Châu Âu phóng vệ tinh thăm dò nguồn nước trái đất

Thứ Năm, 12/11/2009, 23:45
Châu Âu vừa phóng lên không gian một vệ tinh để tìm hiểu thấu đáo hơn "các nguồn nước luân chuyển như thế nào quanh trái đất của chúng ta". Vệ tinh Smos lần đầu tiên sẽ giúp vẽ ra các bản đồ về trữ lượng nước trong lòng đất và số lượng muối hòa tan trong nước biển trên trái đất.

Các dữ kiện này có công dụng rộng rãi tuy nhiên chủ yếu sẽ được dùng để cải tiến các dự báo thời tiết và báo động sớm về các thiên tai chẳng hạn như lũ lụt.

Một tên lửa đẩy  loại Rokot của Nga đã phóng lên không gian vệ tinh Smos vào đúng 1h50' GMT từ sân bay vũ trụ Plesetsk Cosmodrome tại Russia hôm 2/11 vừa qua. Khoảng 70' sau đó, tầng trên của tên lửa Rockot đã tách rời khỏi vệ tinh Smos và đài theo dõi Hartebeesthoek gần thành phố Johannesburg (Nam Phi) loan báo chuyến bay đã thành công mỹ mãn.

Vệ tinh Smos, viết tắt từ chữ Soil Moisture and Ocean Salinity, là một trong số rất nhiều vệ tinh sẽ được châu Âu phóng lên quỹ đạo trong vòng vài năm tới để nghiên cứu về trái đất. Ông Jean-Jacques Dordain, Tổng giám đốc Cơ quan Không gian châu Âu (Esa), cho biết: "Chúng tôi đã có một vụ phóng thành công. Đây không phải chỉ là một vụ phóng vệ tinh, mà là một sự kiện quan trọng. Smos là vệ tinh thứ nhì trong một loạt các vệ tinh có mục đích nghiên cứu về trái đất Earth Explorers, và chúng tôi có thể khẳng định Esa là cơ quan không gian trên thế giới nỗ lực rất nhiều để tìm hiểu khoa học về trái đất và cố gắng giúp cho con người có được một kiến thức mới về biến đổi khí hậu".

Smos mang theo một dụng cụ duy nhất: đó là một thước đo được đặt tên là Miras. Dụng cụ này có chiều dài khoảng 8 mét và có hình dáng giống như cánh quạt của một máy bay trực thăng. Miras sẽ đo các biến đổi trong độ ẩm của đất cùng độ mặn của nước biển bằng phương pháp quan sát các biến đổi của các làn sóng điện cực ngắn tự nhiên xuất phát từ bề mặt của địa cầu. Miras có 69 ăngten được định vị trên cấu trúc chính và dọc theo chiều dài ba "cánh tay" của vệ tinh này. Toàn bộ hệ thống này được xếp gọn bên trong tên lửa, và công tác duỗi các cánh tay này ra trong ngày thứ hai của chuyến bay này sẽ là một khâu vô cùng quan trọng.

Ông Francois Bermudo, Giám đốc dự án Smos của Cơ quan Không gian Pháp (CNES) nói: "Chúng tôi sẽ thực hiện tiến trình này theo hai bước. Các cánh tay này được giữ bởi 12 chốt, 4 chốt trên mỗi cánh tay. Trước hết, chúng tôi sẽ dùng chất nổ để cắt đứt 9 chốt, do đó mỗi cánh tay sẽ còn được 1 chốt giữ lại. Sau đó, chúng tôi cũng dùng kỹ thuật chất nổ để đồng loạt cắt đứt các chốt còn lại để duỗi các cánh tay ra. Toàn bộ tiến trình kéo dài khoảng 3 phút".

Vệ tinh Cryosat có nhiệm vụ đo đạc các băng tuyết trên địa cầu.

Các dữ kiện được Smos thu thập sẽ giúp cho các khoa học gia hiểu rõ hơn về chu kỳ thủy văn, hay nói cách khác là mô tả làm sao nước thường xuyên được trao đổi giữa đất, mặt biển và không khí. Theo mong đợi các dữ kiện thu thập được bởi Smos sẽ giúp cải thiện các bản dự báo khí tượng trong ngắn và trung hạn, cũng như giúp cho các nhà khoa học đưa ra được các ứng dụng thực tiễn trong các lĩnh vực nông nghiệp và quản lý tài nguyên nước. Ngoài ra, các mô thức về biến đổi khí hậu cũng được hưởng lợi vì sẽ có được một bức tranh chính xác hơn về tầm mức và tốc độ nước di chuyển trong các thành phần khác nhau của chu kỳ thủy văn.

Vệ tinh Smos nằm trong khuôn khổ của chương trình Earth Explorer của Esa, gồm 8 vệ tinh có nhiệm vụ thu thập các dữ kiện về các vấn đề môi sinh cấp bách. Vệ tinh đầu tiên Goce đã được đưa lên quỹ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu về các biến đổi về trọng lực ở các phần khác nhau của địa cầu. Smos là vệ tinh thứ hai vừa được phóng, và một vệ tinh thứ ba tên là Cryosat, sẽ được phóng vào đầu năm tới với nhiệm vụ đánh giá về lớp băng tuyết bao phủ trái đất.

Chương trình Smos sẽ tốn kém cho ngân sách khoảng 315 triệu euro (465 triệu USD) được Esa đề xuất với sự quan tâm của Pháp và Tây Ban Nha. Đời sống của Smos theo dự trù sẽ kéo dài ít nhất 3 năm. Tiến sĩ Susanne Mecklenburg, nhà quản lý sứ mệnh Smos của Esa, cho biết: "Nếu vệ tinh này còn tốt và có tài trợ mới, chúng tôi sẽ kéo dài sứ mệnh thêm 2 năm nữa trước khi tổng kết nhiệm vụ quan trọng này. Kinh nghiệm cho thấy các sứ mệnh của Esa thường có tuổi thọ dài hơn những gì nó được thiết kế".  

Các vệ tinh thăm dò trái đất của Esa

Goce đang theo dõi các thay đổi về trọng lực; Smos sẽ nghiên cứu về độ mặn của biển và độ ẩm của đất;  Cryosat-2 theo dõi băng tuyết; Aeolus nghiên cứu về gió; Swarm gồm 3 vệ tinh nghiên cứu về từ trường; Earthcare nghiên cứu về sự thành hình của mây; Explorer 7 sẽ rút tỉa kinh nghiệm từ 6 cuộc nghiên cứu trước; Explorer 8 còn chờ nhận ý kiến của cộng đồng khoa học.

Lê Minh (tổng hợp)
.
.