Danh hiệu văn hóa: Chiếc áo không làm nên thầy tu

Thứ Sáu, 06/03/2015, 13:00
Đạt được danh hiệu không phải là điểm kết thúc, là đỉnh cao của các di sản, mà nó còn là điểm bắt đầu cho hành trình “hậu công nhận”.

Các danh hiệu được đặt ra biểu hiện sự công nhận của một nhóm đối tượng, tổ chức nào đó. Tổ chức càng uy tín thì danh hiệu càng có giá trị và độ chính xác của sự công nhận càng cao. Bởi thế, danh hiệu “di sản thế giới” của UNESCO hẳn nhiên là có giá trị cao, thứ nhất là vì uy tín của tổ chức ấy, thứ hai là vì tầm được công nhận là tầm “thế giới” chứ không phải là người trong một nhà tự khen nhau. Nhưng đạt được danh hiệu không phải là điểm kết thúc, là đỉnh cao của các di sản, mà nó còn là điểm bắt đầu cho hành trình “hậu công nhận”.

Nếu như chúng ta chỉ nhìn việc được gắn mác "di sản thế giới" là cái đích hướng đến mà không tính toán, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho quá trình phát triển sau đó của di sản thì vô hình trung, chúng ta sẽ mắc vào "cái bẫy" do chính mình tự giăng ra.

Câu chuyện gần đây về loại hình nghệ thuật dân gian hát bài chòi có nên coi là một trong những cơ hội để những ai quan tâm nhìn nhận lại? Trước sự hăm hở của nhiều người, trong đó có các nhà nghiên cứu, người làm trong ngành văn hóa về việc vận động cho nghệ thuật bài chòi trở thành di sản văn hóa phi vật thể thế giới, nếu không tỉnh táo thì "yêu nhau như thế bằng mười hại nhau".

Mặc dù được nhiều nhà nghiên cứu, phê bình ca ngợi, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có công trình nghiên cứu xứng tầm nào về lịch sử ra đời, phát triển của bài chòi? Phần lớn các ý kiến đều dựa vào một nghiên cứu của nhà âm nhạc học người Pháp G.L Bovier.

Trong tập sách "Larousse Musicale", ông Bovier cho rằng bài chòi được hình thành và phát triển sau những năm Nam tiến, tức là sau năm 1470.

Theo một số lưu truyền trong dân gian thì ông tổ của nghệ thuật bài chòi là Đào Duy Từ. Khi mới ra đời, hát bài chòi gắn liền với đặc điểm riêng biệt của người nông dân các tỉnh này.

Họ dựng các chòi trên cánh đồng để canh thú rừng phá hoại hoa màu. Vào những đêm thanh vắng, yên bình, họ nghĩ ra các trò chơi, dùng các điệu hát để giải trí cũng như giao lưu, đối đáp với nhau.

Hát bài chòi ngày càng thu hút sự quan tâm, yêu thích của người dân cũng như tầng lớp trí thức, quan lại. Sau này, hát bài chòi trở nên chuyên nghiệp, hình thành các gánh hát bài chòi đi biểu diễn ở khắp nơi. Hát bài chòi vẫn còn tồn tại ở các tỉnh miền Trung cho đến tận ngày nay.

Có một đặc điểm khá thú vị là tài liệu nghiên cứu về bài chòi được nhiều người viện dẫn nhất là của một nhà nghiên cứu người Pháp.

Hội thảo quốc tế về nghệ thuật bài chòi mới đây được tổ chức tại Bình Định cũng khiến nhiều người hân hoan vì những đánh giá của các học giả nước ngoài về "tầm" của nghệ thuật bài chòi.

Có những nơi biểu diễn bài chòi chủ yếu cho khách du lịch thưởng lãm. Những lời khen ngợi và ghi nhận đó không phải không quan trọng nhưng nếu không bình tĩnh xem xét và cân nhắc thì chúng ta dễ sa vào tâm lý vọng ngoại một cách phù phiếm.

Loại hình dân ca Ví, Giặm vừa được công nhận di sản văn hóa phi vật thể UNESCO.

Trong một cuộc tọa đàm tại Quảng Nam vào tháng 10/2014, do Viện Âm nhạc Việt Nam phối hợp với Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tồn danh thắng Quảng Nam tổ chức, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan - Tổng đạo diễn xây dựng hồ sơ quốc gia Nghệ thuật bài chòi miền Trung cho rằng, so với các loại hình nghệ thuật di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận như đờn ca tài tử, dân ca quan họ, ca trù thì bài chòi có quá ít tài liệu nghiên cứu.

Phần lớn các bài viết về bài chòi trên các phương tiện truyền thông đại chúng đều chưa có sự điền dã, nghiên cứu một cách khoa học nên "cái gốc" để được UNESCO công nhận hát bài chòi là di sản phi vật thể hiện vẫn còn chung chiêng.

Đến không gian văn hóa cụ thể đã từng tồn tại nghệ thuật bài chòi hiện nay cũng chưa được xác định một cách chắc chắn bằng các nghiên cứu, điều tra khoa học trên thực tế.

Vừa trở thành di sản phi vật thể cấp quốc gia vào tháng 8/2014, ngay sau đó, bài chòi đã được đưa vào danh sách đệ trình UNESCO công nhận di sản  phi vật thể của nhân loại. Chậm nhất là ngày 31/3/2015, hồ sơ của nghệ thuật bài chòi phải được gửi tới UNESCO.

Khoảng thời gian quá ngắn, việc có chuẩn bị đủ các điều kiện về hồ sơ hay không là của những người phụ trách công việc này, nhưng sự cấp tập đó phần nào thể hiện tâm lý hào hứng, có phần hơi sốt ruột với danh hiệu.

Theo những gì được phản ánh trên các phương tiện truyền thông, có cảm giác đang có một cuộc chạy đua danh hiệu của UNESCO giữa các địa phương(?).

Có báo địa phương nhận xét Nam Trung Bộ vẫn đang là vùng "trắng" danh hiệu Di sản phi vật thể Thế giới khi đặt cạnh đồng bằng Bắc Bộ (hát xoan, quan họ, ca trù), Bắc Trung Bộ (nhã nhạc Huế), Tây Nguyên (không gian văn hóa cồng chiêng) hay Nam Bộ (đờn ca tài tử).

Hát xoan Phú Thọ.

Việc được công nhận có một di sản phi vật thể giống như để các địa phương "bằng bạn bằng bè" để không nơi nào thấy mình thua kém vì thiếu danh hiệu.

Hiểu theo một cách nào đó, danh hiệu là một cái áo khoác ngoài. Có một cái áo đẹp để thu hút sự chú ý của người khác đôi khi là điều rất cần thiết.

Việc được công nhận là di sản phi  vật thể của nhân loại để nghệ thuật bài chòi được quảng bá rộng rãi, được đông đảo công chúng quan tâm rõ ràng là có tác dụng tốt với loại hình nghệ thuật này cũng như cho cả không gian văn hóa nói chung. Song, chiếc áo không làm nên thầy tu.

Cố công lấy được danh hiệu mà không tính đến khả năng phục hồi, nuôi dưỡng được bộ môn nghệ thuật ấy cho xứng tầm thì  chính chúng ta sẽ tự làm khó mình.

Trên thực tế, nghệ nhân của các bộ môn nghệ thuật đã được công nhận là di sản chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ để có thể sống được với  nghề, chuyên tâm với việc gìn giữ và phát triển.

Các nghệ nhân ngày một già đi mà lớp trẻ kế cận chưa có nhiều người thực sự đam mê, tâm huyết với nghệ thuật truyền thống là một nguy cơ lụn bại.

Sự tồn tại của các bộ môn nghệ thuật được công nhận là di sản phi vật thể hiện nay vẫn mang nặng tính trình diễn tại các kỳ liên hoan.

Trong khi, cái nôi của sự ra đời, nơi nuôi dưỡng các di sản ấy là đời sống quần chúng nhân dân. Phải tạo được đất sống cho di sản ngay trong lòng cuộc sống hằng ngày của người dân thì sức sống ấy mới lâu bền và di sản thực sự có ý nghĩa.

Nghệ thuật bài chòi hiện mới được phục dựng tại Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên, ở Đà Nẵng, Khánh Hòa cũng có xuất hiện các nhóm bài chòi mang tính tự phát. Trên báo chí đã xuất hiện những kêu ca của các câu lạc bộ bài chòi vì chưa được quan tâm đầu tư nhiều.

Để một loại hình nghệ thuật không còn phổ biến rộng rãi trở lại với đời sống bằng sức sống nội lực tự thân là một việc vô cùng gian nan, cần một quá trình được xây dựng lớp lang, bài bản và tiến hành từ từ  từng bước một.

Cần phải xây dựng kế hoạch cho quá trình này từ trước khi di sản được công nhận, chứ không phải sau khi được công nhận rồi mà chúng ta vẫn loay hoay với việc bảo tồn và phát triển giống như trường hợp của các di sản đã được công nhận trước đây.

Thích các danh hiệu, sự ghi nhận là đặc điểm tâm lý phổ biến trong xã hội Việt Nam ngày nay. Không phải ngẫu nhiên mà ngành giáo dục phải phát động phong trào chống bệnh thành tích, bỏ cả chấm điểm, thi cử ở cấp tiểu học nhằm xóa bỏ dần dần sự sính danh hiệu, trong nhiều trường hợp là chạy đua theo các cái danh hão bằng mọi giá.

Tâm lý thích danh hiệu, tìm cách đạt được danh hiệu dù nội lực còn nhiều thiếu hụt là biểu hiện của sự thiếu tự tin vào sức mạnh tự thân.

Một người thực sự tự tin vào giá trị của bản thân thì chỉ cần sự ghi nhận của những người xung quanh, không nhất thiết phải khoác lên mình một danh hiệu có tên gọi kêu như mõ nào đó.

Nếu tự bản thân đã hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết, phù hợp với danh hiệu thì việc đón nhận danh hiệu là một hành động cộng thêm xứng đáng. Nhưng tìm cách chạy đua để có bằng được danh hiệu sẽ chỉ tốn kém thời gian, tiền của và công sức.

Nghệ thuật bài chòi cũng như các loại hình nghệ thuật dân gian khác, là sản phẩm của quần chúng nhân dân, trước tiên là để phục vụ nhu cầu giải trí, thưởng thức nghệ thuật của nhân dân. Không cần tới bất cứ sự công nhận nào của bên ngoài thì người dân cũng vẫn sẽ yêu quý và thưởng thức sản phẩm nghệ thuật truyền thống nếu nó thực sự gần gũi và thu hút họ.

Còn ngược lại, nếu được bên ngoài công nhận mà người dân không được, không muốn thưởng thức, tham gia vào các loại hình nghệ thuật đó thì chúng ta mới chỉ giữ được cái vỏ hào nhoáng bên ngoài, tôn tạo nó bằng danh hiệu trong khi bên trong có những phần trống rỗng.

Nếu không tỉnh táo và có một kế hoạch dài hơi, thiết thực cho việc phát huy giá trị của nghệ thuật từ gốc rễ thì chúng ta sẽ dễ bị lâm  vào tình thế này.

Quảng bả văn hóa Việt Nam ra bên ngoài là một nhiệm vụ. Chuyện không cần phải bàn cãi. Nhưng quảng bá thế nào để vừa hiệu quả, vừa thực chất và có tính chiều sâu lại là bài toán không dễ dàng mà những người làm văn hóa hiện nay cần phải tìm cho được lời giải.

Việt Hòa
.
.