Cháy xe trong bãi gửi: Bắc thang lên hỏi ông trời…

Thứ Tư, 23/04/2014, 15:45

Kiểm tra 257 điểm trông giữ xe ở Hà Nội phát hiện 749 thiếu sót không đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.

Cái giá của sự phòng ngừa

Như đã thông tin, vụ cháy bãi xe trên đường Cao Lỗ thuộc phường 4, quận 8, TP HCM đã thổi bùng nỗi băn khoăn của nhiều người trước thực trạng các bãi trông giữ xe hiện nay.

Theo kết luận mới nhất của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 8, vụ hỏa hoạn tại bãi xe này đã thiêu rụi 325 chiếc xe máy các loại; 1 ôtô; 2 xe ba gác máy; 2 xe sinh tố và 6 chiếc camera của chủ bãi xe phục vụ trông xe và sập một phần mái che của bãi giữ xe. Thiệt hại ước tính lại khoảng 2,5 tỉ đồng, nhiều hơn 500 triệu đồng so với thông tin ban đầu.

Được biết Cơ quan Cảnh sát điều tra đã quyết định khởi tố vụ án để tìm ra người đã đốt bãi rác cạnh bãi giữ xe, là nguyên nhân khiến cho lửa cháy lan sang bãi giữ xe và gây ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng này.

Một câu chuyện thật buồn đối với chủ bãi xe Võ Trung Nhân. Vay nhặt, tích cóp mãi mới mở được bãi nhận trông xe để kiếm miếng ăn, bỗng thành con nợ khổng lồ. Và cũng chẳng vui vẻ hơn gì đối với các chủ phương tiện đã "tan thành tro bụi" trong vụ hỏa hoạn ấy. Của thì đã mất rồi. Bồi thường thì biết đến khi nào mới có?

Lại nói, dẫu có tìm ra được người đã nổi lửa đốt đống rác bên cạnh gây nên đại họa kia, thì khả năng đòi được "phạt vạ" chắc cũng chỉ như lần theo dấu chim trời mà thôi! Mượn diễn đàn báo chí, chủ bãi xe Võ Trung Nhân tha thiết mong muốn được có cơ hội để "kéo cày trả nợ". Vi phạm thì đã vi phạm rồi (các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ!). Hậu quả nặng nề thì đã xảy ra rồi. Giờ có cố kéo nhau vào vòng lao lý, thì cũng có lấy lại được của đâu? Cách ấy có thể coi là hợp lý nhất trong thời điểm này, đối với cả hai phía. Nhưng là đến bao giờ?

Bãi đỗ xe Trần Quang Khải cũng đang hoạt động trong khi ngay trên đầu là đường dây điện 110KV.

Thiếu tá Phạm Trung Hiếu, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn về phòng cháy chữa cháy, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho rằng câu chuyện về bãi giữ xe trên đường Cao Lỗ có thể đã "đỡ" hơn nhiều nếu các chủ phương tiện thực sự quan tâm đến các biện pháp phòng ngừa rủi ro, chẳng hạn như mua bảo hiểm cháy nổ. Không phải chỉ khi cháy bãi xe rồi, vấn đề này mới được đặt ra.

Đã có rất nhiều trường hợp xe bốc cháy, cả ôtô và xe máy, thành đống than vụn rồi, chủ xe mới lại tặc lưỡi với cán bộ chuyên trách rằng "biết thế thì mua bảo hiểm quách đi cho rồi". Rõ ràng rủi ro là không ai muốn. Nhưng một khi sự cố xảy ra, người ta mới lại thấy cái giá của ba chữ "có bảo hiểm" nó cao chừng nào…

Đòi được vạ thì… má đã sưng

Phân tích sâu vào trường hợp vụ hỏa hoạn tại bãi giữ xe trên đường Cao Lỗ, các cán bộ chuyên môn của Sở PCCC Hà Nội cho rằng một khi hỏa hoạn xảy ra, câu chuyện không hoàn toàn đơn giản như cách nhiều người vẫn tưởng, nghĩa là "cứ đè chủ bãi xe ra mà đòi tiền" là được. Dựa trên tình hình thực tế, nếu để chẻ cho ra vấn đề sẽ rất là nhiêu khê.

Hiện nay, ngay cả trên địa bàn các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, những bãi giữ xe nằm trong quy hoạch đàng hoàng, điều hành bài bản, chuyên nghiệp, đáp ứng các yêu cầu về an toàn, phòng chống cháy nổ có thể nói là rất ít. Đa phần còn lại phát sinh do nhu cầu. Mà đã gọi là phát sinh theo nhu cầu thì khó mà áp cho được theo một quy chuẩn nào.

Nội chỉ riêng chuyện cấp giấy phép cho hoạt động trông giữ xe cũng đã phân cấp khác nhau. Và một điều mà ai cũng hiểu nhưng không phải ai cũng nói ra, đó là giấy phép của mỗi cấp khác nhau thì sự ràng buộc trách nhiệm của chủ bãi trông xe cũng khác nhau, giảm dần theo từng cấp độ. Hay có thể hiểu theo cách khác, phụ thuộc vào chính quy mô của bãi đỗ xe đó.

Còn như với các bãi trông giữ xe tự phát, lợi dụng đất xen kẹt, lợi dụng vỉa hè, lòng đường trong chớp nhoáng theo thời vụ, sự kiện hay một dạng rất phổ biến ở các thành phố chật hẹp hiện nay là các cơ quan, công sở, trường học tranh thủ mở thêm dịch vụ trông xe qua đêm… thì trách nhiệm của người nhận trông xe ăn tiền gần như bằng không! Một khi sự cố xảy ra, người gửi xe chắc chắn nắm phần bất lợi.

Điểm khai thác bãi đỗ xe ngày đêm trên phố Phùng Hưng, Hà Nội.

Đấy là nói về trách nhiệm của chủ bãi xe. Còn một khi hỏa hoạn xảy ra, thì bước tiếp theo là phải điều tra nguyên nhân. Trường hợp chiếc xe tự bốc cháy - mà điều này không phải là hiếm - thì chủ phương tiện không những khó được bồi thường mà còn phải chịu một phần trách nhiệm.

Nếu đám cháy được xác định bắt đầu từ chiếc xe tự bốc cháy mà lan sang các xe khác, thì thậm chí chủ phương tiện ấy còn phải chịu trách nhiệm liên đới. Trường hợp bãi xe bị cháy, nhưng nguồn lửa lại đến từ bên ngoài (do cháy lan, phá hoại…) thì trách nhiệm chính phải là từ nơi đã gây ra nguồn lửa kia. Trong trường hợp kẻ phóng hỏa không thể bị đưa ra ánh sáng thì cũng sẽ rất không dễ để quy trách nhiệm bồi thường cho một ai khác…

Cố nhiên, trong trường hợp nào thì chủ bãi trông giữ xe cũng phải có phần trách nhiệm vì không bảo đảm được cơ sở kinh doanh của mình đối với các điều kiện an toàn phòng chống cháy nổ cũng như trang thiết bị, phương tiện chữa cháy tại chỗ…

Nhưng một thực tế là nếu rơi vào các trường hợp này mà muốn đứng ra quy hết trách nhiệm bồi thường với chủ bãi xe thì rõ ràng là điều không dễ, ngoại trừ việc người ấy còn muốn tiếp tục hoạt động kinh doanh của mình. Tức là sẽ phải dựa vào những thỏa thuận dân sự mà không phải lúc nào các cơ quan chức năng cũng có thể can thiệp, dễ dẫn đến nhiều hệ lụy. Chung quy lại thì khả năng thua thiệt lớn hơn vẫn thuộc về người có phương tiện, mặc dù phải mất tiền đi gửi xe!

Trong báo cáo mới đây của Sở PCCC Hà Nội gửi Cục Cảnh sát PCCC và CHCN, Bộ Công an, qua kiểm tra 257 điểm trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội, đoàn kiểm tra của Sở PCCC Hà Nội đã kiến nghị tới 749 thiếu sót không đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ tại các điểm kiểm tra này. Tồn tại chủ yếu là trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy tại chỗ còn thiếu, chưa đạt yêu cầu, nhiều điểm trông giữ xe mà nhân viên không biết sử dụng phương tiện chữa cháy, chưa qua tập huấn.

Một trong những vi phạm gần như phổ biến, đó là lối thoát hiểm cũng như khả năng tiếp cận khẩn cấp của các phương tiện chữa cháy chuyên dụng. Ngoại trừ các bãi đỗ xe quy mô, trong hầm của các tòa nhà là bố trí khu vực đỗ ổn định, có lực lượng chữa cháy được đào tạo thì hầu hết các bãi đỗ xe ngoài trời đều vi phạm quy định này.

Với tình trạng xe gửi đông hơn xe nhận như hiện nay, bãi xe nào cũng đều trong tình trạng xe lèn chật cứng. Nhiều bãi đỗ xe chỉ có duy nhất một cửa vào. Như thế, trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, chỉ riêng việc sơ tán xe trong khu vực bị ảnh hưởng đã không khả thi rồi chứ nói gì đến đảm bảo khả năng tiếp cận của xe chữa cháy chuyên dụng.

Lựa chọn phạm vi hẹp

Theo con số thống kê được công bố cách đây ít lâu, các bãi đỗ xe, điểm đỗ xe công cộng được cấp phép trên địa bàn Hà Nội chỉ đáp ứng được từ 8 - 10% nhu cầu. Trừ đi số lượng khoảng 17 - 18 nghìn xe taxi theo thống kê cùng thời điểm, thì còn tới gần 90% phương tiện giao thông của Hà Nội phải thường xuyên ra vào những điểm đỗ không được cấp phép.

Với con số ước tính 40 nghìn xe ôtô đăng ký mới mỗi năm, thì đây quả là vấn đề đau đầu đối với các lực lượng chức năng trước hiểm họa mất an toàn, phòng chống cháy nổ tại các loại bến, bãi đỗ kiểu này.

Bãi xe đỗ ở Hà Nội.

Cũng qua những con số này để thấy, nhu cầu đỗ, gửi phương tiện vào các bãi trông giữ xe trên địa bàn là có thực, thậm chí rất lớn. Trong khi đó, hệ thống quy phạm pháp luật để điều chỉnh loại hình bến bãi đỗ xe còn rất hạn chế. Trong mục 9, Phụ lục Danh mục cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ ban hành kèm theo Nghị định số 35/2003/NĐ-CP mới chỉ nhắc đến các "bến xe khách cấp tỉnh trở lên; bãi đỗ có 200 xe ôtô trở lên".

Còn lại hầu hết cơ sở cho các cuộc thanh tra, kiểm tra về công tác an toàn phòng chống cháy, nổ đều dựa vào Bản Quy chuẩn Việt Nam 08 (QCVN 08: 2009/BXD về Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia công trình ngầm đô thị). Rõ ràng là việc kiểm soát các bãi, bến đỗ xe đang thiếu những điều chỉnh mang tính chiến lược.

Chỉ trong chưa đầy 4 tiếng đồng hồ, hơn 300 chiếc xe gắn máy cùng ôtô và tài sản bị thiêu trụi. Tổng giá trị thiệt hại liên quan đến bồi thường xác định ở mức 2,5 tỉ đồng là một khoản tiền không hề nhỏ. Nhưng điều quan trọng hơn là sau khi hậu quả xảy ra, cả chủ bãi xe lẫn chủ phương tiện mới ớ người ra trước một sự thật cay đắng: Tiền bồi thường lấy ở đâu?

Khi mọi sự còn đang suôn sẻ, ai nấy vui vẻ cả. Người trông xe thì thu được tiền, người gửi xe yên tâm kê cao gối, nào ai nghĩ đến đoạn khóc dở mếu dở như bây giờ… Rõ ràng có điều gì đó đang rất thiếu, rất hổng trong quy trình quản lý trông giữ bãi gửi xe hiện nay!

Vậy thì với quỹ đất hạn hẹp và một quy hoạch chưa tới tầm như hiện nay, có lẽ phương án khả thi hơn cả để giải quyết một phần vấn đề đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ chính là chấp nhận thực tế, chấp nhận có chọn lọc để đưa các điểm đỗ, bãi đỗ xe còn đang tự phát vào phạm vi quản lý. Thông qua đó để triển khai hiệu quả các hoạt động kiểm tra, giám sát an toàn phòng chống cháy nổ tại các địa điểm này?

Một phương án đề phòng rủi ro, giảm bớt thiệt hại một khi có hỏa hoạn xảy ra đối với các chủ phương tiện cần phải được chú trọng trong tình cảnh hiện nay là mua bảo hiểm. Nói đến những từ kêu gọi hay vận động nghe có vẻ giáo điều, song thực sự việc nhận thức đúng tầm quan trọng của vấn đề trước hiện trạng một chỗ đỗ gần chục xe tranh nhau như hiện nay là vô cùng cần thiết.

Qua trao đổi với Thiếu tá Phạm Trung Hiếu được biết, bảo hiểm cháy nổ dành cho phương tiện đối với chủ phương tiện theo quy định hiện nay là không bắt buộc. Bởi thế, không thể yêu cầu mọi chủ phương tiện đều phải tham gia loại hình bảo hiểm này. Tuy nhiên, sẽ hoàn toàn khả thi nếu đưa vào kiểm soát thông qua quy định bắt buộc đối với các bãi trông giữ xe: Chỉ nhận trông giữ những xe có tham gia bảo hiểm cháy nổ!

Việc này không hề phi lý nếu nhìn nhận trên khía cạnh an toàn chung, bởi một khi xe đưa vào bãi trông giữ, mọi bất trắc xảy đến với nó sẽ có ảnh hưởng sống còn tới các phương tiện cùng được trông giữ khác. Và điều quan trọng hơn, không phải ai khác, chính là người chủ phương tiện sẽ nhận được phần chia sẻ rủi ro một cách rõ ràng, nếu hỏa hoạn xảy ra, thay vì dài cổ ngóng chờ những lời hứa chẳng biết đến bao giờ mới thành hiện thực.

Việt Ba
.
.