Chính quyền Libya mới tăng cường bảo vệ kho tàng văn hóa đất nước

Thứ Năm, 17/11/2011, 16:00
Hiện nay, chính quyền mới của Libya đang làm việc với UNESCO và Interpol trong nỗ lực giành lại bộ sưu tập những đồng tiền cổ quý giá, đồ trang sức và những bức tượng nhỏ được cho là bị đánh cắp trong tháng 5/2011 từ một tầng hầm ngân hàng ở phía đông thành phố Benghazi. Bộ sưu tập gọi là “Kho tàng Benghazi” chứa đựng quá khứ Hồi giáo, La Mã và Hy Lạp của Libya.

Nhà khảo cổ học Libya Hafed Walda ở King'College, London (Anh), cho biết có lẽ bọn trộm đã sử dụng máy khoan bằng khí nén để đột nhập qua phần trần bê tông để xuống tầng hầm Ngân hàng thành phố Benghazi lấy đi nhiều món đồ tạo tác.

Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) của Libya tin rằng một số đồng tiền cổ bị đánh cắp trong "Kho tàng Benghazi" trong thời gian xảy ra cuộc chiến giữa quân chính phủ của Tổng thống Gaddafi với lực lượng nổi dậy NTC đã được vận chuyển đến Ai Cập.

Fadel al-Hasi, quyền lãnh đạo cơ quan phụ trách cổ vật của Libya, khẳng định có sự tiếp tay của người trong ngân hàng và toàn bộ nhân viên ngân hàng cũng được điều tra nhưng không có kết quả. Tháng 7/2011, Fadel al-Hasi đã báo cáo vụ việc đến Interpol và các thị trường cổ vật quốc tế được giám sát chặt chẽ. Nhà khảo cổ Hafed Walda nói: "Đây là mất mát lớn cho Libya và thế giới".

Hơn 7.000 đồng tiền cổ quý giá cùng với những món đồ tạo tác khác bị đánh cắp vào tháng 5/2011 khi cuộc chiến nổ ra. Lúc đó một ngọn lửa bùng lên trong ngân hàng thành phố và nó được coi là một phần của vụ cướp táo bạo. "Kho tàng Benghazi" bao gồm hơn 10.000 đồ vật, với những đồng tiền vàng cổ của Hy Lạp, La Mã, Byzantne và thời đại Hồi giáo xa xưa, kể cả những báu vật khác như những bức tượng nhỏ và đồ trang sức. Phần lớn kho tàng được khám phá trong thời gian người Italia chiếm đóng Libya. Chúng bị mang đi khỏi Libya rồi quay trở về nước này năm 1961 sau khi đất nước giành được độc lập.

Bộ sưu tập "Kho tàng Benghazi" được gìn giữ dưới tầng hầm ngân hàng Thương mại Benghazi kể từ đó để chờ vận chuyển đến một nhà bảo tàng. Nhưng nhà bảo tàng này chưa bao giờ được xây dựng. Những đồng tiền cổ cũng chưa bao giờ được chụp hình hay ghi chép vào sổ và dường như chúng đã bị quên lãng - theo Tiến sĩ Saleh Algab, Chủ tịch Nhà Bảo tàng quốc gia Tripoli

Bản tuyên bố cách mạng năm 1969 của Gaddafi bị bôi bẩn.

Fadel al-Hasi cho biết đã phát hiện được một số đồng tiền cổ tại Ai Cập nhưng vụ việc còn trong quá trình xác định. Cũng có những báo cáo về việc nhiều đồng tiền cổ xuất hiện tại chợ vàng hằng ngày ở thành phố Benghazi. Tuy nhiên, do chính trường Libya còn bất ổn nên vụ việc tạm gác lại.

Không quên số phận của nhà bảo tàng ở thủ đô Baghdad của Iraq sau cuộc tấn công của liên quân do Mỹ dẫn đầu năm 2003, giới quan chức ở Nhà Bảo tàng quốc gia Tripoli rất thận trọng gìn giữ kho báu của Libya. Những đồng tiền cổ, đồ trang sức và những bức tượng nhỏ được cất giữ kín đáo đằng sau những bức tường và nhiều nơi bí mật khác. Do đó, một số lớn những bức tượng được bình an vô sự.

Những kẻ trộm cắp cổ vật lợi dụng giai đoạn hỗn loạn của Libya để cướp phá bất cứ thứ gì. Kính cửa chiếc ôtô màu ngọc lam Volkswagen Beetle mà Muammar Gaddafi thời trẻ thường lái trong thập niên 60 thế kỷ trước cũng bị đập vỡ. Đèn pha chiếc xe jeep quân đội mà Gaddafi lái trong thành phố Benghazi năm 1969 khi tuyên bố cuộc cách mạng của ông ta thắng lợi cũng bị phá hỏng.

Đại tá Gaddafi còn có cả một gallery để trưng bày chiến tích của ông. Nhưng "Sách Xanh" của Gaddafi không còn thấy treo trên các bức tường và bản tuyên bố cuộc cách mạng năm 1969 của Gaddafi đã bị bôi bẩn. Fathiya al-Hawassi, Giám đốc Nhà Bảo tàng quốc gia Tripoli nói, ông không dám phản kháng lại hành vi đập phá hiện vật trưng bày của người thuộc phe nổi dậy. Còn Mustafa Turjman, lãnh đạo nghiên cứu ở Cơ quan Khảo cổ học quốc gia Libya nói: "Chúng tôi cảm thấy chưa đủ an toàn để mở cửa lại Nhà bảo tàng (Tripoli)".

Libya là quê hương của những điểm khảo cổ tiết  lộ những nền văn minh cổ xưa như La Mã, Byzantine và Hy Lạp. Chính sự giàu có về giá trị lịch sử này mà Libya là điểm thu hút rất đông khách du lịch rất thu hút. Nhưng Bảo tàng quốc gia Libya luôn bị đe dọa cướp bóc từ trước và sau cuộc cách mạng của NTC.

Ngay dưới chế độ Gaddafi, Nhà Bảo tàng Tripoli cũng lỏng lẻo về an ninh do chính quyền ít quan tâm tài trợ.  Nhà bảo tàng Tripoli lưu giữ những giai đoạn lịch sử của Libya thời cổ cũng như hiện đại. Khách tham quan nhà bảo tàng bắt buộc phải để túi xách ngay ngoài cổng vào, song một số biện pháp an ninh cơ bản nhất như hệ thống camera giám sát vẫn không thấy đâu.

Theo ghi nhận chính thức, 90 cổ vật lịch sử như lọ gốm và tượng bị mất cắp từ năm 1988 và rất nhiều cổ vật khác bị đánh cắp tại các nhà bảo tàng trên khắp Libya trước đây nhưng cơ quan tư pháp và an ninh của Gaddafi vẫn không tiến hành những bước điều tra cụ thể nào để lôi bọn cướp ra tòa.

Một số đồ cổ bị mất cắp ở Nhà Bảo tàng Sabratha bị phát hiện và bắt giữ tại biên giới Ai Cập năm 2003 và sau đó được bảo vệ nghiêm ngặt ở Nhà Bảo tàng Alexandria của Ai Cập để chờ ngày chính thức trở về Libya. Dưới chế độ Gaddafi, những cuộc thương lượng giữa quan chức hai nước Libya và Ai Cập đã diễn ra nhưng chưa có kết quả

An An (Tổng hợp)
.
.