tại những bất đồng liên quan tới vấn đề lịch sử hay tranh chấp chủ quyền. Chính vì vậy, trong các cuộc gặp mới diễn ra giữa Thủ tướng Abe với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, vấn đề thu hẹp khoảng cách, chuyển từ cạnh tranh sang hợp tác là mục tiêu chính mà hai bên bàn bạc.

Vì lợi ích kinh tế, Nhật Bản và Trung Quốc đã quyết định "sưởi ấm" quan hệ. Lần đầu tiên công du Trung Quốc kể từ khi trở lại nắm quyền năm 2012, Thủ tướng Nhật Bản không che giấu tham vọng đưa quan hệ song phương bước sang trang mới sau 7 năm "nguội lạnh". Khoảng 500 doanh nhân Nhật Bản tháp tùng ông Abe tới Bắc Kinh lần này.

Có nhiều tín hiệu cho thấy đối thoại song phương giữa hai nước sẽ suôn sẻ, ít ra là về vấn đề kinh tế và thương mại. Đơn giản vì Nhật Bản không thể thờ ơ với Trung Quốc, thị trường gần 1,5 tỷ người tiêu dùng, cũng là đối tác thương mại và kinh tế hàng đầu của nhiều tập đoàn xứ hoa anh đào.

Tokyo vẫn còn choáng váng vì bị Mỹ bỏ rơi khi quyết định rút khỏi Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sau cùng, từ mùa xuân năm nay, điểm tựa của Nhật Bản là Mỹ lại liên tục dùng lá bài kinh tế và thương mại để hù dọa Tokyo.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.  Ảnh: The New York Times.

Chung một nỗi lo

Những xung khắc về chiến lược và phản ứng của Mỹ vẫn thách thức quan hệ Tokyo-Bắc Kinh. Trong cuộc gặp thượng đỉnh Nhật-Trung, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mặc dù đối thoại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhưng vẫn để ý đến phản ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Washington. Chính sách ngoại giao khác thường của Nhà Trắng và chủ trương bảo hộ mậu dịch của Tổng thống Trump đang góp phần thúc đẩy tiến trình cải thiện quan hệ Nhật-Trung.

Là một đồng minh truyền thống của Mỹ, ông Abe công du Trung Quốc vào lúc 2 cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đang lao vào một cuộc chiến thương mại và Washington “tấn công” Bắc Kinh trên nhiều mặt trận. Giới quan sát cho rằng Thủ tướng Nhật Bản cần tìm một sự cân bằng giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong khi đó, Bắc Kinh cần đến đối tác và cũng là đối thủ trong khu vực Đông Bắc Á này.

Khi mà Washington liên tục tăng thuế nhập khẩu nhắm vào hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ, để bảo đảm cho tăng trưởng quốc gia và đối phó với những đòn tấn công liên tục từ một tổng thống chủ trương bảo vệ quyền lợi của "Nước Mỹ trước tiên", Chủ tịch Tập Cận Bình đang cần có thêm đồng minh ở châu Á và Nhật Bản là yếu tố không thể thiếu.

Trả lời đài CNN, giáo sư Koichi Nakano, giảng dạy tại Đại học Tokyo nói rằng “Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thuyết phục Thủ tướng Abe cùng đứng một phe vì cả Bắc Kinh và Tokyo đều là nạn nhân của các biện pháp bảo hộ mà chính quyền Tổng thống Trump đang áp đặt”.

Theo một chuyên gia về Nhật Bản thuộc Đại học Bắc Kinh, được báo Japan Times trích dẫn, “đôi bên cần có nhau” để cùng sưởi ấm quan hệ song phương, nhất là trong bối cảnh chính sách của ông Donald Trump về kinh tế ở châu Á đang gây nhiều lo ngại.

Sau chuyến thăm của Thủ tướng Abe, Trung Quốc và Nhật Bản đang mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ Nhật-Trung với 3 đề nghị được Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra là chuyển từ cạnh tranh sang hợp tác; phối hợp với tư cách là các đối tác, không đe dọa lẫn nhau; phát triển hệ thống thương mại tự do và bình đẳng.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới thăm Trung Quốc. Ảnh: DW.

Các quan điểm được đưa ra cho thấy cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đã xác định rõ tầm quan trọng của hai nước láng giềng hợp tác và không trở thành mối đe dọa của nhau. Và “sôi động về kinh tế” là nhận định của giới phân tích khi đánh giá kết quả chuyến thăm của ông Abe tới Trung Quốc. Sự xuất hiện của phái đoàn hùng hậu với khoảng 1.000 đại diện doanh nghiệp Nhật Bản tháp tùng ông Abe đến Bắc Kinh đã thể hiện rõ ràng mục tiêu đầu tiên của hai nước, đó là tăng cường hợp tác kinh tế toàn diện mọi lĩnh vực.

Nhiều thỏa thuận kinh tế với tổng trị giá khoảng 18 tỷ USD được ký kết trong chuyến thăm, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ giảm bớt căng thẳng trên biển đến hợp tác trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, năng lượng, phát triển hạ tầng và công nghệ, là dấu hiệu của sự chuyển mình mạnh mẽ trong quan hệ kinh tế song phương.

Đặc biệt, hai bên đề ra cơ chế hợp tác rất mới trong lĩnh vực hạ tầng, mà cụ thể là các thỏa thuận hợp tác phát triển hạ tầng tại các nước thứ ba, thể hiện quan điểm tích cực của Nhật Bản trong việc phối hợp với Trung Quốc để thực hiện các dự án trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và con đường”. Bên cạnh đó, Bắc Kinh và Tokyo còn đạt được nhiều nhất trí quan trọng trong lĩnh vực ngân hàng và chứng khoán.

Lãnh đạo hai nước đồng ý nối lại thỏa thuận hoán đổi tiền tệ có giá trị khoảng 3,4 nghìn tỷ yên (28,8 tỷ USD) nhằm nới lỏng các thương vụ giao dịch thương mại và hỗ trợ các thị trường tài chính trong trường hợp xảy ra khủng hoảng và các trường hợp đặc biệt khác. Đáp lại, Trung Quốc thậm chí còn cân nhắc việc nới lỏng hạn chế nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản, được Bắc Kinh áp dụng sau khi xảy ra sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011.

Liên kết phá thế bảo hộ mậu dịch

Có thể thấy rõ, việc hai bên quyết tâm gạt mọi bất đồng để tìm mối lợi kinh tế giữa hai đối tác quan trọng bậc nhất của nhau trong lĩnh vực hợp tác kinh tế là sự thể hiện một mặt trận đoàn kết giữa hai bên về thực hiện thương mại tự do và bình đẳng. Đúng như Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định hai nước cần phải bảo vệ thương mại đa phương, duy trì tự do thương mại và khai thông kinh tế thế giới, đặc biệt trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang trỗi dậy.

Đây cũng là quan điểm cứng rắn của hai cường quốc kinh tế nhằm thẳng vào chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ. Còn Thủ tướng Lý Khắc Cường đánh giá, với tư cách là hai nền kinh tế lớn nhất khu vực, việc Trung Quốc và Nhật Bản ủng hộ thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ đem lại lợi ích cho thương mại tự do toàn cầu.

Quan điểm này hoàn toàn trùng hợp với chủ trương của Nhật Bản, quốc gia đã tích cực hồi sinh Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Mỹ rút khỏi TPP. Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đang nằm trong tầm ngắm của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế trừng phạt vì đây là hai quốc gia mà ông Trump cho là khiến Mỹ thâm hụt thương mại nặng nề.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn tới Trung Quốc để sản xuất hàng hóa.

Hiện tại, sự chú ý của Mỹ đang hướng nhiều hơn về Bắc Kinh và các biện pháp trừng phạt của Washington đã bắt đầu tác động tiêu cực đến kinh tế Trung Quốc. Tình hình này khiến Trung Quốc nỗ lực tìm kiếm các thị trường lớn khác, trong bối cảnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ đang bị thu hẹp.

Nhật Bản, mặc dù đang thương lượng với Mỹ để tránh nguy cơ bị áp thuế nhập khẩu ô tô, cũng nhận thấy sự cần thiết phải cải thiện quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất và là một cường quốc tại khu vực. Ngoài ra, Tokyo, vốn quan ngại những hệ lụy từ chiến tranh thương mại và thực trạng thị trường nội địa đang bị thu hẹp do dân số giảm, đang muốn mở rộng hơn nữa xuất khẩu sang Trung Quốc.

Với khoảng 250 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, gấp đôi dân số Nhật Bản, Trung Quốc được đánh giá là một thị trường vô cùng hấp dẫn với các doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất hàng tiêu dùng.

Để không phải “lưỡng đầu thọ địch”

Trung Quốc và Nhật Bản đã sử dụng lợi ích kinh tế để cải thiện quan hệ chính trị, như thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tìm kiếm và cứu nạn trong trường hợp xảy ra tai nạn tại vùng biển ngoài khơi; bày tỏ mong muốn biến Hoa Đông thành vùng biển của hòa bình, hợp tác và hữu nghị; nhất trí sớm nối lại một dự án phát triển mỏ khí đốt tại khu vực này.

Đây được cho là những thỏa thuận nhằm tăng cường lòng tin. Tuy nhiên hai bên vẫn còn đó những nghi ngờ, đặc biệt trong những vấn đề nhạy cảm như đối với vấn đề Hoa Đông. Bắc Kinh và Tokyo vẫn chưa đạt được nhất trí về thời điểm lập đường dây nóng, bất chấp vấn đề này đã được bàn thảo trong nhiều tháng qua.

Ngoài ra, Trung Quốc còn quan ngại về các nỗ lực của ông Abe nhằm sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản, điều mà Bắc Kinh cho là sẽ mở rộng vai trò của quân đội Nhật Bản. Trong khi đó, Tokyo tỏ ra thận trọng với những động thái mà họ cho rằng Bắc Kinh có ý định mở rộng sự chi phối khu vực.

Phân tích lý do khiến Bắc Kinh thay đổi thái độ với Tokyo, tờ The Economist (Anh) mới đây có bài phân tích về sự xích lại gần nhau giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Báo này đã so sánh tầm quan trọng trong chuyến đi của Thủ tướng Abe với chuyến thăm Nhật Bản của nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình cách đây 40 năm nhằm ký hiệp ước hòa bình và hữu nghị, mở đường cho quan hệ bình thường với Nhật Bản.

Các nhà quan sát nhận định, từ “hình thức” tới “nội dung” đều có sự thay đổi lớn. The Economist cho rằng lý do khiến Bắc Kinh thay đổi thái độ rất dễ hiểu: Trung Quốc hiện rất cần đầu tư và thương mại của Nhật Bản. Trung Quốc ngày càng phải gồng mình chống lại các đòn tấn công của Mỹ và như một cố vấn của Thủ tướng Shinzo Abe đã giải thích, Trung Quốc không bao giờ chọn đối đầu với hai kẻ thù cùng một lúc. Do vậy, Bắc Kinh đã hòa hoãn với Tokyo để dồn sức đối phó với Washington.

Theo The Economist, Tokyo cũng đi theo cùng một logic như vậy. Lâu nay, Nhật Bản liên minh chặt chẽ với Mỹ và từng cho rằng liên minh đó luôn vững chắc. Thế nhưng, khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm xáo trộn mọi thứ, từ việc rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cho đến việc tuyên bố hoài nghi về giá trị của các liên minh.

Tóm lại, Nhật Bản cũng phải chú tâm đối phó với Mỹ. Do đó, Tokyo cũng phải hòa hoãn với Trung Quốc. Nhật Bản cũng không muốn cùng lúc phải đối mặt với 2 thách thức.

Rõ ràng, dụng tâm sâu xa của Nhật Bản và Trung Quốc đã gặp nhau ở một điểm. Sự thực dụng dựa trên tình hình thực tế đã đưa hai nước xích lại gần nhau.

Hoa Huyền
.
.