Châu Âu: Đèn nhà ai nấy rạng

Thứ Tư, 14/12/2011, 09:50

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu tại Brussels diễn ra trong 2 ngày 8 và 9/12/2011 được thế giới đặc biệt chú ý vì đây là hội nghị nhằm thảo luận các vấn đề và đưa ra quyết định sống còn đối với sinh mệnh đồng tiền chung euro.

Những cuộc họp căng thẳng kéo dài thâu đêm 8/12 và sáng 9/12 chủ yếu xoay quanh kế hoạch giải quyết dứt điểm khủng hoảng do Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cùng đưa ra (còn gọi là Kế hoạch Merkozy). Thế nhưng vào giờ chót, kế hoạch tưởng chừng rất khả thi đó đã không được thông qua sau cuộc họp ngày 8 và 9/12, vì đa số quốc gia trong khối EU chưa sẵn sàng để chấp nhận nó.

Chủ đề chính của các cuộc họp ngày 8 và 9/12 là "Kế hoạch Merkozy". Kế hoạch này đã được Thủ tướng Merkel và Tổng thống Sarkozy thống nhất tại cuộc họp tay đôi hôm 5/12 tại Pháp. Cho đến nay, đây dường như là phương án duy nhất có tính khả thi mà các nước châu Âu có thể áp dụng nhằm cứu lấy đồng tiền chung - đồng thời cũng là cứu lấy khối EU khỏi bị tan rã.

Điểm mấu chốt trong "Kế hoạch Merkozy" là việc sửa đổi Hiệp ước EU, trong đó yêu cầu đưa vào các định mức thâm hụt ngân sách 3% GDP và nợ công không vượt quá 60% GDP. Những quốc gia nào vi phạm các định mức này sẽ bị Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) "tuýt còi" và bị đưa ra một hội đồng lãnh đạo châu Âu xem xét án phạt.

Để thực thi nghiêm túc các quy định sửa đổi này, cần một số điều kiện như sau: Một là, Ủy ban châu Âu sẽ có quyền áp đặt lệnh trừng phạt đối với các quốc gia không bảo đảm cân đối ngân sách; hai là, 17 quốc gia thành viên Eurozone sẽ phải sửa đổi luật pháp sở tại, thêm vào các điều khoản yêu cầu cân đối ngân sách; ba là, các nước Eurozone sẽ phải áp dụng chung mức thuế doanh nghiệp và thuế giao dịch tài chính; và trong tương lai, các gói cứu trợ sẽ không đòi hỏi các nhà đầu tư tư nhân xóa một phần nợ như vừa xảy ra ở Hy Lạp.

Tuy nhiên, tại cuộc họp kéo dài thâu đêm 8/12 rạng sáng 9/12, nhiều quốc gia khác trong khối EU đã không chấp nhận gói "Kế hoạch Merkozy", thay vào đó các nước thống nhất gia hạn thêm thời gian từ nay đến tháng 3/2012 để xem xét có chấp nhận hay không. Sự trì hoãn này là bởi một số lý do. Trước hết, nhiều nước nhỏ hơn ở châu Âu cho rằng Kế hoạch Merkozy không khác gì một sự áp đặt luật chơi của Pháp và Đức đối với phần còn lại của châu Âu. Vì khi áp dụng những điều khoản quy định mới về định mức thâm hụt ngân sách và nợ công, các nước sẽ buộc phải cắt giảm mạnh chi tiêu ngân sách. Đó là chưa kể với quy định mới này, các quốc gia châu Âu sẽ mất luôn quyền quyết định về chi tiêu ngân sách quốc gia, và điều này sẽ gây ra hàng loạt rắc rối về chính trị, xã hội nội bộ các nước.

Mặt khác, trong khi cả khối EU 27 quốc gia vẫn còn nhiều điều chưa hoàn toàn hòa nhập với nhau, những điều khoản sửa đổi của Kế hoạch Merkozy đã khiến cho người ta lo ngại mình sẽ càng bị thiệt thòi hơn, chẳng hạn như phải giảm mức thu thuế sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách,… Điều khó khăn hơn cả là, việc sửa đổi Hiệp ước EU sẽ đòi hỏi thêm một quá trình phê chuẩn và thậm chí cả trưng cầu dân ý, tương tự như hiệp ước mới vừa được thông qua gần đây.

Chủ tịch ECB Mario Draghi tuyên bố ECB sẽ không ra tay cứu Eurozone.

Trước khi bước vào hội nghị chính thức, một cuộc gặp "tay ba" không chính thức đã diễn ra trong 45 phút giữa Thủ tướng Anh David Cameron với Thủ tướng Merkel và Tổng thống Sarkozy để bàn về những kế hoạch, giải pháp sắp đưa ra thảo luận, nhưng kết quả chủ yếu chỉ là mỗi người đưa ra lập trường của riêng mình chứ không đạt được động thái chung nào. Nói chung, mục tiêu của ông Cameron là làm sao bảo đảm những lợi ích của nước Anh không bị sứt mẻ khi khối Eurozone đưa ra các  giải pháp giải quyết khủng hoảng. Ông Cameron muốn nước Anh có quyền "không tham gia" khi EU đưa ra những thay đổi về quy định giao dịch tài chính, thuế chung của khối. Lại thêm một trở ngại.

Ngay trước khi bước vào hội nghị, bà Merkel đã phát biểu với báo chí: "Đồng euro đã đánh mất sự tín nhiệm và phải được phục hồi lại".  Tổng thống Pháp dội thêm: “Châu Âu chưa bao giờ lâm vào hoàn cảnh nguy hiểm như lúc này”. Vâng, hoàn cảnh nguy hiểm đó chính là nguy cơ tan rã khối đồng tiền chung euro nếu các quốc gia thành viên vẫn khư khư không chấp nhận phương án thay đổi điều lệ do Pháp - Đức đưa ra. Và một khi đồng tiền chung không còn, một thất bại mang tính chiến lược sẽ làm cho khối EU tan rã nhanh hơn. Đã có không ít lời cảnh báo từ nhiều tháng qua về viễn cảnh không mấy tốt đẹp này.

Vì lo ngại sự sụp đổ của khối kinh tế châu Âu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế thế giới và kinh tế Mỹ nói riêng, nên Washington đã âm thầm tìm kiếm phương án cứu giúp các đồng minh bên kia Đại Tây Dương. Thế nhưng, bản thân các quốc gia đang gặp khó khăn ở châu Âu thì cho đến nay vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung. 

Dường như châu Âu đang chờ đợi một "phương thuốc" nào đó từ bên ngoài, cụ thể là từ IMF. Nhưng hy vọng vào sự ra tay cứu giúp từ IMF (với gói trợ giúp trị giá 670 tỉ USD) đã không thành hiện thực khi nhóm G-20 (với các nền kinh tế đang nổi lên mạnh mẽ như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil, Nam Phi,…) từ chối viện trợ cho Eurozone vì cho rằng khoản cứu trợ này không thể giúp giải quyết được vấn đề cốt lõi của Eurozone.

Chưa hết, ngày 8/12, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi lại đưa ra quyết định không can thiệp sâu vào việc "cứu nợ" các quốc gia đang gặp khủng hoảng. Động thái này đã khiến cho các thị trường tài chính thế giới càng thêm bất an, vì các con nợ ở châu Âu không bảo đảm khả năng chi trả các khoản nợ trước mắt. Biểu hiện rõ nhất từ tuyên bố của ông Draghi là các chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới, như Dow Jones ngay lập tức giảm 1,6%, còn các thị trường ở châu Âu (Pháp và Italia) đều giảm sâu, từ 2,5% đến 4,3%, trong khi các thị trường châu Á đồng loạt giảm ngay đầu phiên sáng thứ sáu 9/12

An Châu (tổng hợp)
.
.