Chi trả bảo hiểm thất nghiệp: Có tiền vẫn cứ... loay hoay

Thứ Tư, 20/01/2010, 13:40
Sau nửa tháng kể từ khi triển khai chi trả BHTN đến nay đã bộc lộ khá nhiều vướng mắc. Đáng chú ý là TP Hà Nội, nơi tập trung số lượng lớn doanh nghiệp và NLĐ thì số lượng người tới đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp không nhiều. Tại cả 2 điểm đăng ký (TT số 1 và số 2), chỉ có 61 người đăng ký, 1 người nộp hồ sơ và cũng chưa được duyệt hưởng BHTN.

Không thiếu tiền

Còn nhớ cuối năm 2008, trong buổi họp báo công bố việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), rất nhiều câu hỏi của các phóng viên đã đặt ra với Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Nguyễn Thanh Hòa về tính khả thi của chính sách này.

Thậm chí có người còn lo lắng trong khi các doanh nghiệp đang phải đối mặt với tác động của khủng hoảng kinh tế thì việc thu thêm BHTN sẽ là một gánh nặng, vì thế sẽ gặp phải những khó khăn tương tự như việc thu BHXH bắt buộc đang gặp phải và chế tài xử lý các doanh nghiệp trốn tránh việc đóng BHTN ra sao (?).

Tuy nhiên, sau 1 năm triển khai việc thu bảo hiểm thất nghiệp, thực tế đã không "nghiêm trọng" như mọi người lo lắng. Ông Dương Mạnh Hùng, Giám đốc BHTN - Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, cho tới thời điểm này tổng số tiền BHTN đã thu được là 3.066 tỉ đồng.

Đây là số tiền thu được từ 3% tiền lương, tiền công tháng của 5,6 triệu lao động tham gia BHTN  (người lao động (NLĐ) đóng 1%, người sử dụng lao động đóng 1% và Nhà nước lấy từ ngân sách hỗ trợ 1%).

Với số tiền này thì đảm bảo sẽ không thiếu tiền chi trả BHTN. Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục Việc làm Nguyễn Đại Đồng. Sở dĩ có thể khẳng định như vậy bởi gói kích cầu và các giải pháp đồng bộ của Chính phủ đã có hiệu quả tích cực khi năm 2009, nền kinh tế vẫn có mức tăng trưởng trên 5% vì vậy mà số lượng lao động thất nghiệp đã không cao như kịch bản mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra khi bắt đầu triển khai BHTN.

Trong số 5,4 triệu lao động tham gia BHTN, có tới 1 triệu lao động đang làm việc trong các cơ quan khối sự nghiệp, đây là những người "không có nguy cơ thất nghiệp", vì vậy có thể coi khoản thu từ số người này như một khoản "bảo hiểm" cho quỹ BHTN không vỡ.

Vẫn loay hoay

Theo quy định, để được hưởng BHTN, người lao động phải đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật, đã đăng ký với cơ quan lao động khi bị mất việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động và chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động theo quy định.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi NLĐ thất nghiệp. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ là 3 tháng nếu có đủ từ 12 tháng đến dưới 36 tháng đóng BHTN; 6 tháng nếu có đủ từ 36 tháng - dưới 72 tháng đóng BHTN; 9 tháng nếu có đủ từ 72 tháng - dưới 144 tháng đóng BHTN; 12 tháng nếu có từ đủ 144 tháng đóng BHTN trở lên.

Ngoài trợ cấp thất nghiệp, NLĐ còn được hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm và được hưởng bảo hiểm y tế theo quy định. Mức hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp trong trường hợp này bằng mức chi phí học nghề ngắn hạn theo quy định pháp luật về dạy nghề. Thời gian học nghề cho lao động không quá 6 tháng, tính từ ngày lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Phó cục trưởng Cục Việc làm Lê Quang Trung cho biết, BHTN là một chính sách mới nhằm đảm bảo an sinh xã hội, hiện chỉ có 50% số quốc gia trên thế giới thực hiện; tại các nước khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam triển khai thứ 2 sau Thái Lan nên sẽ vừa làm vừa tháo gỡ vướng mắc. Hiện tại thủ tục đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp đã được đơn giản đến mức tối đa.

Theo đó, ngay sau khi thất nghiệp, sau khi kê khai, trong vòng 7 ngày NLĐ hoàn thành hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm đơn đề nghị hưởng, quyết định cho nghỉ việc của doanh nghiệp, bản photo copy hợp đồng lao động và sổ bảo hiểm xã hội. Sau đó trong vòng 15 ngày nhận hồ sơ, họ sẽ được đồng ý cấp trợ cấp thất nghiệp và bắt đầu hưởng trợ cấp từ ngày thứ 16 trở đi.

Tuy nhiên, sau nửa tháng kể từ khi triển khai chi trả BHTN đến nay đã bộc lộ khá nhiều vướng mắc. Đáng chú ý là TP Hà Nội, nơi tập trung  số lượng lớn doanh nghiệp và NLĐ thì số lượng người tới đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp không nhiều. Tại cả 2 điểm đăng ký (TT số 1 và số 2), chỉ có 61 người đăng ký, 1 người nộp hồ sơ và cũng chưa được duyệt hưởng BHTN.

Lý giải điều này, ông Đồng cho rằng có hai khả năng: Thứ nhất, có thể do Hà Nội làm tốt các chính sách về tạo việc làm nên số lượng NLĐ thất nghiệp do khủng hoảng kinh tế không nhiều.

Khả năng còn lại có thể do khâu tuyên truyền của Hà Nội làm chưa tốt nên NLĐ thất nghiệp không biết về chính sách này, hoặc số lượng các điểm để NLĐ thất nghiệp tới đăng ký còn quá ít (trong những ngày đầu thực hiện việc đăng ký, HN chỉ có 2 điểm, trong khi TP HCM có tới 8 điểm).

Không những thế, nhận thức của NLĐ và người sử dụng lao động còn thấp. Nhiều NLĐ cho rằng cứ thất nghiệp là được hưởng trợ cấp và hưởng 1 lần là 3 tháng trợ cấp để về quê nghỉ ăn Tết. Người sử dụng lao động thì gây khó khăn trong việc hoàn thiện các thủ tục giấy tờ khi NLĐ mất việc làm.

Việc chốt sổ BHXH cũng gặp nhiều khó khăn vì một số doanh nghiệp nợ đóng BHXH nói chung và BHTN nói riêng nên không thể chốt sổ. Ngoài ra, trong các văn bản hướng dẫn vẫn chưa có quy định cụ thể thế nào là lý do không chính đáng khi NLĐ từ chối việc làm do các TTGTVL giới thiệu.

Một vướng mắc nữa là trong quá trình thực hiện, xuất hiện khá nhiều trường hợp NLĐ chưa làm việc đủ số tháng theo quy định (tối thiểu 12 tháng trong vòng 24 tháng liên tục) nhưng đã đóng BHTN đủ 12 tháng thì có giải quyết cho hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không. Ông Đồng khẳng định: với những trường hợp này, dù chưa làm đủ số tháng quy định nhưng vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp như bình thường.

Sắp tới đây, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách BHTN để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ

Nguyễn Thiêm
.
.