Chèo Ngọc Khám - niềm đam mê không dứt

Thứ Năm, 04/06/2020, 09:09
Làng quê giờ đã lên phố nhưng sức sống của chiếu chèo Ngọc Khám dường như vẫn vẹn nguyên. Sau những lo toan tất bật của cuộc sống đời thường, những “nghệ sĩ nghiệp dư” của làng Ngọc Khám lại tụ họp nhau cùng hát chèo, tập các vở diễn do họ tự dựng lên hoặc cải biên, làm mới từ những tích cũ...

Dễ dàng cảm nhận được không khí hăng say tập luyện, nét phấn chấn hiện rõ trên khuôn mặt của những diễn viên chèo nghiệp dư đất này.

Tiếp nối từ truyền thống

Cơn mưa của xứ Kinh Bắc những ngày đầu hè đưa chúng tôi về với đất Thuận Thành, để lại được mục sở thị sức sống của cả một nền văn hóa đã bám rễ từ lâu trong đời sống người dân. Ấy là đất chèo Ngọc Khám. Về làng chèo Ngọc Khám (xã Gia Đông, Thuận Thành, Bắc Ninh) trong những dịp lễ hội, hay hội diễn - liên hoan văn nghệ, hẳn người thường ai cũng có thể thấu được câu ca vẫn lưu truyền trong dân gian xưa nay:

“Ăn no rồi lại nằm khoèo

Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem

Chẳng thèm ăn chả ăn nem

Thèm no cơm tẻ, thèm xem hát chèo”.

Ngọc Khám nổi tiếng trên quê hương quan họ về ca hát với nhiều đàn anh đàn chị tài giỏi với nhiều loại hình như hát trống quân, hát chèo, hát cải lương nhưng đặc biệt hơn cả, hát chèo vẫn có một sức sống mãnh liệt, bền bỉ, bám rễ sâu vào nhịp sống người dân.

Ông Nguyễn Văn Tự hào hứng nói về vở diễn mà ông vừa viết xong thoại và một số lời bông.

Chèo Ngọc Khám đã có từ hàng trăm năm nay, được lưu truyền từ hai gánh hát của cụ kép Thưởng và cụ kép Bảng của làng. Cho đến nhưng năm 60 của thế kỉ 20, truyền thống hát chèo của Ngọc Khám được cố nghệ sĩ Trần Đình Kha tiếp nối, gây dựng và gìn giữ. Từ thời điểm này, đội văn nghệ làng Ngọc Khám đã được thành lập và duy trì phát triển cho đến nay.

Đội văn nghệ ban đầu gồm 18 diễn viên và nhạc công. Họ đa số là những người được nghe chèo từ nhỏ nên những làn điệu chèo đã ngấm sâu vào tâm hồn và trở thành niềm đam mê. Có lẽ bởi vậy mà ngay từ những năm đầu thành lập, đội văn nghệ đã tạo được những dấu ấn nhất định. Các vở chèo cổ, chèo hiện đại được dàn dựng và luyện tập, không chỉ phục vụ quần chúng nhân dân mà còn để đi thi, lưu diễn ở trong và ngoài tỉnh.

Nhà văn hóa làng Ngọc Khám, nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hóa cũng như giao lưu giữa các câu lạc bộ chèo trong - ngoài làng.

Tiếng hát chèo Ngọc Khám ngày càng lan tỏa. Cũng từ đây, từ chiếu chèo quê, những “hạt giống” tiềm năng đã được cụ Trần Đình Kha chọn cử đi học chuyên nghiệp trở thành nghệ sĩ, đạo diễn, diễn viên. Có thể kể đến những diễn viên, đạo diễn tiếp nối và phát huy nền văn hóa nghệ thuật chèo đặc sắc như: Xuân Sách, Xuân Quyết, Hồng Nghĩa, Kim Tuyến, Nguyễn Văn Tự... Họ không chỉ góp phần đưa tiếng chèo Ngọc Khám đi xa mà còn là những người kế tục giữ nhịp chèo quê nhà.

Kể về quãng thời gian hơn 50 năm gắn bó, thăng trầm với chiếu chèo quê hương, ông Nguyễn Văn Tự, Phó Chủ nhiệm đạo diễn CLB đàn hát dân ca Ngọc Khám, không khỏi tự hào. Bởi ông là một trong số những người gia nhập đội văn nghệ từ những ngày đầu thành lập, sau đó lại được cử đi học và trở lại cùng gìn giữ và truyền nối truyền thống cha ông. 

“Hơn 50 năm qua đó là cả một quá trình của niềm đam mê, lao động miệt mài, hăng say. Tôi luôn nỗ lực nhiều nhất có thể để không chỉ tiếp nối thế hệ đi trước, mà hi vọng có thể đóng góp, cống hiến cho nghệ thuật chèo những tác phẩm có giá trị với cuộc sống. Phát triển và nhân rộng hơn nữa sức sống của chèo quê nhà”, ông Tự chia sẻ.

Sức sống từ những chiếu chèo

Từ một đội văn nghệ, đến nay, Ngọc Khám đã có 4 CLB văn nghệ cùng sinh hoạt, đó là CLB đàn hát dân ca của Hội Người cao tuổi, CLB văn nghệ chùa Nhân, CLB phường Hà và mới nhất là CLB quan họ mới thành lập.

Trích đoạn diễn của những nghệ sĩ chèo không chuyên làng Ngọc Khám.

Bên cạnh phong trào văn hóa văn nghệ địa phương, các CLB chèo của Ngọc Khám đều thường xuyên tổ chức giao lưu, hội diễn, liên hoan văn nghệ với các đơn vị bạn, cũng như tham gia hội thi toàn tỉnh. Tiếng hát chèo theo đó không chỉ bám rễ sâu trong tâm khảm mỗi người dân Ngọc Khám, còn được nhân rộng và lan tỏa.

Trong tín hiệu mừng như thế, chèo Ngọc Khám cũng gặp phải niềm trăn trở như bất cứ làng văn hóa truyền thống nào khác, đó là sự thiếu mặn mà của lớp trẻ đối với nghề truyền thống. Đặc biệt, thời buổi cơ chế thị trường, công nghệ hiện đại, kéo theo đó là sự du nhập của các thể loại âm nhạc hiện đại Á - Âu, thì chèo rất khó để có thể thu hút giới trẻ. Đây thực sự là một bài toán nan giải đối với không chỉ hát chèo mà với tất cả các loại hình nghệ thuật truyền thống khác.

Bao năm gắn bó gìn giữ làn điệu chèo quê hương, ông Nguyễn Văn Tự cho biết, những người yêu thích chèo đa số cũng đã về già, để lưu truyền, gìn giữ tiếng hát chèo cho thế hệ sau rất cần được sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành.

Theo ông, để đào tạo những lớp kế cận chèo Ngọc Khám còn gặp không ít khó khăn về điều kiện vật chất, sự đãi ngộ cho thế hệ trẻ trong việc gìn giữ phát huy giá trị quê hương... Đồng thời, bản thân chèo và người nghệ sĩ chèo cần biết tự làm mới mình, làm mới các vở diễn, phong phú thêm cách trình diễn; cần cập nhật cho chèo các nội dung phù hợp với thời đại... chỉ như thế mới có thể thu hút người trẻ tham gia.

“Còn sức lực tôi còn cống hiến hết mình cho chèo. Tôi tin rằng, khi mình cố gắng, mọi người cùng cố gắng, rồi lửa đam mê sẽ truyền được cho thế hệ trẻ tiếp nối”, người chèo lái các CLB chèo Ngọc Khám tin tưởng. Ông cũng tin rằng, tiếp sau ông, những người con của làng chèo như đạo diễn Trần Đình Trịnh (con của cố nghệ sĩ Trần Đình Kha), trợ lí đạo diễn Thanh Thơ, hay Hồng Thái... sẽ tiếp tục làm tốt việc gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống của cha ông.

Làng quê nay đã lên phố, đời sống người dân đã trở nên khấm khá hơn, những ngôi nhà cao tầng cũng nhiều hơn. Thế nhưng, sức hút của làn điệu dân gian dường như vẫn còn đó. Khi kết thúc các công việc gia đình, công chuyện làm ăn, chẳng ai bảo ai, người làng Ngọc Khám lại tụ họp với nhau bên các chiếu chèo, các CLB mà mình tham gia sinh hoạt để cùng hát, cùng luyện tập cho các vở mới. Họ tự chuẩn bị cho mình dụng cụ, trang phục, phương tiện đi lại cần thiết trước mỗi xuất diễn.

Không cần thù lao, không cần lương bổng, có khi phải bỏ cả tiền túi của mình ra nhưng với niềm say mê, muốn nuôi dưỡng và gìn giữ môn nghệ thuật hát chèo thì những điều ấy đâu có là gì. Với họ, chỉ cần được đàn, hát và biểu diễn phục vụ bà con chòm xóm là niềm vinh dự, hạnh phúc lớn lao. Và hơn hết, họ tự hào khi được tiếp nối mạch nguồn văn hóa quê hương.

Trang Nguyên
.
.