“Chiếu chèo” sân trường ở Hải Dương

Thứ Sáu, 13/11/2009, 15:20
Có một thực tế là, đa phần giới trẻ hiện nay ít quan tâm tới văn hóa truyền thống, các loại hình âm nhạc cổ truyền như hát chèo, hát chầu văn, dân ca các miền... hầu như chỉ dành cho bậc cha chú hoặc người nước ngoài thưởng thức. Song gần đây, tại nhiều trường phổ thông ở Hải Dương, những hoạt động nhằm khơi dậy di sản văn hóa truyền thống đã được tổ chức ngày càng nhiều.

"...Ánh mắt em cười trong hương xuân má em hồng tươi, ơi quê ta cho dù xa cách nhưng vẫn đậm đà khúc hát dân ca, mượt mà thắm đượm tình ta..." vừa bước vào khuôn viên Trường THCS Cẩm Đoài (Cẩm Giàng, Hải Dương) chúng tôi rất ngạc nhiên khi được nghe một làn điệu chèo mượt mà bằng một giọng hát khá "trẻ con". Thầy Hiệu phó Vũ Văn Luyện giải thích, đây là lớp học hát chèo của nghệ sĩ Trần Thị Thúy Nghệ, giảng viên Trường trung cấp Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Hải Dương mở tại trường đã được một năm nay.

Một lớp học thoạt nhìn bình thường như bao lớp học khác, mỗi học sinh được phát một bản nhạc. Hôm nay các em được học "Đào Liễu" theo lời mới. Trước tiên, cô Nghệ giảng cho các em về nguồn gốc của làng Đào Liễu. Theo lời cổ, bài hát chèo thể hiện khát khao tìm thấy một tình yêu lớn lao và trọn vẹn của một người con gái trẻ trung.

Tuy nhiên, vì đang dạy cho học sinh từ 12-15 tuổi nên cô Nghệ tập trung dạy cho các em lời mới, không chỉ bó hẹp trong tình yêu lứa đôi mà còn mở rộng ra tình yêu quê hương đất nước. 35 mái đầu xanh ngồi nghe một cách chăm chú, say mê. Cô Nghệ tập trung uốn nắn những chỗ luyến láy sao cho thật "ngọt ngào". Các học sinh cũng tranh thủ "luyện giọng" ngay tại lớp. Một không khí rộn ràng, vui tươi ngập tràn lớp học.

Đây là năm thứ hai liên tiếp, Đoàn thanh niên huyện Cẩm Giàng phối hợp với Trường trung cấp VH-TT&DL tỉnh mở lớp dạy hát chèo tại trường phổ thông. Hàng tuần, cô Nghệ dành ba buổi chiều chạy xe mười mấy cây số xuống Trường THCS Cẩm Đoài để dạy. Giáo trình các em học cũng chính là giáo trình giảng dạy tại Trường trung cấp VH-TT&DL tỉnh song đã được cô Nghệ biên soạn lại cho phù hợp.

Em Nguyễn Thị Lan (học sinh lớp 8B) là một trong những học trò xuất sắc của cô Nghệ. Lan có trí nhớ tốt, giọng hát truyền cảm và diễn xuất khá. Lan tâm sự, từ nhỏ em hay được ông bà, bố mẹ cho đi xem hát chèo trong làng, Lan rất thích và cứ véo von hát theo.

Lan muốn học lắm, nhưng chỉ thỉnh thoảng mới "học lỏm" được trong các hội làng thôi. Năm Lan học lớp 7, trường có mời cô giáo Nghệ về giảng dạy Lan mừng lắm. Sau mỗi buổi học, Lan thường xuyên tự tập ở nhà, rồi còn rủ bạn bè cùng tập luyện. Lan được cô Nghệ tín nhiệm, dành cho suất hát chính trong mỗi buổi biểu diễn.

Cùng với Lan, các em Vũ Văn Đức (lớp 8A), Nguyễn Thị Thùy (lớp 9A)... cũng đã trở thành những "diễn viên nhí" chuyên hát chèo. Một câu lạc bộ hát chèo của Trường Cẩm Đoài cũng đã được thành lập và thường xuyên biểu diễn trong các dịp kỷ niệm, sơ kết, tổng kết của trường và của xã. Cũng sau một năm học, đã có 18 trong tổng số 35 em của lớp học hát chèo, Trường THCS Cẩm Đoài đã được chứng nhận biết hát chèo.

Sáng 5/9/2009, hơn 700 giáo viên và học sinh cùng quan khách đã được thưởng thức một tiết mục văn hóa đặc biệt trong lễ khai giảng năm học mới của Trường THCS Võ Thị Sáu (TP Hải Dương).

Em Nguyễn Thị Vân Anh, học sinh lớp 6A3 Trường Võ Thị Sáu biểu diễn đàn nguyệt.

Hai học sinh của trường trong bộ trang phục truyền thống biểu diễn bài "5 điều Bác Hồ dạy" theo thể hát nói (do nghệ sĩ Phạm Ngọc Cuông chuyển thể). Tiếng hát trong vắt cùng tiếng trống phách, tiếng đàn nguyệt dặt dìu tạo cho người nghe một cảm giác thật thú vị. Trong khoảng thời gian hơn 5 phút hai "nghệ sĩ nhí" Phạm Thị Vân Anh (học sinh lớp 6A3) và Nguyễn Trà My (học sinh lớp 7A1) thực sự đã chinh phục được khán giả.

Năm học 2008-2009 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) triển khai Phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Trong đó, việc đưa các bài hát dân ca, điệu múa truyền thống của địa phương vào nhà trường là một trong những nội dung quan trọng.

Ngoài chiếu chèo ở Trường THCS Cẩm Đoài (Cẩm Giàng) ra, ở TP Hải Dương cũng có khá nhiều câu lạc bộ hát dân ca được lập ra, thường xuyên hoạt động. Một trong những điển hình là ở Trường THCS Võ Thị Sáu.

Cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên phụ trách bộ môn hát nhạc của trường cho chúng tôi biết, các bài hát dân ca đã được đưa vào chương trình từ lớp 6 cho tới lớp 9. Mỗi tuần chỉ có một buổi học, song cô Thúy vẫn cố gắng truyền tải cho học sinh lượng kiến thức về âm nhạc nhiều nhất có thể. Và đặc biệt, cô Thúy rất vui khi có nhiều em học sinh lớp 6, lớp 7 rất yêu thích các bài hát dân ca.

Với nòng cốt là Vân Anh, Trà My các chi đội 6A, 7A... của trường đã thành lập các câu lạc bộ để luyện tập, biểu diễn trong các dịp sinh hoạt tập thể, kết nạp đoàn viên, khai giảng, tổng kết năm học...

Em Nguyễn Gia Bách, học sinh lớp 8A1 tâm sự, những giờ học môn hát nhạc là thời gian em cảm thấy rất thoải mái. Còn Ngô Thúy An, học sinh lớp 9A1 thì kể, từ khi còn bé tí xíu mỗi lần nghe các bài hát dân ca trên tivi hay đài phát thanh là em lẩm nhẩm hát theo.

Tới lớp được cô dạy, An càng thêm yêu thích những giờ học hát nhạc. Học xong, An thấy thêm yêu quê hương, yêu thầy cô, bạn bè, mái trường hơn. Năm nào An cũng đòi bố mẹ cho về quê dịp hội làng để được nghe hát dân ca...

Ông Hà Tuấn Phục, Trưởng phòng Giáo dục TP Hải Dương cho chúng tôi biết, thực hiện chủ trương của Bộ GD-ĐT về việc xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, Phòng GD-ĐT TP Hải Dương đã triển khai kế hoạch phổ biến rộng khắp các trường THCS và tiểu học trên địa bàn TP.

Nội dung của kế hoạch này là Phòng GD-ĐT cùng với các trường sẽ tiến hành lựa chọn, sưu tầm tập hợp tài liệu, các bài hát dân ca ba miền phù hợp với lứa tuổi của học sinh. Tiếp đó, các thầy cô giáo sẽ phổ biến, hướng dẫn học sinh học tập trong các tiết học âm nhạc, sinh hoạt sao nhi đồng (bậc tiểu học) và sinh hoạt Đoàn, Đội ở bậc THCS.

Ngoài ra Phòng GD-ĐT còn kiểm tra, tạo sân chơi cho các em học sinh thông qua việc  tổ chức các cuộc thi văn nghệ trong trường, biểu diễn trên sân khấu, liên hoan văn nghệ... Từ đó đã thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ, đặc biệt là duy trì được những bài dân ca truyền thống của tỉnh nhà

Minh Tiến
.
.