Chạy đua khai thác tài nguyên khoáng sản ở Bắc Cực

Thứ Tư, 28/09/2011, 16:40

Tại Bắc Cực, khu vực thuộc Canada, Công ty Agnico-Eagle đang nỗ lực tìm kiếm khai thác những trữ lượng dầu khí khổng lồ và khoáng sản. Họ tự tin dự đoán rằng khi Bắc Cực ấm lên, băng tan chảy và mùa đông ngắn hơn, một mặt biển sẽ rộng hơn tạo điều kiện cho khai thác tài nguyên khoáng sản phong phú. Nhưng đằng sau những từ ngữ lạc quan là công việc thăm dò khai thác cực kỳ gian khổ ở vùng băng giá trải dài qua Nga, Scandinavia, Alaska và Canada.

Hơn nữa sự ấm lên của Bắc Cực và sự tan chảy của tầng băng vĩnh cửu có thể khiến cho công việc thăm dò trở nên phức tạp hơn nhiều. Nếu nhìn gần hơn vào vùng viễn Bắc Nunavut của Canada, một trong những khu vực khai thác nhiều hứa hẹn nhất, người ta sẽ thấy sự thách thức là rất lớn, đầy mạo hiểm. Trái với tin đồn về mạch mỏ phong phú, hiện nay chỉ có một mỏ vàng đang được khai thác ở Nunavut, với chiến dịch Meadowbank của Agnico-Eagle trị giá - hơn tỉ USD. Nhiệt độ xuống đến 14,4oC vào mùa đông gây nguy cơ hoại tử vì tê cóng cho công nhân cũng như gây khó khăn cho máy móc hoạt động.

Do đó không có gì ngạc nhiên khi Giám đốc điều hành Sean Boyd của Agnico Eagle khẳng định dự án không dành cho người nhát gan. Gần như không có cơ sở hạ tầng ở Nunavut, khu vực đá và băng rộng gấp đôi Tây âu. Nằm rải rác khắp khu vực là dân cư bản địa Esquimau (Inuit) gồm 33.000 người chẳng có chuyên môn gì. Trang thiết bị nặng nề, phụ tùng máy móc và dầu diesel được tranh thủ vận chuyển trong mùa hè ngắn ngủi - đầu tiên là bằng sà lan sau đó đi theo con đường lát sỏi mà công ty đầu tư xây dựng với giá 344.000USD/dặm (1,6km).

Nhưng bất chấp mọi thách thức, nhiều công ty can đảm đã đầu tư hàng triệu USD cho chương trình khai khoáng ở Nunavut trong năm 1999 và con số đó bắt đầu tăng đến 332 triệu USD trong năm 2011. Nunavut được coi là nguồn lợi đáng kể cho sự cạnh tranh của Nga, Alaska và Na Uy. Đây là vùng đất có đời sống chính trị ổn định, rộng lớn. Brooke Clements, Chủ tịch Công ty khai thác mỏ Peregrine Diamonds, đánh giá Nunavut là vùng đất tiềm tàng để tìm thấy những trầm tích lớn nhất thế giới. Tuy nhiên bản đồ địa chất về Nunavut hiện vẫn chưa đầy đủ và công việc thăm dò vàng trong khu vực đắt giá đến mức khó mà biết được Nunavut có thể đang ẩn giấu bao nhiêu vàng.

Hiện thời Công ty Peregrine Diamonds đã tìm thấy một loạt cấu tạo đá macma chứa kim cương rất hứa hẹn gần Iqaluit sau 3 mùa hè huy động trực thăng thu thập 30 mẫu đất mỗi ngày với giá 1.000USD/mẫu. Chính quyền liên bang Canada rất nhiệt tình đẩy mạnh phát triển khai thác tài nguyên khoáng sản nên đã cho khởi động dự án khảo sát 20 khu đất tương đối nhỏ có khả năng chứa trầm tích quý giá. Điều phối viên dự án Linda Richard cho biết, phần lớn những trầm tích chính hiện đã được biết đến từ nhiều thập niên.

Cùng với Peregrine và đối tác BHP Billiton, các công ty khác như Xstrata, ArcelorMittal, Avera, Newmont và MMG của Trung Quốc đang nỗ lực tìm kiếm vàng, kim cương, quặng sắt, chì, kẽm và uranium ở Nunavut. Tuy nhiên, số tiền đầu tư cho việc thăm dò là nhỏ nếu so với số tiền khổng lồ đầu tư cho việc khởi động sản xuất.

Newmont chi ra thêm 2 tỉ USD để thăm dò trầm tích vàng Hope Bay ở miền Tây Nunavut song không bảo đảm nơi đó có mỏ vàng. Baffinland thì đang đề nghị đầu tư 4,2 tỉ USD để xây dựng đường ray và 2 cảng phục vụ khai thác trầm tích quặng sắt Mary River khổng lồ trên đảo Baffin. Trầm tích hứa hẹn sản xuất 21 triệu tấn quặng một năm và kéo dài trong 21 năm. Thông điệp rõ ràng: Nunavut là nơi tìm thấy con cá không hề nhỏ.

Khai thác tài nguyên khoáng sản ở Nunavut hiện nay của Agnico Eagle.

Mặc dù mưa tuyết có thể nhiều, nhưng Nunavut hiện rất khô và lạnh, trung bình tuyết phủ dày chừng 70cm vào mùa đông, khi đó sông hồ đóng băng có thể trở thành những đường băng cho phép xe tải nặng lưu thông tiếp tế cho khu mỏ. Một con đường như thế - kéo dài 555km đến hai khu mỏ kim cương Diavik và Ekati ở Northwest Territory (khu vực lãnh thổ thuộc miền Bắc nước Mỹ) và sau đó đến khu mỏ kim cương bỏ hoang Jericho ở phía tây Nunavut - trị giá độ 36 triệu USD một năm và phục vụ giao thông khoảng 8 đến 10 tuần. Một lý do khiến mỏ Jericho phải đóng cửa năm 2008 là đời sống ngắn bất thường của con đường băng trong năm 2006 khiến cho một số trang thiết bị phải vận chuyển bằng đường không.

Benoit Beauchamp lãnh đạo Viện Bắc Cực của Bắc Mỹ thuộc Đại học Calgary của Canada, đánh giá: "Hiện tượng băng tan, mỏng đi và hình thành chỉ vài tháng trong suốt năm thật sự là cơn ác mộng ghê gớm cho dự án khai thác phương Bắc".

Mối đe dọa trước mắt là tình trạng thiếu trầm trọng cơ sở hạ tầng ở Nunavut, nơi không có cảng chính và chỉ có một con đường giao thông. Những dịch vụ thiết yếu khác như y tế cũng không có. Một vài người sống sót sau vụ máy bay rơi mới đây ở Resolute Bay phải chuyển đến bệnh viện ở tận Ottawa cách đó chừng 338km về phía nam. Quan chức Eva Aariak ở Nunavut than phiền về sự thiếu thốn này và mong muốn sự giúp đỡ nhiều hơn từ chính quyền liên bang Canada. Và có lẽ đến cuối năm 2011 sẽ có một sự thay đổi nào đó.

Hiện nay có lẽ các công ty phải mất nhiều năm để những dự án của họ được phê chuẩn. Người Esquimau mong muốn bảo vệ môi trường và đời sống hoang dã phục vụ đời sống địa phương, nên họ có thể chống đối hiệu quả chương trình thăm dò khai khoáng. Nói khác đi, các công ty muốn khai thác được tài nguyên ở khu vực này cần phải có được sự thỏa thuận đặc biệt với người Esquimau

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.