Chiến tranh mạng nguy hiểm như thế nào?

Thứ Năm, 29/08/2013, 09:05

Những dòng nước bẩn thỉu, hôi thối rỉ ra từ vòi nước, nhưng chẳng ai biết nguyên nhân vì sao. Không có điện, thật khó có thể biết được thông tin về những gì đang xảy ra. Các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên khắp thành phố vì đèn điều khiển giao thông không hoạt động, cũng như những rủi ro tại nhà máy điện hạt nhân. Đó là những gì mà người ta nói về một cuộc chiến tranh qua mạng Internet, cuộc tấn công khốc liệt vào cơ sở hạ tầng kiểm soát hệ thống máy tính của một quốc gia, cuộc tấn công không cần bom, đạn, máy bay, xe tăng hay tàu chiến mà chỉ cần máy tính, kỹ thuật lập trình và kết nối Internet nhưng hậu quả gây ra không kém phần khốc liệt.

Các vụ tấn công mạng vẫn diễn ra hằng ngày ở đâu đó trên khắp thế giới, những đợt đột kích quy mô nhỏ hơn thường nhắm vào cơ sở hạ tầng chính phủ, quân đội và doanh nghiệp. Khó có ai có thể phát hiện ra kẻ nào đứng đằng sau các vụ tấn công; đôi khi sự thật này xuất hiện chỉ sau vài tháng hoặc vài năm.

Thường thì bọn tin tặc thích tìm ra các điểm yếu và cố khai thác triệt để nhằm mục đích gây thiệt hại lớn nhất. Đôi khi các chính phủ tự "nộp mình" vào tầm ngắm của kẻ tấn công qua Internet đã được lên kế hoạch từ trước.

Các cơ sở hạt nhân của Iran từng "nếm quả đắng" từ virus Stuxnet của Mỹ và Israel.

Một trong những vụ việc nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây: virus Stuxnet được cho là đã khiến cho các máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân Natan của Iran mất quyền kiểm soát. Theo thông tin mới được công bố, loại virus đó đã điều khiển tần số các máy ly tâm quay khi chúng làm giàu uranium, vì vậy chúng trở nên bất lực hoàn toàn.

Theo tờ New York Times, Cơ quan Mật vụ NSA (Mỹ) và tình báo Israel đã phát triển virus đó.

Một quốc gia làm thế nào để có thể chống lại một cuộc tấn công như vậy? Cẩm nang Tallinn về Luật quốc tế áp dụng cho Chiến tranh Internet do Trung tâm Tình báo Phòng chống Chiến tranh mạng liên kết của Nato ở Tallin, Estonia, xuất bản hồi tháng 3/2013 có thể cho chúng ta có nhiều hiểu biết về những mối nguy hiểm từ một cuộc tấn công qua mạng Internet. Cuốn cẩm nang có 95 quy tắc đề phòng các quốc gia NATO có thể tự ý "nhúng tay" vào các cuộc tấn công mạng, tuy nhiên các đề xuất của nó không có ràng buộc về mặt pháp lý.

Sẽ chẳng có lý do chính đáng (hợp pháp) để chống lại từng cuộc tấn công mạng như thể nó là một cuộc tấn công vũ trang mà các quốc gia có quyền phản kháng lại theo luật tự vệ. Thật nguy hiểm nếu như chiến tranh mạng kết hợp với gián điệp công nghiệp, sẽ có thể gây ra thiệt hại nặng nề đối với nền kinh tế của một quốc gia, về lâu về dài ắt khiến cho quốc gia đó sụp đổ

Phạm Khôi Nguyên (tổng hợp)
.
.