“Chạy sô” ngày xuân: Mỗi người một giá

Thứ Hai, 17/02/2014, 22:55

Không còn lạ chuyện nghệ sĩ “chạy sô” mỗi dịp tết đến xuân về. Tất cả những dự án làm băng đĩa, lên kế hoạch thực hiện, nhận lời các chương trình biểu diễn trong và ngoài nước kín mít đã mang lại cho nghệ sĩ tài danh những cơ hội kiếm bộn tiền và họ có một mùa xuân phát tài phát lộc. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng còn không ít những nghệ sĩ kém may mắn và “cái giá” của nghệ thuật đối với họ đôi khi là một cái tết buồn với nỗi lo bất tận trong thời buổi kinh tế suy thoái, để lại những nốt trầm buồn của đời nghệ sĩ…

NSƯT Khắc Tư: “Cát-xê chỉ đủ nuôi thân”

PV: Thưa NSƯT Khắc Tư, là một nghệ sĩ hát chầu văn, mỗi dịp vào xuân hẳn là anh đắt “sô” lắm?

NSƯT Khắc Tư: Năm nay cũng "ế ẩm" hơn mọi năm, kinh tế suy thoái, mọi người "liệu cơm gắp mắm". Theo tín ngưỡng, đầu năm nhiều người theo các giá hầu đồng và chúng tôi thường lên chùa để hát phục vụ các vấn hầu, năm nay thì nhiều người "nợ" nên anh em và tôi cũng ít lời mời hơn mọi năm. Nếu nói về cát-xê có những giá đồng mà gia chủ có nhiều phước lộc thì anh em chúng tôi hát trong vòng 5-7 tiếng được vài chục triệu chia nhau. Nếu so với thời giá của các ca sĩ thị trường thì chả thấm vào đâu cả.

Nhiều các em, các cháu ca sĩ trẻ biết được thì đều lắc đầu bảo: "Hát múa liên tục thế này thì em chịu không làm được như các anh", nhưng biết làm sao được, những người theo nghệ thuật truyền thống vừa nghỉ hưu như mình mà còn đất diễn để vừa kiếm sống vừa được làm nghề là cũng may mắn lắm rồi…

PV: Thực ra, trong những năm gần đây, nhiều người hướng tới tâm linh và thường mời các nhóm hát chầu văn về gia tộc, về gia đình riêng để hát khánh thành, hát mừng thượng thọ ông bà, bố mẹ... Các anh hẳn là không từ chối những cuộc như thế?

NSƯT Khắc Tư: Có sao đâu mà từ chối. Là người nghệ sĩ tất nhiên là chúng tôi luôn nhận mọi lời mời để có thể biểu diễn. Tôi vừa nhận lời đi hát văn Hưng Yên, về lại có chương trình hát tại các đền, chùa tại Hà Nội. Những ngày đầu xuân này thì vất vả trên từng cây số đi Nam Định, Thái Bình… nhưng có đồng ra đồng vào. Nghệ sĩ của nghệ thuật truyền thống không có nhiều sự lựa chọn như các nghệ sĩ hài hay các ca sĩ trẻ theo nhạc nhẹ, nhạc thị trường, nên cứ ở đâu có cung thì chúng tôi sẽ đáp ứng yêu cầu.

Điều vui nhất là mỗi nơi chúng tôi đến, khi đã sống trong không gian của văn hóa dân gian thì tất cả mọi tín ngưỡng đều hướng về, mọi người lắng nghe say sưa, lắng nghe để cảm nhận những cái hay, cái đẹp của lời ca tiếng hát dâng lên các đấng bề trên.

Mới đây, tôi và các đồng nghiệp vừa tổ chức viết lời, thu âm bộ đĩa về Tứ bất tử của Việt Nam: Đức mẫu Liễu, Thánh Tản Viên Sơn, Thánh Gióng (hiện đang làm về Chử Đồng Tử). Để hoàn thành được bộ đĩa này, chúng tôi mất khá nhiều thời gian, công sức đặt người viết lời để thành bản văn ca. Mà để viết lời được thì cần tìm hiểu nhiều vấn đề thuộc về lịch sử của các Ngài, tìm hiểu hoành phi câu đối, tìm hiểu gia phả…

Chẳng hạn để có được bài về Thánh Tản Viên Sơn dài tới 280 câu, tôi đã sưu tầm bản truyện cổ thần Tản Viên của tác giả Tá Nhĩ, rồi nhờ người chuyển thành thể song thất lục bát. Sau đó chúng tôi cùng nhau tập luyện, thu thanh, làm đĩa… và thường thì để có một đĩa chầu văn hoàn chỉnh mất khoảng 6 tháng. Nếu không có những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ thì chúng tôi khó có thể có đủ tiền để thực hiện, chưa nói đến lãi. Tiền làm ra chỉ đủ trang trải các chi phí trong gia đình, chứ nói gì đến dư giả. Nhưng với nghề hát chầu văn, mình vì cái tâm, vì niềm đam mê và lòng thành kính tới văn hóa tâm linh thì làm thôi chứ cũng chẳng tính toán gì cả…

Ca sĩ Thanh Lam: “Cát-xê cao không phản ánh tài năng của nghệ sĩ”

PV: Thưa NSƯT Thanh Lam, mỗi dịp Tết đến xuân về, thường thì mỗi nghệ sĩ đua nhau “chạy sô” các chương trình được mời và có ý kiến cho rằng, có người làm vài chương trình tết đã có thể sống dư giả cả năm trời rồi. Bản thân chị thì sao, chị có tham gia nhiều chương trình nhân dịp năm mới?

Ca sĩ Thanh Lam: Rõ ràng, niềm vui của người nghệ sĩ là được cống hiến cho khán giả, bản thân ca sĩ thì mong muốn sẽ có những tiết mục ca nhạc tươi vui để mong một năm mới an hòa. Năm nay tôi và em trai mình, Nghệ sĩ Trí Minh (đệm đàn piano) biểu diễn trong chương trình "Chào xuân" của Đài Truyền hình Việt Nam và nhận cát-xê thì theo đúng ba-rem của Nhà nước thôi. Mặc dù vậy, tôi vẫn thấy vui. Vui vì là một dịp có ý nghĩa của hai chị em tôi và vui vì mình cũng đã góp một phần rất nhỏ như một lời chúc phúc cho khán giả, cho đất nước.

Ngoài ra, trước tết có nhiều các cơ quan, doanh nghiệp… mời tham gia hát tại các lễ tổng kết của họ. Cũng là một dịp để mình mừng cho họ đã vượt qua một năm khủng hoảng đầy khó khăn, gian truân.

Thực ra, bản thân người nghệ sĩ, không phải lúc nào cũng đi hát vì tiền nhiều hay ít và không phải lúc nào cát-xê cao có nghĩa là giá trị của người nghệ sĩ được đánh giá cao và ngược lại, những người cát-xê thấp có nghĩa là tài năng của họ ít. Thời buổi giao thời, vàng thau lẫn lộn và không thể đánh giá tài năng của nghệ sĩ thông qua cát-xê mà họ nhận được.

PV: Nhiều người nghệ sĩ theo dòng nhạc dân gian thường thở than rằng, so với những ca sĩ nhạc nhẹ hoặc các em, các cháu theo dòng nhạc thị trường thì thật sự cát-xê của họ chẳng thấm vào đâu. Chị có chia sẻ điều gì về vấn đề này?

Ca sĩ Thanh Lam: Mỗi một dòng nhạc người nghệ sĩ theo đuổi thì có những thuận lợi, khó khăn riêng. Dòng nhạc nhẹ thì việc tái đầu tư như là tạo những hình ảnh mới từ mọi khâu đều rất công phu và cần nhiều tiền bạc vì nó là cả một hệ thống từ trong nội tại bản thân mình lẫn những thứ bên ngoài mình. Phải hay, phải hấp dẫn thì mới có khán giả nghe mình, nhìn mình…

Những nghệ sĩ hát nhạc dân gian thì trừ những người không có tài năng, thanh sắc… còn thì tôi cũng biết một số bạn bè cũng có cuộc sống khá ổn bằng nghề. Tuy nhiên, với những ca sĩ ảo đang lấn sân thị trường, những ca sĩ đi lên bằng đủ các chiêu trò, bằng sự lăng xê của báo chí vẫn được một lớp trẻ tôn vinh thì đó là một điều đáng báo động về sự lạc hậu về cảm thụ âm nhạc của một thế hệ. Điều này cần sự sàng lọc của thời gian chứ không còn cách nào khác cả.

Diễn viên hài Thành Trung: “Dưới 5 người xem: Tiền tỉ cũng không diễn”

PV: Thành Trung xuất hiện khá dày đặc trong dịp Tết Giáp Ngọ, khi thì trong chương trình Táo quân; Chém chuối cuối tuần, Đồ - Rê - Mí, ở các đĩa chỉ hài… Dường như tết là thời điểm đất diễn “béo bở” của các nghệ sĩ hài, đặc biệt là chương trình Táo Quân chầu trời và các anh cứ gọi là “chạy sô” hết công suất?

Diễn viên hài Thành Trung: Được tham gia vào chương trình Táo quân đón năm mới là vinh hạnh của những nghệ sĩ hài, tất cả chúng tôi đều rất vui và hăng hái tham gia chương trình như vậy. Có nhiều người quan tâm nên Táo Quân luôn nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người và bên cạnh đó cũng đủ những lời đồn về nó. Cụ thể tiền bạc thì tôi không bàn đến chỉ muốn nói, cũng không giàu và không nhiều như mọi người nghĩ, tôi chỉ khẳng định rằng, thực sự chúng tôi làm việc vì khán giả, vì đam mê và vì thương hiệu của Táo Quân đã được công nhận mà nghệ sĩ nào được tham gia vào chương trình này cũng cảm thấy một năm làm việc của mình có ý nghĩa.

Những người mang lại tiếng cười cho khán giả như tôi thì chỉ cảm thấy cuộc sống của mình có thêm nhiều ý nghĩa vì mang lại niềm vui cho mọi người. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà tôi cứ phải lao đi với mọi giá. Sau ngày 27 tết đến hết mồng 10 tết, tôi dành trọn vẹn cho gia đình, bè bạn và không nhận lời bất cứ đâu, một năm làm rồi mình cũng cần được nghỉ ngơi, thư giãn chứ.

PV: Thời bão giá, nhiều nghệ sĩ “sống dở chết dở” và họ làm nhiều nghề không liên quan đến nghệ thuật để kiếm sống. Ngược lại, cũng có nhiều cá nhân, nhiều “đại gia” ăn nên làm ra và sẵn sàng bỏ tiền túi ra để mời nghệ sĩ về hát riêng cho gia đình hoặc nhóm người thưởng thức. Là một nghệ sĩ, anh sẵn sàng tham gia chứ?

Diễn viên hài Thành Trung: Tiền thì cũng quý thật, nhưng quan điểm của tôi nếu về một nơi nào đó để chỉ diễn cho 3 người, 5 người thì tiền tỉ tôi cũng không nhận lời. Nhưng tôi sẵn sàng diễn ở một rạp hát mà chỉ có 1 người xem. Đơn giản vì tôi cần có không gian nghệ thuật và cần có cảm hứng để diễn. Tôi không thể tạo ra được cảm hứng cho mình ở một nơi mà người ta không cảm nhận nhân vật của mình mà đôi khi chỉ là cách đánh bóng cho chính họ, có thể tài năng tôi không đủ để có thể vượt qua được những định kiến hoặc lòng tự trọng của mình bị tổn thương vì suy nghĩ không phù hợp với thời cuộc.

NSƯT Xuân Hinh: “Già rồi, làm việc theo… cơn!”

PV: Thưa NSƯT Xuân Hinh, anh là một trong những “anh Hề” được ưa chuộng nhất hiện nay, hình như chưa có năm nào Xuân Hinh không làm đĩa và không “chạy sô” tết?

NSƯT Xuân Hinh: Chừng nào khán giả còn yêu mến thì tôi còn làm việc hết mình. Nhưng "cái tuổi nó đuổi xuân đi" cũng ngót 50 rồi, tôi không làm hăng say như hồi trẻ nữa. Năm nay vào đúng ngày ông Công ông Táo thì tôi và Thanh Thanh Hiền bay sang Mỹ theo lời mời của Bộ Ngoại giao Việt Nam biểu diễn cho các Việt kiều, các cháu lưu học sinh 2 buổi. Đến tận 27 tết mới về Việt Nam để kịp về quê thắp hương cho ông bà tổ tiên và lo tết ở nhà mình.

Cũng may dịp này sang Mỹ được gặp con gái đang du học ở bên đó. Đi thì vui, có thu nhập nhưng cũng khá mệt vì ở nhà diễn 25 phút, sang bên đó cứ tiếng rưỡi, hai tiếng diễn liên tục. Bà con Việt kiều ở các bang khác cũng mời đi diễn nhưng chúng tôi hẹn lần sau, vì về nhà đã là 27 tết, còn lo tết ở nhà, cả năm làm rồi, tết phải về với gia đình.

Năm nay, tôi cũng chỉ làm hai đĩa hài tết: Xuân phát tài 4 "Gái ngoan làm quan thay chồng" và "Tết để yêu thương" của Công ty Thăng Long nghe nhìn, ngoài ra tôi có hát văn "Cô bé" trong chương trình Tết 12 con giáp của VTV3.

PV: Người ta đồn rằng, nói đến "giá" của Xuân Hinh thì khỏi phải bàn, "tiền nào của nấy", Xuân Hinh là người không có đối thủ về mức cát-xê, anh có ý kiến gì về nhận xét này?

NSƯT Xuân Hinh: Kệ thôi, tôi làm với cái tâm của mình còn để phúc đức cho con cái. Các cụ nói: "Có đức mặc sức mà ăn". Người ta đồn gì tôi không quan tâm. Hữu duyên nên nhiều việc phải lo lắm, không có thì giờ nghe lời đồn thổi. Ở đời tôi chỉ sợ người tử tế. Tôi cũng đã có tuổi, trẻ thì còn "chạy sô" chứ già rồi thì đi còn mệt (cười). Già làm theo cơn, chả có giá cả gì cả. Cũng chả ham hố gì, ở đâu có khán giả, có bà con nhiệt tình thì làm thôi. Thôi thì mượn lời dân gian: “Cau xanh mấy nắng thì vừa/ Vôi nồng mấy độ thì ưa miệng người”.

PV: Xin cảm ơn các nghệ sĩ!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.