Chín lần mây khắp mùi nhang…

Thứ Năm, 20/12/2018, 07:07
“Ba tiếng vang dân/ Tung hô ba tiếng vang dân/ Áo xiêm Nghiêu Thuấn/ Cân đai giao trì/ Dấu đơn trì thiều quang mới chập chờn/ Chín lần mây khắp mùi nhang...”.

Nếu ai đã từng về Hải Dương, từng có dịp ghé thăm kép đàn Ca trù nổi tiếng Nguyễn Phú Đẹ, được nghe và trót mê đắm với tiếng đàn và giọng hát của cụ, chắc hẳn sẽ có một cảm nhận giống như một câu châm ngôn về văn hóa (khuyết danh): “Văn hóa không phải là cái gì mà chúng ta đã học được, ấy là cái gì còn lại sau khi chúng ta đã quên hết tất cả những đều đã học. cái còn lại cho ta đó là tư tưởng, là đạo nghĩa và quan niệm, nó làm tăng gia và cao nhã cái ý thức của chúng ta về cuộc đời”.

Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ tại nhà riêng.

1. Cụ Nguyễn Phú Đẹ sinh năm 1923, là con cháu dòng tộc họ Nguyễn, chi Nguyễn Phú - một dòng tộc ca trù nhiều đời của giáo phường ca trù tổng Ngọc Lâm (nay là thôn Cao La, xã Dân Chủ, huyện Tứ Kì, tỉnh Hải Dương). Ông nội của cụ là Trưởng Ty Giáo phường tổng Ngọc Lâm, sau đến đời cụ ông thân sinh ra cụ Đẹ, là kép đàn Nguyễn Phú Quỳnh kế tục chức vụ này. Thân mẫu cụ Đẹ là đào nương có tiếng trong vùng, từng được vào hát trong cung đình nhà Nguyễn.

Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật ca trù như thế, cụ Nguyễn Phú Đẹ được thừa hưởng những tinh túy của gia đình. Cụ Đẹ thuở ấy chừng 5 tuổi, đã cùng người anh trai là Nguyễn Phú Đọ, xách mũ áo đi theo cha mẹ để học mưu sinh bằng kiếp cầm ca. Cũng từ dạo ấy, khi mà chúng bạn còn vui vầy với các trò chơi con nít thì cụ Đẹ đã đến với ngón đàn, nhịp phách để trước hết là mưu sinh và sau nữa, như một sợi dây bền chặt, nối nghiệp cầm ca của gia đình.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, người đã có nhiều tháng năm thân thiết, gắn bó và được coi là người mà cụ Đẹ tin tưởng chuyện trò về cuộc đời thì bảo cụ Nguyễn Phú Đẹ gắn bó với ca trù từ những ngày thơ bé, được xem ông nội, cha mẹ, anh và chị hát lối hát cô đầu, hát cửa đình. Những nhịp phách, tiếng đàn réo rắt hòa với tiếng hát của các làn điệu ca trù với những bài ca đã trở thành bất hủ của ca trù như: “Bất năng nhẫn”, “Tỳ bà hành”, “Hồng Hồng, Tuyết Tuyết”...

Mười tuổi, cụ Nguyễn Phú Đẹ và anh trai là Nguyễn Phú Đọ đã được truyền dạy ngón đàn đáy dưới sự hướng dẫn trực tiếp của ông nội là Nguyễn Phú Tằng và cha là Nguyễn Phú Quỳnh. Qua nhiều tháng năm biểu diễn trong dân gian, kép đàn của hai anh em trở nên nổi tiếng, không chỉ đối với vùng đất Hải Dương. Khi ngón đàn đã thành tuyệt kỹ thì danh tiếng kép đàn gia tộc của cụ Đẹ đã nức tiếng.

Sau nhiều năm theo chân cha mẹ, cụ Đẹ tách ra tự lập, mang chiếc đàn đáy đi biểu diễn ở khắp các con phố, mưu sinh bằng tiếng đàn ca của mình. Khi thì Hải Dương, lúc Hà Nội, khi lên Bắc Giang, Hải Phòng...

Cụ Nguyễn Phú Đẹ và học trò, ca nương Phạm Thị Huệ.

Cụ đã chia sẻ: “Những ngày tháng tôi cùng cây đàn đáy rong ruổi đi khắp đây đó hát ca trù cả ngày lẫn đêm cũng vì nghiệp mưu sinh và mong muốn lưu giữ chút hồn quê. Không ít hôm, tôi vừa đi ra đường gặp khách mời là gảy đàn, ca từ 8 giờ sáng đến tận 9 giờ tối không ăn gì, chỉ cầm hơi bằng cốc trà xanh. Những ngày đó, tình yêu tiếng đàn, lời ca đã lấn át cái đói, cái rét, cái nhọc nhằn. Chỉ có một tình yêu mê mải với cây đàn và giọng hát. Cây đàn vừa là bầu bạn tri âm tri kỷ, bởi vì người hát ca trù ngoài việc thể hiện chuẩn nhịp, phách trong từng câu ca, lời nhạc thì cần phải liên tục làm mới mình để thổi hồn vào lời ca tiếng hát. Trong mỗi bài hát, phải chú ý gảy đàn đúng cung bậc, nhấn đúng điểm, tạo ra âm điệu trong trẻo gieo vào lòng người nghe...”.

2. Nhớ lại thời thanh niên của mình, cụ Đẹ kể, cứ đến 30 tháng Giêng âm lịch hằng năm là giáo phường khắp chốn tụ họp về nơi thờ các vị tiền bối của ca trù. Về sau, nơi thờ tự vì nhiều lý do, không còn nữa. Không còn nơi thờ có nghĩa là không còn nơi để hát ca và biểu diễn. Cụ Đẹ xót xa và tiếc nuối vô cùng vì nghĩ rằng không còn có cơ hội để làm nghề. Rồi đến một ngày, nhớ nghề, cụ cầm lại cây đàn đáy của mình. Vừa để thỏa mãn niềm say mê nghệ thuật, vừa để phục vụ công chúng, cụ đã quay trở lại với ca trù.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền là người sát cánh cùng cụ, song hành với việc tổ chức những buổi diễn xướng, có công sức ghi âm, dịch ra những nguyên lý cơ bản của hát ca trù. Nhưng rồi, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nhận ra rằng, ca trù, ngoài những nguyên tắc cơ bản của nhịp phách thì âm thanh réo rắt cất lên từ cây đàn, từ giọng hát, đều là sự bộc bạch cả nỗi niềm của con người tài hoa trước tình, trước cảnh.

Bây giờ, ở tuổi 95, cụ Nguyễn Phú Đẹ đã thực sự không còn nhiều thời gian và sức lực để có thể biểu diễn hoặc truyền nghề. Những lúc nhớ, cụ cầm đàn lên gảy. Giữa làng quê, giữa thinh không tịch mịch của đồng ruộng và cây cối, tiếng đàn réo rắt như trải lòng ra muôn nẻo.

Non xanh xanh, nước xanh xanh/ Sớm tình tình sớm, trưa tình tình trưa/ Ấy ai tháng đợi năm chờ/ Mà người ngày ấy bây giờ là đây/ Hồng Hồng Tuyết Tuyết/ Mới ngày nào còn chưa biết chi chi/ Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì/ Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu/ Ngã lãng du thời quân thượng thiếu/ Quân kim hứa giá ngã thành ông/ (Lúc ta giang hồ, em còn bé/ Nay em đủ lớn, lão già rồi)/ Cười cười nói nói sượng sùng/ Mà bạch phát hồng nhan chừng ái ngại/ Riêng một thú thanh sơn đi lại/ Khéo ngây ngây dại dại với tình/ Đàn ai một tiếng dương tranh”.

Đối với nghệ nhân dân gian Nguyễn Phú Đẹ, ca trù không chỉ là mối duyên đơn thuần mà nó là cái nghiệp cần duy trì và phát huy của cả một gia đình, dòng tộc. Cụ đã có hơn 80 năm trong nghề, cụ được giới chuyên môn đánh giá và phong tặng cho danh xưng “Đệ nhất danh cầm” vì trình độ chơi đàn đáy của cụ là độc nhất vô nhị, có những ngón đàn của cụ được công nhận là độc chiêu.

Các ngón nhấn, chùn, rung, vấy, chụp... của đàn đáy, cụ Đẹ đã đạt đến độ tuyệt kỹ. Lối đàn “hàng huê” của cụ khiến cho nhiều ca nương phải “rung phách”. Cho đến nay, cụ Đẹ là người duy nhất còn có thể đeo đàn đứng hát trong nghi lễ hát ca trù cửa đình, một lối hát được tổ chức vào những dịp lễ hội kỷ niệm ngày sinh, ngày hóa của các vị thành hoàng làng.

Gần trọn cuộc đời gắn chặt với những thanh âm “tom - chát”... tâm nguyện lớn nhất của cụ là lưu lại được tiếng đàn cho đời và truyền lại được cái “lửa” của ca trù cho thế hệ sau. Cụ Phú Đẹ trở lại khi tuổi cao, sức đã yếu, nên nỗi đau đáu truyền nghề cho con cháu lại càng tha thiết hơn bao giờ hết. Cụ đã truyền dạy cho con cháu ở Hải Dương và các nghệ nhân muốn theo đuổi nghệ thuật ca trù ở các tỉnh như Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An...

Dù là nhiều người theo học nhưng dường như cụ chưa có truyền nhân, bởi vì, theo cụ, học ca trù, rất khó, có năng khiếu thôi chưa đủ mà còn có tâm huyết với nghề, yêu nghề, yêu vốn cổ và cả một không gian văn hóa đã trở thành xưa cũ... Có một vài người được cụ tin tưởng và cũng dành trọn tâm huyết để truyền dạy các ngón nghề ca trù đó là nghệ nhân Phạm Đình Hoằng, ca nương Phạm Thị Huệ và một số nghệ nhân ở các vùng miền như Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng... được giới chuyên môn đánh giá cao.

Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ trong cửa hàng tạp hóa của con.

Theo cụ Đẹ chia sẻ, để tìm được học trò tâm huyết với ca trù không dễ. Bởi vì, ca trù đòi hỏi sự miệt mài, lòng say mê và năng khiếu đàn hát. Học ca trù phải học rất lâu, thậm chí phải học cả đời. Chính vì những cái khó như vậy nên phải có lòng kiên trì mới trụ vững. Như bản thân cụ, dù gần 50 năm không được “hành nghề” nhưng cụ vẫn phải luyện đều.

Cụ bảo, phải luôn răn mình rằng còn sống ngày nào còn phải cầm cây đàn, phải luyện, làm thế nào để tiếng đàn thật ngon, tròn vành, rõ tiếng... mới là được. Thời bây giờ, nhiều người trẻ chọn con đường tiến thân bằng âm nhạc hiện đại, nhạc trẻ, nhanh giàu, nhanh nổi tiếng, nhiều người thích, chứ mấy ai đi theo cái điệu “í a”, âu cũng là sự phát triển đương nhiên của đời sống. Khó lòng mà trách ai được.

3. Dù là nghệ nhân cao tuổi nhất còn minh mẫn và truyền dạy cho nhiều thế hệ, song, có một thực tế đáng buồn là chính sách cho nghệ nhân chưa thực sự thỏa đáng, chính vì thế, cụ Đẹ hiện tại sống nhờ các con cháu mà chưa nhận được sự hỗ trợ từ chính sách. Mặc dù Cụ Nguyễn Phú Đẹ đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng bằng công nhận danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” và kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam”.

Năm 2015, cụ được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Hiện cụ sống bằng sự hỗ trợ của 3 người con, dù các con cụ cũng chỉ làm nông nghiệp.

Cụ chia sẻ: “Con cái mình nó nuôi thân đã khó, giờ còn nuôi cả thân già như mình, cũng tội lắm. Tôi ở với con gái út, may nhà gần đường, mở cái hiệu tạp hóa bán rau cỏ, bim bim cho trẻ con, lãi được dăm trăm, một nghìn đồng cũng là may, còn có việc làm kiếm đồng ra đồng vào, thôi thì mình cũng còn có ích cho chúng nó. Đời sống, chả có gì đòi hỏi đâu, ăn uống giờ tôi cũng chả thiết gì, rau cỏ cũng xong, tằn tiện thì cũng đủ chi tiêu trong 180 nghìn đồng tiền hỗ trợ cho người cao tuổi, giờ mà được thêm vài đồng tiền hỗ trợ từ nghề ca trù cả đời mình đeo đuổi thì cũng có cái vui, cái hạnh phúc mà đỡ mang tiếng ăn bám con.

Cái đời sống nghĩ lắm lúc cực quá. Mình cũng cố gắng mà giữ được di sản của ông cha từ trước nhưng cực, bởi vậy mà con cái (3 con và 30 cháu chắt) của tôi không ai đi theo được nghề cả, không đủ sống với nghề, nên phải chọn những nghề khác, dù vất vả hơn nhưng lo được cho đời sống...”.

Trong những ngày giáp tết trời lạnh buốt, ngồi lặng trong không gian làng quê tịch mịch, lắng nghe âm thanh réo rắt từ chiếc đàn đáy của cụ Nguyễn Phú Đẹ, bỗng cảm thấy cả một bầu trời quá khứ hiện về trong cao sang, đài các, trong réo rắt của nhã nhạc cửa đình vang vọng hồn núi sông. Những nghệ nhân dân gian như cụ Nguyễn Phú Đẹ đã thổi linh hồn vào tiếng đàn, tiếng hát như một dấu tích còn lại của những cung bậc văn hóa và cảm xúc...

Thiên Kim
.
.