Chim yến nhiễm H5N1, liệu có lây sang người?

Thứ Ba, 23/04/2013, 19:45

Từ cuối tháng 3 đến nay, đã có hơn 4 nghìn con chim yến - trong tổng số hơn 100 nghìn con - nuôi tại Công ty cổ phần Yến Việt, đường Thống Nhất, TP Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận đột ngột chết lăn quay. Sau 3 lần xét nghiệm, kết quả cho thấy chúng dương tính với virus H5N1 - là loại virus gây bệnh chủ yếu ở gia cầm.

Đến tối ngày 10/4, Trung tâm Thú y vùng VI đã nhận thêm nhóm mẫu để kiểm tra, gồm chim sống, phân và tổ yến. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Yến Việt bác bỏ thông tin nguyên nhân chim chết do bệnh, mà do nắng nóng khiến chúng kiệt sức.

Theo khảo sát, tỉnh Ninh Thuận hiện có 54 hộ nuôi chim yến, đa số tại TP Phan Rang - Tháp Chàm. Hầu hết đều dùng tầng thượng của ngôi nhà - hoặc làm nhà nuôi chim yến ngay trong khu dân cư với diện tích bình quân từ 50 - 300 m2 mỗi hộ. Do nhà chim nằm trên cao, chim tự do ra vào nên nếu xảy ra dịch thì  rất khó kiểm soát.

Về mặt dịch tễ, cúm A/H5N1 có thể gây bệnh cho người tiếp xúc với vật nuôi, và được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá là loại cúm nguy hiểm. 50% bệnh nhân tử vong khi bị nhiễm loại cúm này. Tuy nhiên, cũng như những loại virus gây bệnh cúm khác, virus A/H5N1 khi ở trong môi trường bình thường, nhiệt độ từ 25 đến  30oC -  đặc biệt là trên 35oC thì trong khoảng 24 giờ, chúng sẽ chết. Còn nếu đun sôi ở nhiệt độ 70oC, 30 phút sau chúng chết.

Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhiễm: "Trong điều kiện độ ẩm cao, lạnh, virus có trong phân chim sẽ tồn tại lâu hơn, lắm khi đến 7 ngày. Vì thế, nếu các sản phẩm từ chim yến như tổ yến, được xử lý với nhiệt độ trên 70oC thì có thể coi là an toàn nhưng trong giai đoạn hiện tại, người tiêu dùng vẫn nên thận trọng, chờ kiểm tra thật kỹ". Nếu quả thật chim yến chết vì virus cúm A/H5N1 thì hãy đợi cho đến khi ổ dịch được dập tắt hoàn toàn thì mới nên dùng. Trường hợp thật cần thiết, nên xem kỹ nguồn gốc xuất xứ.

Bên cạnh đó, người trực tiếp nuôi chim yến nên tự bảo vệ chính mình bằng các biện pháp như đeo khẩu trang, găng tay để tránh tiếp xúc trực tiếp với phân, dịch tiết của chim, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Nếu thấy yến chết hoặc đang bay nhưng bất ngờ rơi xuống thì báo ngay cho cơ quan thú y. Người nuôi yến khi thấy xuất hiện những triệu chứng như sốt cao, ho kéo dài, tức ngực…, thì nên đến ngay các cơ sở y tế để được xét nghiệm nhằm phát hiện bệnh sớm.

Đây là lần đầu tiên virus cúm A/H5N1 được tìm thấy trên chim nuôi, nhất là với loài chim yến, quen di chuyển từ nơi này đến nơi khác, thậm chí chúng thiên di xa tổ cũ hàng nghìn kilômét nên nếu nhiễm virus, chúng hoàn toàn có thể phát  tán mầm bệnh rộng hơn...

V.C.
.
.